Mẩu chuyện số 40 - KHẨU NGHIỆP

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43695)
Mẩu chuyện số 40 - KHẨU NGHIỆP

N

ơi Kim Sơn Tự (Tổ Đình Hòa Hảo) khoảng thượng tuần tháng 11 năm Kỷ Mão (1939), vào một ngày nắng sớm chan hòa, ấm áp, Đức Huỳnh Giáo chủ đang ngồi trên chiếc ghế dựa bàn bạc việc Đạo cùng một số tín đồ: Ông Năm Chơn, ông Biện Hùm, ông Năm Hiệu và ông Đặng Thành Tựu. Đang nói chuyện, bỗng Đức Thầy ngừng lại, đứng dậy hướng mắt ra cửa nói:

-Đem đi đâu vậy? Đem về đi, mượn người ta thì mang ơn người ta chớ!

Lúc ấy chẳng ai hiểu Đức Thầy muốn nói gì và ám chỉ việc chi. Thì một bà lão từ trên chiếc xe lôi ngoài đường đang bước xuống, trên tay bà đang bồng một em bé độ bảy tám tuổi, tay chơn buông thỏng như một xác chết đi vào. Bà lão vừa đặt đứa bé xuống bộ ván ngựa thì Đức Thầy cũng lập lại câu nói ban nãy:

-Đem đi đâu vậy, mượn người ta thì mang ơn người ta chớ.

Bà lão có vẻ lo lắng, giọng trầm buồn bạch với Ngài:

-Bạch Thầy! Nhờ Thầy ra ơn từ bi cứu giùm cháu tôi. Số là buổi chiều hôm qua, dâu tôi là mẹ đứa bé nầy vì tức giận nên đã kêu Thần Thánh mà trù rủa con nó rất nhiều, thành ra hôm nay mới xảy ra việc nầy.

Bằng một giọng buồn rầu bà tiếp:

--Nó đau nặng quá Thầy, xin Thầy làm phước cứu giùm nó.

Thật vậy, đứa bé kia chỉ còn chút hơi thở yếu ớt mà thôi. Mặc dầu nói vậy, nhưng Đức Thầy: “….. .Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa….. .dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi.. .”

(Bài Sứ Mạng)

Ngài đi ngay lại bàn Phật, lấy chung nước lã, đem trao cho bà lão cho đứa bé uống, chẳng mấy chốc đứa bé tỉnh lại như thường.

Viết theo lời ông Đặng Thành Tựu.

PHẦN NHẬN XÉT:

Lời xưa đã bảo:”Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, Nhứt ngôn khả dĩ tán bang.”

Đức Giáo Chủ đã phán dạy: Trong đường tu nương theo Tam nghiệp thì khổ não lắm, chúng sanh tịnh được Tam nghiệp thì mới mong về cõi Phật.

Tam nghiệp là:

-Thân nghiệp.

-Khẩu nghiệp.

-Ý nghiệp.

Nhưng Thầy xét lại khẩu nghiệp các trò nặng nề hơn hết.

Thật vậy, cái lưỡi là một lợi khí không nhỏ của nhơn sanh. Người ta không ngần ngại dùng cái lưỡi để bóp méo sự thật và biến kẻ ân thành oán, rồi dắt tay nhau đến chỗ tương sát tương tàn, biết bao thảm kịch do miệng lưỡi.

Đức Giáo Chủ cho biết cái lưỡi đã tạo những sự chia rẽ, những sự phân tranh phá tan sự đoàn kết, tình thân yêu của nhơn loại. Nó cũng là nguồn cội của bao sự bất hòa, hiềm khích. Phụ nữ ở nước ta cũng có nhiều người không cẩn hạnh, cẩn ngôn, nên khi tức giận thì buông lời nói ác, hoặc trù rủa, kêu mời không nể kiêng Thần Thánh. Đến khi lâm bịnh khóc than khấn vái. Nếu không mãn nguyện thì trách móc Phật Trời. Để khuyến cáo kẻ mê mờ, Ngài phán dạy ở điều răn cấm thứ tư:

Ta chẳng nên kêu Trời, Phật, Thần, Thánh mà sai hay hoặc nguyền rủa vì Thần Thánh không can phạm đến ta.”

Một nơi khác Ngài cũng từ bi phán dạy:

Bịnh ôn dịch cũng đừng mời thỉnh,

Cõi ngũ hành chẳng khá réo kêu.

Hãy gìn lòng chớ khá dệt thêu,

Nói xiên xỏ cũng không no béo.

(Quyển 2 Kệ Dân Của Người Khùng)

Đức Giáo Chủ ra đời như vầng thái dương rọi tan đám sương mù đã từ lâu che lấp ánh sáng trí tuệ. Chẳng những dạy con người sớm tỉnh ngộ lên đường giải thoát, mà còn dạy họ hoàn bị hạnh tu nhân. Nên phận làm cha, mẹ cũng không quên làm gương hạnh cho con cháu. Ngài dạy:

Dạy rồi những việc đức ân,

Phận làm cha mẹ xử phân lẽ nào?

Lỗi lầm chớ có hùng hào,

Đừng chửi đừng rủa đừng cào đừng bươi.

Đem lời hiền đức tốt tươi,

Đặng mà giáo hóa vàng mười chẳng hơn.

Cũng đừng gây gổ giận hờn,

Cho con bắt chước sạ duơn mới là.

(Quyển 3 Sám Giảng)

Từ khi nghe được lời phán dạy của Tổ Thầy, đa số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã trau sửa, nói lời chánh ngữ, nên đã trở thành con người tốt đẹp từ lời nói lẫn việc làm, và tránh khỏi bị tai họa do khẩu nghiệp gây ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn