Các hoạt động thuần túy chánh trị cần phải chuyển sang võ trang kháng chiến, nên một sinh viên luật khoa đảng viên Đại Việt tên Trần Văn Quới vừa từ Hà Nội trở về quê hương tại tổng An Điền quận Thủ Đức, được giao phó nhiệm vụ mộ quân để thành lập đơn vị quân sự, đơn vị này vì thế mang danh là Bộ đội An Điền. Khi Trần Văn Quới nhận chỉ thị trở ra Bắc, chức quyền tư lịnh bộ đội An Điền được giao phó cho một chánh trị phạm tên là Bùi Hữu Phiệt vừa được trả tự do từ Côn Đảo trở về, cùng một lần với các lãnh tụ Thanh Niên Ai Quốc Đoàn, như Đinh Khắc Thiệt, Hồ Nhựt Tân...
Nhờ mối liên hệ trước giữa Đại Việt và Nhựt Bổn, nên bộ đội An Điền được giúp một số võ khí ngoài sổ sách do trung úy Watanabe Hitomi trao lại. Viên trung úy Nhựt này không ra trình diện với quân đội Anh, mà ở lại chiến khu miền Đông, gia nhập bộ đội An Điền dưới cái tên mới là “Anh Bê”, với sắc phục du kích quân bà ba đen, vẫn đeo bên hông khẩu súng lục Chiêu Hòa và thanh gươm gia truyền được Nhựt hoàng ban tặng cho dòng họ quý phái Watanabe.
Bộ đội An Điền sau liên minh với tổ chức Bình Xuyên tại chiến khu miền Đông, và đổi tên thành Trung đoàn 25 Liên khu Bình Xuyên, do Bùi Hữu Phiệt làm tư lịnh, và một nhân vật Bình Xuyên là Tư Tÿ làm phó tư lịnh, hợp thành khối quân sự của Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp ra đời ngày 26-4-1946 tại chiến khu Bà Quẹo (phía đông Saigon), với chủ tịch là Hoàng Anh, một bí danh của Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
Trong thời kỳ này, giữa các đơn vị võ trang của Phật Giáo Hòa Hảo và bộ đội An Điền, có sự hợp tác chặt chẽ, giao tình thân thiết, cũng như giữa Huỳnh Giáo Chủ với Bùi Hữu Phiệt và các lãnh tụ tổ chức Bình Xuyên.
Khi thế quân sự của Việt Minh đã mạnh ở miền Nam, tướng Nguyễn Bình tư lịnh Kháng chiến Nam bộ đã hạ sát Bùi Hữu Phiệt và cả Bộ Tư lịnh An Điền tại Rừng Sát, để chiếm toàn quyền thao túng trung đoàn 25 Bình Xuyên. Có những người sống sót của bộ đội An Điền về miền Tây cộng tác với Phật Giáo Hòa Hảo như nhà cách mạng Hồ Nhựt Tân, chuyên viên quân sự Lưu Nhất... Riêng Trung úy Nhựt Watanabe Hitomi tức anh Bê, thì số phận về sau ra sao, không ai rõ.
Những sự việc thuật trên đây cho thấy rằng trong công tác vận động quốc tế, liên hệ cảm tình cá nhân tuy cần thiết, nhưng chỉ có tác dụng mở đường dẫn nhập, hay giải quyết các vấn đề cục bộ, nhứt thời; đại sự muốn thành phải đạt được sự yểm trợ của một chính quyền trên bình diện và trong khuôn khổ chánh sách quốc gia.
Chứng nghiệm lịch sử khá rõ ràng: sức mạnh của Cộng Sản Việt Nam là do sự bồi dưỡng của đế quốc Nga sô liên tục, bền bỉ duy trì suốt mấy chục năm, trong khi các tiền bối cách mạng Phan Bội Châu, Cường Để nhờ cậy một số nhân vật Nhựt Bổn, Việt Nam Quốc Dân Đảng nhờ cậy một số nhân vật Trung Hoa chỉ được giúp đỡ nhất thời, cục bộ mà thôi.
Nếu chính phủ Nhựt năm 1945 có chánh sách giúp đỡ võ khí cho các tổ chức đấu tranh Việt Nam, ắt là cuộc diện Việt Nam đã khác hẳn.
Gửi ý kiến của bạn