1) Khai triển Pháp môn Tu Nhân Học Phật

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 32934)
1) Khai triển Pháp môn Tu Nhân Học Phật

           Khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật là Đức Phật Thầy Tây An, còn đem ra thực hành và áp dụng trong đời sống xã hội là Đức Huỳnh giáo chủ.

           Từ Đức Phật Thầy Tây An trải qua Đức Phật trùm, Đức Bổn Sư, ông Sư Vãi bán khoai, pháp môn Tu Nhân Học Phật vẫn giữ cái  hình thức khái yếu cho đến ngày Đức Huỳnh giáo chủ ra đời mới lập thành hệ thống.

           Có thể nói Đức Huỳnh giáo chủ là người xướng minh pháp môn Tu Nhân Học Phật. Ngài đã dày công diễn giải Tứ Ân, luận về Tam nghiệp, thập thiện, Bát chánh, Tứ diệu đề, Thập nhị nhân duyên… một cách rành mạch tận tường. Ai đọc đến cũng dễ dàng lãnh hội mà nhận thấy rằng các ngài tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương chính thật là những vị kế thống mối Đạo của Đức Phật Thích Ca truyền dạy từ Đức Ca Diếp cho đến Đức Lục tổ Huệ Năng.

           Nhưng đạo Phật sở dĩ thất chơn truyền từ một ngàn năm nay, như Đức Huỳnh giáo chủ cho biết là bởi Thần Tú bày ra nhiều điều đối mị, mê tín dị đoan biến chốn thiền môn thành nơi ẩn thân của hạng người lỡ thời thất vận. Vì thế, kẻ tu hành thì nhiều mà đắc đạo thì chẳng có mất ai.

           Chính với mục đích hưng truyền mối Đạo vô vi của Phật và dìu dắt chúng sanh trở lại con đường chánh đạo để kịp kỳ dự Hội Long Hoa mà các vị tiên giác lâm phàm.

           Nhưng trong thời kỳ mạt pháp này, muốn giáo hóa chúng sanh cho có đủ hạnh đức để kịp dự Hội Long Hoa là điều rất khó, vì rằng con người sanh ra trong thời kỳ này hầu hết đều căn cơ thiển bạc, công đức mỏng manh, lại gặp buổi Hạ nguơn gấp rút, nếu không có pháp môn hành đạo vừa thích hợp với trình độ cơ cảm của họ, vừa có công năng giúp họ hoàn bị công đức tự lợi lợi tha trong một thời gian ngắn thì không làm sao cho kịp.

           Vả lại, giáo pháp của Phật chú trọng ở sự thực hành, luôn luôn thệ nguyện “Trên đáp bốn trọng ân, dưới cứu ba đường khổ” cho nên ngoài việc xiển minh đạo Phật hưng truyền chánh pháp của Đức Thích Ca, giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương còn khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật để giúp chúng sanh có phương tiện và cơ hội lập công bồi đức, hầu gây lấy phước duyên làm nền móng cho bước đường tiến tu trong buổi Thượng nguơn hay vãng sanh về Cực lạc.

            Nhận thức cơ biến chuyển hầu kề. Hội Long Hoa sắp mở và để kịp chuẩn bị đồ chúng đón rước sự giáng lâm của Đức Di Lặc, Đức Huỳnh giáo chủ sau một thời gian mở cơ phổ hóa, đem giáo lý của đức Phật rèn luyện tín đồ có được một nền đạo đức căn bản, bèn bước sang giai đoạn hành động, hướng dẫn  môn nhơn đệ tử tham gia công cuộc ích nước lợi dân.

           Gặp khi nước nhà tranh lại quyền tự chủ, gỡ ách thống trị của ngoại bang. Ngài chẳng ngại đứng lên thành lập quân đội và tham gia chánh trị.

           Có người e ngại cho sự hoạt động của Ngài có trái với giáo pháp của Đức Phật chăng thì Ngài có đáp rằng: “Đối với toàn thể tín đồ Phật-giáo, tôi vẫn  không quên tôi là một đệ tử trung thành của Đức Phật Thích Ca tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh  chẳng những được truyền bá ở thiền lâm mà còn phải được thực hiện trên trường chánh trị”.

           Đối với đức Phật, giữa chúng sanh có sự bình đẳng về thể tánh, nếu như có kẻ lợi dụng sức mạnh trí khôn lanh của mình áp bức kẻ hèn yếu hay kém thông minh, chẳng là trái nghịch với giáo lý bình đẳng đấy ư ?

           Phương chi, trong sự binh vực lẽ công, bảo vệ quê hương đất nước, lại không vì lợi danh mà là vì đền đáp nợ Tứ Ân, vi vị tha bác ái của nhà Phật.

           Trong pháp môn bố thí không có hạnh nào khó hành bằng hạnh vô úy thí, hy sanh cả tánh mạng, Đức Phật, trong vô lượng kiếp từng thí thân để làm lợi lạc cho cả muôn loài vạn vật. Nhờ công đức ấy mà trên đường tu hành, Ngài siêu được nhiều kiếp.

           Thì nay, trong thời kỳ gấp rút của buổi Hạ nguơn muốn gây lấy công đức để đi đến Hội Long Hoa, sống còn trong buổi Thượng nguơn, thử hỏi còn hạnh nào siêu thắng bằng hạnh vô úy thí, xả thân giúp nước cứu đời.

           Ai sanh ra ở đời lại không tiếc thân quí mạng. Đến như tiền của là vật phù du mà người ta còn tiếc tham không đành đem ra bố thí thì hà huống là xả thân hiến mạng. Việc khó làm mà làm được, làm không chút tư lợi mới là đáng quý.

           Thử nghĩ, gặp buổi ngoại tặc xâm lăng quê hương đất nước, nạn binh lửa tràn lan, cướp bóc hành hung nhà tan cửa nát, thân người không yên, cha lạc con, vợ mất chồng mà có người đem thân ra chống ngăn dẹp loạn, đem lại an ninh trật tự, nhà nhà ở yên, không còn lo âu sợ sệt, thì còn công đức nào bằng.

           Chính với ý nguyện muốn cho tín đồ có cơ hội lập công bồi đức mà Đức Huỳnh giáo chủ tham gia chánh trị và thành lập nghĩa quân.

           Nếu làm tròn bổn phận đối với đất nước đồng bào, chẳng những đền đáp Tứ Ân mà còn trả xong nợ tiền khiên túc nghiệp. Một khi oan trái đã dứt thì có khó gì chẳng đến được cảnh giới siêu mầu của Tiên Phật.

           Đức Huỳnh giáo chủ có nói:

 Trả cho rồi nợ tiền khiên.

 Đến ngày hiệp mặt kiềng Tiên vui vầy

 

Ông Thanh Sĩ cũng nhận rằng:

 Luân thường người hãy thích ưa,

 Đạo nhân vẹn phận tam thừa cũng xong.

           Phải làm tròn đạo nhân, phải xả thân giúp đời, phải làm theo lời dạy của Phật, đó là yếu chỉ của pháp môn Tu Nhân Học Phật mà Đức Huỳnh giáo chủ đã tự thân đứng ra thực hành và hướng dẫn môn nhơn đệ tử cùng thực hành theo.

           Dầu lập quân đội hay hoạt động chánh trị, đó chỉ là những phương tiện để đạt đến mục đích là xả thân giúp đời, tạo lấy công quả bồi đắp cho bước đường cầu đạo siêu sanh mà cứu cánh là đi đến cõi Thượng nguơn nghe pháp mầu của Đức Di Lặc hầu được hoàn toàn giải thoát, hay vãng sanh về cõi Cực lạc.

           Đã hiểu được mục đích của bước đường tiến tu thì không còn phải e ngại khi dùng đến phương tiện.

           Vả lại thời cơ đã đến cho mình trả nợ Tứ Ân và cũng là vận hội lập công bồi đức thì còn tiếc gì mà chẳng xả thân giúp đời.

           Với ý nguyện vị tha lợi chúng, người hành giả Tu Nhân Học Phật, dầu gặp phải hoàn cảnh khó khăn, gian lao nguy hiển, vẫn xem thường tánh mạng, say sưa với nghĩa vụ giúp đời, không mong được trả ơn, vì đó là một bổn phận,

           Đức Huỳnh giáo chủ há chẳng khuyên:

 Giúp đời đừng đợi trả ơn.

 Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng.

           Thế nên, dầu có được địa vị sang trọng nào, người hành giả tu Nhân học Phật cũng không lấy làm thích thú hay trước nhiễm, vì họ xem đó như là một lớp áo mưa mặc bên ngoài, khi hết mưa lại cởi ra cũng như kẻ lữ hành phải bỏ thuyền khi đến bến.

           Huống chi, trò đời là một tuồng huyền hóa, mọi vật đều tạm giả thì có gì trường tồn vĩnh cửu đâu mà trước nhiễm đắm say. Kia nào có khác chi những vai  khanh tướng công hầu trên sân khấu, chỉ vì lớp lang phải múa meng rối rít, chớ một khi hết lớp hạ màn, hia mão cởi  ra thì đào kép vẫn hoàn đào kép. Còn chăng chỉ những tiếng khen chê của khán giả.

           Nếu mọi người đều biết tuồng đời là một sân khấu, con người là một trò hề thì dầu có đóng vai chi cũng không lấy đó làm thực mà luyến tiếc mão hia.

           Đức Huỳnh giáo chủ đã từng nói:

 Thuyền bát nhã ta cầm tay lái.

 Quyết đưa người khỏi bến sông mê.

 Nên phải đành mang lốt làm hề,

 Mặc bá tánh khen chê cũng phải.

           Như thế đủ thấy, dầu có dùng phương tiện “làm hề” mà đạt được mục đích “đưa người khỏi bến sông mê” thì chẳng ngại gì tiếng “ khen chê” của bá tánh.

          Phải giúp đời, xả thân cứu đời, không màng lợi danh quyền tước, đó là bản nguyện của chư Phật Thánh Tiên, mà đó cũng là phương châm của hành giả Tu Nhân Học Phật trong buổi Hạ Nguơn gấp rút này mà Đức Huỳnh giáo chủ lãnh lấy sứ mạng thực hiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn