CHÁNH VĂN (Từ câu 461 đến câu 532)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 32453)
CHÁNH VĂN (Từ câu 461 đến câu 532)

461.-Đừng quen thói cũ làm càn,

Trộm gà cắp vịt xóm làng ghét vơ.

          Khi xưa Ta cũng làm thơ,

464.-Mà đời trần-hạ làm ngơ ít nhìn.

          Dạy cho trần- thế phỉ tình,

Đàng Tiên cõi tục phân minh hai đường.

        Bây giờ hát-bộ là thường,

468.-Để sau Phật hát tỏ tường cho xem.

       Cải-lương tuồng ấy cũ mèm,

Tốn tiền buồn ngủ lại thèm đồ ăn.

      Nhảy lui nhảy tới lăng-xăng,

472.-Làm tuồng mèo mả thêm nhăng cho đời.

         Hạ-nguơn lòng dạ đổi dời,

474.-Bây giờ khổ-não đến đời là đây.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 462 đến câu 474)

          -Đoạn nầy Đức Thầy kêu gọi bá tánh hãy dứt bỏ những thói xấu xa từ trước, như: tham gian, trộm cắp,…làm cho thôn xóm chán ghét. Tiền kiếp Ngài cũng có lần viết Kệ Giảng, khuyến hóa nhân sanh, nhưng không được mấy người đ ý.

          -Ngày nay Đức Thầy dạy thật nhiều, để cho dân chúng rõ đâu là đường về Tiên cảnh, siêu thoát an vui và đâu là đọa lạc trần mê sanh tử, hầu chọn một lối đi tốt lành an tịnh. Ngài cũng khuyên mọi người, không nên xem hát xướng, vì lối hát bội từ trước tới nay là thường sự. Hãy lo tu hành đi, rồi sau nầy Trời Phật sẽ giúp cho, xem được cuộc diễn biến của tuồng đời rất ly kỳ.

          -Đến như các đoàn cải lương hiện giờ, họ cũng diễn đi diễn lại những tuồng tích cũ mèm, xem chẳng bổ ích chi, lại còn tốn tiền vô lý. Phần nhiều họ phô diễn các tuồng tích, tình tứ lã lơi, khêu gợi lòng ái dục, khiến con người quên hết nền nếp gia phong, rồi gây thêm nghiệp tội mà giờ đây đành chịu khổ.

CHÚ THÍCH

          PHỈ TÌNH: (Xem CT câu 172, T-2, Q.3).

          ĐÀNG TIÊN CÕI TỤC: Đàng Tiên là con đường siêu thoát về cõi Tiên; Cõi Tục là cảnh thế gian (phàm tục) chúng sanh đang ở. Ý nói Đức Thầy dùng lời Kệ Giảng phân giải rõ ràng về đường lối, cách thức làm thế nào được về cảnh Tiên hưởng sự tiêu diêu khoái lạc, và hành động ra sao mà phải vào cuộc phàm tục, chịu muôn ngàn khổ não.

          PHÂN MINH: (Xem CT câu 208, T-2, Q.3).

          HÁT BỘ: Cũng gọi là Hát bội. Một lối hát tuồng có sân khấu và tranh cảnh, màn trướng (thời xưa có khi không dùng màn ảnh). Đào kép dùng điệu bộ nhứt định cho từng trường hợp, để diễn tả các cảnh vui buồn. Cách hóa trang, cũng nhứt định cho mỗi vai: Trung, Nịnh, Hiền, Hung, lời đặt để theo ba điệu: Nam, Khách và Nói lối.

          CẢI LƯƠNG: Là hát cải lương. Một lối hát trên sân khấu như hát bội, nhưng tuồng tích có cả xưa và nay cũng được phân màn, phân cảnh như lối hát Âu Châu. Lời hát đặt theo các điệu ca, lý. Nam Bắc, Âu, Tàu; nhạc đệm phần nhiều là nhạc Âu. Trong ngày xưa, Ngài Huệ Lựu đã khuyên:

“Đừng ham hát bộ cải lương,

Để sau coi hát của Vương Minh Hoàng.

Cải lương là thói điếm đàng,

Hát bộ giễu xóm, giễu làng xưa nay”.

          MÈO MẢ: Do thành ngữ “Mèo mả gà đồng” ý chỉ cho hạng đàn ông, đàn bà hoặc trai gái tư tình với nhau; hẹn hò gặp gỡ nhau nơi nầy, nơi nọ, trái với phong tục lễ giáo. Như mèo đực mèo cái nhảy nhau ngoài gò mả, gà trống đạp gà mái ngoài đồng; gà đồng còn có ý nghĩa loài ếch: chúng thường bắt cặp nhau ở chỗ có nước lắp xắp. Đức Thầy có câu:

                   Xưa nay mèo mả lung lăng,

            Làm cho quên mất Đạo hằng Thánh nhơn”.      

                                             (Đáp lời Ô. Lương văn Tốt)

CHÁNH VĂN

            Rán nghe lời dạy của Thầy,

476.-Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.

          Tây-Phương Thầy lại quá xa,

Nên Ta mới nói cạn lời dân nghe.

          Đừng ham lên ngựa xuống xe,

480.-Ăn xài phí của lụa the làm gì.

          Xuống trần Ta dạy cố lỳ,

Cốt cho trần-thế nghe thì mới thôi .

          79.-Ngày nay xe lết xe lôi,

484.-Đúng lời truyền sấm của hồi đời Lê.

          Là năm Rồng, Rắn, Ngựa, Dê,

Chúng-sanh thế-giới ê-hề thây phơi.

          Trạng-Trình truyền sấm mấy lời,

488.-Ngày nay dân-chúng vậy thời rán tri.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 475 đến câu 488)

          -Đức Giáo Chủ khuyên mọi nguời hãy sớm tu hành theo lời dạy bảo của Ngài, kẻo để việc khổ tới nơi rồi tu chẳng kịp và lúc ấy dầu muốn gặp Ngài cũng không thể được. Vì Ngài đã ở quá xa bên cõi Tây phương, tâm hồn của kẻ hung ác làm sao giao cảm với Phật được.

          -Do đó, Ngài dùng đủ lời khuyên dạy: bá tánh chẳng nên ham danh lợi, giàu sang, ăn xài phung phí. Bởi sự sang cả ấy chẳng được bao lâu thì cảnh khổ cũng kề đến.

          -Ngài lâm phàm độ thế, chẳng nệ công lao nhọc, dốc một lòng truyền Đạo mãi mãi cho đến khi nào chúng sanh hướng thiện, Ngài mới an nghỉ.

          -Đức Thầy còn cho biết về thế cuộc từ đây sắp đến, sẽ diễn biến đúng y theo lời Sấm của Cụ Trạng Trình thời nhà Lê, vậy bá tánh hãy rán tìm hiểu. Như trường hợp cuộc Đệ nhị thế chiến vào năm Rồng (Canh Thìn – 1940), chúng sanh phải chịu cảnh chết chóc thê thảm, dẫn đến năm Ất Dậu (1945); chiến cuộc mới chấm dứt, thế giới tạm hòa bình:

                   Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,

                     Can qua xứ xứ khởi đao binh.

                     Mã đề dương cước anh hùng tân,

                    Thân Dậu niên lai kiến thái bình”.(Giảng xưa)

            Việc nầy hồi năm Kỷ Mão (1939), Đức Thầy cũng đã tiên tri trong một đoạn giảng:

Mèo kêu bá tánh lao xao,

Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.

Con ngựa lại đá con dê,

Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao.

Khỉ kia cũng bị xáo xào,

       Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng”.(S/Giảng Q.1)

 

CHÚ THÍCH

          TÂY PHƯƠNG: (Xem CT câu 279, T-2, Q.2).

          LÊN NGỰA XUỐNG XE: (Xem CT câu 143, T-2, Q.2).

          LỜI SẤM TRUYỀN: Cụ Trạng họ Nguyễn, húy Bỉnh Khiêm, tự Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ, đời sau gọi Ngài là Tuyết Giang phu tử.

          Cụ sinh năm Tân Hợi (1491), đời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ 22, tại làng Cổ Am (Trung An), huyện Vĩnh Lạc (nay là Vĩnh Hảo), tỉnh Hải Dương, Bắc phần Việt Nam.

          Thân sinh là ông Văn Đình, sau được nhà Mạc truy tặng chức Thái Bảo Nghiêm Quận Công. Thân mẫu là con gái quan Hộ Bộ Thượng thư Nhữ văn Lâu; sau Bà đặng truy tặng là Từ Thục Phu nhân.

          Thuở nhỏ Ông thông minh lạ lùng, mới bốn tuổi được song thân tận tình chỉ dạy truyền khẩu, những nghĩa lý trong Tứ Thơ, Ngũ Kinh cùng các kinh truyện khác. Lớn lên, Ông theo học với quan Bảng Nhãn Lương  Đắc Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi và nổi tiếng về văn thơ.

          Một hôm Lương Đắc Bằng đau nặng, biết không thể sống được, bèn trao cho Bỉnh Khiêm một quyển sách tên là Thái Ất Thần Kinh, quyển sách nầy trước kia do người Tàu tặng cho Ông khi Ông đi sứ sang Trung Quốc. Nguyễn Bỉnh Khiêm cố công nghiên cứu sách ấy, chẳng bao lâu Ông thông suốt những huyền vi của Trời Đất. Từ đó, Ông nổi tiếng về khoa Lý số.

          Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, trong nước loạn lạc, Ông không chịu xuất chính. Nhưng nhà Mạc buộc các sĩ phu phải ra ứnh thí, để triều đình tuyển chọn hiền tài ra giúp nước. Nhân có mẹ già cần đủ y thực cung phụng, và nhiều bạn hết sức khuyên giải, Ông mới miễn cưỡng lai Kinh ứng thí. Bấy giờ Ông được 44 tuổi, đặng đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương. Năm sau thi Đình, Ông đỗ Trạng Nguyên, nhằm niên hiệu Đại chính, đời vua Mạc Đăng Doanh.

          Ông được nhà Mạc phong chức Lại Bộ Tả Thị Lang kiêm Đông Các Đại Học sĩ. Làm quan được 8 năm, Ông có dâng sớ hạch tội và xin Vua nghiêm trị bọn lộng thần; nhưng thấy không hiệu quả Ông bèn từ quan (1542, đời Mạc Phúc Hải) vể trí sĩ. Khi về làng, Ông lập một cái am để tu dưỡng, đặt tên là “Bạch Vân Am”, lấy hiệu là Bạch Vân Cư sĩ. Ông cũng có dựng lên một cái nhà nghỉ mát bên sông Tuyết Giang, đặt tên là Trung Tâm Quán. Do đó về sau môn đệ của Ông tôn xưng là Tuyết Giang Phu tử.

          Tuy trí sĩ, nhưng nhà Mạc vẫn tôn trọng Ông vô cùng. Có công việc gì khó giải quyết, họ đều đến hỏi Ông. Sau hai năm trí sĩ, nhà Mạc lại phong cho Ông chức Trình

Nguyên Hầu, rồi lại thăng chức Lại Bộ Thượng thư, tước Trình Quốc Công, nên người đời mới gọi Ông là Trạng Trình.

          Là một bậc túc nho thông kim Bác Cổ, một sĩ phu tài danh lỗi lạc, cũng là một nghệ sĩ có tâm hồn phóng khoáng với những cảm hứng chân thành và cũng là một nhà lý số chân chính, Ông thường dùng thi ca để truyền bá tư tưởng và Đạo đức, vừa có tánh cách giáo dục người đời và vừa tiên tri thời cuộc sắp đến. Về Hán văn, Ông có viết một tác phẩm nhan đề là “Bạch Vân Am tập”, gồm có cả ngàn bài thơ vịnh cảnh, tả tình. Về thơ Nôm có tập “Bạch Vân Quốc ngữ thi”. Trong tập nầy, những bài thơ thường không có đề mục nhất định, có những bài tả cảnh, tả tình, tán thưởng cuộc đời nhàn hạ, hoặc nói về nhơn tình thế thái. Hiện nay chỉ còn lối 500 bài chữ Hán và 100 bài chữ Nôm, cùng một ít bài Sấm ký.

          Chẳng những toàn nước Việt Nam mà đến người Trung Hoa cũng phục tài tiên tri của Ông, nên có lời ca tụng:“An Nam lý học hữu Trình truyền”.(Nước Việt Nam có ông Trạng Trình là bậc tinh thông về khoa Lý học). 

            Vì thế, từ vua tôi nhà Mạc đến Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn đều một lòng tôn kính, và thường tới lui thăm viếng, để nhờ ông đoán việc mai hậu.

          Sử chép: Khi Trạng Trình lâm trọng bịnh, Mạc Mậu Hợp biết ông là người thông suốt việc quá khứ vị lai, bèn sai con đến thăm và hỏi hậu vận nhà Mạc. Ông bảo:“Nếu sau nầy có biến, nên rút về mạn Cao Bằng. Chỗ nầy tuy nhỏ, nhưng cũng dung thân được vài đời”. Nhà Mạc nhớ lời Ông, quả nhiên về sau nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc, con cháu nhà Mạc thất thế chạy lên chiếm cứ mạn Cao Bằng Lạng Sơn, yên thân ở đây và truyền được hai đời Vua nữa, trước sau được 70 năm nhà Mạc mới dứt.

          -Lại có chuyện: Nguyễn Kim chết, người rể là Trịnh Kiểm chiếm giữ binh quyền, giết em vợ là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng là em ruột sợ vạ lây, liền cho người đến vấn kế Ông. Ông dắt ra chỉ đàn kiến đang bò ở hòn non bộ, cười nói:“Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”.(Một dãi Hoành Sơn, có thể yên thân muôn đời). Nguyễn Hoàng hiểu ý, rồi nhờ chị là Ngọc Bảo Công chúa năn nỉ với anh rể là Trịnh Kiểm xin cho vào trấn đất Thuận Hóa. Nhờ đó, mà Nguyễn được cơ hội xây dựng sự nghiệp lâu dài, ứng vào lời tiên tri của Ông.

          -Trạng Trình còn tiên tri việc người Pháp (thằng Tây) bị mất quyền tại Việt Nam, từ ngày, tháng, năm không sai một mảy:

“Đầu xuân gà gáy hăm tư,

Thầy tăng mãn hạn hoa trư tuyệt kỳ”.

          Đầu xuân chỉ cho tháng Giêng, gà gáy là năm Ất Dậu (1945), hăm tư là đêm 24 sáng 25, Thầy tăng nói lái lại là thằng Tây. Vậy hiểu chung là chỉ cho thằng Tây (người Pháp), bị mất quyền tại Việt Nam vào đêm 24 rạng 25 tháng Giêng năm Ất Dậu (nhằm ngày 09/03/1945) do Nhựt đảo chánh Pháp.

          Đó là các việc đã qua, còn những việc đang và sắp đến, cũng xin trích dẫn ra đây một vài đoạn để mọi người thử nghiệm xét:

                   “Dục thức Thánh Nhân xứ,

                     Đa xuất ứng Bảo Giang”

                                      ---

                   “Hoà thôn đa khuyển phệ,

                     Mục giả giục nhân canh.

                     Bắc hữu kim thành tráng,

                     Nam tạc ngọc bích thành.

                     Phân phân tùng bách khởi,

                     Nhiễu nhiễu xuất Đông chinh.

                     Bảo Giang Thiên Tử xuất,

                     Bất chiến tự nhiên thành”.

                                      ---

                   “Phá điền Thiên Tử xuất,

                     Bất chiến tự nhiên thành”.

                                      ---

                   “Cửu cửu càn khôn dĩ định,

                     Thanh minh thời tiết hoa tàn.

                     Trực đáo Dương Chi đầu Mã Vĩ,

                     Hồ binh bát vạn nhập Tràng an.

                                      ---

                             “Canh niên tàn phá

                               Tuất Hợi phục sinh

                               Nhị ngũ như bình”.

          -Cụ Trạng Trình mất vào ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu (1585) đời vua Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Duyên Hành năm thứ 5, tức năm thứ 8 niên hiệu Quang Hưng vua Thế Tôn nhà Lê, hưởng thọ 95 tuổi.

 

CHÁNH VĂN

          489.-Hiền nhơn bổn phận tu mi.

Hãy mau thức tỉnh kiếm thì huyền-cơ.

          Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

492.-Chúng-sanh còn đợi còn chờ chuyện chi.

          Trên Trời xuất hiện Tử-Vi,

Quang-minh sáng-suốt vậy thì dân ôi ! 

          Thương dân khó đứng khôn ngồi,

496.-Xót-xa dạ Ngọc bồi-hồi tâm Trung.

          Gió dông thì cội cây rung,

Phương xa có giặc thung-dung đặng nào ?

          Trời tây chúng nó hùng-hào,

500.-Đem lòng gây-gổ máu đào mới tuôn.

          Cầu Trời cho chúng qua truông,

502.-Thế-gian yên-lặng hát tuồng khải ca.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 489 đến câu 502)

          -Đoạn nầy Đức Thầy cho biết, bổn phận nam nhi, cần tu sửa thân tâm cho được hiền lương nhơn ái và hãy sớm thức tỉnh suy tầm lẽ huyền cơ Đạo lý. Cuộc thế hiện nay chẳng khác ngọn đèn bị hết dầu, chỉ còn gượng chớp một vài tia sáng, rồi cũng tắt mất, thế mà chúng sanh cứ mãi chần chờ, chẳng chịu sớm tìm lối thoát.

          Bấy giờ vì sao Tử Vi đã xuất hiện trên nền Trời và chiếu sáng để báo tin thời đen tối sắp hết, vị Thánh Quân sẽ trổ mặt, kiến lập cuộc đời mới. Giữa thời gian thay đổi ấy, nhơn loại phải chung chịu cảnh đau thương tang tóc, nên lòng Đức Thầy thương xót khôn cùng.

          -Trời giông bão, cả cây cối đều bị vật ngã xác xơ, cũng như chiến tranh thế giới bùng nổ thì sớm muộn gì nước ta cũng bị vạ lây. Đức Thầy muốn chỉ rõ cuộc đổ máu hiện giờ, là do lòng tham ác từ dân Âu châu tạo ra rồi lan diễn khắp Á châu. Do đó, Đức Giáo Chủ hằng cầu nguyện cho vạn dân, sớm vượt qua khổ nạn, hầu toại hưởng cảnh thái bình an lạc.

 

CHÚ THÍCH

          TU MI (Xem CT câu 111, T-2, Q.2).

          HUYỀN CƠ: (Xem CT đoạn 2 bài Sứ Mạng).

          TỬ VI: Theo khoa Tướng số thì Tử Vi là một vì sao chánh trong việc coi bói. Còn theo sách Thiên văn Tàu thì Tử Vi là vì sao của bậc Minh Quân (Bắc Cực Tử Vi Đại Đế). Đây chỉ cho vì sao Đức Thánh Vương của Việt Nam sau nầy.

          DẠ NGỌC: Lòng trong trắng quí báu như châu ngọc. Chỉ cho lòng dạ của bậc cao cả, đã lóng sạch phàm tâm. Đức Thầy có câu:

                   Nhắc ra thì dạ ngọc đớn đau,

                Không nhắc đến biết đâu dân sửa”.(Giác Mê Q.4)

            BỒI HỒI: (Xem CT câu 143, T-1, Q.1).

          TÂM TRUNG: Trong lòng.

          TRỜI TÂY: Cũng gọi là trời Âu. Chỉ cho vùng trời Âu châu, bởi dân Âu châu gây nên cuộc Đệ nhị Thế chiến. Đức Thầy đã nói trong bài “Nang thơ Cẩm tú”:

                   Cuộc lung tung rối rắm trời Âu,

                     Nên còn ngại bước đường trở gót”.

          QUA TRUÔNG: Truông là vùng đất hoang, cây cỏ rậm rạp như rừng (truông mây). Nghĩa bóng là chỉ cho tai nạn khó khăn. Qua truông là thoát qua tai nạn khổ sở. Đức Thầy có câu:“Núi truông qua đặng rán lần dò”.(Thiên lý ca)

            KHẢI CA: (Xem CT câu 54, T-2, Q.2).

 

CHÁNH VĂN

          Tây-Phương tuy ở cõi xa,

504.-Thành tâm thì có Phật mà đáo lai.

          Ước-mong dân khỏi nạn tai,

Dắt-dìu Tiên-cảnh Bồng-Lai nhiều người.

          Xem trần khó nỗi vui cười,

508.-Lo giàu lo lợi chẳng rồi bớ dân.  

          Mẹ cha là kẻ trọng ân,

Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già.

          Giường linh đơm quảy mới là,

512.-Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi ! 

          Ta là thân phận làm tôi,

Phải đền phải đáp cho rồi mới hay.

          Mặc ai tranh luận đấu tài,

516.-Khuyên dân nên hãy miệt-mài chữ Tu.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 503 đến câu 516)

          -Tuy chư Phật ngự từ bên cõi Tây phương xa thẳm, song nếu có một ai biết hối lỗi và thành tâm tưởng nhớ, tất Phật Ngài sẽ cảm ứng ngay và dùng thần lực đến gia hộ cho hành giả đó. Đức Thầy cũng hằng mong mỏi cho vạn dân được thoát qua tai nạn cùng dìu nhau đến cảnh Tiên Phật, hầu chung hưởng cảnh an nhàn siêu thoát. Ngài nhìn khắp cõi trần thấy trong bá tánh khổ nhiều vui ít, thế mà họ mãi chạy theo vật chất tiền tài, rốt cuộc đâu chẳng rồi đâu, chỉ thấy nghiệp khổ càng thêm chồng chập.

          -Đức Thầy luôn kêu gọi mỗi người hãy nhớ đến công ơn sâu dày của cha mẹ, để sớm lo báo đáp. Lúc cha mẹ già yếu, phận làm con phải hết lòng hiếu dưỡng, chăm sóc từ miếng ăn, thức mặc, chí đến lúc ngủ nghỉ ốm đau, nhứt nhứt đều làm cho cha mẹ vui lòng. Chẳng may Ông bà, Cha mẹ từ trần, ta không đợi đến ngày giỗ mới làm mâm cao cổ đầy cúng tế, mà ngay như mỗi bữa ăn dầu dĩa dưa, hạt muối cũng nên, miễn là biết thành lòng tưởng nhớ và nguyện vái “Cửu Huyền Thất Tổ” về thọ dụng với mình là được.“Tưởng sự vong như thể sự tồn”, đó là đúng cách của người con báo hiếu.

          -Cho nên sống trong một gia đình hay một Quốc gia, bổn phận làm tôi con, phải lo đền đáp cho tròn câu hiếu nghĩa. Mặc cho người đời luận tranh cao thấp, phần ta cứ mãi đắp bồi công đức để được viên thành Đạo quả.

 

CHÚ THÍCH

          BỒNG LAI: (Xem CT câu 192, T-1, Q.1).

          TRỌNG ÂN: Ân nặng, ý nói công ơn của cha mẹ sanh con và nuôi dưỡng cho đến lúc lớn khôn rất sâu nặng lớn lao. Đây là một trong “Tứ Đại Trọng Ân”. Ca dao có câu:“Gươm vàng rớt xuống hồ tây, Công cha cũng trọng, ân Thầy cũng sâu”. Hoặc là:“Công cha nặng lắm ai ơi ! Nghĩa mẹ bằng Trời chín tháng cưu mang”.

          Đức Thầy cũng dạy:

                   Sách có chữ thâm ân dục báo,

                  Phận làm người hiếu thảo noi gương”.(Sa Đéc)

            DƯỠNG NUÔI BÁO HIẾU: Phận làm con phải biết tôn kính và bảo dưỡng cha mẹ, để báo đáp công ơn. Bởi:“Hiếu là cái cực điểm của sự lành, còn bất hiếu là cái cực điểm của sự ác”.(Nhẫn nhục Kinh) Và Kinh Báo Hiếu, Phật có dạy:“Con nuôi cha mẹ dùng cam lồ đặng làm vừa miệng, tấu mọi tiếng thiên nhạc để làm vui tai, dâng áo tốt, đồ báu làm đẹp thân thể, một vai cõng mẹ, một vai cõng cha, đi khắp bốn biển. Đó là hạnh hiếu lớn, không gì hơn nữa”. Nhưng Phật còn dạy rằng:“ Đó chưa phải là đủ. Nếu cha mẹ ngang trái tối tăm, chẳng thờ Tam Bảo, hung ngược tàn ác làm các nghiệp dữ; con phải can gián, khiến cha mẹ phát lòng tin, qui y chánh Đạo, thường hành lục độ, từ, bi, hỉ, xả, đối diện bậc tri thức, thường hay cung kính, vâng nghe giáo pháp, niệm Phật tu hành, nguyện thoát luân hồi, vãng sanh lạc thổ. Nếu y theo đó mà hành hiếu, mới có thể gọi là báo ân”.

          Đức Thầy nay cũng khuyên:

“Bần cùng cũng sớm liệu toan,

Giữ tâm ngay thảo xóm làng mến yêu.

Mộ khan thần tỉnh cần triêu,

Khỏi cơn hoạn nạn Lam Kiều được lên”.

                                   (Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

            GIƯỜNG LINH: Cũng gọi là giường thờ, do chữ Linh sàng, tức là bàn thờ Ông bà. Nghi thức thờ Ông Bà thời xưa, người ta để giữa, trước mặt một cái bàn cao, có lư hương, chưn đèn, lư…còn phía sau là cái giường nhỏ, thấp, có trải chiếu gối dựa, trầu thuốc đầy đủ, ý tưởng như Ông Bà có ở (nghỉ) thiệt trên đó.

