5-Giảng về các tai-biến

15 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 33582)
5-Giảng về các tai-biến

 

Cũng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới, Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng nhận Hội Long-Hoa là một trường thi lập ra để chọn người hiền đức. Bởi thế muốn đi đến Hội Long-Hoa, có mặt trong Hội Long-Hoa không phải là một việc dễ, vì người có mặt trong Hội Long-Hoa hẳn là người hiền mới được :

Trở chơn cho kịp Long-Hoa,

Long-Hoa có mặt ấy là hiền nhơn.

Có mặt trong Hội Long-Hoa đã là một việc khó, thì Hội Long-Hoa chẳng phải lập lên trong một sớm một chiều hay lập lên trong cảnh thái-bình. Vốn là một cuộc lọc lừa để chọn con Tiên cháu Phật, cho nên được đi đến Hội Long-Hoa, con người phải trải qua bao nhiêu biến-thiên nguy khốn, trong sự chuyển xoay trái đất :

Phải chuyển xoay trái đất một bầu,

Đặng lừa lọc con Tiên cháu Phật.

Và sự chuyển-biến ấy, sẽ diễn ra những cảnh thảm sầu khổ não báo hiệu rằng đời đã tới :

Hạ-Ngươn lòng dạ đổi dời,

Bao giờ khổ não đến đời là đây.

Cảnh thảm khổ đã xảy ra ở ngoại quốc, rồi đây nó sẽ diễn đến nước Nam :

Cảnh thảm khổ chiều mai sẽ đến,

Sao dân còn triếu mến trần mê.

Mắt nhìn ngoại quốc thảm thê,

Nam-bang cảnh khổ cũng kề bên tai.

Lời trên đây đã xuất hiện từ năm 1938 trong lúc nước Nam còn yên tịnh. Mặc dầu thấy yên, nhưng Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết trước :

Ai mà biết đặng ngày mai,

Ngày nay yên tịnh ngày mai thảm sầu.

Từ đây gặp cảnh buồn rầu,

Cho người tàn bạo cứng đầu khinh khi.

Và cuộc biến chuyển sẽ đổi thay quá mau, từ giờ từ phút :

Nhìn cuộc thế đổi thay quá gắt,

Máy thiên-cơ mỗi phút mỗi thay.

Ngài khuyên dân-chúng hãy nhìn xem thì thấy :

Thôi thôi cảnh khổ hầu gần,

Ta khuyên dân-chúng ân-cần nhìn xem.

 Như ông Sư-Vãi Bán-Khoai thì cho biết là sẽ có những điềm trời, còn Đức Huỳnh Giáo-chủ thì nhắc cho người đời để ý về mùa tiết, nay cũng đã khác xưa rồi:

Trời giông gió sái mùa sái tiết,

Nằng cùng mưa cũng khác xưa rồi.

Và người đời cứ mãi ước sao đời không tới phứt cho rồi :

Thấy trần thế ai ai cũng ước,

Đòi sao không tới phứt cho rồi.

Nhưng Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết là đã tới rồi mà khi đã tới người đời còn ngơ-ngẩn :

Nay tới nơi khó đứng khôn ngồi,

Lúc đói cơm buồn lòng ngơ-ngẩn.

Dầu vậy cũng chưa mấy thê-thảm, rồi đây sợ khi nhìn thấy phải lạc phách bay hồn, trước cảnh máu sông xương núi :

Khổ với thảm ngày nay có mấy,

Sợ mai sau dòm thấy bay hồn.

Trừ tà gian còn thiện chỉ tồn,

Cảnh sông máu núi xương tha thiết.

Trần với thế bây giờ nào biết,

Chừng nhìn xem hư thiệt mới tường.

Thật vô cùng thảm thương cho lê-thứ :

Thấy thiên-cơ khó nổi yên ngồi,

Thương lê-thứ tới hồi khổ não.

Bởi từ đây sẽ có nhiều cuộc biến đổi dị-kỳ :

Từ đây biến đổi dị-kỳ,

Dương thế chuyện gì cũng có chuyển xoay.

Đức Huỳnh Giáo-chủ còn cho biết rồi đây sẽ xảy ra nào là cảnh người đời đua nhau mà chạy đất cày :

Mai sau nhiều cuộc đất cày,

Đua nhau mà chạy lầu đài cũng xa.

 Và chừng đó khó đứng khôn ngồi vì quá thương nhà tiếc của :

Để sau khó đứng khôn ngồi,

Thương nhà tiếc của biết hồi nào nguôi.

Là vì nhà cửa ấy, nó tuôn trong một giờ là sạch :

Giàu sang như nước trên nguồn,

Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ.

Nào giặc-giã bốn phương nổi lên :

Đến chừng đó bốn phương có giặc,

Khắp hoàn-cầu thiết thiết tha tha.

Nào là nạn đói khổ :

Trong bổn đạo từ đây kim chỉ,

Đói với nghèo sắp đến bây giờ.

Mà một khi nạn đói xảy ra thì người đời phải điêu linh, vì nó kéo dài đến 5 năm sáu tháng :

Bửu ngọc trường quang ẫn tịch kỳ,

Sơn đài lộ vẻ liễu huyền vi.

Kỳ thâm tá giả thi thành thuỷ,

Hương vị âm thầm mộc tuý vi.

Năm năm lục ngoạt cơ hàn thử,

Non lịch đài mây rạng tu mi.

Bảy niên hoà địa nhơn hiền thủ,

Núi ngự Hoàng-san tự Đỉnh-Chi.

Cái nạn đói này, Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết kéo dài cho đến ngày lập đời Thượng-Ngươn mới dứt :

Ngũ niên viễn lự cơ hàn.

Đến chừng qui phục Hớn-Đàng mới yên.

Bởi thế Ngài hằng khuyên những người giàu có :

Kẻ phú quí đừng vong cơm nguội.

Sau đói lòng chẳng có mà dùng.

Cũng như Ngài đã khuyên cả mọi người :

Khuyên trần sớm liệu bắp khoai,

Cháu rau đỡ dạ tháng ngày cho qua.

Về nạn đói, chúng ta thầy Đức Huỳnh Giáo-chủ nhận định như ông Sư-Vãi Bán-Khoai về thời hạn năm năm sáu tháng. Đây là lời của ông Sư-Vãi Bán-Khoai :

Năm năm sáu tháng long đong,

Nhơn dân thiên-hạ mắc vòng gian nan.

Hoặc là:

Năm năm sáu tháng cơ hàn,

Quỉ-vương gây loạn nào an thế trần.

Nào là nạn Quỉ-Vương gây tai nạn cho dân-chúng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai vừa nói trên :

Đạo Quỉ-vương rất nhiều chi nhánh,

Khuyên dương-trần sớm tránh mới mầu.

Để ngày sau đến việc thảm sầu.

Rán nghe kỹ lời Ta mách trước.

Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết là Trời mở cửa cho nó xuống.

Thời-kỳ này nhiều quỉ nhiều ma,

Trời mở cửa Quỉ-vương xuống thế.

Nói rất tinh tường biết cả tên người mà kêu :

Sau Quỉ-vương đi đứng nửa lừng,

Thêm tên tuổi chúng sanh nó biết.

Làm đủ cách xuống lên tha thiết,

Ở ngoài đường nó biết tên mình.

Nào là cửa nhà tan nát :

Khắp thế-giới cửa nhà tan nát,

Cùng xóm làng thưa thớt quạnh hui.

Bấy lâu nay nuôi dưỡng chắt-chiu,

Nay tận-diệt lập đời trở lại.

Nào là cha con, chồng vợ lạc nhau, mà không ai ở :

Cha nọ bồng con vợ khóc oà,

Tan nát xóm giềng khổ dữ a !

Nhà không người ở, ôi ! nói trước,

Nếu chẳng tin lời gặp thiết tha.

Ngoài những tai biến vữa kể, Đức Huỳnh Giáo-chủ còn cho biết nào là nạn ác thú kỳ-hình dị-trạng sát hại sanh-linh đúng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới cho biết. Chúng ta thử so sánh, đây là lời ông Sư-Vãi Bán-Khoai :

Thú sao nhiều thứ dị-kỳ,

Biết sao cho hết khác thì thú nay.

Lớp bay lớp chạy lăng xăng,

Chừng đó cầu nguyện Phật ngừa đặng đâu.

Và đây là lời của ông Ba Thới :

Có hổ lang ác có thú đến nhà,

Hùm tha sấu bắt trẻ già thương ôi !

Còn đây là lời của Đức Huỳnh Giáo-chủ :

Mưu sâu thì hoạ cũng thâm,

Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê.

Hùm beo tây tượng bộn bề,

Lại thêm ác thú mảng-xà rít to.

Các loài thú ấy đều biết bay, đúng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai đã viết :

Hổ lang ác thú muôn bầy,

Lớp bay lớp chạy sau này đa đoan.

Ai mà ăn ở nghinh-ngang,

Đón đường nó bắt xé tan xác hồn.

Mặc dầu là kỳ-hình dị-tượng, nhưng loài thú ấy có tánh linh, biết phân-biệt kẻ hiền người ác. Với kẻ hiền đức thì nó cúi đầu, còn với người hung ác thì nó sát phạt :

Sau kẻ ấy làm mồi mãnh hổ,

Cảnh núi non nhiều thú dị-kỳ.

Nó trọng ai hiền đức nhu-mì,

Sát phạt kẻ bội cha phản chúa.

Nào là nạn binhTrời mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới gọi là âm-binh. Đây là lời ông Sư-Vãi Bán-Khoai nói về âm-binh :

Lại còn một mối âm-binh,

Làm đau nhiều chứng trong mình chẳng an.

Kẻ thời nát ruột nát gan,

Người lại nát thịt tan xương chẳng còn.

Và đây là lời của ông Ba Thới :

Xuất ngôn vô độ hữu âm-binh,

Xử phân bất chánh bất minh khổ đời.

Còn đây là lời của Đức Huỳnh Giáo-chủ nói về nạn binh Trời :

No chiều rồi lại đói mơi,

Dương trần sắp vướng binh Trời từ đây.

Nào là nạn bàn-môn tả-đạo nhiễu hại sanh-linh. Về đoạn này ông Sư-Vãi Bán-Khoai cho biết :

Bàn-môn thả thú rất nhiều,

Kỳ-lân sư-tử lại nhiều thú hung.

Hay là :

Bàn-môn diệu-thuật đa đoan,

Hoá lửa nó đốt muôn ngàn người ta.

Còn Đức Huỳnh Giáo-chủ thì cho biết :

Ai mà Ta dạy chẳng gìn,

Thì sau đừng trách mất tình yêu thương.

Bàn-môn tài phép nào tường,

Kêu Trời giậm đất cũng thì dạ rân.

Nói cho trần-thế liệu-toan,

Chớ theo tả-đạo mà tan xác hồn,

Nó làm nhiều phép nhiều môn,

Bùa mê thuốc lú mê hồn chúng sanh.

Thành binh sái đậu cũng rành,

Nếu tin thì mắc tan-tành về sau.

Nào là nạn Thiên-la địa-võng, ngăn đường đón ngỏ, kẻ hung ác không chạy đâu cho thoát :

Đến chừng đó Thiên-la lưới bủa,

Mới biết rằng Trời Phật công bằng.

Nào là nạn sơn băng thủy kiệt :

Sau đến việc sơn băng thủy kiệt,

Khùng thảm thương bá tánh quá chừng.

Nhìn xem trần nước mắt rưng rưng,

Cảnh áo não kể sao cho xiết.

Nào là nạn Đại Hồng-Thuỷ và lửa Trời cháy rực.

Về đoạn này ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :

Nước đâu ngập lút gò cao,

Lửa đâu dậy cháy lao xao khắp ngàn.

Và đây là lời Đức Huỳnh Giáo-chủ nói về nạn Đại Hồng-Thủy :

Ngọn thuỷ triều nô nức sụt sôi,

Bầu trái đất một phen luân-chuyển.

Và nói về nạn nước và lửa :

Nước kia lửa nọ tưng bừng,

Thảm cho thế-sự lẫy lừng nạn tai.

Trải qua những Thiên-tai Địa-ách ấy người đời chết chẳng biết bao nhiêu mà kể cho xiết.

Ông Sư-Vãi Bán-Khoai mô-tả thảm trạng ấy với câu :

Ngồi trên đỉnh núi cheo leo,

Thấy trong thiên-hạ như bèo trôi sông.

Ông Ba Thời thì cho biết người ta chết đến không ai chôn :

E thân thác chẳng đặng bó bì,

Bây giờ quan quách cô dì chế tang.

Về cảnh-trạng này Đức Huỳnh Giáo-chủ viết :

Lớp đau chết kể thôi vô số,

Thêm tà ma yêu quái chật đường.

Hay là:

Chinh chinh bóng xế về tây,

Đoái nhìn trần thế xác thây ê-hề.

Trong các Thiên-tai Địa-ách, riêng về hai tỉnh Long-Châu (Long-xuyên và Châu-đốc) còn chịu một tai nạn khủng-khiếp của con Long ác-nghiệt.

Trong lịch sử Phật-Thầy Tây-An có đoạn nói rằng;

Một hôm ông Đình-tây, một môn-đệ của Đức Phật-Thầy Tây-An , được lịnh Thầy đi xuống vùng Láng, gặp lúc vợ tên Xinh chuyển bụng đẻ mà không có chồng ở nhà. Ông Đình-Tây thấy vậy chạy lo làm giường và rước mụ giùm. Khi tên Xinh đi bắt rắn bắt rùa ở ngoài đồng về nghe rõ tự sự thì hết sức cảm ơn ông Đình-Tây. Ông này thấy trong giỏ của Xinh có một con sấu con, mũi đỏ có năm giò, thì rất thích bèn nài nỉ hỏi mua. Nhưng vì thọ ơn ông Đình-Tây mới vừa giúp vợ mình sinh đẻ nên Xinh vui lòng biếu con sấu ấy cho ông. Được con sấu ấy, ông Đình-Tây đem khoe với Thầy. Té ra Thầy biết đó loại sấu Thần, nên có bảo ông Đình-tây đem giết, để trừ hậu hoạn. Đã không nghe lời Thầy, ông Đình-Tây lén nuôi con sấu ấy. Được ba năm, con sấu ấy một hôm bò đi mất. Không giám giấu-giếm, ông bèn đem việc ấy bạch lại với đức Phật-Thầy thì ngài chắt lưỡi, rồi cắt nghĩa cho ông Đình Tây biết sau này con sấu ấy sẽ nhiễu hại dân-chúng không biết bao nhiêu mà kể.

Trong Sấm-Giảng của Đức Huỳnh Giáo-chủ , chúng ta thấy Ngài không dứt nói đến tai nạn phải chịu về con sấu năm giò ấy mà dân-chúng miệt Long-xuyên và Châu-đốc kêu tôn là ông Năm Chèo, còn Đức Huỳnh Giáo-chủ thì gọi là con Long ác-nghiệt.

Về con Long ác-nghiệt, Đức Huỳnh Giáo-chủ có chỉ vị-trí của nó và những tai nạn do nó gây ra :

Con sông nước chảy vòng cầu,

Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.

Chừng ấy nổi dậy phong-ba,

Có con nghiệt-thú nuốt mà người hung.

Đến chừng thú ấy phục-tùng,

Bá gia mới biết người Khùng là ai.

Con thú ấy phục-tùng ai ? Đức Huỳnh Giáo-chủ không ngại mà cho biết rằng :

Ta chịu lịnh Tây-phương thọ-ký,

Gìn nghiệt-long đặng cứu dương-trần.

Nên ra đời dạy dổ ân cần,

Khuyên bá tánh vạn-dân liệu lấy.

Và đến chừng đó khắp nơi mới mến yêu Ngài :

Thâu cho được con Long ác-nghiệt,

Thì khắp nơi mới biết mến yêu.

Trong bao nhiêu tay trời ách nước mà người đời phải chịu trong thời-kỳ Hạ-Ngươn này, tuy là vô cùng khốn khổ, nhơn-loại điêu-linh, nhưng chưa khủng-khiếp bằng tiếng sấm nổ, báo hiệu thờ-kỳ chuyển-biến bước qua cõi đời Thượng-Ngươn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn