1- Diễn Tiến Biến Cố 16-4-1947

30 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 84289)
1- Diễn Tiến Biến Cố 16-4-1947
DIỄN TIẾN BIẾN CỐ 16-4-1947

Những hàng sau đây là bản tường thuật, gần như một bản nhựt ký của ngày 15 và ngày 16-4-1947, các sanh hoạt của Huỳnh Giáo Chủ. Hôm sau Đức Thầy nhận được hai văn thơ, một của Trần Văn Nguyên đặc phái viên kiêm thanh tra chánh trị miền Tây Nam Bộ, và một của Bửu Vinh, mời Ngài đến dự hội nghị họp tại làng Tân Phú, để định liệu kế hoạch hòa giải giữa Việt Minh và Hòa Hảo Dân Xã.

Vào 7 giờ sáng ngày 15-4-1947 (24 tháng 2 nhuần), Đức Thầy xuống ghe đi với ba người chèo, bốn tự vệ quân, ông Đại đội trưởng Đại đội 2 và người thơ ký văn phòng là ông Huỳnh Hữu Thiện.

Lối 8 giờ sáng, ghe tới chợ Ba Răng, có Trần Văn Nguyên xuống bến đón Ngài lên chợ. Ngài diễn giảng trước đám đông người, kêu gọi sự đoàn kết chống xâm lăng, và gạt bỏ hận thù giữa Việt Minh và Dân Xã. Trưa lại, Ngài dùng cơm với Trần Văn Nguyên trong một căn phố gần đó. Sau bữa cơm, độ 12 giờ, Trần Văn Nguyên và một thơ ký xuống đi chung ghe với Ngài đến Đốc Vàng Hạ thuộc thôn Tân Phú. Đến đây, một bản hiệu triệu được công bố, cho biết các cấp chỉ huy hai bên đang bắt tay nhau lo việc hòa giải, và kêu gọi hai bên đừng xô xát nhau.

Sau khi dùng cơm chiều, Đức Thầy lại nghỉ ở nhà một tín đồ gần đó. Hôm sau, ngày 16-4-1947 lối 7 giờ sáng Đức Thầy trở lại hội đàm với Trần Văn Nguyên, rồi phái ông Ngô Trung Hưng cùng một nhân viên của Trần Văn Nguyên đi các thôn hòa giải.

Sau khi dùng bữa cơm trưa, Đức Thầy xuống ghe nghỉ, thì Bửu Vinh đến đưa thơ yêu cầu được gặp Ngài. Trong cuộc hội kiến, Bửu Vinh báo cáo rằng dân xã giết Việt Minh ở Lấp Vò, và buộc Đức Thầy phải đi, nhưng Ngài tỏ ra cương quyết biện bác và đòi Bửu Vinh cùng đi. Bửu Vinh khước từ và đòi phải cho bộ đội có võ trang theo phòng vệ, thì mới đi. Ngài trả lời một cách cứng cỏi:

— Tại sao tôi có một ít người không có bộ đội ủng hộ, lại dám vào sào huyệt của các ông? Như thế quí ông không thành thật.

Bửu Vinh không trả lời được, nên buộc lòng phải đi, và yêu cầu Đức Thầy đến văn phòng của y để cùng đi. Liền lúc đó, Trần Văn Nguyên đến trao cho Ngài một mảnh giấy nói rằng có điện tín từ ủy ban Hành chánh Nam bộ mời Đức Thầy trở về miền Đông lập tức để dự phiên họp bất thường.

Đức Thầy trả lời không thể trở về dự phiên họp được, vì còn lo việc hòa giải. Chiều hôm ấy, Trần Văn Nguyên từ giã Ngài vào lúc nhá nhem tối.

Y lời hẹn, Đức Thầy xuống ghe đến văn phòng Bửu Vinh, có một liên lạc viên dẫn đường. Trời tối đen như mực, bỗng có tiếng kêu: “Ghe ai đó? Sao giờ này đã thiết quân luật mà còn dám đi?.” Người liên lạc trả lời: “Đi lại văn phòng ông Bửu Vinh.” Liền đó có lịnh biểu ghe ghé lại. Rồi thì đèn chói rọi xuống, khi biết là ghe của Đức Thầy, chúng nói ông Bửu Vinh mời Đức Thầy lên văn phòng.

>Đức Thầy cùng bốn tự vệ quân lên một nhà ngói. Ngài vào ngồi bàn giữa, nói chuyện với Bửu Vinh, còn bốn tự vệ quân thì cầm súng đứng hai bên cửa gần đó. Mười phút sau, lối 7 giờ rưỡi, có tám người từ bên ngoài đi vào, chia làm bốn cặp, tràn tới đâm bốn tự vệ quân. Ba người bị đâm chết, chỉ còn anh thứ tư là Phan Văn Tỷ lanh trí nên tránh kịp, liền thoát ra ngoài, bắn một loạt tiểu liên. Trong lúc anh Tỷ né, thì một trong hai tên Việt Minh bị đồng bọn của mình đâm chết.

Thấy chuyện chẳng lành, Đức Thầy lanh lẹ thổi tắt ngọn đèn, văn phòng trở nên tối đen, không ai nhận ra Đức Thầy đâu cả.

Viên thơ ký của Ngài và ba người chèo ghe lẹ làng tẩu thoát, vội vã về báo tin. Tiếng tù và thống thiết nổi dậy báo động. Binh sĩ toan vác súng kéo đi giải vây, thì vào khoảng 11 giờ đêm, bỗng có một tín đồ phi ngựa về Phú Thành mang một bức thư như sau:

Thủ bút và chữ ký của Đức Huỳnh Giáo Chủ

Ngày 16 tháng 4 năm 1947 Dương lịch, đi để giàn xếp các vụ xung đột giữa Việt Minh-Hòa Hảo, Đức Giáo Chủ đến làng Tân Phú (tức Đốc Vàng Hạ) thuộc tỉnh Long Xuyên.

Nơi đây, Bửu Vinh đã lập tâm ám hại Ngài, nhưng sau những tiếng súng liên hồi, Đức Giáo Chủ vẫn không hề hấn. Ngài bình thản viết lá thư này trước mặt một người tín đồ và sai người này mang về vị trí.

Ông Trần Văn Soái và ông Nguyễn Giác Ngộ.

Tôi vừa hội hiệp với ông Bửu Vinh, bỗng có sự biến cố, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra. Trong mấy anh em phòng vệ, không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát, thì các ông đừng tin và đừng náo động, cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu. Hãy đóng quân y tại chỗ, sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỹ lưỡng rồi về sau.

Phải triệt để tuân lệnh.

16-4-1947, 9 giờ 15 đêm. Ký tên: HUỲNH PHÚ SỔ.

Ông Mai Văn Dậu đem đối chiếu chữ ký và chữ viết, thì nhận là chính của Đức Thầy. Thế là mọi người phải tuân lịnh, chỉ nhìn nhau thở dài, với niềm hy vọng ngày mai Ngài sẽ trở về.

Nhưng từ ngày 16-4-1947 đến nay, vẫn bặt luôn tin tức. (*) Người đọc dừng lại một phút để suy xét sẽ nhận thấy các điểm trọng yếu sau đây:

1. Huỳnh Giáo Chủ chú trọng rất nhiều vào mục tiêu hòa giải để bảo vệ tiềm năng kháng chiến.

2. Phía Việt Minh khi trao điện tín mời Huỳnh Giáo Chủ về họp tại miền Đông, là đã có âm mưu sẵn rồi. Những thái độ và lời nói của Trần Văn Nguyên và Bửu Vinh trong công tác hòa giải chỉ là ngụy trang. Chính hai nhân vật này đã biết rõ âm mưu dự tính, và biết việc gì sẽ xẩy ra trong đêm 16-4.

Tài liệu sau đây, bản Huấn lịnh ngày 21-4-1947 là bằng chứng về chánh sách khủng bố đàn áp của Việt Minh đối với Phật Giáo Hòa Hảo, Dân Xã.

HUẤN LỊNH GỞI CÁC CẤP HÀNH CHÁNH, QUÂN ĐỘI, CÔNG AN 1

1. Tại nơi nào có Dân Xã nổi dậy, phải bắt hết các cơ quan chỉ huy quân sự, hành chánh, và mọi tổ chức Bảo An, dân quân của Dân Xã Đảng, cấp tỉnh, quận và xã. Tại các vùng khác, phải bắt hết các Ban trị sự, Ban chỉ huy quân sự, Bảo An cấp tỉnh, quận. Bí mật bắt giam các thành phần nguy hiểm, tình nghi chống đối.

2. Đặc biệt tại các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Sa Dec, phải động viên và võ trang mọi tổ chức cứu quốc.

3. Hạ lịnh cho tất cả đảng viên Dân Xã phải giao nạp võ khí. Kẻ nào còn giấu giữ võ khí, phải bị trừng phạt nặng nề.

4. Áp dụng tình trạng thiết quân luật để trừng trị, không cần thiết đưa ra tòa án. (1)

5. Bắt buộc các đảng viên Dân Xã phải tuyên bố ủng hộ chánh phủ và quân đội. Kẻ nào từ chối, sẽ bị nghiêm trị. Tại các vùng mà dân chúng tất cả đều là Dân Xã, phải lựa các thành phần nào không tham gia Dân Xã nổi dậy, mà đưa họ vào tổ chức của ta.

Ngày 21-4-1947

Ký tên: Thanh tra Chánh trị Trần Văn Nguyên

và Giám đốc Công an Kiều Tấn Lập

(1) Có nghĩa là thủ tiêu, giết chết không cần án tòa.

Chiến dịch khủng bố khốc liệt của Cộng Sản diễn ra khắp miền Tây đã sát hại dưới nhiều hình thức cả chục ngàn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Hồng Văn Hoạnh, một tín đồ quê tại Tân Châu cho biết:

Sau khi các đơn vị quân sự Cộng Sản rút lui khỏi vùng Phú An Phú Lâm, dân chúng địa phương khám phá ra mấy hầm chôn xác chết, mỗi hầm trên ba ngàn người, tổng cộng gần 10.000. Người chung quanh cho biết nhiều người còn sống cũng bị chôn luôn, cảnh tưởng hãi hùng chưa từng có. Vì không phân biệt được danh tánh những người chết, nên Ban trị sự tại đây lập mộ đài cúng giỗ tập thể mỗi năm. Nghe đâu tại các vùng Tân Thành Cải Cái cũng có nhiều hầm chôn như thế. Còn ghê gớm hơn vụ Mậu Thân ở Huế. (*)

Tình thế đó được mô tả trong một trang ký sự đăng trên tập san Đuốc Từ Bi số 5, ngày 1-4-1982, như sau:

Sau ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ám hại (16-4-1947), tình thế trở nên khẩn trương. Khắp nơi lửa cháy bừng bừng, bộ đội võ trang của Cộng Sản kéo quân bao vây, chỗ nào có bàn Thông thiên là họ nổi lửa đốt nhà, bắn người không cần xét xử; hàng ngày hàng giờ, những tin tức do liên lạc chạy bộ hay đi xe đạp về Thánh địa Hòa Hảo, báo động liên tiếp ngày đêm. Tình trạng thật nguy hiểm, khu Thánh địa cũng bị hăm dọa bởi chi đội 18 của Cộng Sản, tên Xuyến chỉ huy đã tuyên bố là sẽ tràn vào Thánh địa “làm cỏ không tha một con đỏ”.

Anh chị em Phật Giáo Hòa Hảo vùng Thánh địa quyết tâm tử chiến để bảo vệ Thánh địa, và chỉ sau một cuộc chiến đấu liên tiếp mấy đêm ngày, chi đội 18 Cộng Sản nhận thấy võ khí của họ không thể thắng được những tấm lòng kiên quyết tử vì Đạo, dù chỉ với võ khí bén, vẫn lăn xả vào các họng súng liên thanh, cho nên chi đội 18 đã phải rút quân. Hai bên chết khá nhiều, phía Phật Giáo Hòa Hảo mất nhiều cán bộ trong cuộc tử chiến này.

Cũng trong hoàn cảnh khẩn trương ấy, một chiếc tàu sắt của Pháp chạy đến trên sông Tiền Giang ngang Thánh Địa. Kẻ thù trước mắt, và kẻ thù sau lưng, thử hỏi tình trạng rối ren đến thế nào?

Nhưng lần này tàu sắt Pháp không đổ bộ ruồng bố bắn giết như trước kia, họ quan sát rồi chạy đi.

Đồng thời lúc đó, ở khắp nơi, cảnh tượng tương tự đã diễn ra... Các chị phụ nữ Bảo An vác kiếm, các thanh niên vác tầm vông hay súng, các bô lão tiếp tế, các em bé liên lạc thông tin, cả làng cả xã, cả ấp được huy động thường trực ngày đêm để sẵn sàng đối phó với các bộ đội võ trang của Cộng Sản. ở những vùng xa xôi mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ít, không đủ sức đối phó, thì họ lũ lượt bỏ nhà cửa, tản cư đến các vùng an toàn, tạo ra cảnh màn trời chiếu đất cho hàng trăm ngàn người. Riêng tại Thánh Địa Hòa Hảo, ghe đậu chật dưới sông, người nằm chật các khoảng trống, dưới bụi tre, bụi chuối... toàn là tín đồ tản cư để tránh nạn Cộng Sản tàn sát.

Lúc đó Ban Chấp hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng cấp tốc thảo luận về các biện pháp ứng phó. Đại ý các quan điểm tranh luận kẹt vào thế lưỡng nan:

§ Một quan điểm cho rằng trong tình thế khẩn trương sinh tử, phải dựa vào Pháp để đối phó với Cộng Sản.

§ Một quan điểm khác cho rằng không thể dựa vào Pháp, vì Pháp là thực dân xâm lược, kẻ thù dân tộc.

§ Một cuộc hội nghị tối cao Quân Chánh được triệu tập khẩn cấp tại Thánh địa dưới sự chủ tọa của Đức Ông Huỳnh Công Bô, cố vấn tối cao, gồm các lãnh tụ quân sự, chánh trị, tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

>

Những quyết định căn bản của hội nghị này là:

§ Giữ vững lập trường căn bản tranh đấu cho mục tiêu Việt Nam độc lập thống nhất.

§ Thực dân Pháp và Việt Minh Cộng Sản là hai kẻ thù dân tộc, nhưng trước mắt phải đối phó với hiểm họa tiêu diệt do Cộng Sản chủ trương.

Do đó hội nghị lấy các quyết định sau đây:

1. Phật Giáo Hòa Hảo giữ Đạo chơ Thầy, bảo tồn chánh pháp.

2. Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tiếp tục con đường cách mạng dân tộc, chống Pháp chống Cộng để bảo tồn chánh nghĩa trong thời gian Đức Thầy vắng mặt.

3. Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực từ nay rút khỏi hệ thống Vệ quốc đoàn, nhưng không ra hợp tác với Pháp, để bảo toàn danh nghĩa chống Pháp mà Đức Thầy đã nêu lên khi thành lập đơn vị quân sự này.

4. Khí giới của chi đội 30 được trao lại cho các đơn vị quân sự nào lúc đó đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đồng đạo, và vì nhu cầu đó phải ra hợp tác với Pháp.

5. Quyết nghị số 4 này mang tính chất thực tế, vì hội nghị biết rằng trong tình thế khẩn trương đó, không thể nào ngăn cản phản ứng tự nhiên của các cấp quân sự, tìm phương tiện võ khí để tự vệ và bảo vệ đồng đạo trước làn sóng khủng bố tàn bạo ghê gớm của Cộng Sản.

Ban Chấp Hành Liên Tỉnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng lúc đó thay mặt Trung ương Đảng bộ, trực tiếp ứng phó tình hình miền Tây, đã chỉ thị cho hệ thống Ban Chấp Hành Dân Xã toàn quốc áp dụng lập trường không hợp tác với Pháp, hoạt động bí mật để bảo tồn cơ sở.

Nhưng thực sự, đó là một thế kẹt. Lập trường đó chỉ có thể bảo vệ được danh nghĩa nhưng không hữu hiệu trong một hoàn cảnh mà chính mình không đủ sức mạnh để một lúc chống lại hai kẻ địch, Pháp trước mặt và Việt Minh sau lưng.

Tự trong tình huống đó, khởi đầu giai đoạn hợp tác với Pháp, và đưa đến hiệp định liên quân 18-5-1947 ký kết giữa ông Trần Văn Soái va Đại tá tư lịnh miền Tây của Pháp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn