CHÁNH VĂN (Từ câu 79 đến câu 86)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 40580)
CHÁNH VĂN (Từ câu 79 đến câu 86)

79. “Bá-gia kẻ thấp người cao,

         

           Chừng thấy máu đào chúng mới chịu tu.

                   Bây giờ giả dại giả ngu,

          82. Cũng như Nhơn-Quí ở tù ngày xưa.

                   Lúc này kẻ ghét người ưa,

           Bị Điên nói bừa những việc vừa qua.

                   Dương-trần biếm nhẻ gần xa,

          86. Nói quỉ nói tà đây cũng cam tâm”.

LƯỢC GIẢI (Từ câu 79 đến câu 86)

          -Nhân loại trong thế gian vì mãi đắm say vật dục, nên ít ai nghĩ đến việc tu hành. Đợi khi gặp cảnh chết chóc, khổ đau mới chịu quay đầu hướng thiện. Đó là tâm lý chung của những người thiếu duyên kém phước.

          -Bởi gặp hồi vận bỉ, kẻ tà nịnh đặng thời họ dùng đủ mưu gian ác ám hại trung lương, khiến Nhơn Quý khi xưa phải lâm nạn. Đức Thầy hiện nay cũng thế, vì chưa đến lúc hanh thông, công cuộc cứu đời của Ngài không mấy thuận tiện, nên còn kẻ ghét người ưa. Nhưng lòng bác ái vị tha, Ngài vẫn an tâm theo số phận, mặc cho tiếng đời nhạo chê, hủy báng.

 

CHÚ THÍCH

          MÁU ĐÀO: Máu đỏ như màu quả đào. Đây chỉ cho cảnh giặc giã chết chóc (như chữ “máu hồng nhuộm rơi” đã chú thích ở câu 52, Q.1).

          NHƠN QUÝ: Là Tiết Nhơn Quý, có tên là Tiết Lễ, sanh vào đời Đường, người ở Thái Bình trang, huyện Long Môn, tỉnh Sơn Tây (Tr.Hoa). Thân phụ là Tiết Anh, thân mẫu là Phàn Thị, gia thế giàu có, cha làm Viên ngoại trong vùng, song thân đều mất sớm.

          Nhơn Quý có chí lớn, văn võ hơn người. Khi mới tùng quân bị gian thần Trương Sĩ Quý yểm tài, lại lập

 

mưu sát hại, bắt đi khám địa huyệt, nhưng lại được Cửu Thiên ban cho nhiều phép lạ. Kế đó, họ gạt cả anh em Nhơn Quý vào trong hang mà đốt. Chúng đinh ninh rằng anh em Nhơn Quý đã chết, không ngờ được bà Cửu Thiên cứu thoát, đem về Tàn Vân Động ẩn mặt, chờ đến ngày ra giúp Chúa.

          Sau Nhơn Quý tạo được nhiều chiến công oanh liệt, nhứt là giết Cáp Tô Văn, giải nguy cho vua Đường, và vượt bể về Trường An cứu giá. Danh thế của Nhơn Quý vang lừng khắp chốn, còn số gian thần lại bị tội vô cùng nhục nhã, nhưng con gái của Trương Sĩ Quý là vợ của Lý Đạo Tông (chú của vua Đường) đã không bị giết lại nuôi lòng oán hận lập mưu xúi chồng làm chiếu giả, triệu Nhơn Quý về kinh đãi tiệc, lại bỏ thuốc vào rượu cho Nhơn Quý say bất tỉnh rồi khiêng bỏ vào phòng Quận Chúa (con gái của Đạo Tông) vu oan cho Nhơn Quý làm điều chẳng tốt. Nhơn Quý phải cam chịu tù tội suốt ba năm.

          Song Trời đất đâu có phụ người trung nghĩa, nên sau Nhơn Quý được minh oan, do sự nghiệp chân chính của một anh hùng trọn đời chỉ biết vì nước vì dân; còn bọn gian nịnh phải bị rơi chiếc mặt nạ để đền tội trước bàn cân công lý.

          Đức Thầy nhắc điển tích trên đây ý nói vì thời vận chưa được hanh thông, đời lắm tiểu nhân tham ác luôn tìm mọi cách ám hại bậc hiền tài trung nghĩa nên Ngài phải giả dại giả ngu ẩn nhẫn đợi thời và cam chịu tai nạn; cũng như trường hợp của Tiết Nhơn Quý lúc thời chưa sáng tỏ, bị kẻ gian nịnh ghét ganh âm mưu ám hại.

         

 

          NÓI BỪA: Nói thí, nói đại, hình như không suy nghĩ dè dặt, nhưng đây là tiếng bình dân dùng để nói khiêm nhượng hoặc để cho bậc kém học dễ nghe dễ hiểu. Có lần Đức Thầy giả người bán thuốc dạo, gặp kẻ đau răng Ngài liền nhổ giúp được êm tốt. Ngài nói:“Ghé vào nhà nọ nhổ bừa cái răng”. (Sấm Giảng Q.1)

          BIẾM NHẺ: Chê cười, nhạo báng.

          CAM TÂM: Đành lòng, thỏa thuận nhận chịu. Ví dụ: cho dù khổ khó, nhọc nhằn đến đâu cũng cam tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn