Ngay khi Nhựt đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945 chánh quyền Nhựt lên thay thế chánh quyền Pháp, các đảng phái tự do hoạt động, Đức Huỳnh Giáo Chủ, để ứng phó với tình thế mới, bèn đưa ra một tổ chức đấu tranh lấy tên là Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội.
ĐỘC LẬP VẬN ĐỘNG. – Đứng trước việc thay đổi đột ngột tình hình nước nhà, có hai việc khẩn cấp cần phải làm: một là ngăn chận mọi sự trả thù trong dân chúng ; hai là phải tổ chức hàng ngũ đấu tranh.
1. Ngăn chận các cuộc trả thù. – Trong thời kỳ Pháp thuộc, bọn thực dân thi hành một chánh sách hết sức hà khắc đối với nhân dân, nhứt là những phần tử yêu nước. Phụ họa theo bọn tham tàn cướp nước, còn có một đám tay sai, đành cam tâm làm tôi tớ cho ngoại địch vì một chút lợi danh, đem thân làm những việc bỉ ổi, sâu dân mọt nước, giết hại đồng bào. Đó là những hạng cường hào ác bá trong hương thôn và đám chó săn chìm mồi ngoài thành thị.
Ỷ lại thế lực thực dân che chở, chúng đã gây nên bao nhiêu tội lỗi trong nhân dân, kết thành thù oán, nhỏ nhặt thì là thù oán cá nhân, lớn hơn thì là thù oán giữa tộc họ làng nước.
Một khi cơ cấu đàn áp bị phá vở, đương nhiên sức đối kháng sẽ chỗi dậy. Để thỏa mãn thù oán cá nhân, nhiều cuộc giết hại, thanh toán đã xãy ra.
Để ngăn chận mọi hành động trả thù riêng, như đốt phá nhà cửa, hoặc trộm cướp, sát nhân, làm rối trật tự, có hại cho sự kiến thiết “quốc gia”, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã tha thiết kêu gọi lòng “từ bi bác ái, dĩ đức háo sanh khoan hồng đại độ” đối với hạng người lầm đường lạc lối, gây nên lắm tội tình, và đồng thời khuyên tất cả đồng bào muốn tỏ ra xứng đáng là “ Một người dân một nước tự do” thì hãy quên hết những mối thù hềm ganh ghét, đừng bày ra cái họa nồi da xáo thịt khiến cho ngoại nhân khinh bỉ một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta đã có nhiều tấm lòng nhân hậu và những trang lịch sử vẽ vang”.
Lời kêu gọi ấy đã cứu được bao nhiêu giọt máu đổ ra, chẳng những giữa đồng bào với đồng bào mà còn giữa đồng bào với ngoại chủng, chẳng phụ lời kêu gọi tha thiết đầy lòng đạo đức từ bi của Ngài : “Trước kia chúng nó hà khắc ta, chúng đã đành ; ngày nay ta hà khắc lại, sao đành. Vì lòng chúng nó đầy sự hung tàn, còn lòng ta lại đầy nhân ái”.
2. Đoàn kết và tổ chức. – Hành động thứ hai của Ngài là đồng thời với sự ngăn chận mọi cuộc trả thù còn phải thực hiện cho được sự đoàn kết giữa các giới đồng bào để tranh đấu cho sự độc lập nước nhà.
Để thực hiện cuộc đoàn kết ấy, Ngài cho ra đời một tổ chức mệnh danh là Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội, kêu gọi các từng lớp nhân dân thuộc thành phần ; trí thức Việt Nam, các bạn thanh niên, các nhà thương mãi, nông gia, thợ thuyền, các cụ đồ nho, các nhà sư hãy cùng nhau đoàn kết thành một lực lượng vận động cho cuộc độc lập quốc gia.
Trong bảng hiệu triệu, Ngài có viết :
“Gần ngót trăm năm nay đồng bào trải biết bao cay đắng, lớp kẻ thù giày đạp, lớp quan lại tham ô, vì thế nên người dân Việt Nam gánh vác biết bao nhiêu sưu thuế nặng nề. Kẻ thù đã lợi dụng chánh sách ngu dân để nhồi sọ quần chúng, gây mầm chia rẽ Bắc, Nam, Trung, phá rối sự đoàn kết, hầu mong cho cuộc đô hộ được vĩnh viễn trên giải non sông đất nước mà Tổ Tiên ta phải biết bao máu đào mới gầy dựng được.
“Vả lại từ trước cho đến nay các bực anh hùng, các nhà chiến sĩ khắp ba kỳ đã bao phen vùng vẫy chống lại quân thù mong gầy dựng lại nền Độc lập cho quê hương đất Việt”.
“Nhưng than ôi ! chỉ vì thiếu khí giới tối tân, chỉ vì sơ đường luyện tập mà giọt máu anh hùng đành hòa với bao nhiêu giọt lệ, khóc phút sa cơ, để lại cho người đồng thời và cho đoàn hậu thế muôn vàn tiếc thương ân hận”.
Rồi Ngài kêu gọi :
“Hỡi đồng bào Việt Nam !”
“Chúng ta đã bước và đang bước đến một khúc nghiêm trọng trên lịch sử. Giờ đây ta đã có thêm nhiều đặc quyền lo lắng đến cái giang san gấm vóc của Tổ Tiên ta di truyền lại.
“Vận động cuộc Độc Lập !
“Vận động cuộc Độc lập !
“Phải ! Toàn quốc phải liên hiệp vận động cho cuộc Độc lập. Đấy là cái chủ trương duy nhứt của Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội”.
Sau ngày đảo chánh 9-3-1945, mọi giới đồng bào, nhứt là các nhà trí thức đều tỏ vẻ lạc quan, tin chắc theo lời hứa hẹn của quân đội Nhựt, nước Việt Nam sẽ tuyên bố hoàn toàn độc lập, hủy bỏ tất cả hòa ước đã ký với Pháp, nhứt là có chánh phủ Trần Trọng Kim là một chánh phủ của một quốc gia độc lập thì còn gì phải vận động nữa, như Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ trương.
Trong một cuộc lễ mừng ngày độc lập, tổ chức tại vườn Ông Thượng tức vườn Tao Đàn, nhiều chánh khách lấy làm lạ sao Đức Thầy còn đưa ra lời Hiệu triệu kêu gọi đồng bào các giới tham gia Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội để cùng nhau “vận động cuộc độc lập” cho quốc gia thì Ngài có cho biết rằng : Việt Nam chúng ta chưa độc lập đâu. Cần phải tích cực vận động mới mong thực hiện được.
Lời nói của Ngài quả thật không sai. Cuộc chiến tranh dai dẳng kéo dài một phần tư thế kỷ, gieo tang tóc cho đất nước, đau khổ cho đồng bào, đủ xác nhận lời nói của Đức Huỳnh Giáo Chủ là lời tiên tri, biết trước thời cuộc.
ĐI KINH LÝ. – Sau cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945, tình hình trở nên bất ổn ở các tỉnh do sự thay đổi đột ngột chánh quyền từ tay người Pháp qua tay người Việt. Nhiều nơi dân chúng chống lại viên quan người Việt mới nhậm chức, vì lẽ quan ấy đã gây lắm tội tình trong thời kỳ Pháp thuộc. Có nơi, bộ máy an ninh sụp đổ vì các viên chức Pháp bị bắt cầm tù, nên xảy ra lắm trò cướp bóc, giết người vì thù oán cá nhân.
Nhà binh Nhựt bèn yêu cầu Đức Thầy về các tỉnh miền Tây để trấn an dân chúng cùng xếp đặt việc trị lý cho có qui mô, bởi chúng biết ảnh hưởng của Ngài ở Hậu Giang và chỉ có Ngài mới đủ uy tín dàn xếp.
Ngài nhận thấy cũng là cơ hội cho Ngài thăm anh em tín đồ nhứt là Thánh Địa Hòa Hảo, Đức Ông Đức Bà đã xa cách tính ra gần sáu năm, và cũng là dịp cho Ngài soát lại cơ cấu của nền Đạo hầu chấn chỉnh lại cho phù hạp lại với sự đổi mới của đất nước.
Ngài khởi hành hồi 2 giờ rưỡi chiều ngày mồng 9 tháng 2 năm Ất Dậu, nhằm ngày 22-3-1945. Sau đây là lộ trình của cuộc kinh lý :
Ngày 9-2 Ất Dậu rời Sàigòn, ghé Mỹ Tho, Cái Lậy, Vĩnh Long và đến Cần Thơ. Ngài ở đây ba hôm mới đi Long Xuyên.
Ngày 13-2 Ất Dậu (nhằm ngày 26-3-1945) đến Long Xuyên và nghỉ ở đây một đêm.
Sáng ngày 14-2 Ất Dậu (nhằm 27-3-1945) đi Châu Đốc và ở đây một đêm.
Sáng ngày 15-2 Ất Dậu (28-3-1945) về Hòa Hảo thăm thân sinh và ở đây một ngày.
Ngày 16-2 Ất Dậu (29-3-1945) đi Long Xuyên và ở đấy 2 ngày.
Sáng ngày 19-2 Ất Dậu (1-4-1945) đi về Sài Gòn có ghé Sa Đéc.
Sau một cuộc kinh lý Hậu Giang của Đức Thầy người Nhựt thấy uy thế của Ngài rất lớn ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Ngài đi đến đâu đều được khối tín đồ hùng hậu nghinh tiếp nhiệt liệt, nên có ý lo sợ lực lượng quần chúng Phật Giáo Hòa Hảo có thể làm trở ngại chương trình Liên – Á của quân Phiệt Nhựt ; vì vậy họ có ý muốn Đức Thầy đứng trên vị trí tôn giáo hoạt động hơn trên địa hạt chánh trị. Có lẽ vì thế mà chương trình của Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội không thực hiện.