C. Ông Nguyễn Trung Trực

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 34185)
C. Ông Nguyễn Trung Trực

           Tên ông là Nguyễn Văn Lịch cũng gọi Quản Lịch sanh trưởng trong một gia đình chài lưới ở tỉnh Mỹ Tho. Từ bé đã mồ côi cha, lớn lên theo nghiệp võ làm đến chức Quản cơ.

           Sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông, quân Pháp tiến binh đánh miền Tây. Tháng giêng năm Kỷ mùi (1859) tức năm Tự Đức 12, quân Pháp đem binh vào cửa Cần giờ và ngày 15 tháng 2 năm ấy vây thành Gia định. Tiến đến đâu, giặc Pháp dở trò giết hại cướp giựt.

           Lòng công phẫn của dân lên đến cực độ. Những nhà ưu quân ái quốc quyết chí đứng lên chiêu binh chống Pháp. Sĩ dân trong nước nhiệt liệt hưởng ứng Cần vương. Ở Gò công thì có Phó Quản cơ Trương Công Định, ở Đồng Tháp thì có Thiên hộ Dương tức Võ Duy Dương phất cờ khởi nghĩa.

           Đau lòng trước cảnh cửa nát nhà tan, đồng bào đau khổ, ông hiệp cùng bạn là ông Nguyễn Văn Cầm chiêu tập nghĩa binh, áp dụng chiến thuật du kích đánh Pháp.

           Ngày 10/4/1861, ông đem nghĩa binh đánh vào thuyền Pháp, giết chết tên thuyền trưởng Bourdais và 30 bộ hạ, khi bọn này định đổ bộ đi ruồng bố vùng Bảo định hạ.

           Ngày 11/12/1861, ông đem binh hỏa công chiến thuyền Espérance tại vàm Nhựt Tảo  ( Tân An) tiêu diệt cả địch quân, bêu đầu tên trung tá Parfait.

           Trên lịch sử kháng chiến, trận Nhựt Tảo là một kỳ công hy hữu, vì rằng ông là người đầu tiên hạ được chiến hạm địch bằng một chiến thuật dùng thế yếu của du kích thắng được thế mạnh của đại bác thần công.

           Vua Tự Đức được tin bèn ban chiếu tuyên dương công trạng.

           Tiếp theo đó, ông không dứt danh phá đồn địch ở Thuộc nhiêu, Thủ Thừa, Bến Lức, Mỹ Hạnh, Phước Lý, Long Thạnh, Phú Lâm, Bà Hom.

           Lúc bấy giờ Trương Công Định đang chiến đấu ở Gò công. Mặc dầu sau khi ký hỏa ước 1862, quân Pháp thừa cơ tăng cường quân lực rất mạnh, Trương Công Định vẫn hăng say chiến đấu. Chẳng may ông lầm mưu quân Pháp nên bị bắt giết trong đêm 1864.

           Cũng trong thời gian đó, Thủ Khoa Huân bị bắt và bị đày sang đảo Rêunion; hàng ngũ kháng chiến của Thiên bộ Dương bị tan rã trong trận tấn công (tháng 4 năm 1866) của quân Pháp vào Đồng Tháp.

           Khí thế kháng chiến ở miền Đông cơ hồ tiêu hoại miền Tây. Binh sĩ thì cho đóng ở Tà Niên thuộc Rạch Giá, còn ông thì náu nơi gia đình họ Lâm tại Mỹ Hội Đông thuộc tỉnh Long Xuyên. Gia đình này đã qui y theo giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương  khi Đức Phật Thầy ra đời ở Xẻo môn. Có lẽ trong thời gian ẩn trú nơi một gia đình theo môn phái Phật Thầy mà ông đã qui ngưỡng theo giáo pháp Tu Nhân Học Phật.

           Từ ngày về tá túc ở gia đình họ Lâm, ông thường mặc nâu sòng và lâu lâu ngồi thuyền lên cù lao Nhỏ ở Bình Thạnh Đông thăm Đức Cố Quản. Sự liên lạc với dệ tử Phật Thầy cũng như cách phục sức mộc mạc như một tín đồ nhà Phật, đủ biểu lộ chí hướng ông đã nghiêng về giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, Ông sống rất đạm bạc; mỗi bữa cơm chỉ dùng không quá một con khô sặc. (1)

           Hình vóc ông mảnh khảnh, nhưng võ nghệ của ông cao cường, tinh thần rất khẳng khái. Khi gặp ông lần đầu tiên, xuyên qua tứong mạo nho phong của ông Phan Khắc Thân Tổng Đốc An giang lúc bấy giờ không khỏi hiểu lầm. Ông điềm đạm ứng đáp: “Nước có loạn, người tôi trung được đánh giá xuyên qua hành động giết giặc cứu nước nhiều hơn cân đai trật phẩm của trào đời. Với dân cư là như thế, còn như với  tướng sĩ, cái dũng, cái trí, cái nghĩa khắc phục người chiến hữu nhiều hơn là tiếng hò hét dõng dạc.”

           Câu này đủ nói lên khí phách bất khuất của ông để đối lại chí hèn yếu của Tổng đốc Phan Khắc Thân, trước áp lực đành giao nạp cụ Thủ Khoa Huân cho Pháp.

           Mặc dù ẩn náu ở Mỹ Hội Đông, ông vẫn liên lạc luôn với các đồng chí lập quân khu ở Tà Niên và thường đến huấn luyện, đôn đốc việc chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương.

           Tin ông Nguyễn Văn Cầm bị giết tại đồn Kiên Giang thúc giục ông sớm toan hành động. Sau khi hợp quân hạ được thành này trong một trận giao phong ác liệt. Trên lịch sử kháng chiến, ông ghi thêm một chiến công hiển hách.

           Nhà văn Huỳnh Mẫn Đạt cũng là một chí sĩ đương thời đã tán thán công nghiệp của ông trong hai câu:

 Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.

 Kiếm bạt Kiên Giang khiếp quỉ thần.

           Đạt đồn thì dễ, giữ đồn mới khó. Không  đầy một tuần quân tiếp viện của Pháp kéo đến. Liệu yếu thế, ông rút binh sang đảo Phú quốc và được hai nhà hào phú ở đây là Tổng Điền và Xã Ngợi hộ trợ. Ông chống cự với Pháp mấy ngày mấy đêm. Trong lúc bà Nguyễn Trung Trực  lâm sản nhưng vì thiếu săn sóc nên kiệt sức bỏ mình. Đứa con sanh ra thiếu sữa cũng chết theo mẹ. Tình cảnh ấy không làm cho ông nản chí chiến đấu.

           Bọn Thực dân bèn sai Lãnh binh Tấn tìm cách dụ hàng. Không tìm ra tung tích, Tấn bắt mẹ ông và tra tấn đân làng Dương Đông bảo phải chỉ nơi ông trú ẩn. Nghe tin dân thọ khổn, ông chi xiết đau lòng; liệu thế không cưỡng lại được định mạng khắt khe, nên ông ra nạp mình để xử tròn câu hiếu nghĩa.

           Giặc Pháp điệu ông về Sài Gòn, dùng mọi cách khuyên dụ, nhưng ông một mực chối từ tất cả mọi sự mua chuộc, hiên ngang nhận lấy cái chết để giữ toàn khí tiết.

           Ngày 27 tháng 10 nắm 1868, quân Pháp đem ông ra hành quyết tại Kiên giang do một tiên Thổ làm đao phủ vì người Việt không ai chịu lãnh việc làm bạc nghĩa điếm nhục ấy.

           Trước giờ hành quyết, ông còn làm một bài thơ tuyệt mạng đầy chí khí:

 Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,

 Yêu gian đảm khí hữu long tuyền.

 Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.

 Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

 ***

 Theo việc binh nhung tự thủa trai.

 Phong trần hăng hái tuốt gươm mài;

 Anh hùng gặp phải hồi không đất.

 Thù hận chan chan chẳng đội trời.

           Ông đã dõng dạc bước lên pháp trường nghểnh cổ bảo người Thổ chém một nhát cho ngon tay. Lưỡi đao của thủ phủ vừa bay qua, đầu ông đã rơi nhưng hai tay vẫn chụp lấy đặt lại như cũ, rồi thân mới từ từ ngã xuống. cái khí phách ấy làm cho mọi người cảm phục. Trong một bài thơ điếu, ông Huỳnh Mẫn Đạt có câu:

 Anh hùng cường cảnh phương danh thọ.

 Tu sát để đầu vi tử nhân.

 * *

 *

 Anh hùng cứng cổ danh còn mãi.

 Thẹn chết bao nhiêu lũ cúi đầu.

           Trong cuộc hành quyết này, có người tự vận theo để tỏ lòng trung nghĩa.

           Được tin ông chết, vua Tự Đức  sanh dạy làm lễ truy điệu có câu:

 Ứng bỉ ngư nhân,

 Hùng tài quốc sĩ !

 Hỏa Nhựt tảo thuyền.

 Đồ Kiên giang lũy.

 Định khái đồng cừu.

 Thân tiên tự thỉ.

 Huyết thực thiên thu,

 Chương ngã trung nghĩa.

           Thân ông dầu mất, khí hùng vẫn còn sống mãi với non sông. Dầu không thành công, cái chết của ông là một ngọn lửa thiêng nung nấu trong lòng dân Việt, mầm móng cách mạng, tinh thần bất khuất, luôn luôn vì nước quên mình quyết chống xâm lăng không để quân thù giày đất tổ.

           Ông có thể sánh với Quan Thánh bên Trung Hoa về chánh khí, về tiết nghĩa, gồm đủ cả: Dũng, Trí, Nhân.

           Về đức Dũng, ông nhẫn chịu mọi sự đau khổ và thắng mọi nỗi gian lao, không khuất phục trước bạo quyền, không mềm gan trước mối chung đỉnh.

           Về đức Trí, ông có đủ mưu lược để hỏa công tàu Pháp tại Nhựt Tảo và hạ thành địch tại Kiên Giang không bao giờ bị lầm mưu của giặc.

           Về đức Nhân, ông đã thấy cụ Phan thanh Giản “Nếu chiến thì sẽ mất luôn cả mà lại thêm phí uổng máu xương của dân Việt”, nên ông chọn con đường “Sát thân thành nhân”.

           Ngoài ra ông còn được lòng hiếu, tuy không sánh kịp gương vua Thuần, chớ cũng có thể với Bàn cử ngang hàng. Do đó, người đời gọi ông là Nhạc Phi của nước Việt.

           Sở dĩ ông được dường ấy đức tánh cao quí là nhờ thấm nhuần điều Tứ Ân Hiếu Nghĩa của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn