Mẩu chuyện số 64 - CÂU CHUYỆN THIÊN CƠ.

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43996)
Mẩu chuyện số 64 - CÂU CHUYỆN THIÊN CƠ.

C

âu chuyện nầy do ông Hương chủ Lâm Thơ Cưu kể. Ông ở làng Mỹ Hội Đông, quận Chợ Mới, tỉnh An giang, gia đình khá giả, có danh tiếng nhứt trong vùng. Sau khi thọ giáo với Đức Thầy, ông Chủ phế hết quyền lợi, thường lui tới Tổ Đình để nghe Pháp.

K

hoảng thời gian Đức Thầy bị người Pháp dời đi từ Châu Đốc đến Sa Đéc, Cần Thơ, nhà thương Chợ Quán, rồi Bạc Liêu, Saigòn, ông Chủ Cưu đều theo sát bên Đức Thầy. Đến đầu mùa xuân năm Ất Dậu 1945, người Pháp theo dõi ruồng bắt những tín đồ có trách nhiệm trong Đạo ở các địa phương, cho nên các vị ấy cũng như ông Chủ Cưu đều lên ở chung với Đức Thầy tại văn phòng Sai gòn.

Sáng hôm nọ mọi người đều ở từng dưới chỉ một mình Đức Thầy và ông Chủ Cưu ở trên lầu. Trong câu chuyện vui vẻ, ông Chủ mới nói:

-Rồi đây tôi sẽ kiện Đức Thầy cho mà coi.

Đức Thầy liền cười và hỏi:

-Tại sao ông Chủ kiện tôi?

Ông Chủ nói:

-Tôi vì nghe lời Thầy mà gia đình và sự nghiệp đều bỏ hết, tới chức Cai Tổng mới đây tôi cũng bỏ luôn, không ra tranh cử.

Đức Thầy liền nói:

-Ông Chủ kiện tôi tới Decoux hay De Latre gì đây và kiện bởi nghe lời lý do gì mới được chớ!

Ông Chủ nói:

-Tôi kiện Thầy lên tới Đức Ngọc Hoàng vì Thầy nói: “Đến Thân Dậu Thánh Thần náo động, Thảm cho trần nhà trống ruộng hoang” mà tới bây giờ chưa có chuyện gì xảy ra hết.

Nói tới đây, bỗng có ông Hương Hào Phỉ dưới lầu đi lên. Đức Thầy nhìn sang ông Phỉ vừa cười vừa nói:

-Hương Hào nghĩ coi, tôi mở Đạo để khuyên người ta tu hành, mà có người đòi kiện tôi đây nè!

Ông Hương Hào mới lanh trí thưa:

-Tôi nghe Thầy nói: “Tu không tu cũng không mời thỉnh” chớ đâu có rủ ren hay nài ép ai mà người ta đòi kiện. Vậy mà ai đòi kiện Đức Thầy vậy chớ?

Đức Thầy nhìn qua ông Chủ vừa nói:

-Thì ông Chủ đây chớ ai!

Đoạn Ngài thuật lại câu chuyện nãy giờ cho ông Phỉ nghe, rồi Ngài nói qua chuyện khác.

Ít hôm sau công việc cũng bình thường, bỗng có tiếng còi báo động khắp độ thành, mọi người đều xuống hầm núp, Đức Thầy cũng xuống theo. Ai nấy đều ngạc nhiên, tự hỏi mấy lần trước đây còi báo động như thế nào, Đức Thầy cũng không xuống, nhưng hôm nay tại sao Đức Thầy lại xuống theo với mình. Qua mấy phút im lặng, bỗng một tiếng súng đại bác nổ thật lớn, rồi cứ liên tiếp nổ rền rĩ khắp nơi, mỗi lần tiếng súng nổ vừa dứt, Đức Thầy kêu ông Chủ hỏi:

-Có không ông Chủ !

Đức Thầy hỏi luôn ba lần như vậy. Lúc ấy ông Chủ vừa run sợ, vừa tủi thẹn cho lời nói đòi kiện Đức Thầy của mình hôm trước thật quá thất lễ. Ông liền van xin Đức Thầy với giọng nói run run:

-Thầy ôi! Bao nhiêu cũng đủ rồi Thầy.

Câu chuyện nầy thuật theo lời của ông Hương Hào Phỉ.

PHẦN NHẬN XÉT:

Nghe câu chuyện vừa qua, chúng ta thấy có những điểm cần lưu ý:

Điểm thứ nhứt: Vì ỷ lại vào bà con, nên trong lúc trò chuyện với Đức Thầy, ông Chủ thốt ra những lời hình như thiếu e dè và kính nể.

Điểm thứ hai: Vì quá chú trọng về thời cuộc, ông Chủ chưa trọn niềm tin nơi Đức Thầy mới hoài nghi, khiến lòng ông phân vân do dự. Nhớ mình đã bỏ nhiều cơ hội tốt cho gia đình và sự nghiệp, nên ông mới có những lời nghe như thống trách và tiếc uổng. Đức Thầy rất biết rõ tâm niệm của tín đồ, song vì thiên cơ bất khả lậu, nên Ngài chỉ hé mở đôi chút cho mọi người tự tìm hiểu. Do đó, trước lời thống trách của ông Chủ, Ngài chỉ nói nửa đùa nửa thật vậy thôi.

Điểm thứ ba: Bởi biết trước mọi việc sắp xảy ra, nên khi còi báo động, Đức Thầy theo mọi người xuống hầm núp, mà từ trước tới giờ Ngài chưa bao giờ xuống.

Ấy là Ngài biết đã đến lúc cần giác tỉnh ông chủ Cưu. Riêng về ông Chủ, khi nghe tiếng súng nổ rang rền và liên tiếp, khiến ông khiếp sợ. Nhưng lúc nghe Đức Thầy hỏi: “Có không ông Chủ?” thì ông rất ăn năn cho lời nói và ý nghĩ nghi ngờ vừa qua của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn