VIII- CHÁNH ĐỊNH

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42323)
VIII- CHÁNH ĐỊNH

CHÁNH VĂN

          CHÁNH-ĐỊNH.-  Suy gẫm chơn-chánh.

          Con người thường hay có những ý-định làm cho mình được sáng thêm lên, được giàu thêm lên, được sung sướng thêm lên ... nghĩa là những ý-định hoàn toàn nhỏ nhen, thấp thỏi. Họ không hiểu rằng cuộc đời là giả-tạm, nay vầy mai khác, thân-thế lạc-luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái Sanh, cái Bịnh, cái Lão, cái Tử được đặt lên cuộc đời của người này rồi đến người khác ... rồi đến người khác nữa, nghĩa là tất cả Nhân-Loại không thiếu sót một ai. Thế mà, họ vẫn cuống cuồng tâm trí theo bả lợi danh, mùi phú quý, đi theo những vặt-vụn, tiểu ti, eo-hẹp.

          Họ không chịu hiểu rằng ngoài kiếp phù du của trần-thế, có cái gì không di không dịch, vĩnh-viễn trường tồn. Nếu lấy sự Thiền-định phá tan màn u minh che phủ, thì thấy rằng ở cảnh ấy con người sẽ hết buồn khổ, hết quả báo luân hồi. Và khi ta dùng sự Chánh-định dẹp bỏ hết các sự phiền não rầu buồn, phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẻo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại, dứt tuyệt hết sự phàm trần, lần bước đi đến cõi Giải-Thoát.

 

LƯỢC GIẢI

(Chánh thứ tám trong Bát Chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          -CHÁNH ĐỊNH: Suy gẫm chơn chánh tốt lành.

          -TÀ ĐỊNH: Suy gẫm tà vạy, lầm lạc, nhơ xấu.

2- NGUYÊN NHÂN:

          Do lòng ích kỷ muốn hưởng mọi dục lạc giả tạm trong cõi trần, mới sanh ra tà định.

3- HÀNH TRẠNG:

          Tâm trạng của người sống theo tà định:

          a)- Thường có những ý định làm cho mình được cao sang, giàu có, sung sướng và sáng biết nhỏ nhen thấp thỏi.

          b)- Không nhận thấy cuộc đời tạm giả, đổi dời; thân vô thường theo định luật: sanh, già, bịnh, chết, cả nhân loại không một ai thoát khỏi.

4- TAI HẠI:

          -Người còn tà định thì tâm trí mãi cuống cuồng theo bả lợi danh, mồi phú quí.

          -Chạy theo những vặt vụn tiểu ti eo hẹp, nên mãi gây nghiệp trần mê, luân hồi sanh tử.

5- HÀNH CHÁNH ĐỊNH:

          Muốn tu cho đạt được chánh định, hành giả phải thực hiện các điều:

          a)- Hãy suy gẫm nhận xét ngoài cảnh phù du trần thế, còn có cảnh bất sanh bất diệt, vĩnh viễn trường tồn.

          b)- Cõi ấy không còn buồn khổ hay quả báo, luân hồi.

          c)- Hãy thiền định phá tan màn vô minh phiền não và các làn sóng thị dục.

          Về pháp thiền định Đức Thầy dạy:

                   “Thứ tám Chánh định chớ lầm,

                 Từ bi hai chữ đứng nằm chớ quên.

                     Ngồi đâu cũng định mới nên,

              Đừng cho công việc hớ hênh với người”...

          Hoặc là:

                   “Mục Chánh định thật là rất khó,

                   Giữ tấm lòng bất động như như.

                   Cho hồn linh yên lặng an cư,

                   Thì mới được huờn nguyên phản bổn”.

6- LỢI ÍCH:

          Người hành được chánh định sẽ đặng nhiều lợi ích đáng kể, như:

          a)- Bên trong tâm chẳng còn xao động, các món phiền não tiêu tan, trí tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt:“Nội quang cảnh tâm vô kỳ vật”.( ĐT)

          b)- Bên ngoài không duyên nhiễm theo các trần cảnh. Tuy sống chung với mọi người, mọi hoàn cảnh, nhưng lòng vẫn như như bất động, tự tại giải thoát:

               Ngoại quan hình bất chấp kỳ hình”.( ĐT)

7- KẾT LUẬN:

          Tóm lại khi hành được chánh định tâm ta chẳng còn loạn động vì phiền não gây ra, lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt. Thấy biết phân tách vạn pháp được rõ ràng, như thấy chỉ trong bàn tay và chứng đại định Niết Bàn.

TỔNG KẾT

          Đại khái Bát Chánh Đạo là một trong “Tứ Diệu Đề”, là tám pháp Đạo phần trong 37 phẩm trợ Đạo. Là pháp tu căn bản duy nhứt của các bậc Bồ Tát và La Hán. Khi xưa, Đức Phật đã di chúc:“Nơi nào có Bát Chánh Đạo là Chánh Đạo, nơi nào không có Bát Chánh Đạo là tà đạo”. Cho nên ngày nay Đức Thầy mới bảo:

                   Chữ Bát Chánh rõ ràng trong giấy,

                     Là chơn truyền của Đức Thích Ca”.

          Do đó, người tu Phật hiện nay, không một ai chẳng trì hành Bát Chánh Đạo.

 

CHÚ THÍCH

          LẠC LUÂN: Lưu lạc rày đây mai đó, hoặc lên xuống theo bánh xe luân hồi.

          PHÙ VÂN: Mây nổi. Ý chỉ cái gì không bền chắc, thấy đó rồi mất đó. Đức Thầy có câu:

                   “Cuộc phù vân phú quí nay mai,

                    Luân với chuyển dời qua đổi lại”.

          PHÙ DU: Một thứ côn trùng nhỏ như chuồn chuồn bay trên mặt nước. Tối lại, thấy ánh sáng của bóng đèn bay quanh theo, rồi bị lửa nóng chết. Ý nói kiếp sống con người quá ngắn ngủi, dù có tham luyến vật chất tiền tài cũng chẳng hưởng lâu bền mà lại phải chết vì nó. Đức Thầy đã nói:

                   Con phù du hẫng hờ nào biết,

                   Thấy bóng đèn thì quyết chun vô.

                   Thảm thương thay chết héo chết khô,

                   Nhìn đèn nọ thấy mồ phù dũ.

                   Kệ khuyên trần đã mãn mùa thu,

                   Đeo danh lợi như con vật ấy”.

          BẢ LỢI DANH: Bả là đồ ăn có tẩm thuốc độc. Ý nói ai tham danh lợi như người tự uống thuốc độc mà chết.

          MÙI PHÚ QUÍ: Cũng viết là mồi phú quí. Ý nói sự phú quí vinh hoa như miếng mồi có mùi thơm, tức có lưỡi câu trong đó, ai tham phú quí như cá tham mồi thì phải mắc câu, tất có hại.

          KHÔNG DI KHÔNG DỊCH: Chẳng dời chẳng đổi. Chỉ cho cái gì còn hoài không mất.

          U MINH: Tối tăm mù mịt, cũng gọi là vô minh.

          PHIỀN NÃO: Hán học giải là buồn rầu, lo sợ, sân si. Phật học giải là cái vọng niệm tà quấy sai lầm. Phiền não kể ra có vô lượng, nhưng tóm tắt lại gồm có ba món căn bản, là:“Tham, Sân, Si”, nó có thể nảy sanh muôn ngàn trần lao phiền não khác. Trong bài “Các câu chú” Đức Thầy có dịch:

                    Nghe chuông phiền não tiêu tan,

                     Bồ đề tâm mở trí toan huệ mầu”.

 

CÂU HỎI

          1/-Định nghĩa Chánh định và Tà định ?

          2/-Lý do nào sanh tà định ?

          3/-Hành trạng tà định ra sao ?

          4/-Người sống theo tà định tai hại như thế nào ?

          5/-Muốn được chánh định ta phải làm sao ?

          6/-Hành chánh định được lợi ích gì ?

          7/-Cho biết mục kết luận của chánh định ?

          8/-Phần tổng kết Bát Chánh Đạo ra sao ?

*

*    *

          - Đến đây hết phần I Môn Giáo lý căn bản.

          - Hãy học tiếp phần II Môn nghi thức, thờ cúng và giới luật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn