II. Gấp tu Tịnh nghiệp

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 31787)
II. Gấp tu Tịnh nghiệp

Phải tu Tịnh nghiệp mới kịp kỳ cấp bách của Hạ nguơn, vì là một pháp môn phù hợp với căn cơ của chúng sanh ở thời mạt pháp, bởi dễ tu nên hầu hết chúng sanh đều có thể tu hành được.

          Trong Thập trụ Bà xa luân có nói rằng: Cái hiện tình tu Phật ở thế giới này có hai con đường:

1-     Đường khó đi;

2-     Đường dễ đi.

Đường khó đi là nói: ở trong đời, ngũ trược ác thê mà trải qua thời kiếp của vô lương Phật ra đời để cầu lên bực bất thối chuyển là khó được.

          Nỗi khó ấy không thể kể xiết, nhưng ước lại có năm điều:

1-     Vì thân cận với ngoại đạo mà tạp loạn pháp Bồ Tát ;

2-     Vì kẻ khác phá mất đức thù thắng;

3-     Vì cái quả điên đảo mà làm bại hoại phạm hành;

4-     Vì hàng Thinh Văn tự lợi mà chướng ngại cái tâm đại từ;

5-     Vì chỉ có tự lực mà không có tha lực hộ trợ.

Thí như người què đi bộ, dầu cố sức cho mấy cũng không qua một ngày đi vài dặm đường là cùng thì đủ thấy sự gian nan không sao kể xiết. Đó là nói đường khó đi, tức là con đường tự lực vậy.

          Con đường dễ đi là nói: tin theo Phật mà tu pháp môn niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ thì chắc chắn nhờ nhiếp lực của Đức Phật A-Di-Đà mà được vãng sanh.. Việc ấy dễ dàng như người đi đường nước mà nhờ sức thuyền chuyên chở thì trong giây lát đi ngàn dậm. Đó là nói đường dễ đi, tức là con đường tha lực vậy.

          Và trong kinh Đại Tập Nguyệt tạng cũng có nói: Ức triệu chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp tu hành mà chưa có một người được chứng quả là vì đời ngụ trược ác thế tập học khó thành, chỉ có một môn niệm Phật là dễ thông vào đường chánh đạo mà thôi”.

          Thì ra các kinh luận đều nhận chỉ có pháp môn niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ lầ thích hợp với căn cơ của chúng sanh ở mạt pháp.

          Vì sao? là vì con người sanh ra trong thời kỳ ngũ trược ác thế này, phước mỏng tội dày không thể tự lực tu hành để được giải thoát như hạng thượng trí. Thế nên cần phải nhờ có thuyền chuyên chở mới đem đi được.

          Niệm Phật là một pháp môn phổ cập cho tất cả các hạng người, dầu thiểu căn thiểu trí, nghiệp chướng sâu dày cũng đều có thể thực hành không phải, Chỉ chuyên niệm danh hiệu của Đức Phật A-Di-Đà là được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc, không còn bị ác duyên chướng ngại hay thối chuyển như tu các pháp môn khác.

          Pháp môn niệm Pháp đã thù thắng và dễ dàng như thế. Nhưng muốn niệm cho có hiệu quả, ngoài việc chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, còn phải thi thiết một vài công hạnh để gây lấy trợ duyên và làm nền tảng vững chắc cho bước đường tu Tịnh nghiệp, nghĩa là ngoài tha lực còn cần phải vận dụng tự lực. Có như thế mới mau kết quả, cũng như muốn cho người trên mạn thuyền cứu hộ, kẻ trầm nịch phải cố hết sức mình vọt lên mặt nước.

          Trong kinh Quán Vô lượng thọ Phật có nói rằng: “Dục sanh Tịnh độ, đương tu tam phước, nhứt giả; hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp; nhị giả; thọ trì tam qui cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi; tam giả; phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa”. Muốn sanh về cõi Tịnh độ, phải tu ba phước:

1-     Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành, không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp thiện;

2-     Thọ trì pháp tam qui, cụ tác giác hạnh và đừng phạm uy nghi;

3-     Phát tâm Bồ đề, tin lý nhân quả và đọc tụng các kinh Đại thừa.

Cứ xét ba điều phước đã kể, chúng ta nhận thấy điều thứ nhứt gồm cả những việc Tu Nhân, còn hai điều sau là thuộc về việc Học Phật.

          Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ kính trọng các bực sư trưởng, giữ lòng hiền lành đối với tất cả mọi người. không giết hại sanh mạng và tu mười nghiệp thiện để sửa trị thân, khẩu, ý cho được chánh chơn thuần mỹ; thế chẳng phải là những điều căn bản của việc sử thế tiếp vật thuộc về đạo làm người đó sao ?

          Đến như thọ trì tam qui, tức qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, cụ túc các giới hạnh, đừng phạm các uy nghi của người tu tại gia hay xuất gia, phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả báo ứng và đọc tụng các kinh Đại thừa để tầm cầu chân lý; thế chẳng phải là những điều thuộc về Học Phật sao?

          Thì ra pháp tu Tịnh nghiệp cũng chỉ là pháp Tu Nhân và Học Phật của hàng tại gia cư sĩ. Nó thích hợp với căn cơ của chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp. Nếu mọi người đều tu hành y theo lời dạy của Đức Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc. Ví bằng chẳng muốn vãng sanh.. nguyện dự vào tam trường thuyết pháp của Đức Di Lặc, trong Hội Long Hoa thì nhờ có Tu Nhân mà đạo quả thêm trang nghiêm và đủ đầy phước duyên sống còn trong buổi lập Thượng nguơn vô cùng an lạc.

          Pháp môn niệm Phật quả là một pháp tu thù thắng trong thời kỳ gấp rút của buổi Hạ nguơn. Vậy muốn được vãng sanh về Cực lạc hay dự vào tam trường thuyết pháp của Đức Di- Lặc trong buổi Thượng nguơn chúng ta phải gấp tu Tịnh nghiệp. Đó là cứu cánh của pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương khai thị.

          Vả lại, gặp buổi Hạ nguơn mạt kiếp bao nhiêu nạn ách dồn đến cho con người, nếu chẳng sớm tu hành thì khó mong tồn tại. Huống chi sự tu, ngoài việc được vãng sanh và sống đời Thượng nguơn an lạc, còn giúp ta cứu rỗi tổ tiên và đền xong nợ thế, như Đức Huỳnh giáo chủ đã viết:

Tu là tâm trí nhu mì,

Tu hiền tu thảo vậy thì cho xong.

Tu cầu cứu vớt tổ tông,

Với cho bà tánh máu hồng bớt rơi.

Tu cầu cha mẹ thảnh thơi,

Quốc vương thủy thổ chiều mơi phản hồi.

Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn