Đtb 60 : Sân Khấu Lộng Gió

02 Tháng Năm 200312:00 SA(Xem: 15717)
Đtb 60 : Sân Khấu Lộng Gió
Cầu Mỹ Thuận đã làm xong, xe cộ qua lại tuyến đường Miền Tây không còn lo chuyện trễ đò, kẹt bắc... Nhưng đó là dân buôn bán, còn giới học sinh và thanh thiếu niên tuổi đời vừa lớn, sống ở miền sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn tâm trạng nôn nao chờ dịp mua trái cây đặc sản ở bến Bắc đem về làm quà bà con và bạn bè, không còn cảnh tíu tít nói cười kéo nhau đi ăn ốc len, ốc gạo...các tín đồ đi hành hương vùng Bảy núi không còn dịp trải lòng bố thí đến những người tàn tật đui mù đeo theo bên xe, các du khách có tâm hồn văn nghệ không còn dịp thấy cảnh lão già mù tay nắn nót lục huyền cầm, đôi mắt mất ánh sáng, đang rán hơi hát bài vọng cổ...
Tôi đã lớn ở miền nầy, đã lên Sài Gòn sống đời du học sinh, mỗi năm qua lại các bến Bắc Vàm Cống, Cao Lãnh, Mỹ Thuận mấy trăm lần... Đã sống, đã chứng kiến sanh hoạt của bến Bắc, có thể nói hơi thở, mùi vị... của chúng nó đã len vào hồn tôi tự thuở nào rồi... Tôi thương mến dòng Cửu Long, tôi mến yêu bến Bắc, tôi đã viết về dòng sông thân yêu đang bị nạn chận nước, xẻ dòng trên đầu nguồn, và hôm nay thương mến bến Bắc sắp bị lùi vào lãng quên, hết bến Bắc Mỹ Thuận sẽ đến bắc Cần Thơ rồi... bắc Cao Lãnh! Tôi xin viết lại vài câu chuyện liên quan đến chúng nó, những kỷ niệm mà không ai nhắc sẽ bị thời gian chôn mất, để tặng các bạn cùng tâm trạng như tôi.
Phạm Thăng
(mùa đông ở Calgary)

Nghe tiếng động cơ đến gần sau lưng, ông Năm bước sát vô lề. Chiếc xe lam ba bánh chạy chậm lại, anh lái xe ló đầu kêu :
- Lên xe đi cho mau ông Năm ơi. Sao hôm nay hổng chờ tui?
Ông Năm đưa tay ra dấu chào, trả lời:
- Cám ơn chú Hai. Hôm nay tôi muốn đi bộ để thở không khí mát mẻ buổi sáng. Cũng gần tới cầu Bắc rồi. Ngày mai tôi chờ xe chú.
Chiếc xe lam từ từ lướt qua để lại một đám khói xám khét lẹt mùi xăng pha dầu. Ông Năm mỉm cười bước ra khỏi lề, tay giơ cao sợ cần câu đang cầm trên tay vướng vào tàu lá chuối còn ướt sương đêm. Mùi khói xe bay tản mạn đã hết, để lại không khí thật trong lành quyện mùi rơm rạ với mùi thơm bông cau, bông bưởi của các vườn cây dọc theo hai bên đường làm ông Năm khoan khoái hít luôn mấy hơi dài. Chỉ còn độ bốn trăm thước là đến bắc Vàm Cống. Ông Năm nghĩ thầm: khoảng đường nầy còn im lìm như chưa tỉnh giấc mặc dầu giờ nầy đã hơn sáu giờ sáng... nhưng mình qua cái cua quẹo trước mặt là thấy ì xèo rồi đây!
Ông Năm quen thuộc đoạn đường nầy lắm mặc dầu ông mới về tạm ở chơi với gia đình bà chị hơn một tháng nay. Ông ngán không khí ngột ngạt đầy âm thanh ồn ào của thủ đô Sài Gòn nên về đây để hưởng lại không khí êm ả của đồng quê mà suốt thời thơ ấu ông đã sống. Mùa nầy là mùa xoài của tháng hai nhiều nắng, ông đã sống lại thời trẻ thơ của ông khi đứng dựa gốc xoài để chờ xoài chín cây rụng xuống mỗi lúc giông mưa, ông đã theo đám cháu đi tát đìa bắt cá, đã ăn cá lóc nướng trui giữa đồng trong đêm khuya... Ông không bỏ qua thứ thú vui mộc mạc nào của đồng quê nhưng sau đó ông Năm mê nhứt là đi câu cá ngoài cầu bắc Vàm Cống.
Không phải ông thèm những con cá vồ, cá leo thân trắng bóng láng có cái lườn nhiều mỡ béo ngậy hay con cá cóc đuôi vàng, cá he đuôi đỏ, vảy bạc lấp lánh dưới ánh mặt trời khi ông dơ cao cần câu để hả hê nhìn thành quả của mình, vì ông và gia đình người chị đâu ăn cá bao nhiêu, nhưng cái thú câu cá đã hấp dẫn ông hơn tuần nay. Ông mê dòng sông Tiền giang khi chảy ngang Cao Lãnh lớn rộng hơn nơi khác mà hồi nhỏ ông thấy nó mênh mông không thấy bờ. Ông mê những dề lục bình màu xanh cẩm thạch, có dề lại điểm thêm vài chùm hoa tím nhạt trôi lang thang trên mặt sông. Ông thích mùi gió sông lồng lộng của buổi bình minh nơi đây. Gió sông trong lành không pha chút mùi ô nhiễm nào. Bắc Vàm Cống cũng nằm trên trục lộ giao thông nối liền miền Tây với thủ đô Sài Gòn nhưng vì con đường Kiến Văn lúc nầy còn nhiều đoạn quá xấu, xe chở hành khách thích sử dụng đường Mỹ Thuận hơn nên giới buôn bán dọc theo cầu bắc còn lèo tèo, xe chở khách hoặc xe hơi nhà quá ít nên mỗi chuyến bắc cách nhau gần hai tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian nầy quang cảnh không nhộn nhịp, người lên kẻ xuống không đông đảo nên vắng tiếng rao hàng chào mời. Nhứt là vào giờ sáng sớm nầy, ông Năm mê cảnh buổi sáng khi mặt trời sắp lố dạng nơi phía xa tạo cho chân trời cả một màu hồng cam rực rỡ, ánh hồng soi xuống mặt sông mênh mông. Vào lúc bình minh êm ả ít ghe tàu xuôi ngược mới thấy dòng Cửu Long đã to rộng càng mênh mông thêm. Vì vậy được ngồi trên chiếc cầu bắc nằm de ra khỏi bờ sông, tay cầm cần câu nhưng tâm trí ông Năm đã sống với thiên nhiên cho thỏa nên nhiều lúc cá cắn câu ông cũng không biết, ông đâu phải vì ham được cá! Nghĩ đến đây ông Năm chợt nhớ đến cụ già ngồi câu cá tại bến bắc như ông vì ngày nào ra đến đây đã thấy có cụ già ngồi đó rồi. Ngày đầu ông Năm cúi chào để làm quen nhưng cụ già chỉ chào lại rồi lơ đãng nhìn mặt sông và dòng người xuôi ngược trên bến đò. Suốt buổi sáng, dầu ngồi đó nhưng cụ già không có dịp cho ông Năm bắt chuyện. Xế trưa khi mặt trời lên quá đỉnh đầu, cụ già xếp cần, xách giỏ ra về, gương mặt bình thản không buồn vui vì có hay không con cá nào trong giỏ. Hôm sau cũng vậy, ông cụ chỉ gật đầu chào ông Năm rồi ngồi vào chỗ quen thuộc, cạnh hai trụ sắt phía trong để trìu mến nhìn quang cảnh bến bắc. Mỗi khi có chuyến bắc sắp khởi hành hay rời bến, hành khách phải xuống xe đi theo, quang cảnh lúc đó nhộn nhịp với âm thanh chào hàng của các em bé bán bánh, trái cây, tiếng kêu réo trẻ nhỏ... cụ già nhìn chăm chú hai luồng người xuôi ngược đó như tìm người quen để khi những tà áo dài màu sắc của các cô gái thành thị chen lẫn với những áo quần mộc mạc của nông dân đã xuống hết chiếc bắc hoặc lên hết trên bến xa, cụ mới quay lại với cần câu để lại hân hoan nhìn dòng người xuôi ngược của chuyến đò sau.
Suốt mấy ngày đều như vậy. Cụ già trìu mến nhìn kẻ lên người xuống. Ông Năm tự nhủ: Chắc ông cụ chờ người quen... ủa, chờ người quen sao không ngồi trong quán nước cho khỏi nắng lại ngồi đây cầm cần câu... xa lắc xa lơ?
Nhắc đến cá, ông Năm lại thắc mắc vì mấy ngày qua ông thấy cụ già khi được cá nhỏ đều thả trở lại, ông ngạc nhiên nghĩ: tại sao cụ già là dân quê đi câu cá cho gia đình lại không bắt cá lớn, cá nhỏ như mấy người khác, chỉ chọn vài con lớn thôi? Thắc mắc đó được ông tìm hiểu ngày hôm qua khi buổi trưa ra về, ông hỏi anh xe lam quen, anh nói:
- À, ông Hai câu cá đó hả? Ông cụ không còn vợ con, ở đây với vợ chồng đứa cháu. Nghe đâu ổng đủ ăn đủ mặc, đâu cần gì cá tôm nhưng ổng ngày nào cũng ra cầu bắc ngồi đó... Mà ổng ngồi câu có một chỗ cầu bắc cả hai ba năm rồi đó nghen. Có nhiều lần ổng cho tui cá nữa, nhưng thường thường ổng đem cá cho má con thằng Mót ăn xin tại cầu bắc.
Ông Năm nghe vậy, chịu cụ già lắm, ông quyết tìm cách làm quen.
Chiếc bắc Cao Lãnh còn nằm tại bến. Cầu sắt lên xuống nối liền bờ và mặt bằng của cầu bắc nổi trên mặt nước giờ nầy lác đác vài người dân có ghe nhỏ hoặc đò chèo đậu tạm lên xuống. Hơi sương trên mặt sông mờ ảo, hàng cây bên kia bờ sông ẩn hiện như bức tranh thủy mạc. Cụ già đã ngồi nơi chỗ quen thuộc rồi. Ông Năm xách cần câu đến ngồi bên cạnh, chào:
- Chào bác, bác ra sớm quá, không lạnh sao bác?
- Chào ông bạn, như mọi hôm thôi, trời mát không lạnh lắm.
- Bác có con nào chưa?
Ông cụ cười hề hề nói:
- Tôi vừa thả cần thì có cá ăn liền, chắc suốt đêm nó đói bụng nên kiếm ăn sớm... mà cá nhỏ nên tui thả lại rồi.
Như đúng vào chuyện muốn hỏi, ông Năm cười nói:
- Bác đi câu mà không phải cá nào cũng lấy, bác câu cá mà có tâm hồn nghệ sĩ vị tha.
Cụ già trố mắt nhìn, hỏi lại:
- Ủa sao ông bạn biết tôi là nghệ sĩ?
Không chờ trả lời, cụ già bỗng thẫn thờ nói giọng trầm trầm:
- Đúng y vậy. Tôi ngồi câu tại đây không phải tìm cách bắt cá cho nhiều vì nhà tôi ít người, nếu hôm nào có cá tôi đều cho má con thằng Mót hết. Tội nghiệp mẹ con nó đi xin ăn khi được tôi cho cá, mừng lắm.
- Tôi sẽ bắt chước bác, có cá nhỏ sẽ thả lại vì tôi thích ra đây để nhìn sông Cửu Long và khí trời nơi đây trong lành quá phải không bác.
Cụ già gật gù như đồng ý. Cụ quay nhìn lên bờ nơi đang có một số khách đứng chờ. Ông nói nhẹ giọng như đang trở về dĩ vãng:
- Phải, ở đây không khí trong lành hơn các bến bắc khác... Tôi không cần có cá, tôi chỉ muốn sống lại quang cảnh nơi đây... nơi tôi đã sống một quãng đời. Tôi thích nhìn kẻ lên người xuống mà hổng lẻ ngồi chờ và nhìn... vậy thì cầm cần câu để tiêu khiển luôn.
Ông Năm không ngờ vừa nhắc đến tâm hồn nghệ sĩ thì được cụ già chịu gợi chuyện mà dường như cụ muốn nhắc về dĩ vãng nên gợi thêm:
- Đúng y như tôi đoán, ngày xưa bác là nghệ sĩ?
- Phải. Tôi không dám nhận là một nghệ sĩ nhưng suốt đời tôi sống bằng nghề hát bội. Tôi là một kép hát bội và sau đó trở thành ông Nhưng. Chắc ông bạn biết ông Nhưng, người chỉ dẫn dạy dỗ đào kép của đoàn hát mà ngày nay người ta gọi là thầy tuồng hay đạo diễn gì gì đó.
Cụ già ngừng nói, lấy thuốc lá ra vấn một điếu lớn, hít vào hơi dài, phà khói cho bay vào gió. Cụ nhìn mấy dề lục bình giang hồ trôi trên mặt sông. Phía xa vài chiếc ghe buồm bọc gió. Nắng vàng của buổi bình minh loang loáng mặt sông.
Ông Năm cảm thấy cụ già như muốn kể nỗi lòng cho người hiểu cụ nên ngồi xích lại gần để nghe cụ tâm sự:
- Khi còn trai trẻ, tôi say mê điệu múa, giọng hát của đào kép nên bỏ nhà theo một gánh hát bội. Từ lúc xin vô làm quân lính tiểu tốt chỉ có chạy cờ hiệu hoặc la hét trợ chiến cho hai tướng đánh nhau ngoài sân khấu cho đến khi tôi thành một kép hát có hạng, tôi phải trải qua bốn năm theo gánh hát, phải dang nắng dầm mưa theo ghe, phải đêm đêm ngồi sau tấm màn để học hỏi cái hay, cái giỏi của đàn anh, học những điệu múa, điệu tấn, cái phùng mang trợn mắt, nhai râu... cực khổ lắm... Nhưng nghề nghệ sĩ giang hồ không giàu bao giờ, nhứt là giới hát bội. Tôi là kép chánh nhưng gánh hát nhỏ quá, không dám đi hát xa, năm tôi 35 tuổi có vợ và đứa con trai nhỏ, tôi gia nhập gánh hát bội ở Sa Đéc. Đó là gánh hát của mấy vị túc nho, người cầm đầu là cụ Giáo Hành nên gọi là Gánh Bầu Hành. Gánh Bầu Hành hát đúng truyền thống nên được mời hát tại nhiều đình miễu quen thuộc. Sau mấy tháng có lễ Kỳ yên, đoàn hát xuống chiếc ghe chài to lớn đi lưu diễn tại chợ tỉnh lÿ hay các quận huyện trù phú. Thời gian nầy dân chúng say mê hát bội vì chỉ có hát bội là nguồn giải trí cho mọi nơi nhưng đến thời gian khoảng trước năm 1930, từ bên Tây đưa qua loại xi nê đen trắng và phong trào âm nhạc, kịch nghệ Âu Tây được giới thanh niên hâm mộ nồng nhiệt. Trong Nam có nhiều công tử con đại điền chủ hoặc các ông nhà giàu theo trào lưu mới và biết sự hâm mộ của dân chúng nên qui tụ đào kép để lập gánh hát mà dân chúng gọi là hát Cải lương. Việc dễ làm nhứt là họ tìm đào kép các đoàn hát bội đang sống ngoắc ngoải về tập dượt uốn nắn theo điệu cải cách, pha giọng Hồ Quảng, hát hò đủ giọng Xàng Xê, Bình Bán, Kim Tiền, Giang Tô...để thành lập gánh. Các đoàn cải lương lại mua thêm mũ áo, xiêm y, có vẽ thêm phong cảnh màu mè nên được dân chúng thành thị đua nhau đi xem làm các gánh hát bội chỉ còn lưu diễn để sống èo uột trong làng mạc xa xôi. Những đoàn hát lớn còn gọi là đại ban như đoàn Phước Long Ban đóng đô thường trực tại rạp Thành Xương, gần bên đình Cầu Quan, đường Yersin, gánh Tân Hưng của cô Hai Nhỏ diễn thường trực tại rạp Phú Nhuận, ban hát của Cô Ba Ngoạn diễn quanh năm tại rạp Chợ Đũi, gánh của Thầy Chánh hát đêm ngày tại rạp Palikao trong Chợ Lớn...Vài đại ban danh tiếng có ông Nhưng giỏi, có đào kép tài nghệ nổi tiếng vẫn sống được ở thủ đô, các đoàn hát nhỏ không dễ gì chen lên được. Tại các tỉnh có các gánh Bầu Cơ, Bầu Tiên ở Cần Thơ, gánh Bầu Giáo tại Châu Đốc, gánh Bầu Tửng ở Mỹ Tho v.v.
Cụ già ngừng nói để hít hơi thuốc, thừa dịp đó Ông Năm hỏi:
- Hồi nhỏ tôi thường được bạn bè giỡn hớt nói với nhau: đi coi hát đoàn Bầu Bòn. Có đoàn Bầu Bòn không hả bác?
Cụ già nhìn ra sông, cười hề hề:
- Đúng vậy, lúc đó có gánh Bầu Bòn chớ. Gánh Bầu Bòn ở Cần Thơ danh tiếng lắm.
- Sao lại là Bầu Bòn? Họ gọi để đùa hả?
- Đâu phải. Đó là tên của ông chủ lập gánh. Ai có tiền lập gánh cũng muốn có tên cho kêu như Đại Đồng Ban, Tấn Thành Ban, Đồng Ấu Ban v.v. nhưng nếu cô đào, ông kép hát nổi danh lập gánh thì lấy tên của mình cho thiên hạ dễ nhớ, nên có gánh tên : gánh Cô Ba Ngoạn, gánh Hề Tÿ, gánh Bầu Tồn, gánh Bầu Thắng của kép Hai Thắng. Còn nhiều lắm tôi không nhớ hết chỉ biết là sau đó vì theo trào lưu cũng như vì sự sống của đào kép, nhiều đoàn phải thay đổi lối trình diễn pha trộn cách hát của mấy nhóm hát Tiều, Hồ Quảng từ bên Tàu sang trình diễn tại Chợ Lớn để đáp ứng lòng ham muốn của dân chúng đang chịu sự đổi thay nầy. Họ hết thích giọng hát đơn điệu, phong cảnh chỉ độc nhứt cái màn thêu rồng phụng xanh đỏ có kim tuyến lấp lánh của hát bội rồi, nhưng gánh Bầu Hành quyết không chuyển nghề.
Như hồi nãy tôi có kể, đoàn Bầu Hành do ông giáo Hành và nhiều vị túc nho làu thông sử sách lại có học, trong đó có ông Hương sư Thơm làm cố vấn. Bấy giờ dân ta chịu dưới ách nô lệ quân Pháp, gặp lúc Vua Thành Thái và Duy Tân bị đày ở hải đảo bên trời tây, thấy vua Khải Định quá lệ thuộc Pháp cai trị, nhưng phong trào Duy Tân yêu nước đã thấm vào lòng dân chúng và dân chúng hướng về triều đình như để nhớ tiếc thời vua chúa ngày xưa nên các chuyện tích của hát bội đáp ứng lòng nuối tiếc đó. Hơn trăm năm nay, hát bội là một nghệ thuật có nguồn gốc dân tộc đã theo đà Nam tiến từ miền Trung, nơi có cung đình, mà vào bén rễ trên đất miền Nam, rồi lại nhờ Tả Quân Lê văn Duyệt lúc làm Tổng trấn Gia Định là người say mê hát bội tận tình nâng đỡ nên khắp Lục tỉnh ai ai cũng say mê thưởng thức. Người dân học sách thánh hiền biết trung với Vua, hiếu thuận với cha mẹ, anh em, nghĩa tín với bạn bè mà các pho tuồng cổ của hát bội nói lên những điều đó. Ông bạn có biết không, gánh hát bội nào cũng thờ ông Tổ hát bội đó là nhớ ơn nguồn gốc, mà buổi trình diễn nào mở màn đều phải ra mắt vua quan bằng lễ khấu bái và khi chấm dứt buổi diễn mỗi đêm thì đoạn kết rất có hậu, có màn kết cuộc là lễ tôn vương. Vả lại nhờ dân chúng lớn tuổi, đa số đều thuộc lòng tuồng tích hát bội dầu là sử của thời Đông Châu hay đời Thương, đời Đường, họ đều nhớ tên Chung Vô Diệm, Phàn Lê Huê, Thoại Ba công chúa, Đào Tam Xuân, Tiết Nhơn Quí, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Dự Nhượng đã long bào, Thần nữ dưng Ngũ linh kỳ v.v. mà nhứt là tuồng San Hậu.
Ông Năm nghe cụ nói đến đâu thấy rõ ràng đến đó, ông không ngờ cụ già câu cá nầy hiểu nhiều như vậy, chỉ biết gật gù: - Dạ phải, dạ phải...
Cụ già hào hứng kể tiếp: Tôi còn nhớ có lần ông Bầu Hành mời các bạn già chung đoàn để bàn về chuyện sống còn của gánh. Trong buổi bàn cãi sôi nổi đó, các cụ nhà nho đều đồng quyết định nên bảo tồn gánh hát, dầu chỉ còn đi diễn các làng mạc xa xôi và hằng năm chỉ diễn cho vài đình làng quen biết. Tôi còn nhớ như trước mắt, lần đó ông hương sư nói giọng run run vì xúc động:
- Chúng ta đều biết sự thay đổi mới sẽ làm đa số dân chúng thích nhưng nên nhớ chúng ta lập gánh để phục vụ một nghệ thuật truyền thống. Chúng ta hát tại đình cốt để cúng Thần, trước là dâng lên Ngài cái hay cái đẹp của vở hát sau là nhắc nhở dân chúng phần nào sự Trung Hiếu, Lễ Nghĩa. Các vở tuồng cải lương cũng có tiết hạnh, lễ giáo nhưng dân chúng đã quá quen thuộc với hát bội, mình thay thế sao đành... Hát bội không cần cảnh trí rườm rà, xảo thuật màu mè, hát bội chỉ lấy tượng trưng làm gốc, nên có người lầm là hát bộ vì tưởng là hát ra bộ tịch. Hát bội từ lâu đã có tánh cách ước định và tượng trưng mà người đi xem đều thuộc nằm lòng như: tùy theo cốt truyện lúc đó, nếu thấy trên sân khấu có kê cái rương lớn, trên để cái ghế đẩu thì biết đó là non cao chớn chở hay đang trên mặt thành lũy uy nghi. Thấy anh kép hát mặc áo giáp, sau lưng có giắt sáu cây cờ lệnh, tay vung vẩy cây roi có cột nhiều chùm vải đỏ đi vòng vòng sân khấu, ngâm nga bài hát khách... biết đó là viên tướng cỡi ngựa ô đang ra mặt trận. Có lúc đang đi, anh ta đứng lại, dơ cao roi run run, một tay che ngang mày, khán giả biết viên tướng đang gò cương ngựa để quan sát quân địch. Một ông lão cầm cây dầm đi trước, phía sau có cô đào nhỏ cũng cầm cây dầm, vừa đi vòng vòng sân khấu vừa bơi bơi, biết là hai cha con đang ngồi thuyền lướt sóng. Bây giờ nếu chúng ta theo trào lưu ca múa có tiếng nói thì con cháu ta sau nầy đâu còn thấy cảnh ông quan già, tay vén râu, tay kia cầm chung gỗ, ngả đầu ra sau để biết ông uống rượu?... chỉ cần giơ cánh tay lên che mặt, kéo qua một chút là biết ông đang chậm lụy khi đau lòng. Cải lương rất nhiều tiếng la hét cười than, trái lại hát bội ít tiếng nói chỉ cần điệu bộ nhưng nếu có nhiều người chê hát bội thô sơ là họ lầm. Các tiền bối chúng ta đã nghĩ chín chắn và bổ sung vẹn toàn những qui ước đó. Ngoài qui ước điệu bộ lại có qui ước về hóa trang. Tại sao tướng nịnh thần không bôi mặt đỏ mà phải bôi mặt xám, mắt có vòng trắng từ chưn mày tới gò má? Chỉ có quan trung can nghĩa đởm mới bôi mặt đỏ son, các vị trung thần thì mặt trắng hồng, môi đỏ, và khi khán giả thấy anh kép xuất hiện, hai mắt có vẻ trùng táo đen trắng nhiều khoang lại có hai chụp vàng lên đôi mắt là biết ngay tên tướng mắt vàng tóc quăn của bên địch. Rồi tới bộ râu: râu năm chòm suôn đuột là quan võ trung thần, râu rìa quanh mép là tướng trung can nhưng nóng nảy, râu rìa loe hoe là tên nịnh thần, rồi lại râu nhọn xệ xệ hai mép là râu của tên nịnh nọt... Ông hương sư xúc động kể một hơi dài mặc dù biết các cụ ngồi đó đều là những người sành sỏi trong nghề nhưng ông quyết bảo vệ cho gánh hát. Sau đó mọi người đều tán thành quyết tâm duy trì gánh hát theo lề lối hát bội không pha lai căng.
Cụ già lại ngừng nói để vấn thuốc. Cụ im lặng nhìn khói thuốc hòa vào gió sông lồng lộng. Ông Năm tôn trọng sự yên lặng của cụ già mặc dầu ông háo hức muốn biết thêm, ông nhẹ nhàng hỏi:
- Rồi sau đó gánh hát sống được không hả bác?
- Thì lây lất qua ngày vì mỗi năm có ba bốn làng mời về hát cúng Kỳ Yên, ngoài ra ghe hát chèo chống theo kinh rạch vùng Đồng Tháp Mười để đem nguồn vui cho bà con nơi đó. Lúc bấy giờ có phong trào khẩn hoang dọc theo vài con kinh đào mà chánh phủ bảo hộ cho xáng múc để nối liền miền Tây với Chợ Lớn. Người dân đến khai khẩn được miễn thuế 5 năm đầu. Ai có đủ tài sức thì khai khẩn vùng ruộng bị ngập nước từ lâu của Đồng Tháp Mười. Chính ông hương sư cũng có khẩn 100 mẫu ruộng trong đó. Ông ham khai khẩn mở mang nhưng vì bổn phận làm làng nên phải đi đi về về không ở luôn trong đó.
Cụ già nhìn ông Năm nói giọng buồn buồn: - Ông Hương sư bây giờ đã ra người thiên cổ nhưng việc khẩn hoang của ông trong vùng đó còn mang kỷ niệm của ông, đó là kinh Ôi Môi, vì ông và bạn bè nhắc nhở nhau tìm hột ôi môi để trồng dọc theo bờ kinh mới đào, để cây ôi môi lớn có tàng lá xanh um làm chỗ nghỉ ngơi tránh nắng cho ghe xuồng qua lại. Đến mùa hoa nở, bông ôi môi nở hồng rực rỡ suốt hai bờ kinh nên được đặt tên trên bản đồ là kinh Ôi Môi. Tội nghiệp cho ông hương sư, khai khẩn cả trăm mẫu đất mà không được hưởng...
- Sao vậy bác?
- Bởi vì thương gánh hát èo uột nên ông và ông giáo Hành phải chắt mót đem tiền phụ giúp nuôi đào kép. Ông hương sư vay tiền Chà để giúp gánh hát và mua phân, giống làm ruộng nhưng vì mấy mùa nước ngập ruộng lúa thất thu, ông không đủ tiền trả nợ nên bị chủ nợ úp bộ mất hết ruộng đất. Bà buồn rầu sanh bịnh chết để lại một gái mói 8 tuổi cho ông nuôi. Ông hương sư quá buồn nên có phần bê trễ công việc làng xã, thừa dịp nầy ông cả CH. làm ông mất chức để hả cơn giận cũ.
Ông Năm bùi ngùi nói theo:
- Tội nghiệp thiệt. Đã chịu cảnh gà trống nuôi con mà lại mất việc, mất đất!
- Đúng vậy. Ông hương sư có học lại giỏi về tuồng tích hát bội nên năm nào ông cũng được mời cầm chầu thưởng phạt gánh đến hát cúng đình mà đáng lẽ chức vụ danh dự nầy phải để ông Cả mới đúng nhưng vì ông ta không biết đánh trống thưởng phạt bị thiên hạ sầm xì, ổng phải nhường cho ông hương sư nên tức lắm. Ông hương sư được đề cử hai năm rồi, năm đó gánh Bầu Hành kẹt hát cúng Thần tại làng khác nên ông Cả mời gánh hát quen. Ông hương sư được cầm chầu mà chính vì việc nầy ông Cả càng mất mặt thêm nên ông hương sư bị báo cáo cho mất chức luôn.
Ông Năm mở bao vải lấy bình nước rót ra ly nhỏ, mời cụ già:
- Bác nhắm giọng cho đỡ khát. Rồi sao mà ông hương sư bị vậy bác?
- Thì tại ông quá giỏi lại giữ đúng cung cách cầm chầu, nay gặp đoàn hát dở ẹt không theo qui ước bài bản nên ổng phạt nặng làm mất mặt ông Cả, mà đoàn do ông Cả mướn về hát là bà con của ông Cả mới thành lập mấy tháng. Ông bạn biết đó, người cầm roi chầu rất quan trọng, phải ăn mặc trang trọng, áo dài khăn đóng mà vẽ mặt lúc nào cũng nghiêm trang cho tới điệu bộ ngồi, biết rành văn chương hát bội, qui ước ra sao, gánh hát mới nể. Phải biết lúc nào đánh tiếng trống thưởng, khi nào gõ tiếng phạt vào thành trống. Rồi thấy diễn viên hát hay, có điệu bộ đúng cách phải biết chầu thưởng bằng mấy tiếng liền như khen tặng, nhưng không nên đánh dồn mà khi đánh tiếng thứ hai hoặc thứ ba thì để roi trên mặt trống cho tự rung làm tiếng trống như kéo dài tiếng chầu ra. Phải đánh chầu theo hơi ca, điệu múa, làm sao cho nghệ sĩ biểu diễn thấy hào hứng thêm, chớ không phải đánh trống khen dồn dập trong khi diễn viên đang ca giống như đánh chận họng, lại làm át mất tiếng của họ khiến khán giả không còn được nghe rõ.
Ông Năm gật gù nói vô:
- Đúng vậy bác ơi. Nghệ sĩ diễn xuất được khen thưởng bằng tiếng trống chầu cũng như lân múa có pháo mới hăng hái...nhưng cái nghề cầm chầu rất dễ bị ghét hơn là thương phải không bác.
Cụ già ngửa mặt cười ha hả:
- Đó đa... Ông bạn nghe người ta nói: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu chớ gì. Bốn cái nghề ngu muội nầy đã được chê từ xưa nhưng vẫn có người thích làm, và nó có nhiều giai thoại buồn vui.
- Bác kể đi bác.
- ừ... giai thoại thì nhiều lắm, tôi chỉ kể chuyện ông cầm chầu bị chưởi xéo và chuyện rộng lượng của Tả Quân Lê Văn Duyệt thôi. Chuyện đầu do ông Trương Vĩnh Ký viết năm 1893, ông viết như sau: Gánh hát đêm đó diễn hay mà ông cầm chầu không biết thưởng phạt đúng chỗ, hai thằng hề ra nói lối, một thằng làm chủ, một thằng làm tớ. Đầy tớ đi cày về, chủ nhà hỏi cày được bao nhiêu? Nó nói chỉ được ít đường cày gì đó, chủ nhà mới nổi thần hung nhiếc nó dở, làm biếng, làm nhác thì nó nói: - Cày ít có phải tại tôi sao. Con trâu nó đi tới đâu thì tôi đi tới đó! Chớ bộ tôi vác nó đi được sao? - Vậy sao mầy không đánh cho nó đi cho mau? Cái da trâu là ông là cha gì mầy mà hòng sợ, mà không dám đánh?.
Nó có ý nói xóc người cầm chầu sao hẹp bụng, không hay chầu hay thưởng. Cái mặt trống bịt bằng da trâu nên ông cầm chầu bị chưởi xéo. Chuyện thứ hai là lúc Tả Quân làm Tổng Trấn Gia Định thành, Ngài cầm chầu đêm hát có kép Hứa Văn thủ vai trung thần bị bọn soán ngôi rượt chạy qua sông. Kép ta cởi cá lướt sóng, hát nam: Giục ô mã qua miền hải ngạn. Công Tiên hoàng tỏ rạng dường non...Họ! Họ!.. Tức thì Ông Tổng Trấn gõ dùi đánh cắc một tiếng lên thành trống. Đó là chầu phạt, vì cá chớ đâu phải ngựa ô đâu mà họ họ. Kép Hứa Văn biết là sẽ phải nằm ăn đòn, nhưng lanh trí kép ta làm bộ thản nhiên hát nam tiếp theo họa may sẽ gỡ được tội phần nào: Họ! Họ! Tưởng đâu ô mã nào ngờ lý ngư. Một loạt trống đánh thùng thùng. Quan Tổng Trấn vừa cười vừa nói lớn: Hay! Hay! Tha tội, tha tội!.
Cụ già và ông Năm cười ha hả, nhưng sau đó cụ già chép miệng ngậm ngùi nói tiếp: Thì cũng vì làm đúng vai trò của người thưởng phạt nên đêm hát tại Đình, có đủ mặt hương chức hội tề đến coi, gánh hát bội vừa thành lập vội vã, không theo đúng bài bản, bị ông hương sư nhịp roi phạt mấy lần không sửa đổi mà tên kép chánh cậy thế ông Cả nên vác hất mặt kênh kênh bị ông hương sư gõ thật mạnh lên mặt trống rồi gõ một hồi dài cắc, cắc vào thành trống. Khán giả đang ngơ ngác, ông hương sư quăng dùi trống lên sân khấu để ra hiệu ngưng diễn, đồng thời ông bước lên sân khấu quay lại nói với mọi người:
- Thưa ban Hội tề, vở hát cúng Thần thì phải tôn nghiêm để Thần thưởng thức và bà con làng xã cũng được vui theo trong mấy ngày Kỳ Yên, vậy mà đào kép gánh nầy diễn quá tệ, đó là khinh thường Thần thánh và bà con nữa. Hôm qua tên kép đóng vai Dư Hồng, đáng lẽ là tướng hạ lược, tướng rùa, dầu có phép tắc nhưng là phép tà đạo, phải đi khom khom, mắt láo liên mới phải, còn cô đào đóng vai Chung Vô Diệm đáng lẽ uy nghi, đôi mắt mở to nhìn thẳng, khi xung trận gặp Dư Hồng, áo trận của nữ nguyên soái phải có chùm bông vải màu đỏ thắt trước ngực và sau lưng giắt 6 lá cờ lịnh, mỗi lần quay mình 6 lá cờ bay phất phới uy nghi. Nào dè cô đào thủ diễn yếu xìu, tướng đi uốn éo sửa bộ, còn tên Dư Hồng thì quá vút vắt... Thiệt không đúng điệu bộ gì cả nhưng tôi biết gánh hát quá mới chưa kinh nghiệm nhiều, tôi khoan dung tha thứ. Nhưng đêm nay bà con cô bác đang xem kép hát đóng vai Địch Thanh. Địch Thanh là một nguyên soái uy nghi chững chạc. Khi đi phải hất giáp như thế nào, ngồi lên ghế hai bàn chưn phải ấn chữ đinh ra sao: bàn chưn trái để xuôi ra phía trước thì bàn chưn mặt phải để thẳng góc như cây đinh mới uy nghi. Đêm qua tôi nghĩ là anh kép nầy chưa thiện nghệ nên tha thứ nhưng khi Địch Thanh nói lối: Cung Thánh chỉ, đáng lý phải cung hai tay trước ngực, rồi lúc nói: bình Nhung, hai ngón tay trỏ về phía nào.. vậy mà anh ta đâu có làm, lại ngồi tréo ngoảy, tay huơ huơ không ăn nhập với lời nói. Tôi xin trả roi chầu không thưởng phạt cho đoàn hát coi thường Thần Thánh và khán giả. Nói xong ông hương sư cúi chào bàn thờ Thần và chào bà con khán giả xong ông đi về nhà luôn. Bà con xôn xao, một số vỗ tay đồng ý sự nhận xét của ông hương sư nên ông Bầu gánh hát phải khoác áo thụng ra tạ lỗi với bà con. Khuya hôm đó ghe hát lui đi. Ông hương Cả tức lắm vì ai cũng biết gánh hát bà con của ông, ông báo cáo với chủ quận là ông hương sư muốn phá buổi cúng đình lại thêm bè đảng của ông Cả về hùa, thế là ông hương sư lãnh tờ mất chức. Ông hương sư không buồn vì quá biết chuyện bè đảng ở hương thôn, ông bèn theo gánh Bầu Hành đi lưu diễn. Ông chỉ có một con gái 8 tuổi nên dắt theo cũng dễ. Lúc đó tôi đã làm ông Nhưng cho gánh Bầu Hành, con trai lên 10 tuổi, vợ tôi là đào chánh của đoàn...
Cụ già ngừng lại, lấy nón lá xuống làm như sửa lại vành nón nhưng ông Năm thấy cụ chùi vội giọt nước mắt đang lăn trên gò má già nua. Ông cụ nói tiếp, giọng buồn buồn:
Gánh hát sống lây lất nhưng ông hương sư vẫn uốn nắn chỉ bảo đào kép và lúc đó hai đứa nhỏ, con trai tôi và con gái của ông cũng ham mê ca hát. Ngoài giờ học, đêm đêm chúng cũng xin đóng những vai nho nhỏ như làm thể nữ hoặc quân cầm cờ hiệu. Ông bạn biết hát bội có cảnh núi rừng rậm rạp? Lúc đó vài tên quân nhỏ cầm mỗi đứa một cây sào có cột chòm lá cây, quơ quơ, reo hò, khán giả hiểu đó là cánh rừng đang có đám quân mai phục. Còn cảnh ông Vua hay quan Thừa tướng đi Loan xa, Phụng tán? Đó là cô gái nhỏ cũng bôi mặt son phấn, hai tay cầm hai lá cờ màu hồng nằm ngang, đi sau ông Vua. Bà con biết đó là Vua đang ngồi xe rồng.
Chúng tôi sống chật vật nhưng vẫn hy vọng đào tạo cho hai con trở thành diễn viên giỏi sau nầy nên lấy đó làm vui chờ tương lai sáng sủa hơn thì mùa Thu năm đó, cuộc chiến đánh đuổi thực dân Pháp để giành độc lập của dân ta nổi lên, dân thành thị chạy về thôn quê tản cư. Gánh hát cũng bềnh bồng theo cuộc chiến mà tản cư hết nơi nầy đến nơi khác. Có những ngày chiến tranh ác liệt, quân giặc càn quét dữ dội, người dân chạy sâu vào đồng ruộng xa bờ sông, không còn làm ruộng nương gì được, gánh hát càng thiếu hụt hơn. Một vài nơi quân viễn chinh Pháp chưa dám tới, người dân thành thị tản cư đến tạm dung thì lúc đó gánh hát giúp họ giải trí nên gánh hát có tiền, nhưng những ngày tháng chạy sâu vào vùng hẻo lánh quá nghèo, bà con không có tiền mua vé, gánh hát cũng chịu đổi vé vào cửa bằng mấy trái bầu, vài trái dừa, nải chuối, buồng cau để sáng hôm sau chị tổng khậu, người nấu cơm cho gánh hát, đem ra chợ họp lèo tèo vội vàng ở đầu vàm đổi lấy gạo đem về nấu cho cả gánh cùng ăn...
Nói tới đây, đôi mắt cụ già nhìn ra xa. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng mai đã có phần nóng. Chiếc bắc từ phía bên kia Cao Lãnh chậm chậm cặp bến, cụ già ngừng kể để nhìn đám đông hành khách lên xuống. Khi đám đông đã thưa dần, cụ nói tiếp:
- Nhưng mà phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, hôm đó chiếc tàu lồng cu của bọn Pháp cướp nước đến chỗ gánh hát đang dừng chân..
Ông Năm hỏi:
- Tàu lồng cu là tàu gì vậy bác?
- À, đó là loại tàu chở lính của Pháp rất lớn chạy trong sông rạch để bố ráp, gọi là tàu binh nhưng vì tầng trên của tàu có phòng chỉ huy bốn bên bọc kiếng như cái lồng nuôi chim cu, dân chúng kêu là lồng cu, trước mũi và sau lái có trí hai ổ súng đại bác mà nòng súng bề ngang tới 7 phân rưởi, gọi là súng cà nông xoa-xăng-ken, bắn rất xa, độ tàn phá dữ dội, nhà gạch cỡ nào cũng bị phá thủng. Loại tàu nầy chạy mau, chở cả 7, 8 trăm quân Lê dương, lính da đen Phi Châu nên dân chúng sợ lắm. Tụi nó thèm đàn bà còn bọn lính bạt-ti-giăng thì tham tiền của, bắt gà, lùa heo, nên nghe tin có tàu lồng cu tới là cả làng phải chạy vô trong đồng xa để đàn bà con gái tránh mấy đám quỉ sống đó. Kỳ nầy không may cho dân làng, ngoài chiếc tàu chở tiểu đoàn lính, trên trời còn có máy bay bà đầm già nên dân chúng chạy vô đồng cũng bị đuổi theo. Đào kép gánh hát bỏ ghe chạy theo dân, tôi và vợ con chạy với cha con ông hương sư. Đang lúc hãi hùng thì tôi bị thương ở chưn bất tỉnh không biết trời trăng gì hết. Khi tỉnh dậy thấy đã được băng bó, nằm trong đình, hai đứa nhỏ mếu máo bên cạnh. Hỏi ra mới biết tôi bị thương nặng ở chưn, vợ tôi và một số dân làng bị đạn lạc chết, ông hương sư với nhiều nông dân bị bắt đi mất. Sau nầy dân làng về nói lại mới hay ông hương sư có ăn học lại biết tiếng Pháp nên cãi lý với đám quân lính Lê dương nên từ đó không thấy ông trở về.
Ông già bùi ngùi sụt sịt. Lần nầy ông không che giấu giọt nước mắt tràn trên gò má sạm nắng, chỉ cuối mặt nhìn dòng nước trôi đước cầu phao để không ai nhìn thấy. Ông Năm cũng buồn lây với chuyện thương tâm của đoàn nghệ sĩ sống bằng gạo chợ nước sông. Một lát sau ông già tiếp tục nói như để hả cái buồn thương mà từ lâu ông giấu kín:
-Sau đó bà con trong gánh cùng bà con trong làng vội vã chôn vợ tôi và đưa tôi ra bệnh viện Sa Đéc với hai đứa nhỏ... Tôi bị cắt mất chưn trái tới đầu gối.
Ông Năm ngạc nhiên: - Ủa vậy mà tôi đâu có thấy?
Cụ già cười mếu xệch miệng, nói:
- Trước kia tôi phải đi bằng một giò, khó khăn lắm. Mới mấy năm sau nầy tôi được tặng cái chưn giả dễ sử dụng như thật nên ít ai biết.
- Hai đứa nhỏ bây giờ ra sao hả bác? Chắc cô cậu đã lớn rồi?
- Đúng vậy. Lúc đó đời tôi gắn liền với hai đứa nhỏ. Con gái ông hương sư đâu còn ai, còn thằng con tôi thì mồ côi mẹ, cha lại một giò... Tôi đưa chúng về nhà đứa em ở Đất Sét, chưa biết làm sao sống vì cơ thể chúng theo đoàn hát nên mảnh mai đâu được bậm trợn như dân ruộng mà chăn trâu mót lúa? Mà ngồi không, ăn bám đứa em nghèo coi sao được. Vả lại từ nhỏ tới lớn, tôi cũng như hai đứa nhỏ sống dưới ánh đèn sân khấu mỗi đêm, tiếng ò... e, tiếng lùng-tùng... xà, tiếng hát nam, hát khách ị...ì...i đã nhập sâu vào trí não, giờ đây ngồi một chỗ, ngứa ngáy lắm. Lúc đó tôi có mang theo được một ít xiêm áo và mão, râu hát bội và cây đờn gáo, tôi nhớ lại những gánh hát sơn đông mãi võ sống bằng nghề hát dạo, múa võ, bán thuốc, tại sao tôi không dẫn hai đứa nhỏ đến chỗ đông người hát giúp vui bà con, biết đâu cũng được chút đỉnh tiền sống qua ngày? Nghĩ là làm.
Ban đầu tôi định sẽ ôm đờn nói thơ Sáu Trọng hoặc thơ Thầy thông Chánh, nhưng nhớ lại bọn lính kín của thực dân Pháp nếu nghe mấy bài thơ nói về sự hiếp đáp dân lành của tụi Tây nên mới có chuyện Thầy Thông Chánh bắn chết tên biện lý dê vợ của Thầy...đây rồi chúng phao vu là tôi chống Tây thì ai nuôi hai đứa nhỏ? tôi quay qua soạn vài đoạn trong các vở hát bội cho hai đứa nhỏ hát, còn tôi đờn phụ họa. Hai đứa nhỏ có máu nghệ sĩ nên nghe bàn như vậy, chịu lắm. Tôi sửa mão áo, xiêm y lại cho vừa chúng nó. Hai lông trĩ trên mão nữ tướng cũng được cắt ngắn lại, tôi tập dượt chúng nó mấy ngày đã thấy khá khá vì đứa nào cũng còn nhớ tuồng lại hâm hở đi kiếm tiền để sống.
Sáng hôm đó, ngày mà tôi không bao giờ quên, là ngày tốt trời. Ba cha con tới bến bắc nầy. Đó, chỗ mô đất ngay đầu cầu sắt xuống bắc là nơi cha con tôi trình diễn ra mắt. Ngày đầu tôi cho chúng hát chuyện Ông Trượng, Tiên Bửu, vì chuyện nầy ai cũng biết, lại vui.
Hôm đó nhằm lúc hành khách chờ chuyến bắc vì kẹt chở nhiều xe nhà binh, còn lâu mới tới phiên xe đò được qua, nên hành khách được chứng kiến gánh hát tí hon của chúng tôi. Mọi người không ngờ đứa bé đóng vai ông Trượng cũng râu dài màu trắng, thắt lưng vải đỏ, còn cô Tiên Bửu môi son má phấn xinh thật là xinh, áo bà ba, quần lụa có cột dây lưng màu hường bay phất phới... Họ kéo lại coi vòng trong vòng ngoài vỗ tay khen từng chập rồi cười ngả nghiêng khi nghe ông Trượng chọc Tiên Bửu:
- Bớ Bửu ơi!
Thấy em còn trẻ... ư...ư...vậy mà lão thương...
Tiên Bửu trả lời bằng lối xướng:
- Bớ ông Trượng!
Ông già... tôi không muốn ông đâu...hờ..ơ..
Ông đừng... cắc cớ... ư...ư...cạo râu.... ư...ưu...đau hàm....à...à...
Hai đứa trẻ như nhớ không khí sân khấu mà bấy lâu nay phải xa, bây giờ được múa, được hát... chúng nó không cần biết nơi đây là sân khấu lộng gió ngoài trời, chúng diễn nhập vai như đang hát cho gánh Bầu Hành. Tôi ôm đờn hòa nhịp theo mà lòng cũng vui lây. Rõ ràng dòng máu nghệ sĩ đang chảy trong chúng tôi!
Đêm đó, ba cha con tôi mệt nhưng rất vui. Hai đứa trẻ mừng rỡ vì thấy mình làm ra tiền bằng nghề nghiệp, bằng mồ hôi của chúng. Tôi nhìn chúng mà thương hết sức. Hôm sau chúng nó diễn đoạn Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu. Con gái ông hương sư mặc áo giáp gọn ghẽ, dầu là chỉ có phần trên áo giáp tôi mang theo được, và để giống như nữ soái, tôi lấy vải đỏ thắt một chùm bông đỏ choàng trước ngực, và nhờ bốn cây cờ đuôi nheo xanh đỏ cam vàng phất phới sau lưng với cái mão kết cườm chớp chớp cắm hai lông trĩ dịu oặt làm cô bé rất oai nghi. Thằng con tôi đóng vai vua đứng trên mặt thành, là cái ghế đẩu, xem nữ tướng Lưu Kim Đính múa thương chung quanh như đang đánh 4 mặt thành. Mọi người có mặt hôm đó tán thưởng hai đứa nhỏ diễn xuất không thua gì đào kép chuyên nghiệp. Họ đâu biết rằng hai đứa nầy một đứa là con ông Thầy cầm chầu, một đứa là con của ông Nhưng! Từ đó ba cha con tôi sống nơi sân khấu lộng gió đó. Hành khách cũng như bà con ở làng xã lân cận đều biết tiếng đàn gáo của tôi cũng như họ quá rành hai diễn viên còn nhỏ mà biết hát đúng điệu bộ nghề nghiệp. Có hôm thằng bé giả gái đóng vai nữ soái Phàn Lê Huê, mặt bôi rằn ri ngồi trên ghế đẩu đập xuống rương khúc cây: cộp! cộp! để ra oai với Thần nữ vào dưng Ngũ Linh Kỳ chuộc tội Tiết Ứng Luông. Con bé làm Thần nữ rất dễ thương. Nó không sợ trầy đầu gối, quì trên chiếc chiếu rách trải trên sân đất mà đi tới bằng hai đầu gối để xin tội cho người thương. Nữ soái ra oai thịnh nộ, Thần nữ phải chịu lép xin xỏ nhưng đôi khi nổi máu nữ Thần ở rừng xanh cũng quắc mắt tức tối... Hai đứa bé hát nhập vai đến nỗi bà con buôn bán ở đó yêu cầu hát tới hát lui. Có nhiều hôm, tài xế thấy hành khách mải mê theo dõi gánh hát tí hon nầy, thúc giục bà con lên xe cho kịp chuyến bắc sắp chạy.
Nhờ Tổ đãi, sau hơn hai năm hát tại bến bắc nầy, được bà con giúp đỡ nên cha con chúng tôi có dành dụm được một số tiền nhỏ nhưng đêm đêm tôi nhìn chúng mỏi mệt say ngủ, tôi buồn lo cho tương lai chúng. Phải làm sao cho chúng đi học chớ không lẽ cứ hát xướng ngoài trời như vầy hoài sao? Càng lớn, con gái ông hương sư càng xinh đẹp. Giờ đây con tôi 12, cô bé lên 10 mà chưa được đến trường học thêm vì ngày ngày phải đi hát tại bến bắc. Một hôm, khi diễn như thường lệ, có một hành khách đi ngang dừng lại coi và sau đó lân la hỏi chuyện tôi. Ông thấy hai đứa bé có tiếng tốt, diễn xuất giỏi, rất triển vọng nên đề nghị đưa chúng lên Sài Gòn cho ông huấn luyện. Thì ra đó là ông thầy đờn danh tiếng Út Trong. Tôi hẹn tuần sau trả lời và đêm đó tôi bàn với hai cháu là phải tìm nơi tiến thân. Lên Sài Gòn có người chỉ dạy lại có đất dụng võ vả lại tụi nó cần phải học thêm chữ nghĩa. Hai cháu háo hức lắm, thế là ba cha con tôi lên Sài Gòn mướn nhà ở tạm tại cầu chữ Y để gần gũi ông Út Trong dạy ca. Mấy tháng sau con trai tôi được nghệ sĩ Thành Công đưa vào đoàn của ông chuyên hát cho Đài Phát Thanh, còn con gái ông hương sư được thầy Út Trong gởi vào đoàn Kim Chưởng. Từ đó tài nghệ chúng phát triển theo tuổi đời. Chúng không còn hát những bài bản ngày xưa mà biết thêm vọng cổ cũng như giỏi về tân nhạc. Có đêm tôi chợt thức giấc nhớ về thôn xóm quê nghèo nơi có mả của vợ tôi vì ban chiều tôi nghe con bé hát:
Ai qua miền quê binh khói....
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi,
Tôi vẫn mơ làng quê yêu dấu,
.........................................
Ôi quạnh hiu, ôi quạnh hiu...
Làng quê thương mến,
Luyến tình quê, luyến tình quê... hẹn sẽ trở về...
Về quê xưa, để sống êm đềm giấc mơ...
Về quê xưa, để sống những ngày đã qua...
Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre,
Xa lánh cuộc đời khắt khe... trăm đau... ngàn thương....
Thương nhớ thì thương nhớ nhưng các cháu ở Sài Gòn đã có tương lai nên chúng tôi không trở lại quê nghèo với sân khấu giữa trời lồng lộng gió sông Tiền.
Mấy năm sau, tôi với nghệ sĩ Thành Công và thầy Út Trong mời các bạn bè quen thuộc trong giới cầm ca, tổ chức lễ thành hôn cho đôi trẻ vì lúc đó con gái ông hương sư đã nổi danh và xinh đẹp. Hai đứa sống với nhau từ nhỏ nên quyến luyến nhau lắm, tôi nhìn chúng nó mà thấy hạnh phúc đã đến với chúng tôi, chỉ tiếc hai cháu theo nghề hát bội của cha mẹ không được, phải chuyển nghiệp cầm ca. Có nhiều đêm nhìn lên bàn thờ ông hương sư và vợ tôi, tôi nói nhỏ: Ông hương sư ơi, nghề nghiệp hát bội của chúng mình vẫn còn rạng rỡ, vẫn được các giới lớn tuổi hâm mộ qua các đại ban Bầu Thắng, với các nghệ sĩ lừng danh như cô Cao Long Ngà, cô Năm Đồ, cô Ba Út... các bạn Thành Tôn, Thiệu Của, Minh Tơ, Thanh Tòng v.v. nhưng đám nhỏ phải theo trào lưu rồi. Xin ông và bà nhà tôi thứ lỗi tôi sao không rán duy trì nghề hát cổ truyền? Tôi muốn lắm nhưng nếu ông chứng kiến sự đổi thay của các gánh hát sau nầy, chắc ông sẽ ngơ ngác khi nghe bài vọng cổ giao duyên với tân nhạc... lại được đa số người chịu lắm ông ơi.
Rồi như ông bạn biết, sau năm 1975 nhiều người vượt biển đi nước ngoài trong đó có hai con tôi. Chúng có năn nỉ tôi đi theo nhưng tôi đâu nỡ bỏ mồ mả vợ tôi và bàn thờ ông hương sư. Tôi ở lại nơi nầy để đón biết tin chúng nó sống đầy đủ trên đất tạm dung và vẫn theo nghiệp ca hát nhưng theo tôi biết chúng chỉ hát những bài ca quê hương chớ đâu có sân khấu hát bội nào để mà múa thương, đá giáp. Chúng nó viết thơ về năn nỉ tôi qua cho chúng báo hiếu. Khi thấy tôi nhứt quyết không bỏ mồ mả ông bà, chúng gởi tiền về giúp đỡ nên tôi không còn phải lo sinh kế.
Vừa lúc đó có cá cắn câu, cụ già giựt lên một con cá mè vinh vảy bạc lấp lánh. Cụ già liếc về phía trên cầu sắt, nói giọng hào hứng:
- Má con thằng Mót hôm nay có cá ngon để nấu canh rồi đây.
Cụ già ngừng lại vấn thuốc, đôi mắt nhìn chiếc bắc đang từ từ cặp bến. Đông đảo hành khách chen nhau lên bờ để mau chân theo xe của mình. Đám người đủ các hạng già trẻ bé lớn, quê mùa và thành thị với áo quần nhiều màu lẫn lộn đã tan dần theo khói xe... Cụ già nhìn theo thở dài. Cụ già nhìn tôi nói:
- Chắc ông không hiểu tại sao mỗi ngày tôi thích ngồi chỗ nầy? Tôi ngồi đây để được nhìn lại cái sân khấu nhỏ bé lồng lộng gió sông mà ngày xưa đã bao bọc, nuôi sống ba cha con chúng tôi. Có nhiều lúc tôi như nghe đâu đây lời hát, tiếng ca của chúng nó hòa với tiếng khen tặng, tiếng vỗ tay của vòng người bao quanh... Chỉ tiếc là giờ đây không còn cảnh nầy nữa. Hành khách phải chạy mau cho khỏi trễ xe cũng như họ đang sống hối hả vì thời kinh tế nầy, chắc gì họ có thì giờ đứng lại xem hai đứa bé nghèo trình diễn như ngày xưa....
(Sẽ xuất bản cuối năm 2000)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn