IV. Quyển Di Lạc tôn kính

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 36389)
IV. Quyển Di Lạc tôn kính

         Xuất xứ – Quyển Di Lặc tôn kinh ra đời trong một trường hợp khác thường, Cứ như trong kinh đã nói thì quyển kinh này xuất hiện tại thôn Vương gia trang, huyện nhạc Dương, Phủ Bình Dương, tỉnh Sơn Tây, bên Trung Hoa, từ trong tảng đá nứt nẻ ra, sau một tiếng sấm nổ vang.

          Năm Bính Thân thuộc đời vua Quang Tự, tức là năm 1896, bản khắc thứ nhứt được in ra, Nay tại Triều nguyên động, ở núi La phù còn giữ nguyên bản. Khi đem vào Việt Nam, quyển Di Lặc tôn kinh được tôn giáo Quý Nam Phật đường ở Hải Phòng cho trùng san. Ông Vũ Xuân Tăng, có dịch ra Việt văn, nhan đề là Di Lặc độ thế chơn kinh, do nhà in Thạnh Mậu cho xuất bản vào cuối năm Canh dần, tức năm 1950.

          Có đọc quyển Di Lặc tôn kinh mới hiểu vì đâu Đức Từ Thị hạ sanh rất sớm, khác hẳn thuyết của phái Thiền gia, nhưng trái lại rất phù hợp với Sám giảng của Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và Thánh Điển của Cao Đài giáo; từ sự nhận định thời kỳ mạt kiếp cho đến việc lập Hội Long Hoa, nhứt nhứt đều không có chỗ nào khác nhau cả.

          Lần lượt, chúng tôi xin trình bày nội dung quyển Di Lặc tôn kinh và đối chiếu với tài liệu trong Sám giảng để chúng ta có một nhận định rõ rệt về Hội Long Hoa và thời kỳ Đức Di Lặc giáng thế.

          Vì đâu Đức Di Lặc chưa hạ sanh – Cứ như quyển Di Lặc tôn kinh cho biết thì Đức Phật Thích Ca và Đức Di Lặc đã thành tựu công đức trong ba đời, nhưng vì nhân duyên Đức Phật Thích Ca độ thế trước nên Ngài giáng sanh trước Đức Di Lặc.Trong lúc Đức Thích Ca giáng sanh thì Đức Di Lặc an trụ nơi cung trời Đâu suất, đợi ba ngàn năm sau, đến thời kỳ mạt pháp mới hạ sanh lập nên Hội Long Hoa mở ra ba trường thuyết pháp cứu độ chúng sanh.

          Đức Phật Thích Ca xuống thế cho đến nay, từ thời kỳ Chánh pháp, bước sang thời kỳ Tượng pháp cho đến ngày nay là thời kỳ Mạt pháp, trải qua một thời gian có trên hai ngàn năm trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy “nhân dân giàu nghèo vui khổ chẳng đồng, năm giống thóc ít được mùa, các nước cạnh tranh nhau, bốn phương chẳng yên, trộm giặc thường sanh, tà thần tự nhiên bày ra trăm điều quái dị, khiến cho chúng dân thảm khổ.”

          “Nếu đợi ba ngàn năm thì chúng sanh phải khổ, vì rằng trong năm trăm năm đầu mở ra một kỳ sa thải nhơn loại tiếp đó thêm một ngàn năm nữa lại mở ra một kỳ đại sa thải, rồi đến năm trăm năm lại có cuộc biến đổi nữa. Đời mạt kiếp hầu đến, mọi khổ đều sanh, sợ năm giống thóc kém đi, trăm quái vầy đảng. yêu ma họp bầy, kịp sau hai ngàn năm trăm năm. chính là thời kỳ Hạ nguơn.

          Thế nên để cứu độ chúng sanh xa lìa những khổ nạn của thời mạt kiếp, “Đức quan thế âm cùng các Thánh chúng” yêu cầu Đức Di Lặc sớm hạ sanh.

          Cũng đồng một ý tưởng này, Đức Huỳnh giáo chủ có viết trong sám giảng:

Minh Vương khó đứng không ngồi,

Thảm thương lê thứ mắc hồi gian truân,

Trước đền mắt ngọc lự rưng,

Quí yêu bá tánh biết chừng nào nguôi.

Làm sao dạ nọ được vui;

Cúi đầu lạy Phật cầu xin cứu trần.

          Và ông Sư Vãi Bán khoai cũng có viết:

Hạ nguơn gian ác rất nhiều,

Thiên đình ngài muốn xử tiêu cho rồi.

Minh Vương không xiết hỡi ôi !

Lo mưu định kế cứu đời Hạ nguơn.

Liền qua Tây Vức Linh Sơn,

Cầu Phật giải cứu cõi trần Hạ nguơn.

          Trong lúc các Thánh chúng ai cầu Đức Di Lặc hạ sanh thì giữa pháp hội “có ông Đầu Đà Tôn giả, bực đệ tử thượng thủ của Đức Thế Tôn, thần thông bực nhất, công đức không hai, mười hiệu sắp thành, hành đức viên mãn, thân có vô lượng vô biên hào quang, bước ra lễ bái Đức Thế Tôn mà bạch rằng: Sau hai ngàn năm trăm, chính là thời kỳ mạt kiếp, lòng người ngoan ác, chẳng tin chánh đạo, nên trời khiến Ma vương trừ bớt kẻ ác, nào là tật ách đao binh, nạn nước lửa, thất mùa cứ đồn đến mà Ngài không hạ sanh, tôi nguyện thay Ngài xuống trần cứu độ năm trăm năm mạt kiếp, người có phước duyên được giữ lại để đợi đến lúc Ngài hạ sanh, thế giới thái bình muôn dân hào vui, vua tôi mừng rỡ, cha con sum vầy, lòng người đều thuận, sẽ thỉnh Ngài xuống trần…”

          Đức Di Lặc nhận lời và thọ ký cho Đầu Đà tôn giả với danh hiệu là Ngọc Phật. Rồi đó Ngài vào đại định và khi gậy vàng tự kêu, khánh ngọc tự đánh, Ngài mở mắt pháp thì chợt nghe tiếng nhạc trời loạn tấu và cùng một lúc có ba thiên sứ đến quì trước mặt Ngài mà tâu rằng: Hạn ba ngàn năm, nay đã gần đủ, xin Đức Phật hạ sanh, cứu độ quần mê, khỏi nạn mạt kiếp.

          Đức Di Lặc bèn nói với Ngọc Phật rằng: Ngươi từng phát nguyện thay ta xuống trần. Nay có chiếu chỉ của Đức Ngọc Đế, ngươi nên hạ sanh.

          Về đoạn này, trong Sám giảng người đời, ông Sư Vãi Bán khoai có viết:

Ta nay vưng lịnh Phật Trời,

Rao cho thiên hạ dưới đời đặng hay.

          Hoặc là:

Phật Trời Tiên Thành sầu bi.

Cậy ông Sư Vãi sau đi giải trần.

Sư Vãi vội vã ân cần,

Đi hết khắp bốn cõi trần van khuyên.

          Trong Sám giảng của Đức Huỳnh giáo chủ, cũng có đoạn viết:

 

Cúi đầu tâu lại cửu trùng,

Ngọc hoàng ban chiếu cho Khùng giáo dân.

          Hoặc giả:

Lời văn tao nhã hữu tình,

Bởi vưng sắc lịnh Thiên đình sai ta.

          Đức Di Lặc dặn dò – Sau khi được chiếu chỉ của Đức Ngọc Đế dạy xuống trần, Đức Ngọc Phật bạch với Đức Di Lặc rằng: Được Ngài dạy bảo, đệ tử xin hết dạ tuân theo. Nhưng đến năm nào, tháng nào, ngày nào, giờ nào, đệ tử nên hạ sanh ?

          Đức Di Lặc đáp: Ngươi phụng ngọc chỉ nên hạ sanh ngay.

          Đức Ngọc Phật bạch hỏi: Có Long Thần nào cùng đệ tử xuống trần không?

          Đức Di Lặc đáp: Có hai mươi bốn vị Thiên vương hộ trì; lúc ngươi đi có gặp ma nạn quản thủ, nhưng chẳng hại gì, ngươi có nhẫn nại giữ mình.

          Đức Ngọc Phật bạch hỏi thêm: Làm thế nào cứu được cả thảy nhân dân ?

          Đức Di Lặc nói: Rộng ban rải mưa pháp, cứu khắp chúng sanh cả thảy Long Thần tự nhiên cảm ứng.

          Đức Ngọc Phật bạch hỏi : Làm thế nào cứu được các vị quân vương qui y theo chánh pháp?

          Đức Di Lặc dạy rằng: Ta sai các vị Tinh quân lần lượt xuống, lúc ngươi đến đều tu hợp cho ngươi giáo hóa. Nay ngươi xuống trần giữa lúc đao binh trước hãy cứu độ cho kẻ kia khỏi nạn tên đạn, sau đó gặp lúc bịnh khổ dấy lên hãy cứu độ cho kẻ kia khỏi nạn ôn dịch… Ngươi hãy tuân lịnh, chẳng nên trái ý. Nay ngươi hạ sanh, hết thảy Long Thần, đại chúng cùng theo ngươi xuống trần. Sau khi ngươi giáng sanh, hãy nhớ lời ta dặn bảo, hóa độ chúng sanh, đợi khi ta hạ sanh, ngươi sẽ chứng đắc thượng quả… Thiên hạ thái bình, bốn mùa trường xuân, nhân dân lạc nghiệp. Chính đó là thời kỳ Thánh nhân trị đời, phổ hóa vô cùng, cứu độ chúng sanh, nên người lương thiện chứng bực Thánh nhân.

          Về đoạn Đức Di Lặc sai các vị Tinh quân và Thiên Long xuống trần, ông Sư Vãi Bán khoai có viết:

Phật Tiên thôi mới đổi phiên,

Xuống ngay trần thế giả người bần nhơn.

          Về điều này, Đức Huỳnh giáo chủ cũng có viết:

Kể từ ngày vàng lộn với thau,

Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế.

          Hay là:

Cờ thế giới ngày nay gần thúc,

Nên Phật Tiên phải xuống hồng trần.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn