5-Giảng về đời Thượng-Ngươn

18 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 37138)
5-Giảng về đời Thượng-Ngươn


 

Như chúng ta đã biết : tiếng sấm nổ làm cho núi tan vỡ, đền đài châu ngọc hiện ra, đã là một hiện-tượng không ai ngờ, nhưng ngoài hiện-tượng ấy, còn nhiều điều kỳ diệu nữa là sự thay hồn đổi xác của chúng-sanh, tuỳ căn hạnh mà thành Tiên, thành Phật. Về hiện-tượng này ông Thanh-Sĩ có viết :

Chúng-sanh được thay hồn đổi xác,

Tuỳ thiện-căn làm Phật làm Tiên.

Đó mới tri rõ việc cơ-huyền,

Trong bá tánh bình yên vô sự.

Chẳng những được thay hồn đổi xác mà còn phản lão hoàn đồng nữa :

Long Hoa Hội xem vào quí báu,

Phật Thần-thông phản lão hoàn-đồng.

Kim liên đua nở núi sông,

Hào quang Phật rọi dặm hồng ngũ vân.

Ngày ngày được hầu gần bệ ngọc,

Rất toại lòng mưa mốc gội nhuần.

Và được như thế là nhờ phép mầu của Phật :

Đến khi náo loạn quỉ tà,

Có bầu linh-dược của Bà cứu cho.

Một khi đời Hạ-Ngươn được giải-thoát, tức là đi đến đến đời Thượng-Ngươn an-lạc :

Đời Ngươn-Hạ một lần giải-thoát,

Cảnh Thượng-Ngươn an-lạc nhà nhà.

Và đây ông Thanh-Sĩ cho chúng ta biết về đời Thượng-Ngươn tốt đẹp mà mọi người đều mong ước. Trước hết ông Thanh-Sĩ cho biết đời Thượng-Ngươn là một đời mà khắp thế-giới đều an-cư lạc-nghiệp, cách ăn thói ở đều khôn ngoan, không có cảnh gái trai lăng loàn :

Khắp thế-giới an-cư lạc-nghiệp,

Đời Thượng-cổ giữ theo nề-níp,

Cách ăn ở bặt thiệp khôn ngoan.

Cả gái trai chẳng có lăng loàn,

Bỏ thói mới văn-minh cặn-bã.

Con người ở thời-kỳ này đều là hạng tài ba, từ ngoài đường cho đến trong nhà đều an-hoà, thuần-phong mỹ-tục:

Tu cho sống sót mà coi,

Coi người Thượng cổ hẳn hòi tài ba.

Dựng lên quốc-tịnh dân hoà,

Ngoài đường mỹ-tục trong nhà thuần-phong.

Chẳng những đời sống xã-hội Thượng-Ngươn được mỹ-lệ mà còn hoà-hợp nhau không có tư riêng, dẫy đầy châu báu cho đến của rơi không người lượm:

Hoà hợp nhau chẳng có tư riêng,

Đời bình-trị nhà không đóng cửa.

Giữ thức lệ cách ăn thói ở,

Chẳng lưu-manh gian-trá mị dân.

Đời dẫy đầy báu ngọc châu trân,

Không có kẻ gian thần dòm ngó.

Đức Thánh Chúa như trang vua Võ.

Trị vì dân lớn nhỏ an-cư,

Nhờ từ-bi Phật xuống phước dư,

Cho bá tánh được câu hạnh-phúc.

Con người thì thanh nhàn thong-thả, phải chăng khỏi cần lo miếng ăn vật uống, vì ngoài đồng đã có lúa trời mọc sẵn như ông Ba Thới cho biết, cho nên tiêu-diêu tự-tại, ngao-du bốn biển năm hồ :

Đời nay nặng việc thuế sưu,

Thượng-Ngươn thong-thả oán cừu cũng không.

Nghêu-ngao rao Bắc hò Đông,

Trầm ngâm như gã Tử-Phòng sáo tiêu.

Năm hồ bốn biển tiêu-diêu,

Vui vầy đất Thuấn Trời Nghiêu khoẻ lòng,

Ở ăn trên dưới giữ đồng,

Thánh-quân nhiếp chánh thời thần thuận trung.

Ông Thanh-Sĩ cho biết Thánh-Vương ở đời Thượng-Ngươn sẽ noi theo gương của vua Nghiêu vua Thuấn mà trị dân, cho nên đời ấy rất hiền-đức:

Đức Thánh-Chúa noi theo Nghiêu-Thuấn,

Đời an khương gầy dựng tôi trung.

Khắp thần dân hưởng sự thung-dung,

Cả muôn họ vui mừng hả dạ.

Đời hiền-đức gìn theo phong-hoá,

Khắp hoàn-cầu một dạ yêu nhau.

Mà sở-dĩ khắp hoàn-cầu đều một dạ yêu nhau, hoà thuận nhau, là vì ở đời Thượng-Ngươn, tam-giáo qui nguyên, các nước đều tu có một đạo, cùng một lối giáo-dục như nhau. Chính nhờ đó mà xã-hội Thượng-Ngươn sẽ được thái-bình vĩnh-viễn cả mấy muôn năm:

Lập đời Thượng-cổ huy-hoàng,

Dưới trên hoà thuận gia-đàng ấm no.

Mùi bát-nhã thơm tho khắp chốn,

Tam giáo đều một bổn thuỷ nguyên,

Thánh tài xuất thế bình yên,

An bang tế thế vô biên trí mầu.

Khắp thiên hạ cúi đầu khâm phục,

Cả hoàn-cầu giáo-dục như nhau.

Đại-đồng bác-ái thanh cao,

Phật Trời phân định nước nào cũng tu.

Thương lẫn nhau không thù không oán,

Xớt ngọt bùi giới-hạn nào phân.

Sạch lòng chẳng chấp ngã nhân,

Trên vua ngay thẳng dưới thần cúc cung.

Trong gia-đạo ngoài cùng lân quốc,

Nhường nhịn nhau ở thật ăn ngay.

Đâu đâu thạnh trị trong ngoài,

Từ trên nhân vật đến loài cỏ săn;

Cũng được hưởng gió trăng đằm ấm,

Vẻ tươi cười đượm thắm hoa xinh.

Về vấn-đề tam-giáo qui-nguyên, chúng ta cũng đã thấy ông Ba Thới nói tới với những câu :

Qua ngày sau không miễu không đình,

Hội-tề công sở nhứt tình quốc-gia.

Nước Tây Phiên nhà thờ không cha,

Niệm Trời niệm Phật quốc-gia an-hoà.

Mười tám nước như con một nhà,

Đều thời niệm Phật Di-Đà công phu.

Như thế chúng ta đủ thấy rằng ông Thanh-Sĩ nhận-định huyền-cơ, nhứt nhứt đều phù-hợp với sự nhận định, tiên-tri của ông Sư-Vãi Bán-Khoai, ông Ba Thới và Đức Huỳnh-Giáo-chủ, nghĩa là cả phái của Đức Phật-Thầy Tây-An.

Ông Thanh-Sĩ cũng như mấy Ngài trong phái Phật-Thầy, cho biết thế nào người đời cũng sắp đến cơ tận-diệt và hội Long-Hoa sẳp mở ra để chọn người hiền đức, lập đời Thượng-Ngươn, nhưng định ngày giờ chừng nào Hội Long-Hoa mở ra thì không ông nào dám nói. Tứ-Thánh đã than: “Thiên-cơ bất lậu”. Đến ông Thanh-Sĩ, ông cũng thú nhận là không dám bàn:

Thiên-cơ đây chẳng dám bàn,

Chỉ đem ý nghĩ phổ troàn vậy thôi.

Mặc dầu ông không dám định ngày giờ, nhưng ông luôn luôn nhắc cho người đời nhớ rằng: Thế cuộc đã cận lắm rồi, không còn lâu.

Ngày nay thế cuộc hầu gần,

Rán mà để dạ ân cần chùi lau.

Hay là:

Từ đây đến việc không lâu,

Tu đừng mạnh yếu nạn sầu bên lưng.

Và muốn cho người đời nhận-thức ý-nghĩa của những danh-từ “hầu gần” hay “không lâu” đó thế nào, ông không ngần-ngại mà ví nó như trái chín mùi muốn rụng :

Chín mùi trái nọ muốn rơi,

Mà còn chim chuột khuấy chơi lỡ-làng.

Hoặc giả:

Đời nay như trái chín mùi,

Sao còn lắm kẻ ham vui lợi quyền.

Và đây là một tin quan-trọng mà ông báo trước cho người đời sớm liệu lấy thân, tu hành tinh-tấn :

Than ôi ! sắp khởi ngòi chiến quốc,

Vận Nam-bang quả đất Trung-Ương.

Và đây là một bài thi khoán-thủ, có ý-nghĩa thức tỉnh người đời mà ông đã thân tặng một vị bác-sĩ nọ ở Saigòn :

Trong trần khởi động cuộc phong ba,

Hai lẽ trầm thăng với nghịch hòa.

Ngàn việc cao sang như ảo mộng,

Năm điều giới-luật tợ châu sa.

Tận kim bởi quả kim điêu-xảo,

Thế cổ vì nhân cổ thật-thà.

Đến lúc châu nhi huờn phục thỉ,

Nơi nơi hãy tỉnh giấc Nam-kha.

Ông Thanh-Sĩ cho biết với câu khoán thủ: trong hai ngàn năm Tận-Thế đến nơi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn