MINH SƯ: Ông Thầy sáng suốt, mọi việc đều thấu hiểu rồi đem dạy người. Theo đạo Phật, là các Tăng Sư tu hành chơn chánh, đã chứng đắc đạo quả, thông suốt chánh pháp, thấu đạt giáo lý và giáo hóa chúng sanh. Minh Sư cũng chỉ cho bậc Phật, vì Đức Phật có hiệu là Thiên Nhơn Sư tức là Đấng Đạo Sư của hàng Trời và Người.
CƠ TRUYỀN PHẬT PHÁP: Cách truyền pháp cơ mật. Khi nhà tu thân tâm được thanh tịnh, hạnh đức viên vun thì được Đức Phật hoặc chư Tổ ấn chứng và mật truynề cho chánh pháp. Các Ngài chỉ lấy Tâm truyền Tâm dụng Ý truyền Ý; bởi Phật pháp quá cao sâu không thể dùng văn tự, hình tướng mà truyền đặng.
Đức Thầy có nói:
“Vô thượng thậm thâm dĩ ý truyền”.
(Khuyến Thiện Q.5)
Trước kia tại Linh Sơn Hội, Đức Phật Thích Ca cầm một hoa sen đưa ra trước đại chúng. Lúc bấy giờ không ai hiểu gì cả, duy có mình Đại Đức Ca Diếp lộ vẻ tươi cười. Đức Phật liền nói rằng:”Ta có cái Chánh Pháp Nhãn Tàng, Niết Bàn Diệu Tâm…nay ông Ca Diếp hiểu đặng ta sẽ truyền cho ông làm Tổ thứ nhất”. Rồi từ đó cứ Tổ Tổ tương truyền. Cho đến Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn truyền cho Lục Tổ Huệ Năng cũng thế. Trong Quyển I, Đức Thầy có kể lại việc cơ truyền Phật pháp:
“Điên này xưa cũng như ai,
Vào các ra đài tột bực giàu-sang.
Nghĩ suy danh-lợi chẳng màng,
Bèn lên ẩn dật lâm san tu-trì.
Nhờ Trời may mắn một khi,
Thẩn-thơ lại gặp Đức Thầy Bửu-Sơn.
Cúi đầu Điên tỏ nguồn-cơn,
Động lòng bác-ái ra ơn dạy truyền.
Thấy Điên tâm tánh quá thiềng,
Nội trong sáu khắc biết liền Thiên-cơ”.
GỘI NHUẦN: Gội là rửa, là thấm nhuần ơn trạch:“ Ơn Vua gội thấm, tiếng chồng thơm lây”(Cổ thi). Nhuần là nhuần thấm tươi tốt:“Chiếu trời mưa vỗ, ơn trên gội nhuần” (Cổ thi).
GỘI NHUẦN ƠN ĐỨC PHẬT: Là nhờ Đức Phật ban phước huệ cho được thấm nhuần lý diệu mầu của Phật Pháp.
Đức Thầy có câu:
“Đệ tử gội nhuần ân đức cả,
Chung thân quyết chí dốc làm lành ”.
(Thiên lý ca)
QUẢNG ĐẠI: Rộng lớn, lòng từ bi rộng lớn. Ví dụ đức độ quảng đại.
TỪ BI: Hai trong bốn đại đức của chư Phật. Có nghĩa hiền lành thương xót, thường ban vui cứu khổ cho muôn loài. Cho nên, Đức Từ làm cho tất cả chúng sanh được an vui, hạnh phúc. Đức Bi là làm cho tất cả chúng sanh hết nỗi khổ đau. Do câu:“Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ”.
Đức Thầy có câu:
“Lòng từ bi chẳng quản nắng mưa,
Xông thuyền giác rước đưa sanh chúng”.
(Khuyến Thiện Q.5)
HIỀM VÌ: Cũng viết là hềm vì. Có nghiã là tại vì, ngặt vì, ngại vì. Đức Thầy có câu:
“Hiềm vì mắc lá Thiên Thơ,
Đôi điều ghi chép cõi bờ chưa xong”.
(Tự Thán)
HUYỀN CƠ: Huyền là sâu kín mầu nhiệm. Cơ là máy. Nói chung là máy Trời mầu nhiệm sâu kín.
“Huyền cơ máy tạo xoay vần”.
(Bóng Hồng)
TRĂM HỌ: Do chữ Bá Tánh, chỉ chung cho tất cả mọi người.
ĐỒ LAO: Đồ là bị đày, khổ sở; Lao là khó nhọc. Nói chung là chịu cảnh rất nhọc nhằn khổ sở. Đức Phật bảo rằng:“Chúng sanh ở cõi Ta bà khổ não chẳng khác nào bị giam cầm trong chốn đồ lao ngục thất”.
Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Bá tánh say sưa mùi phú quí,
Sau nầy sẽ vướng cảnh đồ lao”.
(Ai người tri kỷ)
CHÚNG SANH: Tiếng Phạn SATTVA, phiên âm là Tát Đỏa, dịch là Chúng Hữu Tình hay chúng sanh. Chỉ chung cho những loài có mạng sống (hàm linh), hễ có sanh thì có tử, cứ triền miên mãi trong vòng luân hồi.
Chúng sanh gồm có 4 loại: Thai Sanh (sanh bằng boà thai); Noãn Sanh (sanh bằng trứng nở ra); Thấp Sanh (sanh nơi ẩm thấp); Hóa Sanh (sanh tự biến hóa).
VẠN KHỔ: Muôn khổ, chỉ cho sự khổ não thật nhiều không đếm xiết, “Muôn vàn khổ não”.