NGUYÊN NHÂN ĐỨC THẦY VIẾT QUYỂN SÁU:
Bởi hiện tình người Pháp dùng chánh sách đàn áp các Đạo giáo, nhứt là PGHH, nên sau khi khai Đạo chưa đấy một năm thì họ bắt Đức Thầy lưu đi. Suốt thời gian 5 năm Ngài không được trực tiếp hướng dẫn tín đồ. Tuy nhiên, phần đông bổn đạo có thiệt thì đúng theo giáo điều, nhưng cũng còn một số hành động trái với tinh thần cao cả của Đạo Phật.
Do đó, Ngài viết Quyển Sáu gởi về khuyên khắp môn đồ, từ nay phải hành sử đúng theo các qui điều ấn định trong đây, hầu tránh những việc sơ suất và khỏi phụ công ơn hoằng Đạo của Tổ Thầy.
CHÚ THÍCH
NĂM NĂM TRƯỜNG: Năm năm dài. Ý chỉ từ tháng Tư năm Canh Thìn (1940), Đức Thầy bị người Pháp lưu đày. Đến khi Ngài viết quyển Sáu là tháng 5 năm Ất Dậu (1945), tính theo thời gian ấy là 5 năm Ngài phải xa cách tín đồ.
CHÁNH SÁCH: Cũng gọi là chính sách. Có nghĩa phương cách và kế hoạch của một chánh quyền.
ÁP BỨC: Ép buộc, bức hiếp bằng sức mạnh của người có quyền thế. Ví dụ: dùng quyền lực áp bức dân chúng.
TÔN GIÁO: Tiếng dùng gọi chung các nền Đạo có tín ngưỡng và đường hướng dẫn dắt nhân sanh hành thiện tránh ác.
Thuở loài người chưa tiến bộ, họ lấy cục đá, gốc cây...làm vật thờ cúng, sau mới thờ các vị thần. Tôn giáo lúc đó cho rằng các vị thần cũng có hình thể, tâm tánh như con người, nhứt là ở các nước như Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã... Bấy giờ người ta lấy sự thờ kính của một vị thần (Độc thần giáo), hay nhiều vị (Đa thần giáo) làm chủ đích để tin theo. Đó là họ chỉ chú trọng về phần tín ngưỡng thôi.
Lần lượt khoa học tiến bộ, các vị Thánh triết ra đời, mở rộng con đường đạo lý. Vào đầu Tây lịch kỷ nguyên Chúa Gia Tô xuất hiện, lập nên Tôn Giáo Cơ Đốc truyền bá ở Âu Châu.
Riêng về Á Châu có Phật Giáo là nền Đạo thuần nhứt, do Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập, đem giáo thuyết từ bi bình đẳng giáo hóa chúng sanh, đến nay có trên 2.500 năm mà nhân loại khắp thế giới, càng lúc càng phụng hành đông đảo.
Xét cho kỹ Phật Giáo không thể gọi là Tôn Giáo như các Đạo nói trên, vì Phật Giáo có một nền giáo lý thực tế, áp dụng vào đời sống thiết thực cho nhân sinh. Nói rõ hơn giáo lý Phật Giáo gồm đủ: Tâm, vật, lý mà siêu tâm, vật, lý và lúc nào Phật Giáo cũng tiến trước khoa học.(Trước đây 25 thế kỷ, Phật đã biết trong nước có vi trùng và ngoài địa cầu ta ở có vô số địa cầu và hành tinh khác. Còn khoa học mới phát sinh và thấy được sau đó rất lâu.)
TÔN CHỈ: Ý chỉ chính xác. Cũng có nghĩa đường lối vạch sẵn, để thực hành theo hầu tiến tới mục đích. Đây ý nói cách ăn ở và phương thức tu hành trong quyển sách nầy là “Tôn chỉ’ của PGHH, nếu ai trì hành đúng theo sẽ đạt đến mục đích (giải thoát) của Đạo.
CƯỜNG QUYỀN: Quyền thế mạnh mẽ. Ý chỉ nhà đương cuộc Pháp bấy giờ (1939-1945).
TRUNG THÀNH: Ngay chánh và thành thật, tức người có lòng thành thật trước sau như một chẳng hề thay đổi. Ví dụ: trung thành với tổ quốc, trung thành với Đạo pháp.
Đức Thầy có câu:
Ghi biên những kẻ quá lương hiền,
Một mực trung thành với Phật Tiên.
ĐẠO ĐỨC: Đạo có nhiều nghĩa. Đạo là con đường của tâm hồn; Đạo là bổn phận của con người; Đạo là bản thể tuyệt đối. Đức là tâm lành, là thể hiện của nhân lành: từ bi, bình đẳng. Tinh thần đạo đức là tinh thần cao thượng:“Từ bi, bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng, đại độ..“.( ĐT)
Hoặc là: Đạo đức gắng công nên cách mặt.
Và Ơn nhà Đạo đức quyết đền ân. (ĐT)
CHỦ NGHĨA: Cái tiêu chuẩn căn bản về lý tưởng của một tôn giáo hay một học thuyết mà người ta đang tín ngưỡng và quyết định thực hành theo.
TỪ BI: (Xem CT chữ Từ Bi trong ân Đồng Bào và Nhân Loại, tập 1, Q.6)
BÁC ÁI: Lòng thương yêu rộng lớn:
Bác ái xả thân tầm Đạo chánh. (ĐT)
GIÁO PHÁP: Cũng gọi là Pháp giáo hay Phật pháp tức là do vô số lời lẽ của Đức Phật thuyết ra suốt 49 năm để giáo hóa chúng sanh. Sau đó các đại đệ tử kết tập lại thành Tam tạng: Kinh, Luật, Luận. Như tất cả Kinh Giảng lời lẽ chỉ dạy của Đức Thầy hiện giờ cũng gọi là giáo pháp. Giáo Pháp là một trong 3 ngôi quí báu: Phật, Pháp, Tăng. Xưa nay người tu Phật đều nhờ nương theo Giáo pháp mà được tỏ ngộ chân tánh, thành Đạo giải thoát:
Tìm tõi Đạo mầu trong Phật pháp,
Cho đời hiểu rõ lý chơn không. (ĐT)
TRÍ HUỆ: Phạn ngữ Prajna, phiên âm là Bát nhã, dịch là trí tuệ hay trí huệ. Có nghĩa sáng suốt: hiểu rành các sự việc về hình tướng (hữu vi) gọi là trí. Sáng thông mọi lẽ, mọi pháp về nội tâm (vô vi) gọi là huệ. Nghĩa chung là sự thấy biết thông suốt các pháp vô vi, hữu vi và cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai một cách rõ ràng, không hề bị một sự vật nào làm ngăn ngại. Trí huệ đối với mê si (vô minh) và phiền não. Vì các món ấy là mê tối, lầm lạc và tội ác. Còn trí huệ là sáng suốt, chơn chánh ví như ngọn đèn soi tan bóng tối. Trí huệ khác hơn thế trí biện thông (kiến thức) bởi thế trí do học mà biết, còn trí huệ do nơi tu hành mà thông đạt, rốt ráo cùng tột.
Trí huệ là một trong Lục độ vạn hạnh của chư Bồ tát: Bố thí, Nhẫn nhục, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ; nhưng trí huệ siêu việt hơn và bao gồm 5 độ kia. Đức Thầy hằng dạy:
Trí huệ trau giồi kiếm nẻo thanh.
Hoặc: Nương theo đuốc huệ tầm chơn lý.
QUI TẮC: Do chữ qui củ chuẩn thằng. Qui là cái đồ vẽ hình tròn (compa), củ là cây thước vuông dùng để đo góc. Chuẩn thằng là sợi dây tiêu, dây mực. Nhờ các món ấy người thợ mới làm nên món đồ ngay thẳng khéo đẹp. Nghĩa rộng chỉ cho luật lệ, phép tắc.
Chữ qui tắc ở đây Đức Thầy chỉ cho quy luật nghi thức của Đạo mà mỗi tín đồ phải hành trì cho đúng theo đó.
BỔN SƯ: Ông Thầy căn bản. Theo Phật Giáo thì Đức Thích Ca Như Lai là vị Thầy căn bản (cội gốc), vì Ngài là đấng Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật.
Nam Mô Thích Ca Như Lai,
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài chứng minh. (ĐT)
THÍCH CA: Phiên âm của Phạn ngữ Sakya, họ của Phật. Tàu dịch là Năng Nhơn. Có nghĩa: người có năng lực từ bi rộng lớn, Ngài dùng mọi phương tiện giáo độ tất cả chúng sanh. Đức Thầy có câu: Khùng huyền cơ Khùng Đạo Thích Ca. (Xem thêm phần CT quyển 2, câu 390, tập 2, quyển Thượng).
MÂU NI: Phiên âm của Phạn ngữ Mouni, dịch là Tịch Mặc. Có nghĩa trong sáng và lặng lẽ. Tuy làm các hạnh lành, giúp thế độ đời mà lòng vẫn an nhiên trong sạch, không hề xao động thiên chấp.
GIẢI THOÁT: Cởi mở sự ràng buộc, đeo níu; chỉ cho người giải thoát khỏi sáu nẻo luân hồi sanh tử. Giải thoát là một trong nhiều nghĩa của chữ Niết Bàn. Đức Thầy có câu: Mong bá tánh vạn dân giải thoát.
CÂU HỎI
1/-Hãy cho biết xuất xứ và văn thể Quyển sáu ?
2/-Xuất xứ và nội dung bài Lời Nói Đầu ra sao ?
3/-Nguyên nhân nào Đức Thầy viết Quyển Sáu ?
4/-Giải nghĩa hai từ ngữ Tôn chỉ và Giáo pháp ?
5/-Chữ Giải thoát có nghĩa như thế nào ?