Tiếng sấm nổ sẽ gây ra nhiều hiện-tượng như: Sự thay đổi địa-hình,
người đời đê-mê bất tỉnh, các vị Phật Tiên thừa vân lai thế công đồng thưởng
phạt, lập lên đời Thượng-Ngươn…
Về tiếng sấm nổ, ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :
Thương thay trần hạ hết tình,
Sấm trời sao lại thình-lình nổ ra.
Chừng ấy mới thấy quỉ ma,
Ai lành ai dữ ai là Phật Tiên.
Còn ông Ba Thới thì viết :
Chừng nào nghe một tiếng âm thinh,
Lạ quê lạ kiểng bình-minh lạ người.
Lạ non núi lạ dạng nói cười,
Mặt mày lơ láo như người cuồng phu.
Đều cho biết những hiện-tượng vừa kể trên trong khi sấm nổ.
Về sấm nổ Đức Huỳnh Giáo-chủ giải rất dài, vì đây là một hiện-tượng quan-trọng . Trước hết, tiềng sầm nổ ấy, làm bộc lộ kiểng Tiên :
Vang vầy sầm nổ chuyển luân,
Kiểng Tiên lộ vẻ vui mừng cha con.
Sau nữa, tiếng sấm nổ làm lộ bảng vàng, các nước vì tham báu kéo qua gây chiến-tranh thảm-khốc :
Sấm vang thì lộ bảng vàng,
Chư nhu thế-giới khắp tràng đến thi.
Chữ thi gần chữ sầu bi,
Bị ham của báu ly-kỳ máu rơi.
Tại đâu các nước kéo qua tranh báu, và báu ấy ở đâu ? Về vấn-đề này ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :
Chừng nào bảy núi thành vàng,
Thời là mới đặng thanh-nhàn tấm thân.
Hay là:
Chừng nào Núi Cấm hoá lầu,
Thời là bá tánh đâu đâu thái-bình.
Còn ông ba Thới thì cho biết :
Vận nghèo ai chẳng phi ơn,
Của Trời Phật để Thất-Sơn thiếu gì.
Đức Huỳnh Giáo-chủ thì Ngài không ngớt nhắc đi nhắc lại:
Trên Bảy Núi còn nhiều báu lạ,
Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời.
Coi là coi được Phật được Trời,
Coi phép lạ của Tiên của Thánh.
Ngài cho biết rằng tuy nay là chốn rừng sâu u-minh nhưng mà trong đó có vàng,
Hỡi bá-tánh rừng sâu có mạch,
Tuy u-minh mà có đền vàng.
Và Ngài không ngớt khuyên dân-chúng hãy rán tu để sau xem báu ngọc ấy :
Đời cùng tu gấp kịp thì,
Đặng xem báu ngọc ly-kỳ Năm Non.
Ngài quả quyết trong ruột Năm Non ấy có lâu đài.
Rừng lâm cây đá thấy ngày nay,
Mà ruột Năm Non có các đài.
Chờ đợi con hiền noi tục cổ,
Tới thời Thượng-cổ điểu hoà mai.
Và Ngài cho biết lâu đài ấy sẽ lộ nay mai ;
Lầu đài Núi Cấm lộ nay mai,
Thức tỉnh chúng sanh sớm tỏ bày.
Khuyên dạy dân tình minh đạo-đức.
Tu hành được thấy cảnh Bồng-lai.
Mà khi lâu đài lộ vẻ rồi thì chừng ấy sẽ thấy nhiều việc ly-kỳ ở Năm Non :
Làm cho rồi phận tu-mi,
Sau này sẽ thấy ly-kỳ Năm Non.
Và những chuyện ly-kỳ ấy không chi khác hơn là các nước khi thấy đền đài châu báu lộ ra quá tham mà kéo đến :
Lao xao bể Bắc Non Tần,
Quân Phiên tham báu xa gần cũng qua.
Tranh phân cho rõ tài ba,
Cùng nhau giành giựt mới là thây phơi.
Bởi thế Đức Huỳnh Giáo-chủ thường khuyên :
Khuyên bổn đạo chớ nên mê ngủ,
Thức dậy tầm đạo chánh của Khùng.
Đặng sau xem liệt-quốc tranh hùng,
Đặng sanh sống nhờ ơn chín bệ.
Hoặc là :
Đức Diêm-chúa yêu người hiền thảo,
Trọng những ai biết niệm Di-Đà.
Lại được gần bệ ngọc long-xa,
Coi chư-quốc tranh giành châu báu.
Hay là :
Hãy mau khuyên sớm chuyên cần,
Đăng xem chư-quốc non Tần giành chia.
Nhưng đến khi ấy người hiền thảo thì được dựa kề bệ ngọc các lân xem chư quốc tranh hùng, còn người hung ác thì chịu cảnh vợ xa chồng, con lạc mẹ vì cuộc chiến-tranh tàn-khốc ấy :
Thảm cho trẻ hài-nhi lịu-điệu,
Vợ xa chồng bận bịu thê-lương.
Phong-trần dày-dạn gió sương.
Chư bang ham báu hùng cường đua tranh.
Còn một cuộc chiến tranh giành xé,
Khắp hoàn-cầu ó ré một nơi.
Dòm xem châu ngọc chiều mơi,
Sao đời không sớm tách đời cõi mê.
Tuy biết rằng vì ham báu mà các nước kéo qua tranh giành gây nên cuộc xâu xé nhau làm cho lê dân phải chịu hoạ lây, nhưng có đến cảnh thê-thảm ấy, người hiền đức mới thấy phép mầu của Phật Tiên Thần Thánh :
Thất-Sơn lộ vẻ lâu đài,
Chừng ni mới thấy nhiệm mầu của Ta.
Bởi vì chính lúc thảm khổ ấy, lúc sanh linh chết thôi vô số kể, các đấng Tiên Phật mới hiện ra mà Đức Huỳnh Giáo-chủ đã khuyên tín-đồ lo tu sau sẽ thấy việc gì trên mây.
Tu hành tâm trí rán tri,
Sau này sẽ thấy việc gì trên mây.
Hoặc là :
Này này lời lẽ rán ghi,
Sau đây sẽ thấy việc gì trên mây.
Chừng đó những người hiền đức sẽ được tạn mặt nhìn thấy Phật Tiên và lâu đài quốc-vương :
Nguyện cầu qua khỏi nạn tai,
Đặng coi Tiên, Thánh lầu đài quốc-vương.
Hay là :
Chữ Nam-mô dẹp được lòng sầu,
Sau thấy được nhà Tiên cửa Thánh.
Chẳng những được thấy Tiên Phật mà còn được xem phép mầu của mấy ngài nữa :
Thương sanh chúng tỏ bày quá kỹ,
Hỡi dương trần nên sớm quày đầu !
Đặng sau xem Phật-pháp nhiệm mầu,
Với báu quí đài lầu tươi tốt.
Về những phép lạ này, Đức Huỳnh Giáo-chủ có nói đến nhiều đoạn, như :
Sớm chiều rèn đúc kinh tinh,
Ngày sau mới thấy phép linh của Trời.
Những phép lạ ấy sỡ dĩ Phật Tiên hoá hiện ra là để trừ lũ Hung-Nô :
Gắng công tu xem nhiều phép lạ,
Của Thần Tiên trừ lũ Hung-Nô.
Phải có phép Phật mới trừ nổi lũ Hung-Nô, vì chúng nó có tài phép đa đoan lắm. Về đoạn này Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :
Các nước vây phủ tư bề,
Phật cùng chư vị nào hề rảnh đâu.
Minh-Hoàng ngự tại Nam-lầu,
Phật cùng chư-vị lo thâu phép Thần.
Còn ông Ba Thới thì viết :
Mãn nhứt thinh các nước đều vô,
Đầu sơn giao chiến Nam-mô tranh tài.
Thập bát quốc vây phủ ở ngoài,
Thiền trung xuất trận phép tài quan Thiên.
Đoái Ngũ-long tiền trận nữ Phiên,
Giao chinh tam trận chư Tiên lai đầu.
Phật thâu phép chư quốc chư hầu,
Qui lai thiền nội ứng hầu Phật-vương.
Và Đức Huỳnh Giáo-chủ thì viết :
Địa Tiên tài phép đa đoan,
Phi-đao bửu-kiếm mê mang mắt trần.
Phật truyền thâu hết phép Thần,
Cứu an bá tánh một lần nạn nguy.
Phiên binh bốn phía tứ vi,
Kể sao cho xiết chuyện ni sau này.
Lớp thì thú ác dẫy đầy,
Lớp thì tranh-đấu tối ngày chẳng thôi.
Kẻ hung chừng đó làm mồi,
Cho bầy ác thú đền bồi tội xưa.
Nhưng khi Phật thâu hết phép rồi, Phiên binh hàng đầu bằng cách nào ?
Ông Ba Thới cho biết Việt-Nam có một vị quân sư thượng-trí anh-hào coi mười tám nước :
Nam triều sau có quân-sư,
Coi mười tám nước chư châu phục tùng.
Ngày sau nhiều kẻ anh hùng,
Nghề văn nghiệp võ trí trung không cùng.
Vị quân-sư ấy đóng một vai trò quan-trọng mà ông Ba Thới cho biết thêm rằng :
Hữu quân-sư thượng trí anh-hào,
Dạy mười tám nước chỗ nào văn thơ.
Mười tám nước tài phép trơ trơ,
Phật thâu trả quả ngẩn ngơ chư hầu.
Mười tám nước lai giáng hàng đầu,
Thường năm cống lễ ứng hầu Hớn-bang.
Chỉ dùng thượng trí mà vị quân-sư ấy làm cho tài phép của các nước phải trơ trơ. Về đoạn này Đức Huỳnh Giáo-chủ nói rõ cho người đời thấy rằng :
Thất-Sơn tiếng nổ,
Qui cổ diệt kim.
Cửu cửu y nhiên,
Tình riêng tham báu.
Đổ máu tuôn rơi,
Khùng mới nói chơi,
Chư bang hàng phục.
Cũng đồng một ý nghĩa như ông Ba Thới rằng : Khùng mới nói chơi, chư bang hàng phục nghĩa là khắc phục Phiên-binh bằng phương-pháp bất chiến. Để bộc lộ tánh-cách bất chiến ấy, Đức Huỳnh Giáo-chủ viết thêm rằng :
Anh hố hò khoan,
Tình tang xự xế,
Bỏ phế hương thôn,
Ác đức vô môn.
Rồng mây hội yến,
Ra đời bất chiến,
Nổi tiếng từ-bi,
Lời lẽ rán ghi.
Thành công em thắm,
Có lắm người yêu.
Về đoạn này nhiều ngươi đem so sánh cho rằng giống một đoạn sấm của cụ Trạng-Trinh.
Phân nhân lòng bắt khởi,
Nhiểu nhiểu xuất đông chinh.
Bảo-Sơn thiên-tử xuất,
Bất chiến tự-nhiên thành.
Chắc sao cũng có kẻ hỏi : tại đâu chỉ mới nói chơi mà chư bang hàng phục, chẳng chiến mà thành? Có ngươi giải-thích rằng: khi sấm nổ rồi thì súng chai, các võ-khí không còn hiệu lực nữa. Trong lúc ấy chỉ còn đấu phép hay đấu trí. Xưa nay sở-dĩ có chiến-tranh, nước khai hấn bao giờ cũng có giữ nhiều mưu-đồ chiến-lược bí-mật, chắc chắn rằng bên địch không lường nổi. Nay nước Việt-Nam có một vị quân-sư thượng-trí, có lục thông (Thiên-nhãn-thông, Thiên-nhĩ-thông, Thần-túc-thông, Tha-tâm-thông, Túc-mạng-thông, Lậu-tận-thông) ngồi một nơi mà thấy xa, nghe xa biết cả ý muốn của người nữa, thử hỏi khi chiến-lược của mình mà người biết, đều toan tính trong lòng mình mà người ấy lại hay, còn ai có gan dạ nào khai chiến, chẳng hàng đầu chớ.