          ĐƠM QUẢY: Cũng gọi là Quảy đơm. Có nghĩa đem các thức ăn (cổ) lên giường linh cúng Ông Bà cha mẹ. Ví dụ: giỗ quảy hay đơm quảy. Đức Thầy có dạy:“ Đến ngày đơm quảy có chi cúng nấy” “Mỗi khi ăn cơm với mắm muối chi cũng vậy đều nguyện vái “Cửu Huyển Thất Tổ”, Ông Bà cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo”.(Sự cúng lạy của người Cư sĩ tại gia)

 

CHÁNH VĂN

517.-Giảng này ra cuối mùa thu,

Dạy ăn dạy ở chữ Tu vuông tròn.

Học theo mối đạo làm con,

520.-Luận xem học mới mấy đon đời nầy.

Văn-minh sửa mặt sửa mày,

Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi.

Dọn xem hình vóc lả-lơi,

524.-Ra đường ăn nói những lời nguyệt-hoa.

Trong tâm nhớ những điều tà,

Lời ăn tiếng nói thiệt là quá lanh.

Xưng là đầu trẻ tuổi xanh,

528.-Chẳng trau hiền-đức học-hành làm chi? 

Khôn-ngoan thời những chuyện gì,

Cũng là lừa dối vậy thì dân quê.

Người xưa nó lại khinh chê,

532.-Ông cha hủ-bại u-mê hơn mình.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 517 đến câu 532)

          -Đức Thầy viết quyển Sấm Giảng nầy vào khoảng tháng chín (cuối muà Thu) năm Kỷ Mão (1939). Ngài chỉ dạy bá tánh về cách ăn ở đối xử cho đúng với ý nghĩa chữ tu, nhứt là bổn phận làm con đối với cha mẹ cần được vẹn toàn câu hiếu nghĩa. Kế đó Ngài bàn đến hạng người đua đòi theo nếp sống mới của Âu Tây.

          -Bởi quá say mê nền Văn minh Vật chất nên phần đông các thanh niên nam nữ lo trau hình sửa dạng, ăn mặc lã lơi, nói năng toàn những việc bướm ong dục lạc.

          -Tâm tư của họ chất chứa điều xằng xiên tà khúc, lo điêu luyện ngôn ngữ khôn lanh, xảo quyệt, ỷ vào tài học thức, tự cho mình là hay giỏi, chẳng màng đến việc hiền đức là gì.

          -Thường thấy họ đem mớ học thức, gian ngoan ấy để lừa bịp dân quê, chớ không giúp ích cho đời được điều chi, trở lại chê đùa khinh dể Ông cha mình, còn cổ hủ mê tối:            Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa.

                     Nghiệp Tổ Tiên con cháu vày bừa,

                     Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.

                                                (Trao lời cùng Ông Táo)

CHÚ THÍCH

          VUÔNG TRÒN: Trọn vẹn hoàn toàn:“Ai mà sửa đạng vuông tròn, Long Vân đến hội lầu son dựa kề”.(Sám Giảng Q.3)

          ĐẠO LÀM CON: Bổn phận làm con đối với cha mẹ phải vẹn tròn câu hiếu thảo. Đức Thầy có dạy:“Con thì ăn ở nhu mì, Học theo luân lý kính vì mẹ cha”. Và “Lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, khỏi bệnh hoạn ốm đau, gây sự Hòa Hảo trong đ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ được hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân”.(Tứ Ân: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ)

          MẤY ĐON: Đon là đó (Đại danh từ, tức tiếng để gọi người trang lứa, với ý là tránh tiếng “anh” và “mầy” do chữ “dis done”). Vậy mấy đon là mấy người đó. Ý chỉ cho số người chạy theo nền văn vật của Âu Tây.

          LẢ LƠI: Đùa cợt hở hang, ăn mặc và cách đối xử không trang nghiêm đứng đắn.

          VĂN MINH: (Xem CT câu 521, T-1, Q.1).

          NGUYỆT HOA: Cũng gọi là hoa nguyệt. Có ý nghĩa trăng và hoa. Chỉ cho việc trai gái tư tình với nhau. Cách ăn nói hay đùa mây cợt gió của hạng người hư thân mất nết.

          HIỀN ĐỨC: (Xem CT câu 66, T-2, Q.3).

          HỦ BẠI: Thối nát, quá xưa (cổ hủ) kém văn minh.

          : Tối tăm mờ ám.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn