Huỳnh Giáo Chủ là tác giả của một khối lượng kinh giảng cộng chung khoảng 150.000 chữ, bằng văn vần và văn xuôi, nhưng đại đa số là văn vần, dưới hình thứ các loại thơ thất ngôn bát cú, trường thiên thất ngôn, ngũ ngôn, song thất lục bát và lục bát. Những tín đồ có cơ hội sống bên Huỳnh Giáo Chủ cho biết rằng Giáo Chủ thường viết một mạch cho xong bài giảng mà không cần giấy nháp, và rất ít gạch xóa sửa chữa. Họ nghĩ rằng Giáo Chủ viết một cách tự nhiên, luồng tư tưởng tự nhiên chảy ra ngòi bút, không thấy ông có veœ suy nghĩ, nghiệm ngẫm nhiều trong khi sáng tác.
Đặc điểm văn thơ của Huỳnh Giáo Chủ là tuy ý nghĩa rất hàm súc nhưng ngôn từ lại rất giản dị. Nhờ đó mà giới bình dân hiểu được dễ dàng, và nhớ được rõ ràng. Có nhiều người dân quê học thuộc lòng những tác phẩm văn vần dài hàng mấy trăm câu, và có thể ngồi đọc lại đầy đủ từ câu từ chữ.
Sự phổ biến các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ không phải do chính ông làm, mà do các tín đồ tự động làm. Vào những năm cuối thập niên 30, vấn đề ấn loát không những giới hạn về phương tiện, mà còn bị giới hạn bởi luật pháp. Không thể xin được giấy phép nhà cầm quyền Pháp để in và xuất bản các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ. Cho nên mỗi lần Huỳnh Giáo Chủ viết xong một tác phẩm, thì ngay tại nhà ông, một số tín đồ được đọc và học thuộc lòng qua giọng diễn ngâm đặc biệt như một loại nói thơ, nhưng ít bổng trầm ngâm nga hơn. Chỉ trong vài ngày là các tín đồ truyền khẩu cho nhau, và nhiều người đã có thể chép lại hay đọc cho người biết chữ chép lại trên giấy.
Khi tác phẩm đã chép trên mặt giấy, là bắt đầu một tiến trình phổ biến vào quần chúng rất mau lẹ và cũng rất giản dị. Một tín đồ nào đó được lựa chọn trên tiêu chuẩn “viết chữ tốt” để làm công tác sao chép. Người được lựa chọn cho đó là một vinh dự. Anh tình nguyện chép ra 100 hay 500 bản. Anh mua tập giấy học trò và cứ thế anh chép lại từng chữ, từng dòng, từng trang, cho đủ số bản sao mà anh đã tình nguyện. Với 100 bản sao đã hoàn tất, sẽ có 100 người tình nguyện khác hoan hỉ nhận công tác chép lại, cũng bằng tay, mỗi người 100 bản, do đó chẳng bao lâu đã có 10.000 bản sao sẵn sàng để chuyền tay nhau đi về các ấp, các làng, ở các tỉnh xa xôi.
Trong dịp phỏng vấn, một sĩ quan cấp tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nguyên gốc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tường thuật về công tác chép giảng mà chính ông đã tham gia vào những năm đầu thập niên 40:
‘’... Tôi có may mắn là được đến học trường tỉnh Long Xuyên, và có hoa tay viết chữ nét rất đẹp, cho nên vào lúc nghỉ hè, tôi đã tình nguyện làm công việc chép giảng của Đức Thầy. Ông thân tôi theo đạo, lúc tôi còn treœ, và cũng được hướng dẫn quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Tôi bỏ hết các chương trình giải trí hay đi thăm bạn bè trong dịp nghỉ hè, để dùng hết ngày giờ vào việc sao chép Kinh giảng. Cũng nhờ thế mà tôi thuộc lòng rất nhiều bài, đến bây giờ chưa quên. Sức tôi chép không kịp để thỏa mãn nhu cầu trong làng, cứ vừa xong đã có người đến “xin thỉnh”. Tôi vừa hãnh diện về việc làm của mình, và được các vị lớn tuổi khen ngợi rất nhiều.’’
Còn một số hình thức khác để phổ biến kinh giảng của Huỳnh Giáo Chủ. Đó là lối “thi đua đọc sấm giảng”. Tham dự viên phần nhiều là giới học sinh và giới treœ, vì người lớn tuổi không thể có trí nhớ minh mẫn bằng lớp treœ. Họ họp thành từng nhóm 5 hay 10 người. Một người làm trưởng nhóm, đọc lên một cặp lục bát (nếu là bài thể lục bát) hay bốn câu song thất lục bát hoặc trường thiên tứ cú. Những tham dự viên lần lượt từng người phải nói ngay cho biết những câu ấy thuộc bài nào, rồi phải đọc tiếp theo từ những câu này về sau. Ai đọc thuộc được nhiều, không vấp không lỗi, là người đó được ưu điểm. Muốn tham gia chương trình này, tham dự viên phải học thuộc lòng nhiều bài sấm giảng, mới có thể biết ngay được đó là bài tiêu đề gì và sau đó mới có thể đọc được nhiều câu kế tiếp.
Hai hình thức phổ biến sấm giảng kể trên, sẽ rất khó thực hiện, nếu là những bài văn xuôi. Vì văn xuôi khó học thuộc lòng. Trái lại văn có vần, như các loại thơ lục bát, tứ cú, song thất, đều có tiết điệu êm tai để dễ ghi vào trí nhớ và dễ đọc lại. Cho nên phải nhận rằng thể văn vần đã giúp cho việc phổ biến kinh giảng Phật Giáo Hòa Hảo được dễ dàng và sâu rộng, nhứt là đối với quần chúng chất phác ở nông thôn. Phải chăng Huỳnh Giáo Chủ đã sáng suốt nhận thức điều này khi ông sử dụng văn vần để truyền bá tư tưởng và truyền đạo.
Chỉ về sau này, khi bác sĩ Trần Văn Tâm, người y sĩ điều trị “ông đạo khùng Hòa Hảo” tại nhà thương tâm trí Chợ Quán (Sàigòn), đã quy y làm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, (1941), ấn bản đầu tiên của Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo mới được giấy phép ấn loát và phát hành. Đó là nhờ bà Trần Văn Tâm có quốc tịch Pháp, nhơn danh một công dân Pháp, đứng đơn xin nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép xuất bản, sau khi đã “nạp bản” vào sở kiểm duyệt của Soái phủ Nam kỳ. Đó là ấn bản đầu tiên được in theo kỹ thuật sáng chế bởi Guttenberg.
Về sau, cho tới 1975, các giới chức Phật Giáo Hòa Hảo cho biết rằng các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ đã được in ra khoảng 800.000 quyển (năm 1965) và trên một triệu quyển cho tới 1975.
Sáu tác phẩm sau đây được xem là phần chính yếu căn bản về giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo.
Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm. Tức Quyển nhứt, 912 câu văn vần thể lục bát, viết năm 1939, tại làng Hòa Hảo.
Kệ Dân Của Người Khùng, tức Quyển nhì, 846 câu, văn vần thể thất ngôn trường thiên, viết năm 1939, tại làng Hòa Hảo.
Sám Giảng, tức Quyển ba, 612 câu, văn vần thể lục bát, viết năm 1939, tại làng Hòa Hảo.
Giác Mê Tâm Kệ, tức Quyển tư, 846 câu, văn vần thể thất ngôn trường thiên, viết năm 1939 tại làng Hòa Hảo.
Khuyến Thiện, tức Quyển năm, 756 câu, văn vần, đoạn đầu và đoạn chót thể văn lục bát, đoạn giữa thể thất ngôn, viết năm 1942, tại Bạc Liêu.
Cách Tu Hiền và Sự Ăn ở của Một Người Bổn Đạo, tức Quyển sáu, thể văn xuôi, viết năm 1945 tại Sàigòn.
Ngoài sáu tác phẩm nói trên, còn khoảng trên 200 bài thi và một số tác phẩm văn xuôi mà Huỳnh Giáo Chủ đã viết từ 1939 đến 1947.
Nói chung tất cả tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ được nhận xét như sau:
Thể văn xuôi: Tám mươi phần trăm văn vần, hai mươi phần trăm văn xuôi.
Bài dài nhứt: Là tác phẩm đầu tiên “Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm”, với 912 câu. Bài ngắn nhứt chỉ có bốn câu, như “Vịnh Ông Địa Bằng Sành” viết năm 1940 và “Ném Cấp Bằng” viết năm 1941...
Chủ điểm: Có thể phân làm hai thời kỳ sáng tác với hai chủ điểm khác nhau. Thời kỳ thứ nhứt từ khi khai đạo đến khi thoát khỏi tay người Pháp tại Bạc Liêu (1939-1942) chủ điểm các tác phẩm nặng nề về phần thuyết giáo khuyến tu, nhẹ về phần đấu tranh cách mạng. Thời kỳ thứ hai từ 1943 về sau (1943-1947) chủ điểm hướng mạnh về đấu tranh cách mạng.
Một số tác phẩm hay ngôn từ viết trong thời kỳ thứ nhứt khi đề cập tinh thần dân tộc, nguồn gốc nòi giống, khuynh hướng chống Pháp, chủ trương cách mạng, đều được diễn tả một cách kín đáo, nửa thực nửa hư, hoặc lập luận tổng quát, gián tiếp, chớ không đặt thẳng vấn đề. Bởi vì suốt trong thời kỳ này, thực dân Pháp cho mật thám bủa vây, theo dõi rất gắt gao. Tuy nhiên, cường độ của chủ điểm cách mạng đấu tranh trong sáng tác, cũng tăng dần theo thời gian, nhứt là khi Huỳnh Giáo Chủ tự xưng mình là Khùng Điên để viết một số tác phẩm mang chủ điểm chống Pháp, như bài Diệu Pháp Quang Minh (Sấm Giảng Thi Văn Toàn bộ — S.G.T.V.T.B. — tr.288) viết năm 1940, bài Ném Cấp Bằng (S.G.T.V.T.B., tr.372) viết năm 1941.
Bước vào thời kỳ thứ hai, các tác phẩm, về số lượng cũng như về nội dung, bộc lộ minh thị chủ điểm đấu tranh cách mạng, nhứt là tinh thần chống đối thực dân Pháp. Bài đầu tiên viết với cường độ mạnh của thời kỳ này là bài “Gọi Đoàn” (S.G.T.V.T.B., tr.417) lời và ý văn rõ ràng là một bài hiệu triệu quần chúng đứng lên chống thực dân Pháp để đòi lại chủ quyền quốc gia Việt Nam. Sau đó, hầu hết các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ đều có chủ điểm đấu tranh, mang chủ trương cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội.
Sự phân tích sơ lược trên đây về chủ điểm các tác phẩm, cho thấy rằng thời kỳ thứ nhứt (1939-1942) là giai đoạn truyền đạo khuyến tu và thời kỳ thứ hai (1943-1947) là giai đoạn ý thức đấu tranh cách mạng. Đây chỉ là một sự phân định theo thời gian để việc biên khảo được dễ dàng sáng sủa và người đọc dễ dàng nhận xét. Trái lại, sự nhận xét tổng quan về toàn bộ giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo cho thấy rằng ý thức cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội thực sự đã tiềm ẩn ngay trong cả sáu tác phẩm chính yếu, căn bản mà Huỳnh Giáo Chủ đã viết ra và truyền bá trong thời kỳ thứ nhứt. Toàn bộ cơ sở tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo là một dòng liên tục bất khả phân, giống như hai mặt của một bàn tay, một mặt Đạo, một mặt Đời, không thể tách rời nhau. Chủ điểm của hai thời kỳ có khác nhau là để thích nghi với hoàn cảnh của mỗi giai đoạn, còn bản chất tư tưởng của Huỳnh Giáo Chủ chỉ có một, đó là tư tưởng cách mạng thể hiện trong ba phạm trù:
v Cách mạng tôn giáo (trên bình diện thực hành),
v Cách mạng dân tộc,
v Cách mạng xã hội.
Tuy nhiên về mặt trình tự quan trọng, các giới nghiên cứu về Phật Giáo Hòa Hảo đã đưa ra một nhận xét rằng Phật Giáo Hòa Hảo căn bản là một tôn giáo, Huỳnh Giáo Chủ đem Đạo dạy Đời, hướng dẫn con người trong các sinh hoạt đời tại thế gian, trong đó cách mạng là một nhiệm vụ thế gian, mà con người tôn giáo phải gánh vác như một hành động “lập công bồi đức” với một thái độ hành giáo, để tiến đến cứu cánh của Đạo là giải thoát. Do đó, Huỳnh Giáo Chủ, trong công việc sáng tác, đặt chủ điểm “truyền đạo khuyến tu” trước hết, để tạo căn bản tư tưởng “Đạo” cho con người, rồi sau đó mới đưa con người hiểu đạo đó vào đấu tranh cách mạng.
Nội dung: Qua năm tác phẩm đầu kể trên, Huỳnh Giáo Chủ luôn luôn nói đến những lầm than, khốn khổ, tai nạn, chiến tranh, mà loài người đã trải qua, và sẽ còn phải chịu đựng nặng nề hơn nữa khi cuộc đổi đời xảy ra vào thời điểm cuối cùng của thời kỳ Mạt Hạ Ngươn hiện nay. Đó là những lời cảnh cáo con người, rằng keœ nào muốn thoát được các đại nạn khủng khiếp kia, hãy gấp rút tu tỉnh để có được các điều kiện tham dự hội Long Hoa chọn người hiền đức sống sót trong chu kỳ Tam Ngươn mới.
Sau những lời cảnh cáo này, Huỳnh Giáo Chủ vạch ra cho chúng sanh biết phương pháp và đường hướng của sự tu tỉnh.
điểm của Quyển nhứt (Sám Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm) là phần Huỳnh Giáo Chủ miêu tả những cảnh đời khác nhau tại các vùng mà Giáo Chủ đi qua “dạo lục châu”. Người đọc như nhìn thấy trước mắt những hoạt cảnh quen thuộc, với những lời đối đáp bằng ngôn ngữ thường dùng trong vùng nông thôn miền Nam. Giáo Chủ thuật lại phản ứng của từng loại người khác nhau trong hoạt cảnh xã hội: lão đưa đò, ông thầy bói, người bán thuốc sơn đông, ông đồ nho, người bán cá, keœ tàn tật, cô gái bán cau tươi, lớp thanh niên thích gây lộn bằng tiếng Tây, keœ tù tội, người ăn xin, bà hàng mắm và bạn hàng chê khen, keœ điên khùng giữa chợ, cô bán chè dạo, ông thầy pháp tự xưng Quan Vân Trường, người đui cùi, ông thợ hàn nồi, keœ bị mất trộm, thanh niên chọc ghẹo gái tơ giành “mèo” với nhau, thầy nhổ răng dạo, cô gái huê tình, gánh xiệc hát thuật dạo, người làm ruộng lam lũ, vợ chồng gây lộn với nhau... Chỉ với một số trang giới hạn, mà miêu tả bao nhiêu hoạt cảnh khác nhau trong xã hội, mỗi nhân vật, cảnh trí đều có đặc điểm riêng, có phản ứng đặc thù của mình, và thêm vào đó là nhận xét phân tích của chính tác giả. Đây là một bức tranh xã hội vẽ bởi một nhà truyền đạo, nhìn qua lăng kính Phật giáo và luân lý Nho giáo.
Đặc điểm của Quyển nhì (Kệ Dân của Người Khùng) là đề cập các loại mê tín dị đoan, những lối tu hình thức bề ngoài, những hình tướng được bày đặt ra làm cho đạo Phật xa rời chánh pháp chơn truyền. Huỳnh Giáo Chủ không ngại ngùng nói sự thật của tình huống đạo Phật suy vi để cảnh tỉnh con người hãy cố thoát ra mà quy nguyên chánh đạo.
Đặc điểm của Quyển ba (Sám Giảng) là phần nói phong hóa nước nhà trong giai đoạn giao tiếp với văn minh Tây phương, Huỳnh Giáo Chủ một mặt chỉ trích khuynh hướng hưởng thụ vật chất quá độ, sống xa hoa đàng điếm, làm tăng gia dục vọng đưa đến trụy lạc con người và băng hoại xã hội, một mặt đả phá các hủ tục tập quán. Giáo Chủ mạnh bạo đề xướng một cuộc chấn chỉnh phong hóa, loại bỏ những điều xấu và không còn thích nghi hoàn cảnh, đồng thời bảo tồn phát huy các thuần phong mỹ tục, để không xa rời nguồn gốc dân tộc và truyền thống văn hóa Việt Nam. Đây là một phần dạy con người “tu nhơn”.
Đặc điểm Quyển tư (Giác Mê Tâm Kệ) là bài học nhập môn của giáo lý Phật đạo với những luận đề căn bản: Tứ Diệu Đế, Tam Nghiệp, Bát Chánh, Ngũ Uẩn, Bát Nhẫn, Lục Căn Lục Trần...
Đặc điểm Quyển năm (Khuyến Thiện) là phần lịch sử Đức Thích Ca và luận giải giáo lý Thích Ca để đưa ra pháp môn Tịnh Độ cho thích hợp trình độ sơ thiển của giới bình dân trong xã hội để họ có thể thực hành được.
Đặc điểm Quyển sáu (Cách Tu Hiền...) toàn bộ văn xuôi, khác với năm quyển trên toàn bộ văn vần, là để minh giải những điểm căn bản trong đạo Phật mà Huỳnh Giáo Chủ đã lựa chọn như bài học tối thiểu và căn bản cho người tu hành. Đây là những bài học đạo để áp dụng trực tiếp vào thực tế cuộc sống của mỗi người, lại thêm phần nghi thức thờ phượng, cúng lạy, hôn nhân, tang lễ, và thái độ thích nghi của người tín đồ trong xã hội. Đặc biệt trong phần này, thuyết Tứ Ân được minh giải rất rõ ràng để hướng dẫn con người trong xã hội phải lo đền đáp bốn điều ân lớn: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, và Ân đồng bào nhơn loại.
Ngoài sáu quyển nói trên đây, trên 200 bài thi Huỳnh Giáo Chủ viết ra hoặc để họa đáp, trả lời, dặn dò, khích lệ những cá nhân thuộc các thành phần xã hội khác nhau, để hướng dẫn mọi người quy nguyên về chánh đạo, hành động như những người tốt và hữu dụng trong xã hội.
Trong phần văn thơ tranh đấu, có những bài hiệu triệu tuyên cáo, chương trình hành động, phỏng vấn bởi báo chí, mà Huỳnh Giáo Chủ viết trong giai đoạn chuẩn bị đấu tranh và tham gia cách mạng, để biểu lộ quan điểm và tư tưởng của mình đối với các vấn đề căn bản như cứu nước dựng nước, cũng như đối với các biến cố thời cuộc xảy ra. Có những bài thi trào phúng hàm súc, có những bài thi tứ rào rạt, có những bài hùng tráng lâm ly, nhưng tất cả đều mang thần cách của một vị Giáo Chủ và tư cách của một nhà cách mạng.
Một đặc điểm quan trọng khác là lối văn “hư hư thực thực” trong một số tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ, nói về những điều “tiên tri”. Danh từ Sấm Giảng là danh từ kép gồm phần Sấm và phần Giảng. Sấm là nói về những điều tiên tri như “Sấm Trạng Trình” còn phần Giảng minh thị giảng giải giáo lý hay những điều có thể giải nghĩa rõ ràng.
Trong lịch sử Việt Nam, lối văn hư hư thực thực thường thấy ở các truyện truyền kỳ, các lời sấm ký, các cổ tích, vì tính chất ngụ ngôn hay tượng trưng của các loại này phần nhiều “ám chỉ” chớ không nói rõ nghĩa. Thiền sư Vạn Hạnh triều Lý, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đời nhà Mạc, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đời nhà Lê đã có những tác phẩm với lối văn hư hư thực thực này.
Trong truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, lối văn hư thực này đã được tìm thấy qua các sấm giảng của Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, ông Sư Vãi Bán Khoai và các đại đệ tử của Phật Thầy, đặc biệt là bộ Kim Cổ Kỳ Quan của ông Nguyễn Văn Thới.
Lối văn sấm ký nói những điều sẽ xảy ra trong tương lai, cho nên mập mờ bí ẩn, người đọc phải vận dụng sự suy đoán và kiến thức của mình về lịch sử, văn học mới có thể khám phá được ý nghĩa tàng ẩn trong những câu văn hư hư thực thực.
Ngoài ra, sự sử dụng lối văn hư hư thực thực còn có lý do là “sự khó khăn của hoàn cảnh, không thể nói thẳng sự thật ra được”. Thiền sư Vạn Hạnh không thể bất chấp phản ứng tàn bạo của hôn quân Lê Long Đĩnh; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống thời nhiễu nhương Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, khó nói thẳng sự thật, La Sơn Phu Tử cũng thế, sống giữa nghịch cảnh giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, mà vẫn được cả vua Quang Trung lẫn vua Gia Long tôn sùng như bậc thầy, Phật Thầy Tây an vào tù ra khám với cái án “Gian đạo sĩ” trên lưng, thật khó mà nói thẳng sự thật nếu muốn sứ mạng của mình không gẫy đổ giữa đường...
Huỳnh Giáo Chủ khai đạo và truyền đạo trong bối cảnh một nước Việt Nam bị ngoại bang thống trị, quyền lực thực dân bao trùm mọi địa hạt, mà Giáo Chủ lại chủ trương lật đổ hệ thống quyền lực đó, thì tất nhiên có những điều phải nói hư hư thực thực để tránh sự rình rập của hệ thống mật thám và sự khủng bố tàn bạo của bộ máy cai trị thuộc địa, mà tiếp tục sứ mạng truyền đạo, cứu nước.
Lối văn hư hư thực thực trong các tác phẩm của Huỳnh Giáo Chủ là một điểm mà các sử gia, các nhà văn học không thể tách rời nếu muốn nhận xét đúng về tổ chức và tư tưởng Phật Giáo Hòa Hảo.
Một số các nhà văn học hay những độc giả có sẵn định kiến về lượng giá văn chương trên các tiêu chuẩn thông dụng, nên đã phê bình rằng “Huỳnh Giáo Chủ lập luận lỏng leœo, quá nhiều trùng điệp, diễn tả mập mờ, văn thể bình dân không có chất văn chương hàm xúc, không có lối viết hợp lý theo quy luật, văn phạm...”
Tác giả Nguyễn Văn Hầu, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, giảng về khoa viết văn tại Đại học, có quan điểm như sau đối với lập luận trên đây:
‘’Chúng ta có thể quả quyết rằng sự thực hư và lối văn vè trong Thi Văn Sấm Giảng của Đức Giáo Chủ là một chủ trương của Ngài, một phương thức mà Ngài có mục đích làm cho ngoại nhân không thể dò tìm, xét đoán được, còn người tâm đạo thì sẽ hết lòng chú ý, theo đuổi mà nghĩ nghiệm ra.
Đến đây chúng ta có thể xác định được rằng sự thực hư, sự không cần niêm luật, sự chẳng nói cao xa, trong thơ văn của Đức Giáo Chủ, là một dụng ý rõ rệt của Ngài với mục đích làm cho thực dân cũng như bất cứ ai là keœ đối nghịch tư tưởng, sẽ xem Ngài là hạng tầm thường, không có khả năng gì để tiến vững và tiến xa, để cho Ngài và bổn đạo không mắc vào những trở ngại lớn, đồng thời, Ngài cũng dụng tâm gây sự chú ý cho những ai quyết lòng suy nghĩ về Đạo của Ngài.
Riêng về lối viết bình dân giản dị, đôi câu mang tính chất văn vè, không cần lựa chữ, cũng là một chủ tâm khác nữa của Ngài chứ không phải vô tình. Chúng ta có thể thấy rõ được chủ tâm đó như sau:
— Phải có lời bình dân giản dị mới làm rung động được những tâm hồn phác thực trong lành.
— Phải có tính chất văn vè mới gợi cảm được những giới mà từ khi còn ở trong nôi, đã từng biết nghe những câu hát ru em qua tiết điệu Ca dao, thơ Vân Tiên, vè Sáu Trọng.
— Phải có những tiếng nói, nói được cái nói của gã chèo đò, của cô hàng nước, của bác nông phu, mới có tác dụng kích động tâm tình hồn nhiên của những hạng người ấy một cách chân thành.’’
Gửi ý kiến của bạn