B. Ông Cử Đa

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 35772)
B. Ông Cử Đa

Ông tên là Nguyễn Đa. Có lẽ là con thứ bảy nên thường gọi là Bảy Đa. Từ thuở bé…

Tuổi vừa khôn lớn một khi,

Cha mẹ cũng đã dĩ quy huỳnh tuyền.

Về quê quán, cứ theo “Giảng Tà Lơn” thì nói ông gốc ở Thuộc Nhiêu (tỉnh Định Tường), nhưng theo môn nhơn của ông thuật lại thì ông sanh ở làng Phù Cát, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ông sanh năm nào không được rõ; khi lớn lên có học văn võ và thi đỗ võ cử, do đó ông được gọi là ông Cử Đa.

Gặp lúc nước nhà nghiêng ngửa vì giặc Pháp xâm lăng, khắp nơi phong trào Cần vương nổi lên chống Pháp, nhưng hiềm vì sức yếu không chống nổi súng đồng, nên các vị anh hùng yêu nước lần lượt bị sa cơ và các lực lượng quật khởi bị đánh tan. Có lẽ ông Cử có tham gia phong trào Cần vương do Thủ Khoa Huân phát động ở vùng Thuộc Nhiêu và sau khi phong trào thất bại, ông nhận biết thời vận nước nhà đến hồi đen tối, dù có cự dương cũng không cưỡng được mạng trời, trái lại làm khổ lự cho dân, nên chi ông đành ôm tấm cô trung ẩn lánh nơi non cao rừng rậm, tầm sư học đạo hầu giữ vẹn khí tiết của kẻ sĩ phu hơn là ra đầu hàng hay hợp tác.

Ông đã từ trần:

Lòng ta luống những ưu phiền,

Một mình trực tiếp không miền gió trăng.

Trong mình cũng biết võ văn.

trải chơi cuộc thế tiếng vàn giang hà. 

Thế là ông lìa quê, cất bước lên đường vào miền Bảy Núi. Ở đây một thời gian, tung tích ông bị phát giác, ông bèn chạy qua Phú Quốc, ở trọ nhà thợ Châu. Sau đó ông qua Cái Vừng, theo đường sông đi thuyền lên Vàm kinh qua Cù lao Ba đến nhà hai Võ. Ở đây một tháng, ông và hai Võ cùng nhau đi Giang Thành. Ông biểu lộ chỗ lo âu, sợ Pháp truy nã trong câu:

Dọn thoàn hai chiếc một khi,

Sắm sửa vậy thì đồ đạc đem ra.

Hai Võ phân nói thật thà,

Kinh kệ áo dà để lại chốn đây.

E khi đi có gặp Tây.

Nó coi thấy đặng, sắp bay không còn.

Tính thôi đã một buổi tròn.

Xuống thoàn ra biển hỡi còn canh hai.

Khi đến Giang Thành (Hà Tiên), ông đến nhà ông Cả Trị. Có lẽ ông Cả là người quyến thuộc nên chi tiếp ông rầt niềm nở, gọi ông bằng cháu. Biết ông quyết chí đi Tà Lơn, ông Cả mới cắt đặt gia nhân là tên Nhâm  đưa ông qua Cỏ Thơm. Nơi đây ông lên bờ, rồi một mình đi bộ qua Vung Trách, Núi Kép đến Cần Giọt (Kampot). Ông vào núi Tà Lơn bằng con đường Cam Chại. Sau đó ông gặp chơn sư, rồi qui y cắt tóc:

Hắc y lại đổi dà sa.

Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh.

Ông được truyền dịu pháp, trước hết ở động Trung Tòa, sau đời về động Cao Vân, rầy đây mai đó, vân Đức Phật Thầy Tây An khắp chốn:

Đói lòng ăn quả đào tiên,

Khát ta uống nước trong tuyền ma ha.

Bằng chừng hải giác sơn nha,

Non cao trải khắp về tòa Bửu châu.

Sau ngày ông đắc quả, công có thâu nhận một số đệ tử thật tâm cầu đạo. Nhiều người không đủ kiên tâm tri chí, đã bán đồ nhi phế, sau những cuộc thử thách quá gay go. Có lần, có người thân thuộc lên tầm kiếm, trải qua nhiều nỗi gian lao mà không gặp. Trong lúc buồn chán thì có một tiểu đồng đi đến hỏi han. Người ấy kể chuyện khúc nỗi thương nhớ thì được tiểu đồng khuyên lơn và bảo hãy trở về, vì ông Cử đã đắc quả Tiên không còn trở về trần nữa. Về sau, người ấy xuống núi thuật lại câu chuyện gặp tiểu đồng thì người ở dưới núi cho biết đó là ông Cử đã hóa trang. Người cầu đạo nhiều lần gặp ông với hình thức đó.

Ông đã được chơn sư truyền bửu linh và diệu pháp. Ông thấu rõ máy huyền cơ, như đã thổ lộ trong “Giảng Tà Lơn”:

Từ ta lên ở chốn này,

Sớm khuya tích đức, tháng ngày tu nhân.

Cậy nhờ một vật hộ thân,

Để sau cứu độ muôn dân khốn nàn.

Dầu ai tiền của muôn ngàn,

Không bằng diệu pháp, không bằng Ngũ linh.

Đi đâu có gặp yêu tinh,

Xem thấy linh bửu thất kinh chạy dài,

Giữ gìn sớm tối hôm mai,

Một mình ngày tháng non đoài cũng vui.

Gẫm trong thế sự ngược xuôi,

Nghinh ngang một thủa đọa thôi Diêm phù.

Sao bằng non núi ngao du,

Thoát chơn Địa ngục, khỏi tù Diêm la.

Đời này nhiều quỉ nhiều ma.

Cho nên trời đất khiến mà ngửa nghiêng.

Còn nhiều năm lắm chưa yên.

Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.

Ngụy Khôi trước loạn vô cùng,.

Hạ thành sao lại giết người oan khiên.

Đến nay báo lại nhãn tiền,

Ít năm rồi cũng hết phiền lòng dân.

Bây giờ đồ khổ muôn phần,

Thôi thôi chớ nói dương trần làm chi.

Lòng ta còn hỡi hồ nghi

Thiên cơ ai dễ nói đi hết lời.

Mặc dầu không có khoản nào cho biết ông là môn đệ của phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương song nếu đem đối chiếu quyển “Giảng Lan thiên” với “Sám giảng quyển ba của Đức Huỳnh giáo chủ, ta không khỏi ngạc nhiên về chỗ chẳng những trùng ý mà còn trùng câu chữ nữa.

Đây là đoạn mở đầu của quyển “Giảng Lan thiên” của ông Cử Đa:

Lan thiên một kiểng chép chơi,

Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.

Hiu hiu gió thổi đùng đùng,

Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai.

Mùa xuân tới kiểng lầu đài,

Tháng  giêng mồng chín thi tài hùng anh.

Tứ vi  mây phủ nhiễu đoanh,

Bồng lai một cảnh hữu danh tu bề.

Kể từ Phú quốc mới về,

Long thoán (1) lên ở dựa kề hai năm.

Dạo chơi mấy điệu tri âm,

Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.

Phận mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Dương trần húy hiệu tên Đa.

Cõi Tiên vốn thiệt hiệu là Ngọc Thanh

Ngày ra chơi chốn rừng xanh,

Tối về kinh kệ, cửi canh mặc người.

Và đây là đoạn đầu “Sám giảng” quyển ba của Đức Huỳnh giáo chủ:

Ngồi trên đảnh núi liên đài.

Tu hành tầm đạo một mai cứu đời.

Lan thiên một cõi xa chơi,

Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.

Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,

Phất phơ liễu yếu lạnh lùng lòng mai

Mùa xuân hứng cảnh lâu đài.

Lúc cồn xác thịt thi đài hùng anh.

Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,

Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.

Kể từ Tiên cảnh Ta về,

Non Bồng Ta ở dựa kề mấy năm.

Dạo chơi tầm bực tri âm,

Nay vì dân chúng trần gian phản hồi.

Nghĩ mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Phong trần tâm đã rời ra.

Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.

Ngày ra chơi chốn rừng xanh,

Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.

Hai đoạn Thơ trùng diệp trên đây đủ chứng minh ông Cử Đa là môn nhơn của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương. Có lẽ trước kia khi đến Thất Sơn, ông Cử đã có liên hệ hay chịu ảnh hưởng của phái Phật Thầy Tây An nên mới quyết tâm tầm Đạo tầm Thầy:

Lòng ta dốc đạo tầm sư,

Lạy Thầy theo với nên hư nhờ Thầy.

Càng chứng tỏ ông Cử thuộc phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là khi đắc đạo cũng tự xưng Khùng Điên, không khác các Ngài Tiên giác trong phái Phật Thầy :

Còn nhiều năm lắm chưa yên,

Nói chơi một chút thằng Điên ở rừng.

Nói tóm lại, khi đến Thất Sơn, ông Cử cũng như ông Nguyễn Trung Trực, mới liên hệ với giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, để rồi trở thành môn nhơn đệ tử của Đức Phật Thầy. Thế nên với tâm hồn để kháng chống ngoại xâm mà pháp môn Tu Nhân Học Phật đã đào luyện, nếu không đủ sức cử đồ đại sự bằng võ lực thì cũng tìm nơi lánh thân ẩn náu, biểu dương tinh thần bất hợp tác hầu giữ vẹn khí tiết của sĩ phu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn