Bài 8.- VIẾNG LÀNG MỸ HỘI ĐÔNG

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 38812)
Bài 8.- VIẾNG LÀNG MỸ HỘI ĐÔNG

XUẤT XỨ :

          Vào mùa Xuân năm Canh Thìn (1940) thỉnh thoảng Đức Giáo Chủ có đi viếng thăm và thuyết giảng các xã lân cận. Như vào đêm 22 tháng giêng năm Canh Thìn, Ngài đến viếng làng Mỹ Hội Đông. Hôm ấy, Ngài vừa ứng khẩu thuyết giảng, vừa sáng tác bài giảng nầy tại nhà ông Cả Mười trước mặt các nho gia và đa số thính chúng dự nghe.

          (Theo bản lưu bút của ông Hương thân Ướng, tức là Nguyễn Thanh Tân để lại. Ông Năm Âu người cháu còn lưu giữ, trước hết Đức Thầy có ngâm 4 câu thi:

                        Buông mành thả lá cạn dòng châu,

                        Áo não tâm can cảnh mộng sầu.

                        Môi hở sợ e răng phải lạnh,

                        Đáy lòng cạn tỏ máy huyền sâu.)

          VĂN THỂ

          Ngài thuyết giảng bằng điệu vận văn, thể lục bát, dài 108 câu, lối thuyết giáo, khởi đầu bằng những câu:

“Canh niên trổi bước thừa nhàn,

Để chơn đến viếng xóm làng Hội Đông”.

          Và chấm dứt bởi các câu:

“Bút nghiên tạm gát đợi thời,

Chúc cho bá tánh xét đời biết ta”.

          CHỦ ĐÍCH:

          Bài giảng nầy có hai câu đặc biệt chứng tỏ rằng những người được kiến diện và qui y thọ giáo với Đức Thầy là đã có gieo sâu duyên lành với Ngài trong nhiều tiền kiếp:

“Duyên lành rõ được Khùng Điên,

Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần”.

          NỘI DUNG:

          -Đại ý Ngài cho biết những vật chất tiền tài hay danh vọng tước quyền ở thế gian, chẳng khác nào cành hoa sớm nở chiều tàn, dù có giữ được thời gian rồi cuối mùa cũng tàn rụi, chỉ có con đường Phật Đạo mới đưa ta đến quả vị trường cửu. Vậy mỗi hành giả hãy quay về nội tâm để hành trì cho thấu đạt tâm linh trí tuệ của mình mới quí báu:       “Thích Ca đạo vị huyền sâu,

            Rạch tim xem được một bầu linh quang”.

          Và chỉ có phương Tịnh độ dạy ta trì niệm Lục tự Di Đà, nếu ai trì niệm đến chỗ nhứt tâm bất loạn, chẳng những được bình an hạnh phúc trong hiện tại mà tương lai còn được Phật hóa tánh tình hay vãng sanh Cực lạc:

“Biết khôn tìm kiếm ma ha,

Một câu Lục tự nhà nhà bình an”.

 

CHÁNH VĂN

1.- “Canh niên trổi bước thừa nhàn,

Để chơn đến viếng xóm làng Hội Đông.

Về non dạ luống ước mong,

4.- Cám tình lê thứ tuôn ròng lụy châu”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 1 tới câu 4)

          Vào chiều ngày 22 tháng giên năm Canh Thìn (1940) Đúc Thầy và số người tùy tùng đến viếng làng Mỹ Hội Đông. Hôm ấy Ngài vừa thuyết giảng vừa sáng tác bài giảng nầy và nghỉ đêm tại nhà ông Cả Mười. Một gánh họ được xem là có trí thức và văn nho, đã qui y với Đức Phật Thầy Tây An từ 90 năm về trước.

            (Tu Phật là học theo hạnh Phật, Tu Tiên là nghe theo lời dạy bảo của Lão Trang. Tu Hiền là làm theo hạnh của Khổng Mạnh).

          Trong mấy câu khai đề, Đức Giáo Chủ cho biết: Sau khi chứng Đạo, Ngài trở về miền Tà Lơn và Thất Sơn an nghỉ. Nay vì nhìn thấy dân chúng sắp vươn hồi tai khổ do thế chiến thứ hai gây ra, khiến Ngài động lòng từ bi rơi lệ.

CHÚ THÍCH

          CANH NIÊN: Tức năm Canh Thìn (1940).

          TRỔI BƯỚC: Đứng dậy và bước đi.

          THỪA NHÀN: Nhân lúc rảnh rang.

          MỸ HỘI ĐÔNG: Làng Mỹ Hội Đông là một xã nằm trọn trên Cù Lao Ông Chưởng giáp mặt với sông Hậu và Nam Ngạn sông Vàm Nao.

          CẢM TÌNH: Cảm xúc và động tình, sự đối đãi với nhau do ngoại cảnh kích thích mà sanh ra tình cảm bên trong.

          LÊ THỨ: Lê là đen, thứ là dân. Cũng có nghĩa như chữ Lê dân (dân đen), chỉ cho tất cả nhân dân.

          LỤY CHÂU: Cũng gọi là lệ châu. Có nghĩa giọt nước mắt rơi xuống, trông nhìn giống như hột châu.

 

CHÁNH VĂN

5.- “Lời thăm cùng khắp đâu đâu,

Hương thôn bổn đặo lo âu mối giềng.

Tu là tu Phật, tu Tiên,

8.- Tu cho rõ biết chữ Hiền ra sao”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 5 đến câu 8)

          Đoạn nầy Đức Giáo Chủ cho biết, Ngài mượn tiếng Kệ Giảng để thăm hỏi chư môn đồng đạo khắp nơi và khuyên mọi người hãy lo tu rèn giềng mối của đạo làm người cho tròn vẹn và thực hành đúng theo lời của Tam Giáo (Phật Thánh Tiên) mà Ngài đã rút tỉa những tinh hoa dạy lại chúng ta.

 

CHÚ THÍCH:

          HƯƠNG THÔN: Làng xóm, đây chỉ cho các xã ấp chung quanh mình.

          BỔN ĐẠO: Bổn cũng đọc là gốc (bản). Đạo là một nền đạo hay một giáo phái riêng của các bậc Thầy hay Giáo Chủ thường khuyến hóa hay kêu gọi các đệ tử:

                   “Khuyên bổn đạo lập thân nuôi chí”.

          Hoặc là: “Bổn đạo ơi hãy rán sửa mình”.

          PHẬT TIÊN HIỀN: Ba nền đạo lớn và cũng là 3 bậc Phật Thánh Tiên thành lập 3 nền Đạo lớn ở Á châu chúng ta. Phật là Đức Thích Ca, Tiên là Lão Tử và Trang Tử, Thánh là hiền nhân thánh triết của Khổng Mạnh. Đức Giáo Chủ PGHH rút những tinh ba của ba nền đạo giáo lý Phật Thánh Tiên để giáo huấn môn đồ:

                  “Phật Tiên Thánh lòng nhơn hà hải,

                   Những ước ao thế giới hoà bình.

                   Nên khuyên đời truyền bá sử kinh,

                   Cho sanh chúng sửa mình trong sạch”.

                                                (Giác Mê TK, Q.4)

CHÁNH VĂN

9.- “Mùa Xuăn chưa có mưa dào,

Cũng như đạo hạnh sắc màu chưa thanh.

Sớm chiều phủi sạch lợi danh,

12.- Tầm nơi chánh giác cõi thanh đặng về”.

 

LƯỢC GIẢI

          -Hai câu 9 và 10 có ý nói thông thường hễ 3 tháng muà Xuân và suốt mùa Xuân thì ít hay có mưa, cây cỏ thiếu nước, nên người ta rất trông có một đám mưa lớn. Đức Giáo Chủ mượn cảnh nầy để so sánh với nền đạo hạnh. Vì Ngài mới khai mở nửa năm, chưa được hanh thông sáng tỏ khắp nơi.

          -Ngài khuyên mọi người đã tu hành thì phải rứt bỏ lợi danh quyền tước để qui về tâm Phật của chính mình, tất sau nầy sẽ đạt đến tâm thanh tịnh như chư Phật.

 

CHÚ THÍCH

          MÙA XUÂN: Mỗi năm có 4 mùa; Xuân, Hạ, Thu, Đông; mà mùa Xuân là mùa đứng đầu năm, gồm có 3 tháng: 1, 2, 3 ít khi có mưa đầu mùa. Mưa dào cũng gọi là mưa rào. Có nghĩa mưa lớn mà mau tạnh, nước chưa thắm bao nhiêu, nên người ta rất trông đợi: “Nắng hạn gặp mưa dào”.

          CHƯA THANH: Chưa sáng tỏ lan rộng.

          LỢI DANH: Tài lợi và danh vị tước quyền. Hai điều trong ngũ dục. (Tài, sắc, danh, thực, thùy).

          CHÁNH GIÁC: Nói cho đủ là Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là bậc hoàn toàn giác ngộ. Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Cũng gọi là quả Bồ Đề (Niết bàn).

          CÕI THANH: Cõi thanh tịnh, tinh khiết, nơi Phật Tiên ngự.

CHÁNH VĂN

13.- “Hỡi ôi ! Thấy chúng bớt mê,

Đạo mầu siêu việt tập đề là đây.

Tinh thần hiệp vén ngút mây,

16.- Vẹt cho rõ mặt tớ thầy Hạ ngươn.

Lòng thương bá tánh đòi cơn,

18.- Dầu ai mua oán chác hờn mặc ai”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 13 tới câu 18)

          Đức Giáo Chủ ngỏ lời kêu gọi bá tánh bớt mê đắm cõi hồng trần để quay về nẻo Đạo lo tu thân lập hạnh cho mình trở thành Phật Thánh dùng thần trí sáng suốt vẹt phá màn vô minh vọng hoặc hầu thầy tớ được rạng rỡ mặt mày trong thời Hạ nguơn mạt pháp. Vì Ngài quá thương xót chúng sanh nên dùng đủ phương thức tỉnh, dù ai có oán hận căm thù Ngài cũng cam tâm.

 

CHÚ THÍCH

          HỠI ÔI: Tiếng than vãn kêu gọi, xem như chữ than ôi !              “Dân quê nghe nói hỡi ôi !

         Hung đồ cường nghịch một hồi cười reo”.(SG, Q.1)

          ĐẠO MẦU: (Xem CT STTĐ trang 117, tập 1, cột 1).

          TẬP ĐỀ: Tập sửa thân tâm mình cho đúng theo qui luật, pháp giới của Đạo, Đức Thầy từng dạy:

                   Chữ Tập đề nay đà mở cửa,

                   Để đem vào khuôn khổ người hiền

                   Rán cực lòng một bước đầu tiên,

                   Sau mới được làm nên Phật Thánh”.

                                                (Giác Mê TK, Q.4)

          TINH THẦN: Thần trí khôn biết của con người có sức mạnh vạn năng, điều khiển cả châu thân dẹp hết cả nội ma ngoại cảnh:

               “Lấy tinh thần chống chỏi quỷ tà”.(Thu đã cuối)

          NGÚT MÂY: Khối mây nằm xa trên nến trời, nhìn dàng dạng như khói hay sương mù có năng lực che khuất mặt trời lúc ban ngày. Nghĩa bóng là chỉ cho màn vô minh hay lòng mê si che khuất tâm trí của mỗi người khiến cho người mê muội không thấu rõ chơn lý. Đức Thầy từng nói:

                   “Màng vô minh che mờ căn trí,

              Nên thường khi nhận ngụy làm chơn”.(KT, Q.5)

          Vì thế Ngài dạy mỗi hành giả phải vẹt phá nó để tâm trí mình được phát khai sáng tỏ.

          HẠ NGUƠN: Nguơn cùng cuối của lý Tam Nguơn trong trời đất. Khởi đầu từ Thượng nguơn thượng, Thượng nguơn trung, Thượng nguơn hạ. Trung nguơn thượng, Trung nguơn trung, Trung nguơn hạ. Hạ nguơn thượng, Hạ nguơn trung, Hạ nguơn hạ. Cứ thế mà xoay vòng mãi.

          ĐÒI CƠN: Từng cơn, từng hồi, nhiều lần, lắm lúc:

                   Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn”.(Cổ thi)

          MUA OÁN CHÁT HỜN: Cũng gọi là mua hờn chuốc oán, gây nhiều tội ác, tạo nên oán hận thù hằn với người khác. Ví dụ: Việc mình thì mình làm, góp ý mà làm gì, người ta chẳng hiểu cho, lại mua thù chuốc oán vào thân.

CHÁNH VĂN

19.- “Chuông linh giục thúc bên tai,

Chúc cầu thạnh trị thới lai xóm làng.

Hiệp nhau một cuộc chi lan,

22.- Rồng đà lố bóng đá vàng biết nhau.

Lọc lừa rõ đặng vàng thau,

24.- Đem thân mua lấy mận đào thiên nhiên”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 19 tới câu 24)

          Đức Giáo Chủ đem giáo pháp của Đức Phật, như tiếng chuông từ Linh Khứu Sơn ngân lên, thúc giục mọi người sớm tỉnh tâm tu niệm. Ngài cũng cầu chúc cho bá tánh nơi nơi được thái bình an lạc và biết thương yêu đoàn kết trên con đường thiện mỹ.

          Luật tạo hóa sẽ chọn lọc rất công minh đâu vàng, đâu thau, chân giả để khuyên mỗi người nên xả thân hành đạo hầu đổi lấy quả vị quí báu của Tiên Phật sau nầy.

 

CHÚ THÍCH

          CHUÔNG LINH: Nói cho đủ là Chuông Linh Khứu. Bởi Đức Thầy đem chánh pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca phát xuất từ đền Linh Khứu để giáo hóa chúng sanh:

                   “Chuông Linh Khứu ba hồi giục thúc,

                     Đờn Lôi Âm khởi điệu êm tai”.

          CHI LAN: Cỏ Chi và cỏ Lan, hai loại cỏ nầy có mùi thơm ngát. Nghĩa bóng là chỉ cho người hiền lương đức hạnh. Người xưa từng nói: Được gần người hiền như được tựa vào cửa chi lan (Thân hiền như tựa chi lan). Lại có câu cỏ chi và cỏ lan là hai loại cỏ đã thơm mà nếu đem hiệp lại càng thơm hơn, nên có ngụ ý chỉ cho anh em bạn tốt, người tốt mà gặp người tốt lại càng tốt thêm.

          LỌC LỪA: Chọn lựa ra coi thứ nào tốt và thứ nào xấu, đâu đó phân minh.

          VÀNG THAU: Vàng là tốt, thau là xấu và giả. Vàng và thau để chung lại thì chưa biết tốt xấu ra sao ? Nhưng nếu ông thợ vàng đem hai thứ lọc ra thì vàng ra vàng, thau ra thau rất dễ hiểu.

          MẬN ĐÀO: Hai loại trái cây có mùi vị chua chua, ngọt ngọt người ta thường thích dùng.

          THIÊN NHIÊN: Định luật tự nhiên trong trời đất, mỗi thứ có bản chất riêng biệt của nó. Nhưng hai từ ngữ mận đào thiên nhiên ghép chung lại là chỉ cho sự tu hành được kết quả tốt đẹp, khác nghĩa với câu: “Ham vui đào mận chẳng xong rồi”.

CHÁNH VĂN

25.- “Duyên lành rõ được Khùng Điên,

Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần.

Làm sao khỏi chốn mê tân,

28.- Đào nguyên vạn lượng tỏ phân kính sùng”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 25 tới câu 28)

          -Đức Giáo Chủ tuy trên con đường giáo hóa nhân sanh, Ngài thường xưng hiệu là Điên và Khùng, nhưng người nào biết được Ngài là bậc minh sư để qui y là đã có duyên lành với Ngài trong nhiều tiền kiếp. Vậy hiện giờ hãy rán tu thêm cho vượt khỏi bờ mê để sang bến giác hầu thụ hưởng cảnh muôn ngàn quí báu của Phật Tiên.

CHÚ THÍCH

          KHÙNG ĐIÊN: Đức Giáo Chủ PGHH ra đời tuy có tục danh là Huỳnh Phú Sổ nhưng trên đường giáo hóa, Ngài còn có nhiều biệt hiệu như Hoàng Anh, Hồng Vân Cư Sĩ và Sĩ Cuồng; cũng có khi Ngài ký tên là Hòa Hảo. Ngoài ra, Ngài còn xưng hiệu là Khùng và Điên, như trong bài “Diệu Pháp Quang Minh” chính Ngài đề danh bút hiệu “Khùng Điên tự cảm tác”. Các chỗ khác thì Ngài tự xưng:

                    “Ta Khùng Điên nói đại nói càng”.

          Và:     “Thầy Khùng trò lại quá Điên,

               Khùng Điên mấy tháng tình riêng ai ngờ”.

          Ngài còn thố lộ nơi cư trú hành đạo của Ngài trong tiền kiếp:

“Khùng thời quê ngụ núi Sam,

Còn Điên chẳng có chùa am dưới nầy,

Vua Nghiêu xưa mở đất cày,

Ngày nay nhường lại cảnh nầy cho Điên”.

          Hoặc là:

“Bồng lai Điên dại có ngôi,

Tây phương Cực lạc Khùng ngồi tòa sen”.

          Sở dĩ Ngài đề bút hiệu Điên KHùng là có hai lý do đặc biệt:

          1/- Vì muốn đánh lạc hướng người Pháp, để họ thấy Ngài  là một ông Đạo: Điên điên, Khùng khùng, có tánh cách nửa hư nửa thật, chữa bịnh hơi giống các phù thủy, nên lúc đầu Pháp coi thường Ngài, để Ngài yên tâm sáng tác Sấm Giảng hoàn thành công tác khai Đạo.

          2/- Vì muốn đối nghịch lại với những người ra đời hay xưng mình là khôn lanh, nhưng cái khôn lanh ấy chỉ để lừa dân thủ lợi. Còn Ngài Điên mà biết thương dân mến nước, biết đem đạo mầu cứu vớt sanh linh. Và:

                   “Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích Ca”.

          ĐÀO NGUYÊN: Có nghĩa nguồn đào. Đây là một thành ngữ xuất phát từ điển tích “Ngư phủ nhập đào nguyên”.

          Ngày xưa ở Bắc phần Việt Nam có ông Từ Thức làm quan huyện Tiên Du. Hôm nọ, ông đến vườn Thượng uyển  của vua để xem hoa mẫu đơn, bỗng gặp một cô gái rất đẹp đang bị trói dắt đi. Ông hỏi ra mới biết cô gái ấy tên Giáng Hương, cũng đến xem hoa nhưng khi sờ đến cành Mẫu Đơn lại rụng đi nên phải tội. Nghe qua, Từ Thức động lòng từ ái liền đem áo quí của mình xin chuộc tôi cho Giáng Hương, nàng tạ ơn Từ Thức rồi đi mất.

          Thời gian sau, ông từ quan về ẩn sĩ hưởng thú tiêu dao, thường ngao du các danh lam thắng cảnh. Một hôm ông xuống thuyền nhỏ giả làm ngư ông chèo lần theo mé sông, cứ thong dong chèo mãi không muốn quay lại. Bữa nọ con thuyền đang tiến hành theo mé núi, ông thấy phong cảnh lịch xinh, có cái hang vừa rộng vừa ăn sâu vào núi, ông theo hang ấy chèo mãi tới một nơi gọi là Động Bích Đào, Điện Huỳnh Hư, tình cờ ông gặp lại nàng Giáng Hương, vì nhớ nghĩa xưa nên nàng kết duyên với Từ Thức, hai người sống cuộc đời an nhàn vui đẹp rất lâu nơi cõi Tiên ấy.

          Nguyên Giáng Hương là một Tiên nữ, nên tới ngày lệ hằng năm phải về chầu Diêu Trì Kim Mẫu. Kỳ nầy nàng căn dặn Từ Thức: Chàng hãy yên lòng ở lại đây, thiếp về chầu Thánh Mẫu xong sẽ trở lại ngay, có điều quan trọng là chàng không nên mở cửa sau mà ngó ra biển, nguy hại lắm !

          Vắng Giáng Hương, Từ Thức buồn bực quá, đi dạo khắp nơi cũng chưa khuây khỏa, chàng cãi lời dặn dò của vợ, mở đại cửa sau nhìn ra biển. Từ Thức thấy biển rộng mênh mông, sóng bủa muôn trùng, bên kia bờ dàng dạng quê hương mình, liền đâm ra nhớ nhà da diết.

          Khi Giáng Hương đi chầu về, Từ Thức xin từ giã nàng để về thăm quê hương. Nàng khuyên giải và cho biết, nếu chàng cãi ra về, khi muốn trở lại ắt khó tìm gặp lại thiếp nữa; song Từ Thức nằng nặc quyết định, Giáng hương đành gạt lệ tiễn chàng ra đi !

          Từ Thức theo đường cũ trở về xứ nhà, nhìn cảnh vật có phần đổi lạ, tìm gặp một cụ lão trên 70 tuổi hỏi thăm về nhà cửa và bà con của mình ?

          Cụ lão đứng hồi tưởng một lúc rồi đáp:

          -Thuở nhỏ, tôi còn nghe ông bà kể lại, trước kia tôi có ông tổ cách đây bảy đời tên là Từ Thức. Sau khi từ quan ông xuống thuyền đi mất không về, thời gian nghe đâu ông đã thành Tiên.

          Nghe ông lão kể Từ Thức đứng suy nghĩ: Mình đi mới có mấy năm mà đã trải qua bảy đời con cháu, thật kiếp sống cõi hồng trần quá ngắn ngủi. Ông bèn xuống thuyền chèo trở lại Động Bích Đào, nhưng tìm mãi cũng không gặp, đành vào núi tu hành.

          Sau đó tại trái núi tỉnh Thanh Hóa có một cái động, người ta thường gọi là Động Từ Thức. Người sau khi nhắc đến chuyện trên có viết lên hai câu hát để tiếc uổng dùm cho ông:

                   “Trách chàng Từ Thức vụng suy,

                     Đã lên cõi thọ về chi cõi trần”.

          Câu chuyện vừa qua có ngụ ý chỉ cho người tu mà lòng còn vọng nhiễm trần mê, quyến luyến cảnh tục tò mò muốn tìm cảnh lạ. Từ mở cửa sau nhìn về biển hồng trần nhớ đến quê hương tức chỉ cho sáu căn còn ô nhiễm sáu trần rồi phải huờn tục, bít đường lên tiên cảnh.

          Qua điển tích “Đào Nguyên Vạn Lượng” và hai câu giảng của Đức Thầy. Ngài có ý cảnh tỉnh mọi người bến mê là cõi trần tục, đầy sự khổ đau ràng buộc. Còn cảnh thanh nhàn siêu thoát của Tiên Phật vô cùng quí báu, thật ngàn vàng khó sánh (đào nguyên vạn lượng). Song ai muốn thụ hưởng cảnh đó hãy sớm thức tỉnh tu hành dứt lòng trần tục.

CHÁNH VĂN

29.- “Thánh nhơn ghi sách trung dung,

Hiền nhơn thức tỉnh biết dùng người ngay.

Hội thanh hiệp mặt vui vầy,

32.- Gắng công cố chí lòng nầy chẳng phai.

Vinh hoa dường thể cúc mai,

Cuối mùa tàn rụi lâu dài đặng đâu.

Thích Ca đạo vị huyền sâu,

35.- Rạch tim xem được một bầu linh quang”.

 

LƯỢC GIẢI

          Lời dạy của Đức Thánh đã ghi rõ trong sách Đại Học Trung Dung, nếu ai biết thức tỉnh tu thân hành đạo, không thái quá hay bất cập, cứ bước thường theo đạo Trung Dung và giữ tròn hiếu trung ngay thảo, bền chí không phai lợt. Tất đến ngày Phật Tiên lập hội sẽ được sum vầy.

          -Còn những vật chất vinh hoa phú quí chẳng khác nào các loại hoa cúc, hoa mai, phải tàn cỗi theo thời gian định luật vô thường. Chỉ có giáo pháp của Đức Phật cao sâu mầu diệu, nhà tu cần quy về tâm trí để xét xem tu sửa mới thành đạt mục đích minh tâm kiến tánh.

 

CHÚ THÍCH

          THÁNH NHƠN: Người thánh. Bậc được người đời xưng là Thánh triết hay Thánh hiền. Đây chỉ cho Đức Khổng Tử và Mạnh Tử. Hai ông đã khai mở nền Đạo Thánh (Nho giáo) từ thời Chiến quốc đến nay.

          SÁCH TRUNG DUNG: Đọc cho đủ là “Đại học Trung Dung””. Một trong Tứ Thơ của Đạo Thánh, chủ đích ở câu: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Có nghĩa là Bậc đại học của Nho giáo là tu sửa làm sao cho cái đức mình được sáng  và dân được mới (tiến bộ) để đạt đến chỗ trọn lành của bậc Quân tử.

          HỘI THANH: Hội của Tiên Phật lập ra rất trong sạch cao khiết, người được dự hội nầy phải trong sạch, lòng không còn trược nhơ tội ác.

          CỐ CHÍ: Bền chí và gắng sức tu hành.

          CHẲNG PHAI: Chẳng xao lãng lơ là hay thay lòng đổi dạ.

          VINH HOA: Sự giàu sang vinh hiển

          CÚC MAI: Hai loại hoa thường hay trổ vào mùa Xuân và mùa Thu, hoa đẹp và thơm nhưng khi hết mùa rồi cũng tàn rụi.

          THÍCH CA: (Xem CT trong STTĐ trang 439 cột 1, tập 1).

          ĐẠO VỊ: Mùi vị của Đạo rất sâu kín thâm trầm thơm diệu, khó tả. Đức Thầy có câu: “Mùi đạo diệu gỏi nem khó sánh”. Hoặc:

                    “Đạo mầu thâm diệu nan tri Lão bày”.

          HUYỀN SÂU: Sâu kín mầu diệu.

          RẠCH TIM: Rạch cũng viết là vạch; tim là tâm. Đức Thầy từng dạy người tu Phật phải tìm kiếm xét nghiệm nơi tâm mình. Bởi ngoài tâm không có Phật:

                   “Chẳng nói vắn dài Phật nọ tức tâm”.

          Hoặc:

                   “Phật tại tâm chớ có đâu xa,

                    Mà tìm kiếm ở trên non núi”.(Kệ Dân, Q.2)

          LINH QUANG: Sự sáng suốt tròn đầy nơi tâm linh tự tánh của chính mình:

“Tới đây cũng dứt giảng kinh,

                  Nếu ai biết sửa tâm linh mới mầu”.(SG, Q.3)

 

CHÁNH VĂN

37.- “Mảng còn tư lự tình tang,

Thuyền từ tới bến thanh nhàn bớ dân.

Hóa công chí thiện cầm cân,

40.- Công bình thưởng phạt thứ dân nào tường.

Sum vầy chiếc nhạn sâm thương,

Nho văn cảm kính hiền lương của người.

Se sua nói nói cười cười,

44.- Cao sâu lý diệu vàng mười khó mua”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 37 tới câu 44)

          Thuyền từ bi của Đức Thầy đưa người khỏi sông mê bể khổ đến cảnh thanh nhàn an lạc. Thuyền ấy nay đã cặp bến. Thế mà chúng dân chẳng rõ cứ say mê cõi đời khổ đau tạm giả, mãi chạy theo quyền lợi riêng tư, chần chờ do dự.

          Luật thưởng phạt của tạo công rất công bình chí thiện. Từ trước tớ thầy xa cách như hai ngôi sao Sâm và Thương nay đã sum hiệp là điều quí báu vô vàn. Điều khó gặp mà nay được gặp.

 

CHÚ THÍCH:

          MẢNG: Nghĩa như chữ Mãi, mê mang, say đắm:

                   “Mảng mê danh lợi đạo lu bù,

                   Thấy chúng đời nầy lạc chữ tu”.

          TƯ LỰ: Lo lắng riêng tư.

          TÌNH TANG: Tiếng của bản đờn (tình tang), đây chỉ cho sự chần chờ chậm lục, không sốt sắng tinh tấn.

          HÓA CÔNG: Đấng (luật) tạo hóa thưởng phạt rất công minh sáng suốt, không thiên vị một ai và một mảy long cũng không lọt.

          THỨ DÂN: Nghĩa như chữ lê dân, chỉ cho tất cả dân chúng.

          NÀO TƯỜNG: Không rõ biết, không thấu đáo tường tận.

          SUM VẦY: Nghĩa của chữ sum hiệp. Ý nói từ trước bị cách xa, bây giờ được gặp gỡ lại.

          SÂM THƯƠNG: Sao Sâm và sao Thương. Sao hôm tối mọc về hướng Tây, sao Thương trước là sao mai  Sáng mọc về hướng Đông. Hai ngôi sao nầy không bao giờ gặp hay mọc chung với nhau một lượt. Cổ thi có câu: “Nhân sanh bất tương kiến động như sâm dữ thương”.(Người ta xa cách không gặp mặt được nhau như sao Sâm và sao Thương vậy).

          -Đây là một thành ngữ xuất phát từ điển tích Yên Bá và Thực Trầm. Hai người vốn là anh em ruột thịt với nhau, con của Cao Tân, thường tranh tụng cãi vã với nhau mãi. Một hôm thấu tai Ngọc Hoàng, Ngài bèn đày Yên Bá ở phía Đông làm sao Mai, tức là sao Thương. Còn Thực Trầm sau làm sao Hôm ở phía Tây. Từ đó mỗi người ở một phương không còn được gặp nhau nữa.

          Do điển tích nầy các văn nhân thi sĩ thường dùng thành ngữ nói trên để diễn tả sự xa cách, không gặp mặt được nhau nữa.

                   “Bây giờ nở để cách với Sâm Thương”.

                                                (Cung Oán Ngâm khúc)

          Hoặc là:

“Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng,

                  Tại ai há dám phụ lòng cố nhân”.(Tr. Kiều)

          Ở đây, Đức Thầy dùng điển Sâm Thương để chỉ Đức Phật Thầy Tây An với tín đồ đã xa cách từ khi Ngài tịch diệt. Giờ có dịp chuyển kiếp trở lại, thầy trò được sum hiệp, nên Đức Thầy mới viết câu:

                   “Sum vầy chiếc nhạn Sâm Thương”.

          NHO VĂN: Những người có học vấn thâm hiểu và ăn ở theo đạo Nho (Thánh hiền).

          CẢM KÍNH: Lòng cảm mến và kính trọng.

          CAO SÂU LÝ DIỆU: Lý lẽ luận giải rất cao sâu mầu diệu, khó nghĩ bàn được, chỉ cảm nhận trong tâm ý của mình thôi:

              Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền”.(Kh/th, Q.5)

          VÀNG MƯỜI: Vàng đủ chữ, tốt hơn hết. “Vàng mười, bạc bảy, thau ba”.(Tục ngữ) Ý nói lời giáo pháp của Đức Thầy nói ra, người nghe cảm nhận mà làm theo được còn quí giá hơn vàng bạc. Đức Thầy có câu:

               Hành y thì đáng vàng mười”.(Dặn dò Bổn đạo)

 

CHÁNH VĂN

45.- “Trần gian thiếu trái chi chua,

Bây giờ trái ngọt không mua bởi mình.

          Tới đây cạn lẽ phân minh,

48.- Quyết đem chơn lý đặng gìn Phật gia.

Tài sơ trí siển nôm na,

50.- Mặc tình chê ghét phận ta, ta tường”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 45 đến câu 50)

          Đoạn trên ý nói từ trước đã có nhiều tà đạo ra đời dắt dẫn sai chơn lý (chua). Nay may mắn được Đức Thầy khai truyền chánh đạo đúng theo giáo pháp vô vi của Đức Phật (ngọt). Nếu chúng sanh nào chẳng giác tỉnh nương theo đó là tại mình chớ không đỗ thừa cho ai được.

          Đức Giáo Chủ đặt chơn đến xã Mỹ Hội Đông giải bày giáo pháp thật là phân minh cặn kẽ. Đó là Ngài muốn nêu cao ngọn đèn chơn lý để vun quén nền đạo Phật. Tuy nhiên, Ngài cũng rất khiêm nhượng đối với quần chúng là không thông thạo cho lắm mà chỉ nôm na ít lời thôi, tùy bá tánh có chê khen cũng mặc.

 

CHÚ THÍCH

          THIẾU CHI: Cũng như chữ thiếu gì ! Có nghĩa là nhiều lắm, không kể xiết. Ý nói các mối tà đạo ra đời nhiều lắm, không kể xiết.

          TRÁI NGỌT: Chỉ cho chánh đạo, đúng chơn lý của đạo Phật.

          PHÂN MINH: Phân bày một cách sáng suốt rành rẽ cao sâu.

          CHƠN LÝ: (Xem CT trong STTĐ trang 88, cột 1, tập 1).

          PHẬT GIA: Nhà Phật, đạo Phật. Trong Khuyến Thiện, Q.5 Đức Thầy có câu:

                   “Nền đại đạo lưu thông khắp cả,

                     Bậc Tiên hiền đều trọng Phật gia”.

          TÀI SƠ TRÍ SIỂN: Cũng gọi là trí siển tài sơ. Có nghĩa tài đức còn sơ kém, trí năng còn cạn cợt. Đây là tiếng khiêm nhượng. Đức Thầy từng nói:

            Phận tài sơ xin hãy thứ tha”.(Diệu pháp Q/Minh)

 

CHÁNH VĂN

51.- “Thoảng qua mùi diệu phô trương,

Kêu dân mau tỉnh trong trường mộng xuân.

Keo sơn đâu cật liền lưng,

54.- Thấy trong bá tánh nửa mừng nửa lo.

Mừng là mừng việc hay ho,

56.-  Lo là lo việc ốc sò trải qua”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 51 tới câu 56)

          -Lời pháp diệu của Đức Thầy vừa thốt ra rất sâu mầu khó tả để khuyên mỗi người đang mê say trong ảo mộng hãy sớm hồi tâm thức tỉnh, lo thương yêu đoàn kết lẫn nhau.

          Ngài cũng xét trong dân chúng hiện giờ đang gặp cảnh vui mừng, mà lắm lo âu là phải đương đầu với cảnh đau buồn sắp tới đây. Mừng là bấy lấu tớ thầy xa cách mà nay sắp gặp lại. Còn buồn lo là trong Đạo cũng sắp gặp hồi pháp nạn và bao nhiêu sự khó khăn dồn dập tới. Tức là trên đường tiến tu từ đây tới ngày Tớ Thầy sum hiệp, chúng ta còn phải gặp bao lần thử thách gai chông nữa.

CHÚ THÍCH

          THOẢNG QUA: Bay phớt qua, cũng như mùi hương vừa phất qua.

          MÙI DIỆU: Nói cho đủ là mùi đạo diệu. Ý nói mùi đạo tuy không có hình tướng, nhưng ai nếm vào nghe nó thâm trầm khó tả:

                   “Mùi đạo diệu gỏi nem khó sánh,

                     Chốn trà đình xa lánh vãng lai”.

          MAU TỈNH: Sớm tỉnh.

          MỘNG XUÂN: Giấc mộng ban đầu mới chớm phát, người ta xem nó đẹp lắm, nghĩ nó lâu dài không dè thời gian rồi cũng hết.

          KEO SƠN: Chất keo và nước sơn, hai loại nầy có độ dính như nhau khó sứt. Nghĩa bóng là chỉ tinh thần đoàn kết rất mực giữa bạn bè anh em hay đoàn thể dân tộc.v.v.. “Chữ bạn tác dù cho đến chết,

                    Cũng keo sơn gắn chặt mới là”.

          ĐÂU CẬT LIỀN LƯNG: Cũng gọi là xây lưng đâu cật. Ý nói tinh thần đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ: Mọi người đều biết một lòng một dạ xây lưng đâu cật lại thì không ai chen vào chia rẽ được: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Đúc Thầy từng kêu gọi:

“Anh em lớn nhỏ quay về,

Hiệp nhau một khối chớ hề phân ly”.

                                      (Tiếng chuông cảnh tỉnh)

          Hoặc là:

“Chớ chia rẽ hãy đồng tâm lực,

Khua giọng vàng đánh thức bốn phương.

Chấn hưng Phật giáo học đường,

Dưới trên hòa thuận chọn đường qui nguyên”.

          MỪNG VIỆC HAY HO: Việc mừng nầy chẳng phải Đức Giáo Chủ nói riêng cho số tín đồ xã Mỹ Hội Đông mà nói chung tất cả. Từ khi chúng ta đã qui y với Ngài trong nhiều kiếp mà nay chưa thành quả nên Ngài phải chuyển hóa lại độ chúng ta, đó là điều vui mừng.

          LO VIỆC ỐC SÒ TRẢI QUA: Là chỉ trên đường tiến tu tập hạnh từ đây tới ngày tớ thầy sum hiệp chúng ta phải đương đấu lắm cuộc chông gai, bao lần pháp nạn mới đạt tới đích:

“Trải qua một lúc sỏi sành,

Trung ương hòa hiệp mới đành lòng đây”.

 

CHÁNH VĂN

57.- “Tỉnh tâm mượn lấy thi ca,

Giác dân hướng thiện chánh tà phân minh.

Rèn lòng giữ dạ sắt đinh,

60.- Đừng phai đừng lợt thân mình thảnh thơi.

Biển trần lao lý diệu vơi,

62.- Khổ tâm chắt lưỡi chiều mơi phủi rồi”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 57 tới câu 62)

          Đoạn trên ý nói trước đây Đức Giáo Chủ đã tỉnh thức tu hành tầm ra chánh đạo, giờ đây chuyển kiếp lại giác tỉnh quần sanh sớm xa lánh điều tà gian hung ác để hướng theo con đường chánh chơn thiện mỹ. Và trên bước tu thân lập hạnh, chúng ta phải nhứt tâm bền chí giữ vững lập trường thủy chung duy nhứt, dầu vật chất câu nhử cũng không siêu, tà sư quyến rũ cũng không ngã. Được vậy sau nầy mới thong dong trên cõi Tiên Phật.

          -Đúc Thầy cũng giác tỉnh mọi người hiểu rõ cõi hồng trần chúng ta đang sống, phải chịu bao cảnh khổ sầu mênh mông như bể cả, những vật chất phù hoa đều đi theo định luật vô thường mà tan biến: “Tang điền thương hải”. Đến đó ta có hối tiếc chỉ làm khổ thêm chớ cũng không giữ lại được.

CHÚ THÍCH

          TỈNH TÂM: Lòng thức tỉnh sáng suốt.

          THI CA: Những bài văn thơ hát ca bằng vận văn, có nhạc điệu trầm bổng như các loại thi ca trong văn chương từ trước tới giờ:

“Tay chèo miệng lại hát ca,

                   Ca cho bá tánh biết đời loạn ly”.(SG, Q.1)

          GIÁC DÂN HƯỚNG THIỆN: Khuyến hóa dân chúng biết hướng về con đường lành, tránh xa điều hung ác. Đức Thầy từng dạy : “Vi lộ thiên oai bảo giác dân”.

          CHÁNH TÀ PHÂN MINH: Phân phải lẽ chánh nẻo tà một cách rành rẽ sáng suốt cho mọi người nghe mà chọn lọc.

          DẠ SẮT ĐINH: Lòng cứng như sắt thép. (Xem thêm STTĐ, trang 96, tập 1).

          BIỂN TRẦN: (Xem STTĐ, trang 193, tập 2, cột 1)

          LAO LÝ:  (Xem STTĐ, trang 193, tập 2, cột 1)

          DIỆU VƠI: Cũng viết là diệu vợi. Có nghĩa xa thẩm, mênh mông không thể đo lường được.

          CHẮT LƯỠI: Cũng viết là tắc lưỡi, bật lưỡi thành tiếng kêu. Ở đây có nghĩa là tiếng kêu than vì hối tiếc một việc gì đã qua.

CHÁNH VĂN

63.- “Nhìn xem tâm não bồi hồi,

Sơ nhi đã lậu phá mồi vinh vang.

Chừng nào kim phụng hòa loan,

66.- Đông Tây vô lự mới an sự đời”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 63 tới câu 66)

          Đến đây Đức Giáo Chủ xét thấy cảnh điêu linh thống khổ khắp thế giới chúng sanh mà lòng Ngài rất bồi hồi cảm động. Vì cơ trời đã tiết lộ, vạn vật trong thế gian sắp đến kỳ biến đổi, những cái gì có hình tướng giả tạm hay xấu ác đều bị biến cải được an lành tốt đẹp hơn.

          Ngài đã tiên tri, cũng là ước vọng chung đến một ngày nào đó, những người hiền lương đức hạnh sẽ được hòa hiệp vui tươi, không còn lo sợ. Chính ngày ấy dân chúng khắp hoàn cầu đều chung hưởng cảnh thái bình an lạc.

CHÚ THÍCH

          SƠ NHI ĐÃ LẬU: Từ trước tới giờ việc thiên cơ biến động trong trời đất, khó ai biết được. “Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu”. Mà nay Đức Giáo Chủ lại tiết lộ cho mọi người được rõ:

                   Việc thiên cơ Khùng tỏ hết trơn,

                   Cho trần hạ tường nơi lao lý”.(Kệ Dân, Q.2)

          VINH VANG: Thịnh vượng, vẻ vang, vinh dự.

                          “Quân thần phụ tử vinh vang”.

                                      (Từ giã bổn đạo khắp nơi)

          KIM PHỤNG HÒA LOAN: Phụng và Loan đồng một loại trong bốn con thú linh (Long, Lân, Qui, Phụng). Sở dĩ xưa nay văn chương thường dùng chung với nhau là vì con trống là Phụng con mái là Hoàng hay là Loan. Hai chim nầy hòa hiệp với nhau là thành hạnh phúc vui tươi. Văn chương dùng từ nầy để chúc mừng cho đôi vợ chồng mới cưới nhau: “Loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp”.

          Ở đây, Đức Thầy dùng Thành ngữ nầy để chỉ cho sự trùng phùng sum hiệp giữa thầy trò, tôi chúa, trong ngày Thương nguơn Thánh đức tới đây:

“Hiền lành chừng đó sum vầy,

Quân thần cộng lạc mấy ngày vui chơi”

                                       (Sám Giảng, Q.3)

          Và:     “Phải ngóng chờ cho phụng gặp kê,

                     Ấy thời đại Thánh Tiên trổ mặt”.

                                                (Nang thơ cẩm tú)

          ĐÔNG TÂY: Hai hướng trong bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc; nhưng chữ Đông Tây ở đây Đức Thầy chỉ cho bốn hướng Đông Tây Nam Bắc (tức khắp thế giới).

          VÔ LỰ: Không còn lo lắng khổ sở: “Vô sự vô lự là tiểu Thần tiên(Sách Thánh), cho nên chữ Vô Lự ở đây Đức Thầy chỉ cho cảnh Tiên của đời Thượng nguơn Thánh đức: Thượng nguơn hồi phục là ngày an cư”.

 

CHÁNH VĂN

67.-“ Thừa vưng sắc lịnh của Trời,

Cùng ông Phật Tổ giáo đời khuyên dân.

Bấy lâu chạnh cám ô ngân,

70.-Bây giờ hiệp mặt phân trần sạ duơn.

Dập dồi gió kép mưa đơn,

Đau thương vì bởi nghĩa ơn chẳng tròn.

Bày ra thiên lý héo von,

74.- Giấu trong tim óc lòng son chẳng đành.

Trải qua một lúc sỏi sành,

76.-Trung ương hòa hiệp mới đành lòng đây”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 67 tới câu 76)

          -Đoạn nầy Đức Thầy cho biết Ngài lâm phàm khai đạo giáo dân là vâng sắc lịnh của Đức Ngọc Đế và Đức Phật Tổ Thích Ca. Từ lâu tớ thầy xa cách như Ngưu Lang Chức Nữ cách nhau hai bên bờ sông Ngân, nay có dịp gặp lại để thầy trò phân trần lẽ đạo, hầu nối bước đường tu tiến.

          -Trên con đường hóa Đạo, Ngài phải đương đầu với bao lần pháp nạn, miệng thế đố kỵ khinh chê, những nỗi khó khăn dồn dập. Bởi giữa Ngài và tín đồ cùng khắp nhân sanh trong đời mạt pháp có niềm ân nghĩa rất sâu đậm từ nhiều tiền kiếp.

          -Căn cứ vào lý Thiên Đình, Ngài nhận xét trong khắp chúng sanh đến hồi tai họa để đền trả những tiền nghiệp. Ngài cũng rất đau lòng muốn bày tỏ cho mọi người được thấy, lại e họ không tin rồi kết thêm tội lỗi, nhưng dấu kín trong lòng thì không nỡ; buộc Ngài phải hé mở đôi chút cho mọi người được biết. Tới đây khắp chúng sanh phải trải qua bao lần thiên tai địa ách, giặc loạn chiến tranh, cho đến khi nào chư Phật Thánh Tiên hòa hiệp tại trung ương, Ngài mới đành dạ như Ngài đã cho biết:

                  “Biết chừng nào được qui nhứt thống,

                   Khắp hoàn cầu dân biết thương nhau.

                   Nhắc ra thì dạ ngọc đớn đau,

                   Không nhắc đến biết đâu dân sửa”.

 

CHÚ THÍCH

          SẮC LỊNH CỦA TRỜI: Theo Phật học, Trời Đế Thích là vị vua ở trời Đạo lợi. Cõi Trời nầy có 33 cảnh thuộc dục giới. Theo Nho học và Lão học thì gọi là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Thiên Đường. Đức Thầy từng nói:

“Cúi đầu tâu trước cửu trùng,

Ngọc Hoàng ban chiếu Lão Khùng giáo dân”.

                                                  (Dặn dò Bổn đạo)

          Và:“Được lịnh Thiên Hoàng nấy sai ta”.

          Hoặc là :

“Lời văn tao nhã hữu tình,

Bởi vâng sắc lịnh Thiên đình sai ta”.

          PHẬT TỔ: Là chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Ngài là Giáo Chủ đạo Phật toàn cõi Ta bà. Nay sắc lịnh cho Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm độ thế:

                   “Ngọc tòa Phật Tổ ấy sai ta,

              Xuống cứu thế gian nẻo vạy tà”.(Tối mùng một)

          Và:

                   “Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

                   Khắp hạ giái truyền khai đạo pháp”.

                                         (Diệu pháp Quang minh)

          Ô NGÂN: Cùng với các chữ cầu Ngân, sông Ngân hay mưa Ngâu. Tất cả đều xuất phát từ điển tích Ngưu Lang Chức Nữ. Hai người vốn 2 ngôi sao trên trời (sao Ngưu và sao Chức).

          Ngâu là do chữ Ngưu đọc trại. Chàng trai thì lo việc chăn nuôi cày cấy, nàng Chức Nữ thì lo thêu dệt vá may, việc làm rất siêng năng. Thượng Đế thấy thương, cho hai người kết duyên tơ tóc, nhưng khi có đôi bạn, hai người lại sanh ra lười biếng. Thượng Đế bắt tội, đày mỗi người mỗi nơi, cách sông Ngân Hà, hằng năm cứ đến ngày mùng bảy tháng bảy mới cho hai người gặp mặt nhau một lần tại bến sông Ngân.

          Vì cách nhau suốt năm trường, khi hai người gặp lại nửa mừng nửa tủi, nước mắt rơi xuống thành những đám mưa phùn. Cho nên từ trước tới nay người ta thường gọi mưa phùn vào lúc tháng Bảy là mưa Ngâu (mừng ra nước mắt).

          Tương truyền lúc Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau có chim Ô Thước (chim quạ hoặc chim khách) đội đá bắc cầu cho đôi đàng hiệp mặt. Vì thế chung quanh điển tích nầy, các nhà văn còn dùng thêm các từ ngữ như: Ô thước hay Cầu đá sông Ngân.

          Tóm lại tất cả từ ngữ có liên quan đến điển tích nói trên đều có ngụ ý chỉ cho sự trùng phùng. Từ vua tôi, thầy trò hoặc chồng vợ có duyên lành liên hệ với nhau dù bị xa cách thế nào hay thời gian bao lâu đi nữa cũng có ngày trùng phùng hội hiệp. Truyện Quan Âm Thị Kính có câu:  Thiệt công Ô Thước  bắc cầu”.

          Và Đức Giáo Chủ PGHH cũng từng nói:

                   “Mảng sợ sông Ngân cầu lỗi nhịp,

                    Lo chi Ô Thước chẳng xong cầu”.

                                                (Nhẫn đợi thời cơ)

          PHÂN TRẦN: Phân là chia ra; Trần là bày tỏ. Nghĩa chung phân trần là bày tỏ hay lý giải một việc gì đó có thứ lớp rõ ràng mạch lạc. Đức Thầy từng viết: “Phân trần cụ lão chuyện người tu”.

          SẠ DUƠN: Cũng viết là sự duyên. Có nghĩa là duyên do sự việc. (Phải chăng là cả vùng nầy, con cụ đồ đều cử tên Bá Hộ Sự, nên chép là chữ Sạ).

            GIÓ KÉP MƯA ĐƠN: Đơn là một, kép là hai. Ý nói mưa bão hết đám nầy tới đám khác kế tiếp không ngưng. Nghĩa bóng là chỉ cho tai nạn khổ sở dập dồn, hết nạn nầy tới nạn nọ. Đức Thầy xác định:

                   “Dầu mắc phải mưa đơn gió kép,

                   Cũng chuyên trì mà dẹp gai chông”.

                                          (Cho ông Cò tàu Hảo)

          THIÊN LÝ: Lý lẽ của trời đất mầu diệu khó tả nhưng không ngoài cái đạo. Đức Thầy cho biết:

                    “Thiên ý không riêng mối đạo mầu,

                     Rằng truyền yếu lý nhiệm cao sâu”.

                                                  (Thiên lý ca)

          HÉO VON: Cũng viết là héo don hay héo hon. Có nghĩa mất sự tươi tắn, mất hết sinh khí, mãi lo lắng nghĩ ngợi, héo von cả người. Ở đây, ý muốn nói Đức Thầy vì quá thương xót chúng sanh mà héo von ruột tầm. Đau đớn, xót xa héo hắt thầm lặng trong lòng.

          LÒNG SON: Do chữ đan tâm. Có nghĩa lòng trung thành tốt đẹp, cứng bền và trong sạch, không bợn nhơ tội lỗi, có thể ví như son đỏ. Đức Thầy bảo:

               “Cõi Trung Ương luân chuyển phương Nam,

                 Mở hội Thánh chọn người trung hiếu”.

          Hoặc là:

                    “Trung Ương tam cõi đều hòa mặt,

                     Ta mới thảnh thơi trở gót hài”.

          Ngài cũng không ngần ngại chỉ ngay vị trí:

                “Cõi Trung Ương nhằm đất nước Việt Nam,

                   Chọn một chàng tuổi trẻ tục phàm,

                   Mượn tay gả tờ hoa thần hạ bút”.

                                          (Trao lời cùng Ông Táo)

 

CHÁNH VĂN

77.- “Hoàn cầu trái đất chuyển xoay,

Gớm ghê cho chúng phơi thây muôn ngàn.

Ngày nay đạo đức chẳng màng,

80.- Rồi sau dẫu có tiền ngàn khó mua.

Biển sông lặn lội hơn thua,

          82.- Tự thân tạo lấy mà mua cái sầu”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 77 tới câu 82)

          Căn cứ theo luật tuần hoàn của trời đất thì quả địa cầu của chúng sanh đang sống lúc nào cũng vận chuyển và biến đổi luôn. Nay đã sắp tới hồi tai khổ. Bởi bao nạn đao binh nước lửa của thế chiến thứ hai đang lan diễn khắp hoàn cầu làm cho nhân loại phải điêu linh thống khổ: “Thiếu đạo đức sắt gan cũng chảy (TS). Hiện giờ nếu chúng ta chẳng lo trau dồi tâm đức, tu thân lập hạnh thì sau nầy dầu có tiền ngàn bạc vạn cũng không mua chuộc được.

          Đức Thầy cảnh giác những người mãi lặn ngụp trong sông mê bể khổ, tham lam giành giựt tước quyền. Chính đó là cái nhân do mình tạo nghiệp, rồi cũng tự mình gặp quả đau sầu, không sao tránh khỏi.

 

CHÚ THÍCH:

          TUẦN HUỜN: Định luật xoay vần của trời đất do câu: “Thiên địa tuần huờn châu nhi phục thỉ” (Luật trời đất hễ xoay giáp vòng thì trở lại chỗ khởi đầu).

          ĐẠO ĐỨC: (Xem STTĐ, trang 113, Q.1, cột 1)

          CHẲNG MÀNG: Chẳng bận tâm lo nghĩ đến.

 

CHÁNH VĂN

83.- “Phật nhơn tạo hóa một bầu,

Kẻ thanh người trược mới hầu khác nhau.

Thân này sá quản cần lao,

86.- Miễn cho bá tánh được mau an nhàn.

Ngũ niên viễn lự cơ hàn,

88.- Đến chừng quy phục Hớn đàng mới yên”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 83 tới câu 88)

          -Đoạn giảng qua Đức Thầy cho biết chư Phật với chúng sanh đều sống chung trong một bầu trời, cũng ăn cũng mặc và sự sinh hoạt giống nhau, bởi người thì trong sạch hiền lương, còn kẻ ác hung nhơ trược.

          -Trên đường truyền Đạo dù gặp cảnh gian lao khổ khó Ngài cũng chẳng nại hà, miễn làm sao cho khắp bá tánh đều được an nhàn hạnh phúc là Ngài vui lòng. Ngài còn cho biết sắp tới đây dân chúng đồng chung chịu cảnh cơ hàn đói khổ suốt năm năm dài, cho đến khi nào nhà Hán dập tắt được mưa Tần nắng Sở thống nhất về một mối thì bá tánh mới toại hưởng cảnh thái bình an lạc.

 

CHÚ THÍCH

          PHẬT: Phật là giác giả, giác giả là tỉnh giả (Phật giả Phật đà chi tỉnh xưng) vậy Phật tức là đấng giác ngộ, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

          NHƠN: Là người đã tu tròn nhơn và làm được 5 điều lành nhưng chưa thoát khỏi tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

          TẠO HÓA: Cũng viết là tạo công hay lẽ trời, ý chỉ hầu hết chúng sanh đều sống chung dưới một vòm trời và tin tưởng dưới sự cai quản của đấng tạo hóa.

          THANH: Trong sạch chơn chánh.

          TRƯỢC: Nhơ xấu hung ác.

          SÁ QUẢN: Không nệ thân cực nhọc, đem thân tâm làm lợi ích cho đời mà chẳng ngại sự gian lao khổ khó. “Anh hùng đâu sá cảnh gian lao”.(Quyết rứt Cà sa)

          NGŨ NIÊN: Năm năm.

          VIỄN LỰ CƠ HÀN: Viễn lự là lo xa (thời gian dài). Cơ hàn là đói lạnh (nghèo khổ). Nghĩa chung là năm năm dài dân ta chịu cảnh đói rách nghèo khổ. Có thể ám chỉ từ năm 1939 đến năm 1945 (từ khởi đầu thế chiến thứ nhì đến khi chấm dứt).

          HỚN ĐÀNG: Cũng gọi là nhà Hán hay Hớn bang, một triều đại ở Trung Quốc (202-220 TCC) chỉ cho thời Tần Thủy Hoàng và Hạng Võ: Khi nhà Tần gồm thâu lục quốc, dùng chính sách nghiệt ngã đối với dân chúng. Tần ra lịnh gom hết sách vở của Khổng Giáo lại mà đốt và chôn sống các anh tài nho sĩ (phàn thơ khanh nho); dân trong nước ai ai cũng oán hận.

          Bấy giờ có Hán Lưu Bang và Sở Hạng Võ hiệp với vua Hiến Đế đứng lên diệt bạo Tần. Nhưng Sở Hạng Võ ác độc dùng chính sách bá đạo không thua bạo Tần ỷ mạnh phản lời bội ước (Ai diệt được bạo Tần trước thì được cầm đầu thiên hạ) chỉ phong cho Lưu Bang làm Hán Trung Vương và buộc vào trấn đất Ba Thục.

          Ở đây 5 năm trường, Hán Vương tu chỉnh binh mã, chọn Tiêu Hà trông coi việc chính, Trương Lương làm Quân sư và Hàn Tín làm Đại Tướng, rồi kéo binh trở ra diệt Hạng Võ thống nhất sơn hà. Hán Vương liền lên ngôi Hoàng Đế, tức vua Cao Tổ nhà Hán, chấm dứt được cuộc nắng Sở mưa Tần từ đó. Bá tánh nơi nơi đều ca khúc khải hoàn, an cư lạc nghiệp.

          Dùng điển tích trên, Đúc Thầy có dụng ý chỉ cho chánh sách ác độc của người Pháp đối với dân chúng Việt Nam thời đó cho đến khi an định, như Ngài từng nói:

                   “Còn một cuộc mưa Tần nắng Sở,

                     Trải qua rồi việc dở hóa hay”.(Thu đã cuối)

          Và:

“Chừng nào ta gặp Hớn Hoàng,

Chúng sanh mới hết phàn nàn số căn”.

 

CHÁNH VĂN

89.- “Bao la cảnh Phật cõi Tiên,

Tòng mai liễu trúc hữu duyên khoe màu.

Ngũ vân năm sắc năm màu*,

92.- Lìa qui nọ phụng lao xao vui mừng.

Vang vầy sấm nổ chuyển luân,

Kiểng tiên lộ vẻ vui mừng cha con.

Bấy lâu nghĩa nọ tiêu mòn,

96.-Ngày nay hiệp mặt hết còn thở than”.

          *(Có bản chéo là: “Tường vân năm sắc năm màu”. Theo ông Lâm Thế Xương (một tín đồ kỳ cựu ở Mỹ Hội Đông) đã xác định, lúc đó ông chép: “Tường vân năm sắc năm màu” mới đúng văn. Bởi vân mây lành năm sắc có lý hơn từ năm sắc năm màu điệp văn).

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 89 tới câu 96)

          -Đến đây, Đức Giáo Chủ diễn tả cảnh Tiên Phật đủ loại kiểng vật: Tùng mai liễu trúc, đua nở vui tươi, nào là những vừng mây lành ngũ sắc, nào Long Lân Qui Phụng chào mừng ca múa. Bấy giờ có những tiếng sấm xoay chuyển cõi trần gian trở thành cảnh Tiên Thánh, tạo nên phong trào vui mừng tươi đẹp. Từ trước tới giờ những người có duyên lành với Đức Thầy cũng như Phật Thánh xa cách, cuộc đền đáp nghĩa ân còn rời rạt. Giờ đây nhân duyên hội đủ sum hiệp vui mừng, các môn đệ không còn thở than trông đợi.

CHÚ THÍCH

          TÒNG MAI LIỄU TRÚC: Bốn loại kiểng nầy thường mọc ở cảnh Tiên, hoặc người ta hay trồng nơi các sân kiểng để xem vui tươi đẹp mắt.

          TƯỜNG VÂN: Bức mây hay khóm mây lành, chư Phật Tiên hay nương các vừng mây nầy để đi đây đi đó hoặc cứu độ chúng sanh. Các khóm tường vân (mây lành năm sắc bay đến đâu thì có chư Phật Tiên lâm phàm đến đó).

                   “Mắt nhìn thấy thần thông biến hóa,

                     Đức Di Đà hiện chóa hào quang…”

                                         (Xuân hạ tác cuồng thơ)

          NĂM SẮC NĂM MÀU: Nghĩa của chữ ngũ sắc tức xanh, đỏ, trắng, vàng, hồng. Chư Phật hay dùng hào quang năm sắc để tiếp độ những người được chứng đạo hoặc gặp tai nạn:

                   “A Di Đà nhìn xem khắp cõi,

                   Đặng trông chờ mong mỏi chúng sanh.

                   Hiện hào quang ngũ sắc hiền lành,

                   Đặng tìm kiếm ngững người hiền đức”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          KIỂNG TIÊN: Cảnh Tiên. Theo Cơ Sấm của BSKH và PGHH cho biết thì cảnh đời Thượng nguơn Thánh đức tới đây giống như cảnh Tiên:

                   “Lập Thượng nguơn tuổi cả dư muôn”.

                                                (Kim cổ Kỳ quan)

          Bởi con người sống cõi ấy vẹn tròn nhân đạo và không ai vi phạm 8 điều răn cấm. Đức Thầy thường khuyến cáo:

“Cả kêu kìa hỡi là ai,

Quan trường rời rứt mặt mày chùi lau.

Lui chơn ra khỏi cho mau,

Tầm trong lánh đục tẩu đào mới ngoan.

Theo ta đến chốn Tiên bang,

       Đặng coi các nước hội hang Năm Non”.(Thiên lý ca)

          Và:     “Tiên cảnh kìa kìa gần lộ vẻ,

                   Chờ người hữu phước đến liên đài”.

          Hoặc là:

                   “Thi tả cảnh bồng lai tại thế,

                     Nếu chần chờ e trễ kỳ thi”.

                                         (Xuân hạ tác cuồng thơ)

 

CHÁNH VĂN

97.- “Các nơi liệt quốc chư bang,

Chúc cầu bình trị trướng loan sum vầy.

Bây giờ làm việc tà tây,

100.- Ngày sau bị khốn tội rày điêu ngoa.

Biết khôn tìm kiếm Ma ha,

102.- Một câu Lục tự nhà nhà bình an”.

 

LƯỢC GIẢI

(từ câu 97 tới câu 102)

          Đoạn nầy ý nói đến ngày kết cuộc, các quốc gia trên thế giới đều sum hợp hát khúc khải hoàn và chúc mừng khắp nơi thái bình thạnh trị. Nếu bây giờ bá tánh chẳng lo tu thân lập hạnh mãi chạy theo làm việc tây tà, điêu ngoa xảo trá, ắt sau nầy phải bị nạn tai khốn khổ.

          Đức Thầy cũng khuyến khích, mọi người nên dùng trí sáng của mình mà nhận xét để sớm nương theo chánh đạo, niệm Phật làm lành. Bởi trong giáo lý có dạy pháp niệm Phật, là một pháp tu tắt nhứt và tiện lợi nhứt cho người hành đạo. Chỉ có sáu chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT nếu ai cố gắng trì hành sẽ kết quả Huệ lẫn Phước. Và được nước thạnh, nhà an, gia đình thuận thảo, đời sống an vui hạnh phúc. Bởi người biết lo niệm Phật làm lành thì luôn đền trả được tứ ân, đổi mười điều ác ra mười điều lành tinh thần sáng suốt, dứt sạch niệm trần. Chẳng những kết quả hiện tại mà tương lai còn đặng siêu sanh lạc cảnh.

          Như cách đây khoảng 50 năm (1952) tại xã An Hòa, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang, Nam phần Việt Nam, có Bà Tư là thân mẫu ông Châu Văn Phổ. Bà đã qui y theo PGHH từ năm 1940 tu theo hình thức Cư sĩ. Sự tu bà rất tinh tấn và chí tâm làm lành niệm Phật.

          Một hôm, Bà Tư và các cháu của Bà đang lên nhang đèn lễ bái thời công phu tối.

          Lễ bái xong, Bà đang quì niệm Phật trước ngôi Tam Bảo, các cháu của Bà thì quì ở phía sau, bỗng có ánh tường quang ngũ sắc rọi sáng vào nhà. Thấy ánh sáng lạ thường, các cháu của Bà liền chạy ra khỏi nhà la lên: Nhà cháy ! Nhà cháy !!!

          Những gia đình xung quanh nghe đều nhìn về hướng nhà thấy trên nóc nhà của Bà Tư có vầng hào quang đủ 5 sắc. Độ hai phút sau thì ánh hào quang tan đi, ai nấy đều chạy đến nhà thì thấy Bà Tư từ trần trong lúc đang ngồi niệm Phật. Khi đưa đám tang Bà, ai nấy đều thì thầm tán thán về sự niệm Phật kết quả được Vãng sanh của Bà. (Ghi theo quyển “Đường về Phật” của Cư sĩ Trần Đức).

CHÚ THÍCH

          LIỆT QUỐC: Các nước trên thế giới.

          CHƯ BANG: Nhiều nước hay chỉ tất cả các nước trên toàn cầu.

          BÌNH TRỊ: Thái bình thạnh trị, tiếng cầu chúc cho nhau.

          TRƯỚNG LOAN: Bức màng có thêu hình chim loan. Nghĩa bóng là chỉ cho sự sum hiệp.

          TÀ TÂY: Làm những việc riêng tư, tà vạy lén lút dối trá, có lợi cho mình mà hại cho người khác. Nghĩa bóng là chỉ những người chạy theo làm việc cho Pháp, có hại cho dân cho nước. Đức Thầy từng khuyên:

“Cứ lo làm việc tà tây,

Bắt ngưu bắt cầy đặng chúng làm ăn.

Chừng đau niệm Phật lăng xăng,

Phật đâu cứu kịp lòng người ác gian”.

 

CHÁNH VĂN

103.- “Xa xuôi đường sá dặm tràng,

Khó bề lui tới rỗi nhàn lao lung.

Lo bề cúc dục cội thung,

106.-Nghe lời Thầy dạy việc chung của đời.

Bút nghiên tạm gát đợi thời,

108.- Chúc cho bá tánh xét đời biết ta”.

Mỹ Hội Đông ngày 22 tháng giêng năm Canh Thìn.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 103 tới câu 108)

          Đoạn kết bài Viếng làng Mỹ Hội Đông, Đức Giáo Chủ muốn nói với môn đồ: Những ai ở xa xôi không tiện lui tới thăm viếng để Ngài khuyên dạy thêm lời đạo lý; thì lúc còn ở chung gia đình phải chăm lo báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, đồng thời phải lo làm hết các việc lành đối với cộng đồng xã hội để đáp ơn đồng bào chủng tộc.

          Chót hết, Ngài không quên nhắc nhở bá tánh hãy dùng trí tuệ mình mà xét biết mọi việc trong thế gian để hiểu Ngài như thế nào ?

 

CHÚ THÍCH

          DẶM TRÀNG: Khoảng đường dài, ý chỉ đường đi xa xôi.

          RỖI NHÀN: Cũng viết là nhàn rỗi, có nghĩa là rảnh rang không có gì để bận.

          LAO LUNG: Cái chuồng và cái lồng để nhốt các súc vật. Ý chỉ cho sự cực khổ lao nhọc, không rảnh rổi như bị nhốt trong tù.

          CÚC DỤC: Sanh đẻ và nuôi nấng. Hai trong 9 chữ cù lao: 1.Sanh (cha sanh), 2.cúc là (mẹ đẻ), 3.phủ là (vổ về), 4.dục là nuôi cho khôn, 5.cố là trông nom, 6.phục là quấn quít, 7.phủ là nâng nhắc, 8.súc là nuôi cho lớn, 9.phúc là bồng bế. Đây là chỉ công ơn khó nhọc của cha mẹ đối với người con. Sách Hán học có câu:

          “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẩu sanh ngã cù lao; dục báo thâm ân hạo nhiên võng cực”.(Cha sanh ta, mẹ nuôi ta, thương thay ! Cha mẹ nuôi ta khổ nhọc. Muốn đáp ơn sâu ấy, nhưng trời cao khôn cùng).

          Kinh Phụ Mẫu Báo Hiếu có giải 10 điều ơn của những người con thọ nơi cha mẹ như sau:

          -Thập ngoạt hoài thai (mười tháng cưu mang).

          -Lâm sản thọ khổ (sanh đẻ chịu khổ).

          -Sanh tử vong ưu (sanh được con mừng mà quên lo rầu).

          -Yến khổ thổ cam (uống đắng nhổ ngọt)

          -Hồi can tựu thấp (nhường chỗ khô, nằm chỗ ướt).

          -Nhũ bộ dưỡng dục (bú mớm và nuôi nấng).

          -Tẩy trạc bất tịnh (rửa ráy mọi điều dơ bẩn).

          -Viễn hành ức niệm (con đi xa thì cha mẹ nhớ tưởng).

          -Vị tạo ác nghiệp (vì con mà nhiều khi cha mẹ làm điều chẳng lành).

          -Cứu cánh lân mẫn (cha mẹ thương con không có cái thương nào bằng)

          CỘI THUNG: Cũng gọi là cây Thung, giống cây ở rừng sống rất lâu, giỏi chịu lạnh, nghĩa bóng là chỉ cho người cha: Cụm Thung, rừng Thung, nhà Thung. Truyện Kiều có câu: “Xót thay huyên cỗi thung già”.

          Hoặc là: “ Ngùi ngùi nhớ lại thung ba,

                   Ngay vưa dốc báo thảo cha chưa đền”.

          -Chữ Thung người ta thường dùng đi cặp với chữ Huyên. Có nghĩa chỉ cho cha và mẹ: “Thung Huyên tuổi hạc đã cao”.(Truyện Kiều)

          Vậy câu: “Lo bề cúc dục cội thung”, là ý dạy người con phải lo đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ cho tròn câu hiếu đạo.

          VIỆC CHUNG CỦA ĐỜI: Công việc của quốc gia dân tộc hay việc của đồng bào nhân loại. Đó là việc chung của đời để đáp nghĩa Tứ Ân.

          BÚT NGHIÊN: Bút là cây viết. Nghiên là đồ dùng mài mực để viết đời xưa. Ý chỉ sự học hành hoặc sự nghiệp văn chương. Cổ thi có câu: “Xếp bút nghiên lo việc kiếm cung”,

          TẠM GÁT: Dừng lại.

          ĐỢI THỜI: Chờ đúng thời kỳ, Đức Thầy có câu:

                    “Đợi cơ thiên địa xoay vần đến,

                   Chờ cuộc phong lôi đổi vận lành”.

                                                  (Muốn lánh phồn hoa)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn