1- Trong lúc Thất Sơn còn thuộc đất Chân lạp, tình hình Trịnh - Nguyễn phân tranh và bước đầu cuộc Nam tiến ra sao ?

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 49560)
1- Trong lúc Thất Sơn còn thuộc đất Chân lạp,  tình hình Trịnh -  Nguyễn phân tranh và bước đầu cuộc Nam tiến ra sao ?

Thất Sơn xưa kia nằm sâu trong nội địa Thủy Chân Lạp ( nhưng hiện giờ đã thuộc về Nam bộ Việt Nam ) , và đã từng được thổ dân của nước ấy coi là một lãnh vực quan trọng : Người tu hành cho là một chốn danh lam huyền bí , có thể vào đó mà tu luyện dễ thành ; nhà chỉ huy quân sự thì coi là một vùng hoa địa , lại có thể cứ hiểm trường kỳ mà kinh bang lập quốc ; kẻ côn đồ cướp bóc lại cậy vào đó làm chổ lẩn lút lánh thân , chiêu la đồ đảng . Vì thế , trên bước đường tiến thủ của dân tộc Việt , đất Hà Tiên là một xứ ở biên thùy dị vực ( sau lưng dãy Thất Sơn ) , đã lọt vào nước ta từ năm 1714 mà mãi đến 45 năm sau ( 1759 ) , mức cuối cùng của cuộc tiến binh vào Nam , Thất Sơn mới thu về đất Việt .

Muốn rõ được lịch sử quan trọng của vùng sơn lãnh xa xôi ấy , và để hiểu được cả miền đất đai phì nhiêu chung quanh đấy đã sáp nhập vào bản đồ nước Việt từ năm nào , và như thế nào , chúng ta hãy ngược vòng lịch sử , xem xét lại tình hình chánh trị của nước ta từ 100 năm trước ngày hoàn thành cuộc Nam tiến .

Từ khi có cuộc Nam Bắc phân tranh ( Trịnh Nguyễn bảy lần đánh nhau trong quãng 45 năm 1627 – 1672 ) , làm cho dân gian trong nước luôn luôn đói khổ , cho nên có nhiều người bỏ xứ chạy vào vùng Mô Xoài ( Bà Rịa ) và Đồng Nai ( Biên Hòa) để khai mở ruộng đất làm ăn .

Năm Mậu Tuất ( 1858 ) , ở Chân Lạp nhân có cuộc tranh chấp ngai vàng trong hoàn tộc , họ sang cầu cứu với nước ta . Chúa Nguyễn bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần

( Chúa Hiền 1648 – 1687 ) còn phải bận lo công việc chống giữ họ Trịnh ở phía Bắc , nhưng vì quyền lợi của dân Việt miền Nam nên cũng chia quân sang đánh xứ Mỗi Xuy ( nay thuộc tỉnh Biên Hòa ) , bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân . Ông Chân xin hàng và hứa sẽ binh vực người Việt sang làm ăn trong đất họ .

Năm Giáp Dần ( 1674 ) , lại có cuộc giành ngôi trong hai ngành hoàng phái Chân Lạp : Nặc Ông Đài và Nặc Ông Nộn . Trong khi nặc Ông Đài xuất ngoại cầu cứu với Xiêm La thì Nặc Ông Nộn sang cầu cứu với Chúa Hiền . Chúa Hiền sai Cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm và Tham Mưu Nguyễn Đình Phái đem binh sang đánh Nặc Ông Đài . Binh ta phá được thành Sài Côn ( 1 ) rồi tiến thẳng lên vây thành Nam Vinh ( Nam Vang : Phnompenh ) . Nặc Ông Đài chống không nổi quân ta , phải bỏ thành mà chạy ( sau chết ở trong rừng ) , còn con là Nặc Ông Thu ra mặt đầu hàng . Vì Nặc Ông Thu là dòng con trưởng , nên ta cắt cho làm đệ nhứt quốc vương , đóng ở Long Úc , để Nặc Ông Nộn làm đệ nhị quốc vương , đóng ở Sài Côn . Hằng năm , hai vua phải dâng phẩm vật triều cống .

Lúc bấy giờ Chúa Trịnh ở mặt Bắc , sau khi tiến binh vào Nam lần thứ bảy

( 1672 ) không thắng được chúa Nguyễn , bèn để lại Lê Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An , Lê Sĩ Triệt ở lại làm Đô Đốc trấn thủ Hà Trung , lấy sông Linh Giang ( ngày nay là sông Gianh ) làm giới hạn rồi rút binh về , không xâm lấn nữa . Vì vậy , miền Nam được rảnh tay , chúa Nguyễn một mặt lo củng cố nội bộ , một mặt lo tiến lần vào Nam.

Từ đó dân ta di cư vào Chân lạp mỗi ngày một đông , thế lực mỗi ngày một mạnh . Năm Mậu Thìn ( 1688 ) nhân có sự làm loạn giữa những người khách trú do Hoàng Tiến cầm đầu ( trước vào hàng Chúa Nguyễn xin làm dân Việt ) chống nhau với Nặc Ông Thu ( đệ nhất quốc vương Chân Lạp ) , Nặc Ông Thu bỏ lệ triều cống , không chịu thần phục nước ta nữa , lại đào hào đấp lũy , lập thế chuẩn bị đối địch .

Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Trăn ( 1687 – 1691 ) hay tin xua quân vào đánh , giết được Hoàng Tiến và đồng thời vua Chân lạp cũng khiếp sợ mà xin thần phục như cũ .Những đất dân ta và người Tàu nhập tịch đã khai thác như Lộc Dã , Ba Lân ( tức đất Bồng Nai , thuộc Biên Hòa ), Mỹ Tho ( thuộc Định Tường ) được tự do làm ruộng , lập làng , mua bán .

Năm Mậu Dần ( 1698 ) Quốc Chúa là Nguyễn Phúc Chu ( 1691 – 1725 ) thấy dân ta làm ăn thịnh vượng và đông đúc , bèn sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp , chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện , đặt Trấn Biên dinh ( Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh ( Gia Định ) rồi sai quan vào cai trị .

Muà thu táng 8 năm Giáp Ngọ ( 1714 ) ( 2 ) , có người khách Quảng Đông tên là mạc Cửu ( 3 ) từ lâu sang khai khẩn đất Mang Khảm ( Hà Tiên ), làm quan Ốc Nha ( như chức Tri phủ ) cho nước Chân Lạp , nay thấy nước ấy hèn yếu lại hay chia rẽ , bèn thân hành đến Phú Xuân , dân biểu xin nạp bảy xã của mình đã khai phá được trong nước Chân Lạp ( có cả hòn Phú Quốc ) , mà quy phục Nam Triều . Chúa Nguyễn ưng chịu và đổi tên đất Mang Khảm lại là Hà Tiên trấn ( 4 ) , phong cho Mạc Bính giữ trấn Hà Tiên , lại ban ấn triện , mãng mạo và cho người đưa về trọng hậu .

Xét ra từ năm 1672 là năm đã ngưng hẳn cuộc đánh nhau với Trịnh ở Bắc , chúa Nguyễn mới tiến được vào Nam . Nhưng giai đoạn nầy cũng chỉ chiến được miền Đông , và phía Tây , thâu phục trấn Hà Tiên mà thôi , còn các vùng rừng sát hoang vu cực Nam như Lội Lạp ( ngày nay là Gò Công ) , Tầm Bôn ( ngày nay là Tân An ) , vùng các cửa sông như Ba Thắc ( ngày nay là Sóc Trăng , Bạc Liêu ) , Trà Vang ( ngày nay là Trà Vinh , Bến Tre ) và đất Tầm Phong Long ( ngày nay là vùng Thất Sơn chạy dọc xuống một phần Sa Đéc ) , vẫn còn thuộc của người Chân Lạp cố thủ . Nhất là vùng Thất Sơn , ho Mạc về sau đã nhiều phen lăm le lấn sang , nhưng gặp phải địa thế hiểm trở và thường có sự chống trả của người Chân Lạp do Nặc Bồn từ phía Sài Mạt ( Cheal Meas ) chỉ huy đánh phá hai mặt ( Sài Mạt ở Bắc và Thất Sơn ở phía Đông Hà Tiên ) , nên đành phải thôi và chỉ khai thác lần hồi trở xuống miền duyên hải Thủy Chân lạp ( 1739 ) .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn