Nằm trong khu tam – giác Tịnh-Biên – Nhà-Bàng –
Tri-Tôn, vùng Thất-Sơn choán một địa-thế bề dài lối 30 ngàn thước, bề ngang độ
17 ngàn thước, (lối 1/7 diện-tích tỉnh Châu-Đốc) và trở thành một pháo-đài
thiên-nhiên vô cùng kiên-cố bên cạch Miên-Quốc và Thái-Lan, án-ngữ cả vùng bờ
biển Hà-Tiên, Rạch-Giá.
Thật vậy , từ cổ chí kim, từ Âu sang Á, không một
chiến-lược gia nào có thể phủ-nhận cái phần ưu-thắng về tính-cách địa-hiểm của
núi non trong việc điều binh khiển tướng.
Vua Lê Thái-Tổ, nhà anh-hùng áo vải ở núi Lam-Sơn,
trong mười năm kháng-chiến với quân Minh đã phải ba lần rút về núi Chí-Linh để
cố-thủ.
Ông Hoàng-hoa-Thám tức Đề-Thám, trong hai chục năm
chống Pháp đã nổi danh là « Con hùm
Yên-Thế » vì chiếm được Yên-Thế sơn làm hơi hiểm cứ.
Nguyễn-Hoàng cũng đã hiểu rõ sự quan-trọng của núi non
về mặt chiến-lược nên trước khi mất có dặn người con thứ sáu là
Nguyễn-phúc-Nguyên rằng: « Đất Thuận,
Quảng nầy bên Bắc thì có núi Hoàng-Sơn, sông Linh-Giang, bên Nam thì có núi
Hải-Vân và núi Bí-Sơn thật là một nơi trời để cho người anh-hùng dụng võ…»
Ngày nay, trong thế-cuộc nước nhà, nếu ai chiếm được
vùng Thất-Sơn thì Người Ấy sau nầy sẽ nắm phần ưu-thắng trong tay, chẳng khác
vua Đinh-Tiên-Hoàng (Vạn-thắng vương) đã dẹp loạn sứ-quân, dựng nên nghiệp cả
nhờ giữ được động Hoa-Lư, hay Trương-Lương đã rực-rỡ thành công nhờ biết lui về
Ba-Thục để lập chiến-khu (chiến-lược nầy đã làm cho Tưởng Giới-Thạch phải
thán-phục và học-đòi bằng cách rút về Trùng-Khánh để trường kỳ kháng Nhựt).
Thật vậy, một khi ta đàng-hoàng chiếm-cứ Thất-Sơn làm
nơi dụng võ mà địch-quân nào dám bén-mảng đến vùng thung-lũng của vị-trí nầy
thì chắc-chắn họ sẽ hoàn-toàn thảm bại còn hơn Pháp-quân ở Điện Biên-Phủ.