A. Đức Phật Thầy Tây An

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 34161)
A. Đức Phật Thầy Tây An

           Chính Đức Phật Thầy Tây An đã sáng lập giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương, Danh từ này được truyền ra là từ khi Ngài về ở Núi Sam. Cứ mỗi lần Ngài thâu nhận một người nào qui y thọ giáo thì Ngài có phát cho một cái lòng phái có bốn chữ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương bằng son in trên giấy vàng. Người tín đồ thọ phái, xem đó như một vật rất thiêng liêng, cứ may đãy mà đeo, không dám tò mò tìm hiểu ý nghĩa. Danh từ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương từ đó một ngày một rộng truyền ra. Người nào co lòng phái tức là tín đồ của phái Phật thầy hay Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.

           Một khi qui y thọ phái rồi, người tín đồ phải tu hành theo pháp môn của Ngài chỉ dạy. Về phương diện nghi thức thờ phượng, mỗi nhà, ngoài bàn thờ ông bà cha mẹ, còn có ngôi thờ Tam bảo, trên đó chỉ thờ đơn giản một tấm trần điều, chớ không có cốt hình chi cả.

           Còn về phương diện hành đạo thì Ngài dạy tín đồ lo làm lành lánh dữ, đền trả Tứ Ân, sửa tâm sửa tánh, siêng năng niệm Phật, nghĩa là cả pháp môn Tu Nhân học Phật. Kỳ dư không có dạy tụng kinh gõ mõ hay ly gia cát ái. Ngay các đại đệ tử như ông Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn… mặc dù quyết chí ly gia cát ái, nhưng Ngài không cho mà trái lại còn dạy trở về lập gia thất, cốt yếu là phải cứu dân độ thế, làm ích lợi cho đời, tự mình làm lấy mà sống.

           Đó là về phương diện công truyền. Đến như đối với hàng đại đệ tử thì ngoài phương diện công truyền để phổ hóa chúng sinh. Ngài còn mật truyền bí pháp chỉ dạy cách tu luyện để đắc pháp thần thông có thay thế Ngài ra giúp đời độ bịnh. Chính trong hàng đệ tử thân tín ấy, Đức Phật Thầy đã truyền bài thơ "Tứ bửu linh tự", bài "Đại Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận"… để thông đạt diệu lý và cơ huyền của phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.

           Sau khi, cơ cấu đã vững đặt, hàng trăm đệ tử đắc pháp thần thông, Đức Phật Thầy mới bắt tay vào việc truyền bá. Hoặc giả, tự Ngài lập chùa, lập trại rồi giao phó cho đệ tử đảm đương việc phát phù trị bịnh, giáo hóa chúng sinh, hoặc giả, tự đệ tử đứng lên tạo lập, khuyến tu phát phái, thâu nhận tín đồ. Nhờ đó mà chẳng bao lâu hệ phái Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã đặt khắp miền Nam nước Việt. Người ta được biết, ngoài vùng Châu Đốc, Long Xuyên, công cuộc truyền giáo về miệt Cao Miên thì có Bà Năm Chòm Dầu, về miệt Sa Đéc. Vĩnh Long thì có ông Đạo ngoạn, về các tỉnh miền Đông thì có ông Đạo Xuyến.

           Trong một thời gian rất ngắn, từ ngày Đức Phật Thầy ra đời cho đến ngày Ngài viên tịch, chỉ trong vòng có bảy năm mà cơ sở của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã vững vàng, tín đồ qui y thọ giáo có mấy mươi vạn.

           Có thể nói chính Ngài là người đầu tiên báo tin cho chúng sinh biết rằng nhân loại bước vào thời kỳ Hạ nguơn là thời kỳ cũng cuối của luật tuần huờn Tam nguơn để tạo lập đời Thượng nguơn vô cùng an lạc.

           Đặc điểm của giáo lý nhà Phật không phải là những giáo điều cố định; nó luôn luôn uyển chuyển, tùy không gian thời gian, để thích nghi với căn cơ của chúng sinh.

           Cũng như một vị lương y diệu thủ biết tùy theo tạng phủ của bịnh nhân mà gia giảm phương dược, Đức Phật Thầy Tây An, y cứ theo giáo pháp căn bản của Đức Phật, đã biết chọn pháp môn thích hợp với căn cơ của chúng sinh ở thời kỳ mạt pháp

          Nhận rõ con người sanh ở thời kỳ Hạ nguơn này phần đông là hạng người thiểu căn thiểu trí, không thể lãnh hội hay tu theo những giáo lý cao siêu chỉ thích hợp với hạng người thượng căn thượng trí ở thời kỳ chánh pháp, nên chi Ngài khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật, là pháp môn gồm tu cả phước lẫn huệ, dù người ở trình độ cơ cảm nào cũng có thể tu hành được cả.

           Với pháp môn Tu Nhân Học Phật, Ngài đã gây nên một phong trào đạo đức chưa từng có khắp miền Nam nước Việt. Ngài làm sống lại chánh pháp vô vi chân truyền của Đức Phật Thích Ca mà từ một ngàn năm trở lại đây khi Đức Lục tổ Huệ Năng bặt truyền y bát, đã thất truyền vì những lối tu âm thinh sắc tướng của Thần Tú.

           Quả pháp môn Tu Nhân Học Phật là một pháp môn siêu thăng ở thời kỳ Hạ nguơn thứ nhứt là ở hoàn cảnh của Việt Nam.

           Với điều Tu Nhân, nó đã giúp cho người hành trí nó, trả được nợ Tứ Ân, gây lấy phước duyên làm nền móng cho bước đường tu giải thoát và nêu cao tinh thần hy sinh vì đạo nghĩa như hồi đời Lý đời Trần. Trong lịch sử Cần vương, một danh dự rất lớn đã dành cho Trần Văn Thành, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Nhu… đều là những  vị anh hùng cứu quốc, xuất thân trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.

           Với điều học Phật, một số lớn môn nhân đệ tử của Ngài đã đắc pháp thần thông và liễu ngộ. Cần nhắc lại chăng gương ông Cử Đa, Đạo Lập, Đạo Xuyến, Đạo Sang, ông Ba Thời… đều là những bực tu hành đã có nhiều ấn chứng mà chẳng một ai ở miền Nam nước Việt không từng nghe danh hay ít ra cũng được mấy ngài hóa độ.

           Đó là chưa kể những Đức Phật Trùm, Đức Bổn sư, ông Sư Vãi Bán Khoai, Đức Huỳnh giáo chủ… là những bực tỏ ngộ nối tiếp nhau hưng truyền giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương và sương minh pháp môn Tu Nhân Học Phật, gây nên một thịnh huống tu hành trong dân chúng.

           Công nghiệp hoằng hóa lợi sanh của Đức Phật Thầy Tây An, đối với chúng sinh trong thời kỳ mạt pháp thật vĩ đại lắm thay.

           Riêng về dân tộc Rồng Tiên, công nghiệp ấy qui bằng núi báu (Bửu Sơn), vì nó đem lại một mùi thơm lạ (Kỳ Hương) trong Phật-giáo Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn