III- CHÁNH NGHIỆP

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42474)
III- CHÁNH NGHIỆP

CHÁNH VĂN

          CHÁNH-NGHIỆP.- Việc làm chánh đáng ngay thẳng.

          Đối với kẻ xuất gia đầu Phật, ngoài những lúc tham thiền nhập định, những khi trì tụng kinh hành, những khi đọc kinh viết sách, những lúc công quả cho nhà Thiền, chẳng có làm việc chi có thể tạo thành ác nghiệp cả.

          Những kẻ tại gia cư-sĩ, trái lại, còn cần phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn: kẻ buôn tảo bán tần, người việc này việc nọ, tóm lại cũng vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên, dầu đời sống của họ có bị sự sinh nhai chi phối song cái chi-phối ấy, khác hẵn với kẻ gian tà đạo-tặc, chẳng có làm việc gì xảo trá bất nhân. Trong cuộc mưu cầu cho lẽ sống, họ cũng nguyện bỏ những nghề nghiệp gây tai hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ .. v..v..

          Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề nghiệp ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang-đàng, trà đình tửu điếm …Họ là đồng loã mà phạm nhân là những kẻ nghiện ngập say sưa.

          Thế nên mục Chánh-nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.

          Kẻ tại gia cư-sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi.

 

LƯỢC GIẢI

(Chánh thứ ba trong Bát Chánh)

1- ĐỊNH NGHĨA:

            - Chánh nghiệp là việc làm chánh đáng ngay thẳng.

          - Tà nghiệp là việc làm tà vạy gian ác.

2- NGUYÊN NHÂN:

          a)- Các Tăng ni xuất gia nhờ làm nhiều công việc Đạo, nên ít gây ác nghiệp (tà nghiệp).

          b)- Nhưng hàng cư sĩ vì phải va chạm với đời và lo cuộc sống còn, nên dễ sanh ác nghiệp.

3- HÀNH TRẠNG ÁC NGHIỆP:

          a)-Hành động gian ác tổn thương đến quyền lợi, danh dự và mạng sống các loài khác, như: sát sanh, đạo tặc, tà dâm; đầu cơ cho vay cắt cổ…

          b)- Tạo những việc khiến cho kẻ khác đam mê tội lỗi, như: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu…

4- TAI HẠI:

          a)- Người còn tà nghiệp, hiện tại không xứng là một Tăng Ni hay thiện tín, vì bị coi như phạm giới.

          b)- Tương lai hột giống Đạo bị lấp vùi, lâu gặp cơ thức tỉnh.

          c)- Chết đọa ba đường ác còn phải luân chuyển báo đền nghiệp quả.

5- HÀNH CHÁNH NGHIỆP:

          a)- Người tu Chánh nghiệp trước hết phải: giới hạnh tinh nghiêm và chừa bỏ những ác nghiệp vừa kể trên. Đức Thầy dạy:

                   Dầu nghề chi làm việc ngay đường,

                   Ta đừng nên theo kẻ bất lương.

                   Học ngón xảo để lừa đồng loại”.

          b)- Làm những điều chơn chánh hiền từ.

          c)- Tôn trọng mạng sống, quyền lợi, danh dự, hạnh phúc của nhân loại và các giới chúng sanh.

          d)- Sử dụng đúng lẽ công bằng, từ bi, bác ái, tích đức, khoan dung. Đức Thầy luôn nhắc nhở:

                   “Thứ tư Chánh nghiệp mặc dầu,

                 Nghề chi thì cũng ngõ hầu làm ngay”.

6- LỢI ÍCH:

          Hành giả tu Chánh nghiệp xong sẽ đặng các điều lợi ích đáng kể:

          a)- Gia đình hạnh phúc, thân thể khỏe mạnh, sống lâu và no ấm đời đời. Tâm trí sáng suốt, mau thành Đạo giải thoát.

          b)- Được mọi người kính phục và hướng theo.

          c)- Nghiệp oan tội khổ tiêu dần, khỏi đọa ba đường ác.

7- KẾT LUẬN:

          Đại để, người hành được Chánh nghiệp, không còn bị các oan trái cay nghiệt, đời đời thanh tịnh an vui và thẳng đến khi thành quả Bồ đề.

 

CHÚ THÍCH

          THAM THIỀN: Tham là suy gẫm; Thiền là tịnh lự, là tư duy. Ý nói để tâm yên tịnh, suy gẫm Đạo lý mầu nhiệm:“Thấy cỏ hoa cảnh bắt tham thiền”.( ĐT)

          NHẬP ĐỊNH: Vào chánh định, bằng cách ngồi yên lặng hay trong Tứ tướng oai nghi (là: đi, đứng, nằm, ngồi) tâm trí luôn trong lặng thuần chánh và sáng suốt.

          TRÌ TỤNG: Trì là gìn giữ và làm theo; tụng là đọc, xem. Ý chỉ cho việc công phu bái sám, hoặc đọc tụng Kinh sách hằng ngày. Đức Thầy dạy:

                   Giảng Kinh đọc tụng chiều mai,

                    Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.

          KINH HÀNH: Đi một cách thung dung quanh chùa tháp, hoặc chỗ tịch mịch để niệm Phật hay suy gẫm (thiền định) việc Đạo lý để phát sanh trí huệ.

          CÔNG QUẢ: Công là việc làm hay hạnh đức hoặc trí năng của mình làm. Quả là kết quả. Đức Thầy có câu:

                   Nguyện đem công quả tu hành,

                Cứu trong Tông Tổ vãng sanh liên đài”.

          BUÔN TẢO BÁN TẦN: Tần là một loại rau; Tảo là rong biển (rau tần rau tảo). Ý nói bận lo buôn bán hoặc làm nhiều việc vất vả:“Tảo tần lo liệu năm ba”.( ĐT)

          Hay là:“Ta thương xót lo tần lo tảo”.( ĐT)

          BẤT NHÂN: Không có nhân đức, không thương người mến vật.

          ĐẦU CƠ: Đầu là ném lại; Cơ là cơ hội. Thừa cơ hội làm lợi cho mình, bằng cách không hợp lý hợp pháp:“Người bạo ngược thừa cơ nguy thủ lợi”.( ĐT)

          TRỤY LẠC: Sa ngã vào chỗ hư hèn, như “Tứ đổ tường” (tửu sắc tài khí).

          HOANG ĐÀNG: Cũng gọi là hoang đường. Ý nói người hoang chơi theo “tứ đổ tường” (tửu sắc tái khí), không kể đến nhà cửa, vợ con, cha mẹ…

          TRÀ ĐÌNH TỬU ĐIẾM: Phòng trà quán rượu có chứa gái điếm. Đây chỉ cho hạng người quá đam mê tửu sắc, hằng ngày la lết nơi nhà điếm, quán rượu, không kể đến gia đình, cha mẹ, vợ con..

 

CÂU HỎI

          1/-Định nghĩa Chánh nghiệp và Tà nghiệp ?

          2/-Lý do gì người Cư sĩ dễ sanh Tà nghiệp ?

          3/-Hành trạng tà nghiệp như thế nào ?

          4/-Người còn tà nghiệp có tai hại gì ?

          5/-Muốn hành Chánh nghiệp ta phải làm sao ?

          6/-Hành Chánh nghiệp xong được lợi ích như thế nào ?

          7/-Tóm tắt người hành được Chánh nghiệp có kết quả gì ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn