3- Từ Tầm Vông Vạt Nhọn Đến Súng Ống

24 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 89191)
3- Từ Tầm Vông Vạt Nhọn Đến Súng Ống
9-3-1945 là một thời điểm quan trọng trong lịch sử tranh đấu của Việt Nam, mà cũng là một biến chuyển lớn trên tiến trình quân sự hóa của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo.

Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã có thái độ thận trọng đối với Nhựt, từ trước ngày đảo chánh. Vào sau 9-3-1945, ông có tuyên bố rằng: “Việt Nam chưa có độc lập đâu, còn phải tích cực vận động mới mong thực hiện được độc lập quốc gia”. Vì tiên liệu và chủ trương lập trường như thế, cho nên ông đưa ra công thức thành lập tổ chức “Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội” đề nghị các giới tranh đấu cùng liên kết lại. Mặt khác ông quay về nội bộ, âm thầm chuẩn bị các yếu tố chuyển tổ chức Bảo An vào giai đoạn thực sự đấu tranh quân sự.

Cái nhìn của ông lúc đó là không để sa vào cảnh “dịch chủ tái nô” do chánh sách của Nhựt Bổn. Có nghĩa là không thể chấp nhận quân phiệt Nhựt thay thế thực dân Pháp hành sử chủ quyền tại Việt Nam. Vì thế ông chủ trương vận động đưa quần chúng vào đấu tranh để ứng phó mọi biến chuyển sắp tới, kể cả võ trang kháng chiến chống lại âm mưu đem quân đội tái chiếm Việt Nam như đã biểu lộ trong lời tuyên bố của tướng De Gaulle ngày 24 tháng 3 năm 1945, tại Brazzaville.

Võ trang quần chúng, nhưng võ khí ở đâu? Cố nhiên khả năng võ nghệ, cộng thêm các loại võ khí bén thô sơ của các đoàn Bảo An, chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sơ khởi là đoàn ngũ hóa và huy động tinh thần quần chúng, chớ không thể đủ để chiến đấu chống lại một đối thủ võ trang tối tân và đầy đủ như đoàn quân viễn chinh của Pháp.

Cuộc đảo chánh 9-3-1945 là một cơ hội chánh trị của Việt Nam, nhưng cũng là một cơ hội cho các đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo thực hiện ước mong võ trang bằng súng đạn, có thể đến bằng hai nguồn cung cấp khác nhau. Một là bằng đường lối ngoại giao với các giới chức quân đội Nhựt để hoặc bằng tiền, hoặc bằng cảm tình, tiếp nhận một số súng đạn, mà các cá nhân hay đơn vị Nhựt có thể chuyển nhượng. Nguồn cung cấp thứ nhì là súng đạn của Pháp còn giấu diếm quanh quẩn, sau cuộc đảo chánh, hay do các toán kháng chiến Pháp bỏ thành kéo về các vùng nông thôn, các đồn điền Pháp tại Hậu Giang. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, cuộc kháng chiến chống Nhựt của Pháp tại miền Tây đã tan vỡ rất mau, một số võ khí bị quân đội Nhựt thâu lại, một số khác được chôn giấu vùng bưng biền rừng rậm, một số khác lọt vào tay những đoàn Bảo An Phật Giáo Hòa Hảo.

Công tác móc nối với Nhựt của Phật Giáo Hòa Hảo được thực hiện bởi một số thanh niên tín đồ mà Huỳnh Giáo Chủ đã gởi đi học Nhựt ngữ từ năm 1945. Kết quả công tác này là một số súng đạn được đưa về Hậu Giang, tuy không nhiều, nhưng cũng gây hứng khởi đặc biệt về tâm lý và sáng tạo nên những đơn vị võ trang nhỏ, làm nồng cốt đầu tiên cho công cuộc thiết lập các đơn vị võ trang sau này. Một số sĩ quan Nhựt đã đào ngũ theo về sống tại các làng miền Tây với quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo, chớ không chịu buông súng đầu hàng theo lịnh của Thiên Hoàng Nhựt tuyên bố ngày 14-8-1945. Trong số này, có nhiều sĩ quan Nhựt đã cưới vợ Việt sống luôn tại vùng Phật Giáo Hòa Hảo, có người chết tại đây, chớ không về Nhựt. Một số khác, sau ít lâu, trở về Nhựt; có người đã trở nên nhân vật có chức quyền trong các chánh phủ Nhựt sau đó, và có trở lại miền Tây thăm viếng các thân hữu Phật Giáo Hòa Hảo.

Riêng tại miền Hậu Giang, sau cuộc đảo chánh 9-3-1945, tình hình đặc biệt sôi động trong giới Phật Giáo Hòa Hảo. Bởi vì từ đó “không còn lo sợ Pháp khủng bố nữa”, các đoàn Bảo An được tự do sinh hoạt, tập luyện quân sự mà không ngại gì mật thám Pháp. Sự phát triển tín đồ cũng tăng gia, và sự phát triển tổ chức Bảo An thêm rộng ra.

Những thủ lãnh quân sự Phật Giáo Hòa Hảo tương lai như Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, Lê Quang Vinh bắt đầu xuất hiện hoạt động trong giai đoạn này. Ông Nguyễn Giác Ngộ cũng vừa được trả tự do khỏi khám đường của Pháp.

Trong giai đoạn này, các đội viên Bảo An cấp tiến, gan dạ, bắt đầu tổ chức đi tìm súng đạn. Một số súng cá nhân mousqueton đã đoạt được của binh sĩ Pháp kháng Nhựt nhưng tuyệt vọng rã ngũ, bỏ võ khí. Một số súng săn, súng nhỏ của các viên chức hành chánh trong thời Pháp thuộc được giới Bảo An rất lưu ý.

Những viên chức xã ấp, tổng, quận, trước kia yœ thế Pháp mà hà hiếp dân chúng, được liệt vào loại cường hào ác bá, tỏ ra rất lo ngại trước tình hình mới. Một số lẹ bước bỏ làng ra lánh mặt tại đô thành. Nhiều vụ uy hiếp viên chức hành chánh đã xảy ra tại nhiều tỉnh Hậu Giang, trong chiến dịch trừng trị cường hào ác bá. Một số lãnh tụ quân sự Phật Giáo Hòa Hảo đã tham gia vào công việc này.

Những tác giả Pháp hay những viên chức của Pháp viết về vấn đề này, đã lên án rằng đây là những “hành động cướp bóc trả thù làm rối trật tự xã hội”. Một số tác giả khác cho đây là cuộc nổi dậy của nông dân giống như biến cố “Jacquerie” trong thời Trung cổ nước Pháp. Các hành động này thực sự có nguyên nhân sâu xa của nó. Đây là phản ứng tự nhiên của lớp người xưa nay bị miệt thị rẻ rúng, chèn ép bóc lột, nhưng không thể đương đầu chống lại. Ngày nay họ có cơ hội, và tự nhiên họ tìm cách thỏa mãn nỗi bực tức bị đè nén bấy lâu nay. Họ tìm đến các viên chức trước kia đã yœ thế quan quyền mà làm hại hay uy hiếp họ. Trong trạng thái tâm lý đó, có nhiều người đã có thái độ quá khích với các cử chỉ võ biền. Xét kỹ hiện tượng này, còn thấy rằng những viên chức hành chánh hay điền chủ hiền từ, không ác ôn, đã không bị phiền nhiễu, trả thù. Như thế, chứng tỏ rằng sự “nổi dậy” của các đội viên Bảo An không phải để giết người và cướp của như dư luận thường nói, mà phải xem đó là phản ứng tự nhiên của những nông dân chất phác trả đũa lại những ai đã hà hiếp và ác độc đối với họ trước kia.

Một số Quận trưởng của chánh phủ cũng bị đội viên Bảo An đến ngay văn phòng Quận (cũng gọi là dinh Quận) để trả đũa về các hành động ác ôn trước kia. Hai vị Quận trưởng Giồng Riềng (Rạch Giá) và Trà Ôn (Cần Thơ) đã bị trừng trị và kiện với chánh quyền Nhựt tại Saigon, tố cáo nhân vật Trần Văn Soái là thủ phạm “phá rối an ninh và hành động côn đồ.”

Có người cũng bình phẩm những hành động này là chịu ảnh hưởng “hành hiệp” của Thiên Địa Hội, một tổ chức nguồn gốc từ Trung Hoa của các giới phản Thanh phục Minh đến cư trú tại miền Nam từ thế kyœ 17. Người Việt miền Nam đã chịu một phần ảnh hưởng của tinh thần hành hiệp Thiên Địa Hội, khi đứng lên làm ‘’anh hùng hảo hớn, giang hồ nghĩa hiệp”. Con người của các nhân vật Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh, ít nhiều cũng có ảnh hưởng Thiên Địa Hội, trên phương diện cá tính. Họ muốn làm “kẻ anh hùng trong dân gian”, vì nghĩa mà diệt ác.

Cây súng ở thời điểm trước biến cố 1945, được xem như bảo vật đối với người đội viên Bảo An. Vài mẩu chuyện thuật lại sau đây do bà Trần Thị Hoa, góa phụ tướng Lê Quang Vinh, cho thấy cuộc đời binh nghiệp cách mạng của ông đã khởi đầu bằng bơi xuồng chèo ghe, tranh thủ từng cây súng để dần dần tiến lên mức độ thành lập và chỉ huy cả chục ngàn nghĩa binh. ...

Anh Ba Cụt Lê quang Vinh lúc đó chèo ghe cho ông Năm (Trần Văn Soái) đi lưu động bưng biền, có hai cây súng mút Ăng Lê (mousqueton kiểu Anh) và một súng lục loại bỏ túi 7 ly, mà lấy làm hãnh diện lắm, vì thời đó ít ai có súng. Đến làng Nhơn Mỹ, ở tại nhà anh Bẩy Mía. Tây tới ruồng bố bắt anh Bẩy Mía và chị Thu Nga. Anh Ba Cụt núp lại rình bắn toán lính Tây để giải cứu vợ chồng anh Bẩy Mía, giết được hai thằng Tây, đoạt ba cây súng mousqueton..

... Về sau có ba thằng Tây đầu hàng với anh Ba Cụt tại Thơm Rơm, trao ba cây súng mousqueton và hai súng tự động. Anh lại đào thêm được một hầm chôn chín cây súng của Pháp (đây là toán kháng Nhựt rã ngũ, 1945).

... Năm 1946, Đức Thầy đòi anh Ba Cụt lên miền Đông, cùng đi với bà Xã Được. Thầy hỏi rằng: “ở dưới đó con đánh giặc có hao quân không?” Anh Ba trả lời: “Bạch thầy, con đánh Tây nhiều lần, mà tới bây giờ bên mình chưa có ai chết.” Đức Thầy cười rồi nói: “Con ráng đánh Tây, Thầy cho con súng lịnh, con ít học, sau này Thầy mở lớp dạy thêm, sức con có thể cầm binh mười ngàn...”

... Người bạn của anh Ba Cụt đã giựt cây súng của một viên chức theo Tây, tại chợ Thốt Nốt, ngay giữa ban ngày. Anh đã theo dõi biết viên chức này sắp đi chuyến đò ngang sông Thốt Nốt, anh liền xuống cùng chuyến. Khi đò ra tới giữa sông, anh kẹp cổ viên chức này, nhảy xuống sông, đoạt cây súng, rồi lặn xuống nước mà đi theo dòng sông để trốn. Lính không kịp rượt theo hay bắn theo. (*)

Tháng 8-1954, thi hành quyết định chung, Phật Giáo Hòa Hảo đảm nhận việc thành lập Đệ tứ Sư Đoàn Dân Quân Cách Mạng và đã tuyển một đội viên Bảo An nhiều đợt, mỗi đợt 500 người, tất cả trên 3.000 người đã được đưa từ miền Tây lên Saigon để thụ huấn. Những lớp huấn luyện quân sự cấp tốc này được tổ chức tại trường Mỹ Nghệ Gia Định (gọi là trường Vẽ, theo ngôn ngữ bình dân) và tại Ngã tư Bình Hòa, nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (Massiges). Các đơn vị này phải tự túc thực phẩm, hệ thống Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo huy động tín đồ miền Tây hàng ngày chuyên chở lương thực: gạo, rau, gà vịt, heo đem lên Saigon tiếp tế cho những sư đoàn tương lai này. Trên các con đường phố Saigon lúc đó, dân chúng được chứng kiến quang cảnh lạ mắt của những toán Bảo An sắc phục đen, chít khăn đen, quấn xà cạp đen, mang tầm vông trên vai, xếp thành hàng ngũ bước đi chỉnh tề, dượt tới dượt lui theo tiếng đếm bước: một hai một, hai...

Trên tiến trình quân sự hóa, đây là thời kỳ hứng khởi nhứt đối với những người nông dân của đồng ruộng miền Tây, vác cây tầm vông lên thủ đô Saigon, với niềm hãnh diện đặc biệt là đã được tuyển lựa để tham gia một đại đơn vị cấp sư đoàn, nhận lãnh sứ mạng mới, bội phần quan trọng hơn công việc đã làm bấy lâu nay trong khung cảnh làng xã. Những đội viên Bảo An ấy nghĩ rằng cây tầm vông trong thời kỳ huấn luyện quân sự, rồi đây sẽ được thay thế bằng cây súng thực sự, để họ ra chiến trường bắn giặc cứu nước, và như thế là giấc mơ võ trang của họ đã được toại nguyện. Họ được đồng đạo gọi là “chiến sĩ của Đức Thầy” tức là được đức Giáo Chủ tuyển chọn. Tâm trạng của họ có thể ví với chiến sĩ tôn giáo của các đoàn quân tử chiến trong các cuộc thánh chiến thời trung cổ Tây Phương. Những chiến sĩ Bảo An này đang chuẩn bị đi vào một cuộc thánh chiến thật sự, với niềm hãnh diện và lòng tin tưởng đã được ý thức, bồi dưỡng, rèn luyện qua tiến trình đoàn ngũ hóa của phong trào Bảo An.

Trên phương diện chánh thức, không có việc Bộ Tư lịnh quân đội Nhựt ở Đông Dương hay địa phương lấy quyết định giao võ khí cho các tổ chức đấu tranh Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đã có những vận động âm thầm và chuyển giao kín đáo một số ít võ khí súng đạn từ một số đơn vị quân đội Nhựt tại địa phương cho một vài tổ chức đấu tranh ở miền Nam.

Những vận động âm thầm này dựa trên những tương quan cá nhân và cảm tình riêng. Trong các tài liệu của văn khố quân đội Nhựt có thể được tham khảo sau này, cũng không có tài liệu nào chứng minh rằng lúc đó (1945, từ tháng 3 đến tháng 8) quân đội hay chánh phủ Nhựt tại Đông Dương đã có chánh sách giúp đỡ võ khí cho các tổ chức đấu tranh Việt Nam. Cũng vì thiếu một quyết định trên bình diện chánh sách, cho nên những võ khí Nhựt lọt vào tay các tổ chức Việt Nam, thật là ít ỏi.

Ngược lại, nếu các tổ chức cách mạng Việt Nam đã nhận được số lượng quan trọng võ khí Nhựt, thì tiềm năng kháng Pháp tất nhiên đã cao hơn, các đoàn thể quốc gia tại miền Nam đã đạt được thế chủ động đối với Pháp và Cộng Sản, thì diễn tiến thời cuộc 1945 hẳn đã đổi thay khác rồi. Bởi vì tình trạng miền Nam lúc đó có những yếu tố chủ quan khá vững chắc nếu được phối hợp với các yếu tố khách quan thích nghi với nhu cầu đặc biệt ở thời kỳ đó, đã có thể chuyển những tiềm năng quần chúng thành lực lượng chiến đấu hữu hiệu. Lúc đó thế lực Cộng Sản ở miền Nam thật chưa có gì, các tổ chức quần chúng trong miền Nam chỉ cần thêm võ khí, là dễ dàng nắm thế chủ động.

Đây cũng lại thêm một chứng nghiệm lịch sử về sự tương đồng quyền lợi giữa các đế quốc, dù là đế quốc Tây Phương hay Đông Phương, họ dễ dàng cấu kết với nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhau, chớ không đế quốc nào có thiện chí giúp cho các dân tộc bị trị cơ hội vùng dậy lấy lại chủ quyền độc lập và tự do.

Quần chúng miền Nam không bời rời như ở miền Bắc, mà đã thực sự đoàn ngũ hóa trong hai tổ chức tôn giáo quan trọng là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Quần chúng đoàn ngũ hóa bao giờ cũng có năng động tính và sẵn sàng để nhập cuộc hơn là quần chúng tâm lý mà không có tổ chức. Các đảng cách mạng xuất hiện tại miền Bắc như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân có thể được sự đồng minh ngưỡng mộ của quần chúng, nhưng không thể chuyển động mau chóng khối quần chúng đó vào đấu tranh, vì chưa thực hiện được bước sơ khởi là đoàn ngũ hóa quần chúng.

Ngoài ra, tại miền Nam các tổ chức cách mạng mang hình thức tôn giáo, cho nên quy tụ được đông đảo quần chúng, trong khi tại miền Bắc, các tổ chức cách mạng mang hình thức chánh đảng, cho nên sự quy tụ đảng viên giới hạn hơn.

Ngoài hai tổ chức tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo ở vào tư thế đã đoàn ngũ hóa và sẵn sàng chiến đấu, tại miền Nam lúc đó còn có phong trào Thanh Niên Tiền Phong, và vài tổ chức võ trang, tuy ít người nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhập cuộc chiến đấu. Đó là tổ chức Bình Xuyên, tổ chức Nghĩa Sĩ Đoàn, tổ chức Thanh Niên Ái Quốc Đoàn, tổ chức Dân Quốc Quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng miền Nam, nhóm Đệ Tứ, đảng Quốc Gia Độc Lập với thành phần trí thức miền Nam.

Riêng đảng Cộng Sản đệ tam rất yếu thế tại miền Nam, lúc đó chưa có quần chúng tổ chức, chưa có đơn vị võ trang, chỉ mới có một số cán bộ là Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, sau được tăng cường lớp cán bộ vừa được thả ra từ các khám đường như Lê Duẫn, Phạm Hùng được chỉ thị ở lại miền Nam hoạt động, chớ không trở về thẳng miền Bắc.

Lập luận trên đây có thể được chứng minh bằng sự kiện xẩy ra tháng 8-1945, một cuộc hội nghị quân sự tại Saigon đã lấy một quyết định thành lập bốn sư đoàn dân quân, bằng cách giao phó cho mỗi tổ chức có quần chúng đảm nhận việc chiêu mộ quân sĩ để hình thành các sư đoàn. Sự phân phối như sau:

    Dân Quân Cách Mạng Đệ Nhứt Sư Đoàn do giới cựu chiến binh và Bình Xuyên đảm trách.
    Dân Quân Cách Mạng Đệ Nhị Sư Đoàn do Cao Đài đảm trách với số tín đồ Cao Đài đã được huấn luyện quân sự bởi tổ chức Heiho (các tướng Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế đều xuất thân từ tổ chức này).
    Dân Quân Cách Mạng Đệ Tam Sư Đoàn do Nguyễn Hòa Hiệp đảm trách (tướng Nguyễn Hòa Hiệp là đảng viên Quốc Dân Đảng miền Nam, đã có kiến thức căn bản về quân sự, lúc đó đã có sẵn tổ chức Dân Quốc Quân, cùng liên kết với các tổ chức khác để hình thành Đệ Tam Sư Đoàn).
    Dân Quân Cách Mạng Đệ Tứ Sư Đoàn do Phật Giáo Hòa Hảo đảm trách, với tổ chức Bảo An đã được đoàn ngũ hóa, rèn luyện võ nghệ và huấn luyện cơ bản về quân sự.
    Việc thành lập bốn đại đơn vị dân quân này đang tiến hành, thì thời cuộc thay đổi dồn dập, Nhựt hoàng tuyên bố đầu hàng, rồi quân đội viễn chinh Pháp theo chân quân đội Anh của tướng Gracey tới Saigon, đồng thời Trần Văn Giàu lợi dụng vị thế Chủ tịch ủy ban Hành chánh Nam Bộ, trở mặt, giở ngón độc tài đảng trị, và đàn áp Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Cho nên bốn sư đoàn này đã bị chết non trong thời kỳ chuẩn bị.

Nếu những chiến sĩ ấy của các sư đoàn Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Việt Nam Quốc Dân Đảng mà đã nhận được số lượng võ khí súng đạn chuyển từ quân đội Phù Tang ở miền Nam sang, đủ để trang bị các sư đoàn dân quân này, thì khả năng chiến đấu của miền Nam chống lại đoàn quân viễn chinh Pháp đã được tăng lên rất cao, đã có thể không để miền Nam lọt vào thế chủ động của Pháp và Cộng Sản đệ tam, rồi từ đó, đã có thể làm cho cuộc diện Việt Nam thay đổi khác hẳn.

Chánh sách diệt trừ Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo do cán bộ Cộng Sản đệ tam Trần Văn Giàu thi hành ngay từ tháng 9-1945, đã làm tan vỡ kế hoạch bốn sư đoàn. Các thành phần quân sự Cao Đài, và Phật Giáo Hòa Hảo rút về khu vực ảnh hưởng của mình, riêng Đệ Tam Sư Đoàn chưa được tăng cường, phải rút về Cao Lãnh (Sa Đéc) tức Đồng Tháp Mười, để yểm trợ Phật Giáo Hòa Hảo chống lại chánh sách khủng bố dữ dội của Cộng Sản, sau đó phải tế phân thành các đơn vị nhỏ, rồi biến dạng trên chiến trường miền Nam.

Các chi tiết nêu trên để chứng minh lập luận rằng vì các nỗ lực vận động võ khí của quân đội Nhựt lúc đó không thành công, nên các tổ chức quần chúng miền Nam đã không thể sớm vượt qua giai đoạn “tầm vông vạt nhọn” để có những đơn vị võ trang kháng chiến quan trọng được...

Câu chuyện sau đây là một trường hợp khá đặc biệt về những liên hệ giữa giới quân nhân Nhựt và tổ chức đấu tranh Việt Nam khi Nhựt đầu hàng.

Đại tướng Sato, Tổng Tư lịnh Quân đội Thiên Hoàng ở Đông Dương đã đặc biệt cho phép một viên trung úy tên là Nam tước Watanabe Hitomi được đào ngũ với sứ mạng bí mật là đem võ khí trao cho một đơn vị quân sự của Đại Việt Quốc Dân Đảng, tổ chức này đã cộng tác chặt chẽ với Nhựt từ mấy năm qua.

Trung úy Watanabe Hitomi đã liên lạc với Bộ Chỉ huy bộ đội An Điền do Bùi Hữu Phiệt chỉ huy, lúc đó đang đóng binh tại xã Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức, phía bắc Saigon), và đã hướng dẫn một số chiến sĩ trong bộ đội An Điền đến khu rừng cao su Bình Thắng tức một căn cứ hậu cần của quân đội Nhựt lúc đó, trong địa phận tỉnh Thủ Dầu Một (tức Bình Dương sau này), để đào một hầm võ khí tại đây.

Lúc đó vào khoảng tháng 10-1945, quân Pháp đã chiếm thủ đô Saigon, các bộ đội kháng chiến bỏ thành ra các vùng ngoại ô. Bộ Tư lịnh quân đội Nhựt phải khai nạp võ khí với Bộ Tư lịnh của tướng Gracey thay mặt quân đội Hoàng gia Anh Quốc đến miền Nam Việt Nam thi hành ủy nhiệm của đồng minh để giải giới quân đội Nhựt.

Ngoài những võ khí đã chánh thức khai nạp căn cứ theo sổ sách chánh thức, còn có những võ khí “ngoài sổ sách” được sử dụng tùy theo quyết định của viên Tư lịnh. Có người khai nạp luôn cho quân đội Anh, nhưng cũng có người đem chôn hay dấu với mục đích riêng. Đây là những cấp sĩ quan Nhựt có liên hệ với cá nhân hoặc tổ chức đấu tranh Việt Nam, đã nhận được những lời yêu cầu giúp đỡ võ khí. Cho nên họ đã cất giấu số võ khí “ngoài sổ sách” rồi sau đó tìm cách trao lại cho thân hữu Việt Nam của họ, như trường hợp trung úy Watanabe Hitomi đã trao hầm súng tại Bình Thắng cho bộ đội An Điền.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn