Trong tài liệu phổ biến, vẫn giữ nguyên vẹn những điểm căn bản của bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ban hành từ ngày 21-9-1946.
Theo sự phân tích của đệ nhị phòng Pháp, thì tài liệu phổ biến này là của các cán bộ Dân Xã viết ra, và ông Trần Văn Soái ký tên phổ biến. Pháp kết luận rằng phải cấp tốc ngăn chận ảnh hưởng Dân Xã đối với ông Trần Văn Soái, phải tách hẳn tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo khỏi ảnh hưởng Dân Xã, thì Pháp mới nắm được chủ động, và mới tránh được những rắc rối về sau.
Thật ra, chủ trương này của Pháp đã sẵn có từ khi ký kết bản hiệp định liên quân, trong đó không đả động gì đến vai trò của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Chỉ ở điều khoản 5, có ghi một câu rằng: “quân lực Hòa Hảo gồm các đơn vị lưu động Dân quân cách mạng Dân Xã Đảng đặt dưới quyền chỉ huy của ông Trần Văn Soái...” còn lại toàn bộ bản hiệp định 13 điều khoản là một sự giao ước với ông Trần Văn Soái trong tư cách Tổng Tư lịnh quân lực Hòa Hảo. Một câu văn được gạch đít để nhấn mạnh rằng: “Sự chỉ huy của tất cả các đơn vị này hoàn toàn do sĩ quan Hòa Hảo đảm nhận” (điều 5). Câu này có hai nghĩa: một là Dân Xã Đảng không liên hệ gì đến quân lực Phật Giáo Hòa Hảo, và hai là tính cách tự trị chỉ huy đơn vị, không có sĩ quan Pháp chỉ huy các đơn vị Hòa Hảo.
Trong các bản nhận định của Pháp về Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó, khi đề cập đến Dân Xã, họ luôn luôn cho rằng đây là những thành phần bài ngoại chống Pháp, nguy hại cho chánh sách của Pháp. Mặt khác, Pháp cũng cho rằng Dân Xã là cái đầu chánh trị, do một nhóm chánh khách Saigon muốn nắm lấy Phật Giáo Hòa Hảo làm hậu thuẫn.
Trong bản thuyết trình của Thiếu tá De Mallerey chỉ huy văn phòng phái bộ liên lạc với Phật Giáo Hòa Hảo, ông nhận xét rằng: ‘’... Chúng ta cần đặt đảng Dân Xã ra ngoài vòng pháp luật, và bắt các lãnh tụ Dân Xã phải chịu hết trách nhiệm về những vụ lộn xộn xẩy ra trong hàng ngũ Phật Giáo Hòa Hảo... Từ Saigon, Dân Xã cho người đưa các khẩu hiệu về miền Tây để gây rối. Những chánh khách không quần chúng ấy lúc nào cũng thèm thuồng có một tổ chức kháng chiến (chống Pháp) để lấy thế, họ liên lạc với Hương Cả Bộ (thân sinh Huỳnh Giáo Chủ) rồi những truyền đơn được tung ra loan báo tin Đức Thầy sắp xuất hiện. Thú thật, phái bộ chúng tôi không ưa những phần tử này...’’ Thực sự Pháp đã hành động, trực tiếp và gián tiếp, đánh phá đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội, dưới nhiều hình thức. Đầu tiên là tìm cách bắt bớ các cán bộ lãnh đạo và cao cấp của Dân Xã Đảng. Trong bản báo cáo của De Mallery có ghi rõ: “chúng ta đã bắt Lê Văn Kinh, thủ lãnh Dân Xã, nhưng ông ta trốn thoát được vào tháng 5 (1948) và hiện ẩn náu tại vùng Hòa Hảo”. Rất nhiều cán bộ cao cấp và trí thức của Dân Xã đã bị khủng bố, bắt giam. Số cán bộ này gồm có tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và có thêm khá nhiều nhân vật không phải gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhưng chấp nhận gia nhập Dân Xã như quý ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn An, Nguyễn Bảo Toàn, Lê Văn Thu, Đặng Văn Ký, và khá nhiều người khác mà tên tuổi không được bên ngoài biết.
Khi Pháp mở chiến dịch khủng bố Dân Xã, các cán bộ không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải bỏ miền Tây chạy lui trở về Saigon ẩn náu; còn những cán bộ gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang giữ những chức vụ quan trọng, đều bị bắt giam. Thủ đoạn của Pháp lúc đó là sau một thời gian giam giữ, họ trao lại cho ông Trần Văn Soái để ông này “bảo lãnh cho đồng đạo được tự do.”
Tại Saigon, Ban Chấp hành Trung Ương Dân Xã Đảng bị Pháp làm cho tan rã. Hai vụ ám sát xẩy ra năm 1947: ông Nguyễn Văn Sâm bị bắn chết trên xe buýt tại Chợ lớn trong ngày lễ Song Thập, quốc khánh Trung Hoa. Bác sĩ Trần Văn Tâm bị bắn tại nhà ở Gia Định, giữa đêm, khi ông đang cúng lạy trước bàn thờ Phật.
Về cái chết của ông Nguyễn Văn Sâm, ủy viên Ngoại giao Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông Trần Văn Ân thuật lại như sau:
‘’...Ngày 10-10-1947, khi đi dự lễ Quốc khánh Song thập của Trung Quốc cùng với tôi, giữa đường Nguyễn Văn Sâm bị ám sát trên con đường Cây Mai, gần Tổng đốc Phương (Cholon), ngay trên xe bus, lúc quá 6 giờ chiều. Bạn chúng tôi, một người Pháp, có hỏi trưởng ty công an rằng: “Sao trước mấy giờ anh không bắt chúng nó, lại bắt sau mấy giờ?”. Không có câu trả lời. Tôi xin gặp thủ phạm, cũng không hề được gặp’’.
Về cái chết của bác sĩ Trần Văn Tâm, ủy viên Tài chánh Ban Chấp hành Trung ương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, ông Trần Kim Thiện, Trưởng Nam của Bác sĩ thuật lại như sau:
‘’...Đêm đó vào khoảng 4 giờ sáng, cha tôi đang cúng lạy trước bàn Phật. Một nhóm người đột nhập nhà tôi bằng cách leo tường cậy cửa. Cha tôi lên tiếng, thì bị chúng bắn chết ngay tại chỗ. Thủ phạm đeo mặt nạ, không để lại giấy tờ chi cả. Về sau chúng tôi cũng không được biết thủ phạm là ai, chỉ được phía chánh phủ Lê Văn Hoạch cho hay rằng đã bắt được kẻ ám sát cha tôi, và đó là một tên Việt Minh... Cha tôi không hề có kẻ thù nào, nên không thể xem đây là một cách trả thù cá nhân. Nhứt định là một vụ ám sát có tính cách chánh trị. Trước đó, cha tôi có được mời tham gia chánh phủ, nhưng ông đã từ chối, tôi không biết thái độ đó có liên hệ gì đến vụ ám sát này chăng?’’ (*)
Hai vụ ám sát này, Pháp đổ tội cho Việt Minh, nhưng đến nay vẫn chưa có tài liệu minh định thủ phạm. Dư luận lúc đó còn nghi là Pháp chủ động, hoặc tự mình thực hiện vụ ám sát, hoặc tìm cách cung cấp tin tức và gián tiếp yểm trợ cho ban ám sát đô thành Saigon-Cholon của Việt Minh ra tay. Nghi vấn cho rằng cả hai vụ ám sát các ông Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Tâm đều do sự đồng lõa giữa Pháp và Việt Minh, vì đồng quyền lợi, là nghi vấn có xác suất cao và khả tín nhứt.
Một ủy viên Trung ương Dân Xã Đảng khác là ông Trần Văn Ân, lúc đó đang giữ chức vụ Tổng trưởng Thông tin Chánh phủ Lâm thời Nam phần Việt Nam, cũng bị Tướng Tư lịnh Pháp tại miền Nam Boyer de la Tour làm áp lực buộc Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân tìm cách đẩy ông Ân khỏi nội các, và buộc ông Ân phải rời khỏi Việt Nam với lời hăm dọa tối hậu thơ rằng nếu không làm thế trong hạn định, thì sẽ “không bảo đảm tính mạng...”. Trong bài hồi ký viết về “Vui buồn trong nghề làm báo”, ông Ân có ghi lại về điểm này:
Khi Tướng Nguyễn Văn Xuân lập chánh phủ, có mời tôi tham gia chức vụ Tổng trưởng Thông tin. Tôi về thảo luận trong Ban chấp hành Trung ương Dân Xã Đảng, đưa ra ba điều cần phải đạt được. Đó là:
1. Thay đổi danh xưng chánh phủ Nam Kỳ thành Chánh phủ Lâm thời Nam phần Việt Nam, đặt nền tảng cho sự thống nhứt quốc gia từ đây,
2. Làm mọi cách cho quân lực các giáo phái trở thành quân cách mạng để chờ ngày trực diện đánh Cộng Sản,
3. Định nghĩa sự tham chánh của Dân Xã, dù rằng tôi tham gia với tư cách cá nhân, nhưng vẫn phải có đường lối và thái độ của Dân Xã. Chúng tôi nghĩ rằng làm được ba điều này là đủ “lấy vốn” rồi.
Quả vậy, tôi đã tròn sứ mạng, nhưng tai họa xẩy ra ngay: vài ngày sau, anh Nguyễn Văn Sâm, ủy viên Ngoại giao Trung ương Dân Xã bị ám sát chết tại Chợ Lớn. Rồi mấy tháng sau, tôi bị viên tướng Pháp Boyer De la Tour đòi Thủ tướng Xuân buộc tôi phải bỏ nước ra đi. Tôi đã phải ra đi, sau một tháng dằng co với Tướng De la Tour, ông này viết thơ cho Thủ tướng Xuân nói “dépassé 24 heures je ne répondrai plus de sa sécurité”. Ông Xuân hoảng, tôi liền trấn tĩnh bảo rằng: “họ nói ra, là họ không muốn giết”, vậy Thủ tướng làm thinh coi ra sao. Tuần lễ sau, lại thêm một lá thư gửi cho Tướng Nguyễn Văn Xuân, “de l’Armée Francais” bảo: “vous êtes entrain de soutenir un homme qui sabre l’oeuvre du Corps Expéditionnaire francais”. Tôi cũng nói ông Xuân làm lơ thêm một tuần nữa. Sau một tuần lễ, De la Tour nhắc lại hai thơ trước, tôi liền thưa với Thủ tướng: “tôi đã lo liệu xong, thay vì vào bưng phải chịu cả hai mặt, tôi qua Pháp mở mặt trận ngoại giao”. Thế rồi tôi đi Pháp làm như ý định; anh Lâm Ngọc Đường chủ trương đi vào bưng, sau bị giết một cách thê thảm, bị đóng vào các khiếu trong con người’’.
Vào giữa năm 1948, Pháp chỉ thị một cuộc hành quân bao vây vùng Hiệp Xương, phía sau thánh địa Hòa Hảo, để lùng bắt Ban Chấp hành Liên Tỉnh miền Tây Dân Xã Đảng hiện đang ẩn náu và đặt văn phòng tại đây. Cuộc hành quân có mục đích đập tan bộ máy đầu não của Dân Xã, bắt các cán bộ lãnh đạo, phá cơ sở văn phòng, cơ quan ấn loát, tuyên huấn, bóp chết tờ báo Dân Xã và dẹp tan các lớp huấn luyện cán bộ Dân Xã.
Vì là một chánh đảng kháng chiến, nên Dân Xã Đảng mở các lớp đào tạo cán bộ chánh trị, gọi là “khóa Huấn chính”, và các khóa huấn luyện quân sự, gọi là “khóa Quân chính”, trong những làng quận vùng Thánh Địa Hòa Hảo, với ý nghĩ rằng dù sao Pháp cũng nể mặt ông Hương Cả Huỳnh Công Bộ, thân sinh Huỳnh Giáo Chủ, mà không dám trắng trợn xâm nhập vùng đất thánh của Phật Giáo Hòa Hảo. Nhưng Pháp đã không có sự kiêng nể đó, và đã đạt được mục tiêu phá vỡ tổ chức đầu não của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Pháp chỉ còn điểm tự chế là đã không dám bắt giam ông Hương Cả Bộ, mặc dù họ biết rõ ràng ông đã bảo trợ và che chở cho Ban Chấp hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng hoạt động tại vùng Thánh Địa.
Sau trận càn quét khủng bố này, bộ máy Dân Xã bị tê liệt, ban Chấp Hành Liên Tỉnh tuyên bố đình chỉ công tác (1948). Cả ba tờ báo Quần Chúng tại Saigon, Dân Xã ở miền Tây, và Nợ Nước của cơ quan tuyên huấn, đều tự ý đình bản. Pháp đã thắng một bước trong kế hoạch tách khối quân sự Phật Giáo Hòa Hảo ra khỏi bộ máy đầu não chính trị Dân Xã.
Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo khi còn giới hạn trong hoạt động tôn giáo (1939-1945), khối quần chúng được lãnh đạo bởi uy quyền tuyệt đối của vị Giáo Chủ. Nhưng khi chuyển sang đấu tranh, cần có cương lãnh chánh trị, và một bộ máy lãnh đạo chánh trị bởi Huỳnh Giáo Chủ đã nhận thức nhu cầu này, nên thực hiện công thức kết hợp hậu thuẫn quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo với giới trí thức có khả năng chánh trị và thành tích cách mạng. Bộ máy lãnh đạo chánh trị Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng có thể vận dụng sức mạnh quần chúng để tăng cường hiệu năng đấu tranh, và từ đó, đưa tổ chức nông dân Phật Giáo Hòa Hảo lên bình diện quốc gia, thực hiện các mục tiêu chánh trị và xã hội của Dân Xã Đảng.
Cố nhiên điểm này làm cho thực dân Pháp lo ngại và phải đối phó. Một đối thủ gồm có khối quần chúng đông đảo trên một triệu người kết hợp nhau bằng lý tưởng tín ngưỡng và yêu nước, được lãnh đạo bởi một vị Giáo Chủ có uy quyền tuyệt đối, nay lại thêm một bộ tham mưu chánh trị gồm các nhân vật trí thức tranh đấu có tên tuổi và thành tích cách mạng. Đó là đã hội được hai yếu tố căn bản cần thiết là lãnh đạo và quần chúng, để trở thành một tổ chức có thực lực trong xã hội Việt Nam ở thời kỳ đó. Nếu cộng thêm sức mạnh quân sự đang phát triển, tổ chức này sẽ là một mối lo âu, nếu Pháp không nắm vững ưu thế chi phối
Bản tuyên cáo sau đây của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng phổ biến vào cuối năm 1948, là một tài liệu biểu lộ đường lối chủ trương lúc đó của Dân Xã, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, và nhìn thấy trước hậu quả tai hại của chánh sách mập mờ lưỡng lự của chánh phủ Pháp, mà động lực vẫn là tham vọng đế quốc.
Từ hai năm qua Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng đã nhiều lần biểu lộ sự ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại trong việc thương thuyết Việt-Pháp để thực hiện độc lập thống nhứt thực sự của đất nước.
Hiện nay, Cộng Sản Quốc tế đang âm mưu xen vào nội tình nước Việt Nam, với kế hoạch ủng hộ Việt Minh Cộng Sản, trong khi đó chánh phủ Pháp còn lưỡng lự đối với giải pháp Bảo Đại.
Nhơn danh một đoàn thể có trên hai triệu người và quân đội Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, và đồng ý với các chánh đảng, chiến sĩ quốc gia kháng chiến, chúng tôi long trọng tuyên bố rằng chỉ có một chánh quyền thực sự độc lập và thống nhứt do Cựu Hoàng Bảo Đại lãnh đạo, là có đủ uy lực tái lập trật tự an ninh tại Việt Nam.
Để phục vụ hòa bình thế giới mà các quốc gia dân chủ hằng theo đuổi, chúng tôi kêu gọi chánh phủ Pháp lập tức tiếp tục các cuộc thương thuyết với Cựu Hoàng Bảo Đại để giải quyết vấn đề Việt Nam, nhìn nhận chánh thức nền độc lập thống nhứt thực sự của quốc gia Việt Nam.
Nếu trong những ngày sẽ tới, do chánh sách đàn áp, lưỡng lự và chia rẽ của chánh phủ Pháp, mà bọn Cộng Sản quá khích có thêm cơ hội và phương tiện gây tổn hại cho Việt Nam, thì chánh quyền Pháp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dư luận thế giới, trước dân tộc Việt Nam và trước dân tộc Pháp, một dân tộc đã có truyền thống yêu chuộng tự do, công lý và nhân đạo.
Làm tại miền Tây Nam Việt ngày 6-12-1948
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Qua những liên hệ có sẵn giữa Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và các tổ chức quốc gia lúc đó, đã có sự đồng ý trên nguyên tắc về chủ trương sử dụng lá bài Bảo Đại để tạo thế quốc tế của Việt Nam đương đầu lại cái thế mà Hồ Chí Minh đã tiếm đoạt.
Trên phương diện pháp lý quốc gia, mặc dầu Cựu Hoàng Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị năm 1945, và đã trở thành Cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà ông mất hẳn tính chất chánh thống trong sự tiêu biểu cho uy quyền quốc gia. Hơn nữa, thế giới bên ngoài và các giới cách mạng Việt Nam đều thấy rõ rằng đảng Cộng Sản Việt Nam đã cướp đoạt cách mạng tháng 8-1945 của toàn dân Việt Nam, lợi dụng tinh thần yêu nước và sự hy sinh của dân tộc để phục vụ cho chủ nghĩa riêng của họ, qua chánh sách “dĩ đảng trị quốc.”
Riêng phần nước Pháp, họ cũng bắt đầu mở mắt thấy rằng khi họ ký kết hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 và thỏa hiệp án 14-9-1946 với Hồ Chí Minh, là đã ký những bản văn lừa bịp lẫn nhau, mà hậu quả bây giờ là không giải quyết được vấn đề Việt Nam theo như tham vọng của họ. Giới chánh trị và quân sự Pháp tại Đông Dương đều nhìn thấy thủ đoạn khôn khéo của Hồ Chí Minh, là nhượng bộ bề ngoài đối với Pháp mà đạt cái thế chánh quyền tại Việt Nam, để hợp thức hóa quyền đại diện Việt Nam của Hồ Chí Minh đối với thế giới. Nhưng sau khi đã đạt các mục tiêu này, đảng Cộng Sản Việt Minh phát động chiến tranh toàn diện, làm cho nước Pháp nhìn thấy viễn ảnh giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý đồ của Paris không bao giờ có thể thành tựu.
Trong bối cảnh chánh trị đó, các giới cách mạng quốc gia thấy cần thiết phải có một giải pháp khác để lấy lại chủ động đối với Pháp. Con người Cựu Hoàng Bảo Đại lúc đó được xem là có vị thế tốt nhứt để tiêu biểu cho giải pháp quốc gia, đại diện dân tộc mà đứng ra thương thuyết với Pháp.
Pháp cũng nhìn thấy như vậy, nhưng vì vẫn còn mù quáng bởi tham vọng thuộc địa, cho nên thay vì thành thật hợp tác để giúp cho giải pháp này thành tựu tốt đẹp, trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam qua giải pháp Bảo Đại, để tạo tâm lý thuận chiều trong quần chúng xa rời Việt Minh, thực dân Pháp lại quan niệm giải pháp Bảo Đại như một yếu tố để dọa dẫm Hồ Chí Minh, đồng thời dùng yếu tố Hồ chí Minh để dọa dẫm lại Bảo Đại. Đó là lối ‘’đòn xóc hai đầu’’. Pháp lợi dụng đầu cơ cả đôi bên để thủ lợi.
Với sự đồng ý trên nguyên tắc về giải pháp Bảo Đại, phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã đã tham gia những vận động cùng với các tổ chức quốc gia khác. Nhiều phái đoàn Phật Giáo Hòa Hảo- Dân Xã đã lên đường sang tham dự các phiên họp tại Hong-Kong với Cựu Hoàng Bảo Đại.
Nhưng, như ta thấy, Pháp chỉ muốn làm ngư ông thủ lợi, chớ không có thiện chí tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho vấn đề Việt Nam. Trên bình diện quốc gia, Pháp đã có thái độ đó, thì đối với Phật Giáo Hòa Hảo, ta không lấy làm lạ về thái độ sâu độc của họ.
Với biến cố 16-4-1947, tạo ra sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ, và tình trạng “khủng hoảng lãnh đạo tinh thần”, sức mạnh của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo đã bị suy giảm rất nhiều. Pháp chỉ cần tiêu diệt bộ máy lãnh đạo chánh trị, tê liệt hóa các thành phần trí thức, thì đoàn thể này chỉ còn lại một khối quần chúng, nay đã mất cả lãnh đạo tinh thần lẫn lãnh đạo chánh trị, giống như con rắn đã mất cái đầu.
Trong tình huống đó, đương nhiên uy quyền lãnh đạo phải rơi vào tay các vị lãnh tụ quân sự. Các vị này, xuất thân từ thành phần bình dân ít học, không đủ ý thức chánh trị và kỹ thuật để lãnh đạo một tổ chức có tầm vóc lớn như Phật Giáo Hòa Hảo. Đây là mục tiêu mà Pháp mong muốn, và cũng là điều mà Pháp đã thiết kế để tạo ra, và đã đạt được vào cuối năm 1948. Các hoạt động Dân Xã bị tê liệt, các lãnh tụ, cán bộ Dân Xã bị vô hiệu hóa, hay bị tiêu diệt, chỉ còn khối quân sự mà Pháp mong sẽ chuyên tâm góp vào công cuộc bình định lãnh thổ, đánh đuổi các đơn vị quân sự Việt Minh khỏi miền Tây.
Gửi ý kiến của bạn