SƠ LƯỢC: Lược qua những phần cương yếu, cần thiết, chớ không lý luận dài dòng chi tiết. Đức Thầy nói: “Lấy yếu lược đôi câu mà trần tố”.
TU HIỀN: Trau giồi những điều phước lành tốt đẹp và chừa bỏ những điều xấu xa tội ác, rèn luyện cả khả năng và đức hạnh. Nên chữ tu hiền ở đây gồm cả tu Nhân và tu Phật. Kinh Minh Thánh có câu:“Bất du Thánh Đạo, an đắc vị hiền”. (Không vào Thánh Đạo sao gọi là người hiền) đó là tu Nhân. Còn trong bài qui y, Đức Thầy dạy: “Qui y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo”. Bởi có tu hành theo Phật Đạo mới được trọn lành, trọn sáng; ấy là tu Phật.
ĐẠO PHẬT: Cũng gọi là Phật Đạo hay Phật Giáo, là một nền Đạo lớn nhứt trong thế giới. Phát khởi từ cõi Thiên Trước (Ấn Độ), do Đức Thích Ca làm Giáo Tổ, trước Tây lịch 563 năm. Là nền Đạo dạy người tự tu, tự ngộ, tự giác, giác tha, và giác hạnh viên mãn, tức là thành Phật, nhằm mục đích giải khổ cho toàn thể chúng sanh.
Sau Đức Thích Ca tịch diệt thì các vị Tổ kế truyền, và những nhà tu đắc đạo tiếp tục quảng bá Đạo Phật lan rộng trong nhân gian. Hiện nay có hơn 800 triệu tín đồ sùng ngưỡng, chiếm tỷ số hơn một phần ba thế giới.
NHÀ SƯ: Ông Thầy tu theo Đạo Phật, chỉ cho các cao tăng tu Phật, hoặc các Thầy giảng giải giáo lý Đạo Phật. Nhà Sư là danh từ thông dụng để gọi chung trong giới Tăng Đồ, vừa tu vừa giảng dạy Đạo Phật cho đại chúng nghe.
NI CÔ: Giới nữ tu hạnh xuất gia, thường ở chùa hay am cốc.
CỬA THIỀN: Do chữ Thiền môn. Có nghĩa cửa chùa hay cửa Phật, cũng chỉ cho cửa Đạo:“Đạo cả nào trông đến cửa Thiền”.( ĐT)
AM CỐC: Am là cái nhà nhỏ, có trang trí thờ phượng như cái chùa; cốc là hang trên núi hoặc cái lều nhỏ không cần thờ phượng. Am cốc là nơi các nhà tu ở.
KINH KỆ: Kinh, phiên âm Phạn ngữ “Tu Đà La” Tàu dịch là tuyến, nghĩa như sợi dây xâu các hột châu lại thành chuỗi. Tức là Phật nói ra các pháp rồi những đệ tử kết tập lại thành Kinh, lưu truyền đời sau. Kệ là một thể văn trong Kinh Phật, thường cứ một thiên kinh là có một bài Kệ, để tán tụng hoặc tóm tắt đại ý hay diễn dịch ra. Chữ Kinh Kệ nói chung là chỉ cho tất cả lời của Phật của Thầy nói ra để giáo hóa chúng sanh.
“Kệ Kinh tụng niệm đêm thanh,
Ấy là châu ngọc để dành về sau”. (ĐT)
DÀ LAM: Cũng viết là già lam, nói cho đủ là Tăng già lam. Có nghĩa là cảnh vườn chùa, chỉ chung cho các ngôi chùa.
BÁ TÁNH: Trăm họ, chỉ chung cho tất cả mọi người trong thế gian.
THẬP PHƯƠNG: Mười phương hướng, chỉ cho 8 hướng chung quanh và 2 hướng trên và dưới, tức là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam,Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng phương và Hạ phương. Thập phương là tiếng chỉ chung cho khắp thế giới hoặc khắp chư Phật hay chúng sanh.
“Nguyện mười phương chư Phật đáo lai”.( ĐT)
QUI Y: Qui là nương về. Y là làm theo. Nghĩa chung là nương về với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) và trì hành theo lời pháp giáo của Tổ Thầy đã dạy. Đức Thầy có giải:
“Quy là về, mà về đâu ? Về cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu. Vậy qui y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng, thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”.
“Qui y thì khá làm y,
Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.( ĐT)
PHẬT PHÁP: Giáo pháp của chư Phật. Tất cả tam tàng: Kinh, Luật, Luận đã có trong Đạo Phật từ trước và Kinh giảng của Đức Thầy hiện giờ đều gọi chung là Phật Pháp. Người tu Phật phải nương theo đó mà tu tập cho đến khi thành Đạo. Giáo pháp là một trong Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đức Thầy từng khuyên:
“Phật pháp thiền na dốc thật hành”.
ĐẠI ĐỒNG: Rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt giới hạng, giai cấp. Chữ đại đồng ở đây chỉ cho sự bình đẳng rộng lớn khắp cả nhân loại chúng sanh. Đức Thầy thường cho biết:
“Dựng cuộc hòa minh khắp đồng”.( ĐT)
PHẬT QUẢ: Cũng gọi là quả Phật, chỉ cho các bậc tu hành đã thành Phật, tức là hoàn toàn giác ngộ; gồm đủ tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
LUÂN HỒI: Luân là bánh xe, hồi là xoay trở lại. Ý nói chúng sanh từ vô thỉ đến nay, hết sống rồi chết, chết rồi đầu thai trở lại; cứ thế mà lăn lộn xuống lên mãi trong 6 cõi phàm, như bánh xe xoay tròn không có đầu mối. Đức Thầy đã bảo:
“Từ nhỏ tuổi đến người trưởng lão,
Mắc trong vòng sanh tử luân hồi”.
ĐẠI CHÚNG: Số dân chúng rộng lớn. Ý chỉ cho hầu hết dân chúng.
ĐIỀU KIỆN: Điều phụ vào, nhưng bắt buộc phải có trong sự cam kết định đoạt.
XÃ HỘI: Những đoàn thể loài người có mối quan hệ sinh hoạt chung với nhau.
HOAN NGHINH: Cũng viết là hoan nghênh. Có nghĩa tiếp đón và hoan hô, ca ngợi một cách vừa lòng vui thích.
LÝ TƯỞNG: Tư tưởng cao cả và quí đẹp nhất về một vấn đề gì. Ví dụ; Lý tưởng đạo đức trên hết.
LUẬT NHÂN QUẢ: Cũng gọi là “Luật quả báo”, tức là định luật trả vay của nhân và quả. Hễ mình làm việc lành hay dữ thì sớm muộn gì cũng có trả lại quả vui hay khổ. Đức Thầy cho biết:
“Luật nhân quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.
Sự quả báo có nhiều cách, tạm chia làm 5 phần:
1-Hiện Báo: Quả báo trong một đời, hễ ai tạo việc lành hay dữ trong kiếp nầy thì sớm muộn gì cũng kết quả vui hoặc khổ trong kiếp nầy.
2-Sanh Báo: Quả báo hai đời, là người gây nhân lành hay dữ trong đời nầy, qua đời kế đó mới kết quả vui hay khổ, hoặc gây tạo ở kiếp vừa qua mà kiếp nầy thọ hưởng.
3-Hậu Báo: Quả báo nhiều đời, là nghiệp gây tạo ở nhiều kiếp trước, kiếp nầy trả, hoặc hành động ở kiếp nầy đợi tới nhiều kiếp sau mới trả.
4-Nhồi Báo: Là nghiệp nhân đã gây tạo nhiều lần trong nhiều tiền kiếp, bây giờ phải trả dồn một lượt.
5-Dư Báo: Là những nghiệp nhân yếu ớt hay thiếu trợ duyên từ vô lượng kiếp dẫn tới giờ còn sót lại. Vì hành giả tu hành tinh tấn, nên hạt giống đó không có cơ hội phát khởi, nhưng nó không úng chết. Đợi tới kiếp hành giả đắc Đạo mới bị trả một cách nhẹ nhàng.
GIỚI LUẬT: Cũng gọi là giái cấm, giới luật do Thầy Tổ lập ra để răn cấm môn đồ không cho quấy phạm, như tám điều răn cấm, hay 10 điều ác...“Gìn giới luật nghe Kinh trọng Phật”.( ĐT)
HỌC PHẬT TU NHÂN: Hiểu theo văn tự là học cho thông suốt Đạo Phật và hành sử cho trọn vẹn Đạo Nhân, nhưng hiểu theo ý pháp của Đức Thầy thì tôn chỉ PGHH gồm có Đạo Nhân và Đạo Phật, mà mỗi tín đồ cần phải thực hành cả hai mới đạt đến mức cứu cánh, hoặc lấy tâm Phật mà hành Đạo Nhân mới siêu thoát.
HIẾU NGHĨA: Hiếu hạnh và tiết nghĩa, cũng giải là thích làm việc phải, có ích lợi cho mọi người. Chữ hiếu nghĩa ở đây còn có nghĩa là thi hành việc Đạo nghĩa, tức là lo đền đáp tứ ân và đối xử cho tròn cái Đạo làm người: “Nhơn sanh hiếu nghĩa dĩ vi tiên”.( ĐT)
ĐỨC THẦY TÂY AN: Ngài quê ở làng Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng, nay là xã Mỹ An Hưng, tỉnh Sa Đéc (Nam phần Việt Nam). Ngài sanh vào giờ Ngọ, ngày Rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807), niên hiệu Gia Long thứ VIII. Ngài khai Đạo đầu mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1849). Viên tịch vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856). Ngài chính danh là Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, người trong Đạo cũng như ngoài đời, đều xưng tụng Ngài là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài khai sáng Tông Phái Bửu Sơn Kỳ Hương và là tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ (Xem thêm phần CT chữ Đức Thầy Bửu Sơn bên Q.1, T-1, Quyển Thượng.)
MÔN NHƠN ĐỆ TỬ: Môn nhơn là người học trò, đệ tử là con em. Trí năng do Thầy đào tạo ra nên gọi là con. Sự hiểu biết sau Thầy nên gọi là em. Hiểu chung bốn chữ “Môn nhơn đệ tử” là những người học trò trong một trường Đạo hay một môn phái.
HY SINH: Con vật toàn một màu sắc, đem làm thịt dùng vào việc cúng tế. Ý nói người dám bỏ tất cả quyền lợi, danh vị, tài sản lẫn tánh mạng để làm được việc công nghĩa. Hy sinh vì Đạo là người dám liều thân hoặc dồn hết tâm lực để làm tròn việc Đạo pháp.
GẮNG GỔ: Cố gắng làm để nên việc.
CÂU HỎI
1- Đại ý và tiêu đề Quyển Sáu ra sao ?
2- Từ xưa đến nay người tu Phật có mấy hạng ?
3- Hạng xuất gia là người như thế nào ?
4- Hạng tại gia gồm những ai và tại sao họ không xuất gia ?
5- Phật Giáo Hoà Hảo chúng ta hiện nay tu như thế nào ?
6- Tôn chỉ PGHH ra sao ?
7- Tất cả Kinh sách của Phật Thánh Tiên dạy việc gì trước hết ?
8- Đức Phật Thầy khuyên dạy môn đồ nên làm gì ?
9- Sự và lý xuất gia ra sao ?
10- Hãy lược kể tiểu sử Đức Phật Thầy Tây An ?